Nhạc chế cảm thông với nghề shipper bị boom hàng

Thứ Năm, 15/08/2019, 08:14
Boom hàng là một khái niệm mới xuất hiện, đi kèm với các dịch vụ mua bán online. Nghề shipper như sợi dây kết nối giữa chủ hàng và khách hàng, nên vai trò trung gian của họ gánh chịu không ít hệ lụy dở khóc dở cười...


Khi thương mại điện tử thực sự chi phối đời sống dân sinh, thì nghề đi giao hàng (shipper) được hình thành. Tồn tại song song với xe ôm công nghệ, shipper góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của xã hội. Thế nhưng, chỉ riêng tại hai đô thị sầm uất bậc nhất là Hà Nội và Sài Gòn, thì nghề shipper đã phải đối diện với nỗi ám ảnh bị khách boom hàng!

Boom hàng là một khái niệm mới xuất hiện, đi kèm với các dịch vụ mua bán online. Nghề shipper như sợi dây kết nối giữa chủ hàng và khách hàng, nên vai trò trung gian của họ gánh chịu không ít hệ lụy dở khóc dở cười.

Hàng không đúng yêu cầu hoặc hàng kém chất lượng, khách hàng lập tức trút ngay cơn tức giận cho shipper, thay vì khiếu nại với chủ hàng. Tuy nhiên, nỗi bất an đang rình rập các shipper chính là chuyện khách... boom hàng. Nói cho dễ hiểu, boom hàng là hành vi đặt hàng nhưng không chịu nhận hàng, với đủ thứ lý do trên trời dưới đất hoặc… cắt đứt liên lạc với shipper đột ngột.

Hậu Hoàng trong bài hát “Chuyện nghề Shipper”.

Khách boom hàng vì rảnh rỗi sinh nông nổi chọc phá cho vui hoặc vì muốn thử thách dịch vụ của đơn vị cung cấp, thì shipper cũng lãnh đủ. Chỉ cần có một tài khoản giao dịch, khách tha hồ đặt hàng và đòi giao tận nơi. Shipper tự trả tiền hàng và mang đến giao. Khách boom hàng, shipper đành khóc hận, chứ không làm gì được. Đặc biệt, các dịch vụ ăn uống rất dễ bị boom hàng. Tiêu biểu có vài vụ boom hàng gây xôn xao trên mạng, như vụ boom hàng 20 ly trà sữa trị giá 1,2 triệu đồng hoặc vụ boom hàng 10 suất bún chả trị giá 500 ngàn đồng.

Hiện nay nghề shipper nở rộ, ngoài đội ngũ của ba thương hiệu lớn là Grab, Go Việt và Now, còn có hàng chục công ty tư nhân khác đang cùng nhau chia sẻ thị trường. Trước tệ nạn boom hàng, vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Thậm chí, có chủ shop bán thời trang qua mạng đã bức xúc đi phát tờ rơi "Tìm khách boom hàng" có dán ảnh một cô gái ở nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh nhằm cảnh cáo "Boom hàng quá nhiều khiến shipper giao tới giao lui và có ý khiêu khích chủ shop. Làm ảnh hưởng đến công việc buôn bán của chủ shop đáng thương". Nghĩa là tình trạng boom hàng vẫn đe dọa bất kỳ shipper nào, ở bất kỳ địa điểm nào.

Nỗi khổ của shipper, thật may, đã được thông cảm bằng nhạc chế. Nhân vật nổi tiếng trên Youtube là Hậu Hoàng đã tung ra video nhạc chế "Chuyện nghề shipper" thu hút đông đảo công chúng chia sẻ. Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, "Chuyện nghề shipper" của Hậu Hoàng đã đạt 35 triệu lượt xem.

Giới shipper lập tức xem bài nhạc chế "Chuyện nghề shipper" là tụng ca mỗi ngày của họ. Nhạc chế của Hậu Hoàng nói rõ xu hướng tiêu dùng thời đại công nghệ: "Bây giờ ai cũng muốn mua hàng giao tận, nên nhìn xung quanh đâu cũng thấy shipper. Mua một cốc nước cũng xếp hàng đến cả tiếng, nhưng mà khách vẫn kêu ca chờ lâu, xong đòi free ship…".

Nghề shipper liệu có thể tiến tới chuyên nghiệp hóa không? Chưa ai biết được. Trước mắt, nghề shipper tạm thời trưng dụng lao động nhàn rỗi trong cộng đồng. Nếu trở thành nhân viên bộ phận giao hàng chính thức của những công ty thương mại điện tử đã có hệ thống kinh doanh bài bản như Hotdeal, Tiki hoặc Shopee thì may ra còn có chút lương cố định hàng tháng.

Ngược lại, hoạt động giao hàng với tư cách độc lập, thì shipper phải đăng ký vào mạng lưới của một công ty giao hàng nào đó với thủ tục tương đối đơn giản và có chỗ còn đòi cả tiền thế chân. Mỗi đơn hàng giao cho khách, được tính giá theo cự ly xa gần.

Thông thường phí ship thấp hơn giá xe ôm, vì quan niệm chở hàng đơn giản hơn chở người. Nếu công việc hanh thông, mỗi ngày từ 7 đến 10 đơn hàng, sau khi trừ đi xăng xe thì thu nhập của shipper cũng đủ sống. Nếu may mắn, khách hàng boa thêm thì rủng rỉnh hơn… công nhân ở các khu công nghiệp.

