Nhà văn Trần Hữu Tòng: Văn chương khởi nguồn từ cái thiện

Thứ Ba, 21/08/2012, 09:31

Nhà văn Trần Hữu Tòng khiêm tốn chia sẻ: "Tôi tự nhận thấy mình không phải người được trời cho cái tài hoa thiên bẩm để làm văn chương như nhiều nhà văn cùng thế hệ khác. Tôi đến với văn học là do cuộc đời gian khổ đào luyện nên mình. Các nhà văn khác có thể quan niệm văn học là những gì to lớn hơn, nhưng quan niệm của tôi thì rất cụ thể, viết văn là viết về những cái thiện trên đời, tôn vinh, ngợi ca cái thiện, cũng là để làm việc thiện".

Cởi mở, nhân hậu, nhiệt tình... là những cảm nhận đầu tiên của tôi về nhà văn Trần Hữu Tòng. Bạn đọc trẻ hôm nay có thể ít biết về ông, bởi ông là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, và các tác phẩm của ông chủ yếu viết về những người lính biên phòng. Trong đời văn của mình, ông đã xuất bản hơn 20 đầu sách, chủ yếu là tiểu thuyết và truyện ngắn như "Bên dòng Păng Pơi", "Bầy cọp núi", "Tín hiệu bình yên", "Cơn lốc rừng thông", "Sau màn sương lạnh", "Dấu vết để lại", "Ngôi sao biên cương", "Đất núi Mường Khương"... và gần như cuốn nào cũng có hình bóng của người chiến sĩ nơi biên cương địa đầu Tổ quốc. Đó luôn là những hình tượng văn học đẹp, như câu thơ ông viết: "Người đi ngàn dặm đường xa/ Mang theo phiên gác trăng tà trong mây...".

Nhà văn Trần Hữu Tòng khiêm tốn chia sẻ: "Tôi tự nhận thấy mình không phải người được trời cho cái tài hoa thiên bẩm để làm văn chương như nhiều nhà văn cùng thế hệ khác. Tôi đến với văn học là do cuộc đời gian khổ đào luyện nên mình. Các nhà văn khác có thể quan niệm văn học là những gì to lớn hơn, nhưng quan niệm của tôi thì rất cụ thể, viết văn là viết về những cái thiện trên đời, tôn vinh, ngợi ca cái thiện, cũng là để làm việc thiện".

Gắn văn chương với chữ Thiện, và chọn một đề tài gần gũi, quen thuộc để xoay quanh, là đề tài người lính biên phòng, nhà văn Trần Hữu Tòng đã tạo nên một sự nghiệp của riêng mình. Sự nghiệp ấy có thể chưa đồ sộ, nhưng nó đủ độ đậm đặc để chứng minh một điều rằng, người cầm bút đã dấn thân và nặng lòng với đề tài mình lựa chọn và đã gặt hái những thành quả đáng kể. Chúng ta vẫn có thể chờ đợi thêm những tác phẩm mới của ông, vì Trần Hữu Tòng là nhà văn có sức viết bền bỉ. Mới đây nhất, ở tuổi ngoài 70 ông cho ra mắt bạn đọc tập truyện ký "Cột mốc lúc nửa đêm" viết về cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt của Bộ đội Biên phòng với tội phạm ma túy. Những trang văn tươi ròng chất liệu thực tế cho thấy bút lực Trần Hữu Tòng vẫn còn sung sức và cập nhật với thời cuộc mình đang sống.

