Nhạc rap đang thay thế nhạc bolero trên màn ảnh nhỏ?

Thứ Năm, 03/09/2020, 15:23
Cùng lúc, hai sân chơi "Rap Việt" và "King of Rap" lên sóng truyền hình, tạo ra sự phấn khích hò reo mới cho công chúng trẻ. Sau mấy năm dày đặc các chương trình nhạc bolero, liệu đời sống giải trí trên màn ảnh nhỏ có được cải thiện từ cú hích của nhạc rap chăng?


Cũng được mang danh là cuộc thi và cũng đề cao tinh thần tìm kiếm tài năng Việt, chương trình "Rap Việt" trên kênh HTV2 - Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và chương trình "King of Rap" trên kênh VTV3- Đài Truyền hình Việt Nam, bước đầu đã thu hút được sự chú ý của đám đông. 

Điều ấy cho thấy một thái độ thẩm mỹ khác đã xuất hiện, hay chỉ chứng minh trào lưu nhạc bolero đã khiến mọi người ngán ngẩm. Một khi âm nhạc chỉ khai thác chức năng giải trí thì nhiều giá trị nghệ thuật cũng trở nên manh mún và chênh chao.

"Rap Việt" vào "King of Rap" đều lên sóng vào tối thứ bảy hàng tuần. "Rap Việt" lúc 20h còn "King of Rap" lúc 21h15. Cả hai đều mua bản quyền từ nước ngoài, và có mô thức tương đối giống nhau. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy thí sinh của chương trình nọ cũng tham dự bên chương trình kia. Chỉ qua một tháng ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ, "Rap Việt" và "King of Rap" gây xôn xao trong đời sống tinh thần người Việt, vì thể loại âm nhạc này vốn không mấy quen thuộc với công chúng phổ thông.

Nghệ sĩ rap Đen Vâu.

Nhạc rap được xem là một phần của hip-hop. Nói cho dễ hiểu, nhạc rap là phong cách truyền tải vần, nhịp điệu và lời nói, thường được diễn tả theo nhịp. Nhạc rap bao gồm ba yếu tố: nội dung, luồng nhạc và sự truyền tải. 

Trong đó, nội dung là những thứ sẽ được nói, luồng nhạc miêu tả vần và nhịp điệu của những gì được nói, sự truyền tải là giọng điệu và tốc độ trong những điều được nói ra. 

Thế mạnh của nhạc rap là ca từ viết theo tiết tấu, chứ không cần có giai điệu hay cao độ. Vậy nên nội dung và phần lời rap sẽ dễ sáng tạo và phát triển hơn so với các thể loại âm nhạc khác. Nhạc rap có mặt từ nửa cuối thế kỷ 20. 

Nhiều người đã thừa nhận DJ Kool Herc là người khởi xướng ra thể loại này. Những buổi tiệc tùng thời học sinh của DJ Kool Herc vào những năm 1970 là nơi bắt đầu cho những ý tưởng mà ông đang phát triển, sử dụng hai bàn xoay đĩa của mình để tạo ra các vòng lặp, chơi nhịp lập đi lập lại, kéo dài phần nhạc đệm của bài nhạc ra. Qua những buổi tiệc ấy, DJ Kool Herc phát hiện được cách nói vần có sức biểu cảm riêng, nên dần hình thành một xu hướng biểu diễn.

Nhạc rap tương đối xa lạ với đời sống văn hóa người Việt. Thế nhưng, nhờ tốc độ công nghệ kết nối toàn cầu, mà nhạc rap được thịnh hành hơn trong giới trẻ. Tuy nhiên, để hiểu nhạc rap không đơn giản. Ngay cả hình ảnh MC Trấn Thành được chọn làm biểu tượng cho chương trình "Rap Việt" cũng chệch choặc. 

Giới chuyên môn phân tích, "hand sign" (biểu tượng bằng tay) của Trấn Thành trên poster "Rap Việt" không phải của nhạc rap, mà là "hand sign" tiêu biểu của rock. Còn "hand sign" của hip hop thì khác. Bản thân "hand sign" của hip hop bờ Tây (West Coast) và của bờ Đông (East Coast) ở nước Mỹ đã phân biệt rồi.

Thí sinh cuộc thi "King of Rp".

Khi cả hai chương trình "Rap Việt" và "King of Rap" khởi tranh, thì nhiều người tiếc nuối khi không chứng kiến hiện tượng rap hiện nay là Đen Vâu có mặt trong tư cách thí sinh lẫn giám khảo. Sự tiếc nuối này cũng có cơn cớ. 

Bởi lẽ, Đen Vâu có đầy đủ đặc điểm của một rapper, như anh tự bạch: "Gia đình tôi từ ông bà đều làm nông, chẳng ai làm nghệ thuật. Tôi tự học rap từ việc nghe và đọc theo những bài rap trên mạng. Sau đó tập tành viết câu rồi thu âm những câu chữ của chính mình. Từ những năm học cấp 3, tôi bắt đầu biết đến nhạc rap và ngay lập tức bị cuốn hút. Bởi vì nó như một thứ gì đó đồng điệu với tâm hồn mình. Rap khiến người ta dốc bỏ được những tâm tư mà những âm nhạc khác không có được".