Trên cơ sở lý thuyết là vậy, nhưng thực tế nghề shipper cũng không nhàn hạ gì. Dẫu thoải mái về thời gian và làm chủ được tự do cá nhân, nhưng nghề shipper cũng vất vả trăm bề giống bao nhiêu công việc lương thiện khác. Sự cơ cực của nghề shipper được Hậu Hoàng đưa vào nhạc chế: "Hôm nào cũng đi ship sấp mặt đến tận đêm. Đầu tóc thì bết bát, da thì đen hơn bếp than. Hít bụi thay cơm, hít khói xe thay cho đồ uống".

Kinh khủng hơn, ngoài những chịu đựng ấy, nghề shipper còn dè chừng sự cố ngoài ý muốn: "Thi thoảng nổi hứng, các em đặt ship xong, boom hàng cho vui".

Phải công nhận, nhạc chế "Chuyện nghề shipper" của Hậu Hoàng đã thổ lộ được nhiều vui buồn của giới giao hàng và cách ứng xử từ phía những vị khách ưa chuộng mua sắm online. Dựa trên giai điệu bài hát gốc rất sôi động, Hậu Hoàng đã có được sản phẩm giải trí khá thú vị. Hậu Hoàng là một cô gái Hà Nội, năm nay 24 tuổi.

Hậu Hoàng sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm cán bộ, bản thân Hậu Hoàng từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính nhưng chọn lối đi riêng chinh phục khán giả qua các kênh trực tuyến. Vốn là một thiếu nữ nhút nhát, Hậu Hoàng thay đổi từng ngày qua những sản phẩm video phát sóng trên Youtube.

Khởi đầu bằng video nhạc chế "Lép" kể về nỗi khổ của những cô gái ngực phẳng, Hậu Hoàng dần dần tạo được hào hứng cho đám đông qua những video nhạc chế như "Nạn mời cưới", "Những chị đại học đường" hoặc "Tấm Cám chuyện Hậu Hoàng sắp kể". Hiện nay, kênh riêng của Hậu Hoàng đã có hơn 2 triệu khách theo dõi.

Nhiều video của Hậu Hoàng đạt đến con số 55 triệu lượt xem. Hậu Hoàng không có nhan sắc của hotgirl, nhưng có duyên khi diễn hài. Xem sản phẩm của Hậu Hoàng, khán giả có được cảm giác thư giãn và không ít suy tư. Tự tin làm một Youtuber toàn thời gian, Hậu Hoàng đầu tư khá nghiêm túc cho những video nhạc chế của mình, từ kịch bản, chiêu trò cho đến… những đoạn quảng cáo được lồng ghép khéo léo!

Hậu Hoàng ngoài đời.

Hậu Hoàng đã lọt vào top 10 những gương mặt ăn khách trên Youtube tại Việt Nam. Nghĩa là, mỗi sản phẩm của Hậu Hoàng đều được Youtue trả thù lao theo số lượng lượt xem. Thu nhập của Hậu Hoàng không phải con số nhỏ, nhưng cô bình luận một cách khôn ngoan: "Nhiều bạn thổ lộ có thể kiếm được 100- 200 triệu đồng/ tháng từ việc làm Youtuber, thì mình chỉ muốn hỏi là, ôi sao mà các bạn tài thế? Công việc này không phải quá lý tưởng hay màu hồng đâu, sẽ có những sự tự do nhất định nhưng cũng mệt mỏi và vất vả như bất kì công việc nào thôi!".

Hậu Hoàng cũng không nhận mình đã là nhân vật được quan tâm của cộng đồng mạng. Hậu Hoàng giải thích công việc mình đang làm trên Youtube tương đối thoải mái: "Có lẽ do tính mình thích thức đêm ngủ ngày và ít ra ngoài, nên chẳng bao giờ gặp ai. Tính mình cũng nhút nhát nên chẳng bao giờ giao du với người nổi tiếng. Cứ một mình một cõi mà yên vui!".

Cái khó của nhạc chế làm khai thác được yếu tố thời sự và chọn được ngôn ngữ trình bày thật hóm hỉm. Hậu Hoàng làm được điều đó với video nhạc chế "Chuyện nghề shipper". Không chỉ phản ánh được bài toán phải giải đáp thường xuyên của nghề shipper về vấn đề vượt qua thảm họa kẹt xe để đúng giờ cam kết với khách: "Đi Cầu Giấy xuống Nghi Tàm hết nửa tiếng, rồi sao mà kịp giao quay lại tít Nghĩa Tân", Hậu Hoàng còn đưa được chí hướng phục vụ của shipper mà khách hàng phải trân trọng: "Chỉ cần là khách boom, xa nữa xa mãi ta cũng chơi. Dù bụi bặm hay mưa rơi, ta cũng chắc chắn ship đến nơi. Làm việc là phải đam mê, lạc quan và mãi luôn yêu đời. Dù cho chông gai khó khăn, vẫn cứ vi vu đất trời".

Sau hai đô thị lớn Hà Nội và Sài Gòn, nghề shipper sẽ phát triển ở những thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ… Nhạc chế "Chuyện nghề shipper" của Hậu Hoàng cũng là lời nhắc nhở xây dựng văn minh mua sắm online để đẩy lùi hành vi boom hàng.

Tâm Huyền
.
.