Có hai yếu tố quan trọng để trở thành nhà văn, đó là tài năng và vốn sống. Tài năng là thứ Trời cho, giống như điểm đầu để xuất phát, nhưng nếu không có vốn sống thì người viết mãi mãi chỉ dừng lại ở buổi ban đầu ấy. Trần Hữu Tòng không nhận mình là người tài năng, nhưng ông có một vốn sống lớn làm nền tảng cho những trang viết giàu tính chiêm nghiệm và đầy ắp tình thương yêu với cuộc đời. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh loạn lạc, Trần Hữu Tòng lại phải trải qua một tuổi thơ thiếu thốn tình thương của cha mẹ. Dù được lớn lên trong sự đùm bọc của người bác nuôi, nhưng dường như trong tâm hồn thơ trẻ của cậu bé Trần Hữu Tòng vẫn mang một nỗi buồn cố hữu. Tuổi lên mười ông đã phải theo thuyền ra biển đánh cá, lênh đênh giữa trùng khơi, vật lộn với sóng gió để mưu sinh.

Năm 16 tuổi, chàng thanh niên nghèo quê Hà Tĩnh gia nhập quân đội, xác định gắn bó cuộc đời mình với binh nghiệp. Suốt những tháng năm tuổi trẻ, trong bộ quân phục và phù hiệu màu xanh lá cây, người lính biên phòng Trần Hữu Tòng đã sống và chiến đấu ở những vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc, nơi giáp ranh biên giới Việt - Lào, trên dải đất miền Trung thời tiết khắc nghiệt. 15 năm trong màu xanh áo lính, rồi có đến hơn 20 năm làm phóng viên của Báo Biên phòng và Báo Quân đội nhân dân, Trần Hữu Tòng có cơ hội được đi tới nhiều vùng đất của Tổ quốc. Và mối bận tâm của ông trong các tác phẩm văn chương và báo chí vẫn là cuộc đời của những người lính vùng biên ải. Thực tế chiến đấu cũng như muôn vàn nỗi gian nan, vất vả của người lính đã đi vào những trang viết của Trần Hữu Tòng một cách rất tự nhiên, tạo nên những tác phẩm chân thực và ấn tượng. Trần Hữu Tòng tâm sự: "Tôi có cái mặc cảm của một đứa trẻ trải qua một tuổi thơ thiếu tình thương yêu ấp ủ của cha mẹ. Sau này viết văn, tôi cũng đặc biệt quan tâm đến số phận của những người lính. Trong tác phẩm của tôi, không hiếm hình ảnh người lính là đứa trẻ côi cút trước khi vào bộ đội. Và cho dù họ đi chiến đấu dũng cảm bao nhiêu, thì trong lòng vẫn nặng một nỗi buồn riêng".

Có thể nói những ký ức về tuổi thơ luôn là thứ đeo bám dai dẳng trong cuộc đời của mỗi con người. Trần Hữu Tòng không phải ngoại lệ. Ông kể, những năm tháng là phóng viên chiến trường, ông đã nhiều lần rơi lệ khi nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi không còn cha mẹ. Đó là lần ở vùng địch tạm chiếm Tánh Linh - Quảng Trị, ông gặp một bà mẹ có chồng và con trai bị địch giết, con dâu thì bị kẻ thù mang ra làm trò tiêu khiển cho chó bec-giê, 2 đứa cháu mồ côi không có áo quần để mặc.

"Nhìn 2 đứa trẻ, lòng tôi quặn đau, tôi nghĩ đến các con mình ở miền Bắc, dù nghèo khổ nhưng chúng vẫn được sống trong tình yêu thương của người thân. Tôi lục trong túi những đồng tiền cuối cùng đi mua quần áo cho các cháu". Lần khác, khi chiếc xe chở phóng viên qua cầu Mỹ Thuận, nhà văn nhìn thấy một bà mẹ ngồi xin ăn, lòng ông xa xót như thể đó là người mẹ ruột của mình. Dù xe đã đi qua cầu rất xa ông vẫn day dứt bởi hình ảnh ấy và xin người lái xe quay lại để ông có thể biếu bà cụ chút tiền còn lại trong túi. "Phải như vậy tôi mới thấy nhẹ lòng mà đi tiếp".