Gương mặt rap 32 tuổi Đen Vâu không có dự phần với "Rap Việt và "King of Rap", được một nhạc sĩ chuyên nghiệp nhận định: "Đen Vâu không làm được và cũng không làm đâu. Đen Vâu không phải nghệ sĩ rap xuất sắc nhất theo đúng nghĩa của rap. Cậu ấy là rapper được yêu mến nhiều nhất, có tác phẩm phổ biến nhất và đó là cái công rất lớn mà Đen Vâu đóng góp cho rap Việt Nam đương đại. Nó đã nâng tầm để thế giới rap sẽ không còn là sub-culture (nhóm văn hóa) nữa mà dần dần định hình như chủ lưu. Nói thẳng, nếu Đen không phổ cập trong đại chúng như thời gian qua, cùng liveshow rap đầu tiên đúng nghĩa mà cậu ấy làm, chưa chắc giờ này có đơn vị dám dũng cảm đưa "Rap Việt" hay "King of Rap" lên sóng truyền hình".

Vì hai chương trình "Rap Việt" và "King of Rap" chấp nhận cạnh tranh với nhau, nên sự yêu ghét không thể chia đều cho cả hai. Có người thích "Rap Việt". Có người thích "King of Rap". Riêng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì hào hứng với "Rap Việt" vì cho rằng đây là một show truyền hình vui và thú vị. 

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với kinh nghiệm của người sáng tạo, đã cảnh tỉnh: "Các nghệ sỹ hãy cẩn thận dè chừng, vì sẽ có rất nhiều lời mời sau khi chương trình hot. Thật ra khi bạn nổi tiếng, có chỗ nói, có người nghe nó tuy sướng, nhưng nó thiếu những thứ ấm ức để mình có thể đưa nó tác phẩm, sản phẩm của mình. Bởi lẽ, bình thường trong sự cô đơn, con người không biết làm sao chia sẻ với nhiều người, ngoài cách là đưa nó vào sáng tác và trở thành nghệ sỹ".

Hai chương trình nhạc rap vẫn là quá ít so với hàng chục chương trình bolero chiếm lĩnh toàn bộ màn ảnh nhỏ trong suốt mấy năm qua, như "Thần tượng bolero", "Solo cùng bolero", "Tình bolero", "Solo cùng bolero", "Kịch cùng bolero"… và thậm chí là "Duyên dáng bolero". Nhạc rap thay thế nhạc bolero cũng là đổi khẩu vị cho khán giả, nhưng liệu nhạc rap có tạo thành một trào lưu thẩm mỹ không? 

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận quan niệm: "Trước giờ nghệ sĩ chơi thể loại nhạc rap thường là những người rất cá tính. Vậy nên chủ đề họ đưa vào bài đa phần là những chủ đề khá gai góc. Vì thế một số khán giả không quen với thể loại rap sẽ khá "dị ứng" với một số ca từ trong dòng nhạc này. Tuy nhiên sở thích của khán giả là một vòng tròn lặp lại, có thể hiện tại họ thích nhạc rap do tính mới mẻ nhưng để tồn tại được lâu hay mau trong lòng khán giả thì còn tùy thuộc vào các bạn rapper sẽ tận dụng cơ hội và phát triển các sản phẩm của họ như thế nào". 

Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: "Với bất kỳ thể loại nào, âm nhạc vẫn là nghệ thuật và nghệ thuật là văn minh, hướng tới chân, thiện, mỹ. Không có nghệ thuật nào mà mang những tiếng chửi thề, thô bỉ, kích động bạo lực cả. Các bạn rapper trẻ muốn được mọi người ghi nhận thì chính mình phải làm những bài hát có câu từ văn minh, dù đời thường, gần gũi thì cũng không cộc cằn. Hy vọng các rapper thế hệ mới bước ra từ các cuộc thi sẽ cố gắng hơn. Hành trình còn rất dài, thành công là khi những bài hát được khán giả nhớ đến, trân trọng và ta đã làm gì cho nghệ thuật".

Trở thành chương trình truyền hình là cơ hội cho nhạc rap. Để nhạc rap Việt có chỗ đứng trong lòng công chúng, phải tùy thuộc vào khả năng chinh phục của chính các nghệ sĩ. 

Nữ rapper ăn khách nhất hiện nay - Suboi chia sẻ: "Phải tin vào bản thân mình, tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất. Nếu không tin vào chính mình, có lẽ tôi đã làm nghề khác rồi vì tôi cũng cần phải sống mà? Mọi thứ tôi đang làm thật ra chỉ để nuôi âm nhạc và có thời gian để làm thứ âm nhạc đó một cách chất lượng nhất". Tương tự, rapper Đen Vân khá lạc quan: "Nhạc rap là công cụ rất tốt để thỏa mãn cái tôi nên không thiếu những bài tác giả thể hiện cái tôi mạnh mẽ qua những câu từ mạnh mẽ. Đây cũng là điểm đặc biệt của nhạc rap!".

Tâm Huyền
.
.