Nghĩ về việc Thiện và làm việc Thiện, cũng như viết về việc Thiện… là những điều mà nhà văn Trần Hữu Tòng tâm niệm hàng ngày, hàng giờ. Cho dù khi cuộc sống còn khó khăn hay lúc đời sống kinh tế đã khả giả, con cháu thành đạt rồi thì ước nguyện của ông, ngoài những trang văn, chính là làm việc Thiện. Xuất bản tập thơ, ông dùng toàn bộ nhuận bút của mình để về ngã ba Đồng Lộc dâng lư hương thờ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong. Ông còn trở về nơi chôn nhau cắt rốn, đóng góp để xây dựng đình làng, và chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó, éo le ở bất cứ nơi nào ông gặp. Mới đây nhất, một số trang mạng đưa tin nhà văn Trần Hữu Tòng nhặt được chiếc ví gồm nhiều giấy tờ và tiền trên xe tắc-xi và trả lại cho người đánh mất. Tò mò hỏi ông chuyện này, ông cười nhỏ nhẹ, bảo: "Có gì đâu, chuyện nhỏ ấy mà. Tôi đi thăm nhà văn Cao Tiến Lê về thì tình cờ nhặt được chiếc ví trên xe. Kiểm tra thấy trong ví có hơn 10 triệu tiền Việt, 3 tờ đô và nhiều giấy tờ quan trọng khác. Lần theo địa chỉ của người chủ tài sản trên giấy tờ, tôi đã tìm ra chủ nhân và trả lại tài sản cho họ. Đó là một cặp vợ chồng trên đường đưa con tới bệnh viện cấp cứu, vì vội vàng đã làm rơi chiếc ví trên xe tắcxi. Khi đến nhà tôi nhận lại đồ đạc của mình, họ cảm động lắm, muốn biếu tôi hai triệu, tôi không nhận. Tôi bảo với họ rằng ai gặp sự việc này thì cũng sẽ xử sự như tôi thôi".

Nhà văn Trần Hữu Tòng luôn tin rằng, những cư xử giàu tính Thiện trong cuộc đời sẽ mang lại phước lành cho mỗi người. Ông nghiệm thấy, sau khi làm được một việc tốt, ông luôn gặp được nhiều may mắn. Ví dụ khi đi viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ, ông suýt phải đổi cả tính mạng của mình vì đường xá hiểm nguy và sốt rét rừng. Sau bài viết của ông, liệt sĩ Trần Văn Thọ được Nhà nước phong Anh hùng. Còn ông được vào Đảng, được mang hàm sĩ quan, lấy vợ, có con, có nhà, được đi học lớp viết văn. Nhà văn cũng tin rằng, sự trưởng thành, thành đạt của các con ông hôm nay chính là sự may mắn có được, vì những việc Thiện mà ông và các thành viên trong gia đình đã luôn làm theo, như một nguyên tắc sống.

Nhân nói về chuyện con cái, tôi phải mở ngoặc mà nói rằng, Trần Hữu Tòng là một trong số không nhiều nhà văn có con cái thành đạt, giàu có. Ba người con của ông đều đi du học ở nước ngoài, và khi trở về họ đều là những doanh nhân giỏi giang trên thương trường. Trong đó đặc biệt phải kể đến con gái trưởng Thu Diệp. Chị hiện là Giám đốc một công ty Thương mại thuộc Tập đoàn Hòa Phát, doanh nhân giầu có xếp thứ 28 trong số 100 doanh nhân thành công nhất của cả nước. Nói về sự trưởng thành của các con, gương mặt nhà văn không giấu được niềm vui. Tuy nhiên, trong một vài khoảng lặng giữa câu chuyện, nhà văn Trần Hữu Tòng chia sẻ, nhiều lúc ngắm nhìn các con lái xe ôtô sang trọng, ở nhà đẹp, ông lại ngậm ngùi nhớ về những tháng năm tuổi thơ nghèo khó, người bác nuôi vất vả chăm nuôi mình, người mẹ ruột khổ đau sau này ông đã tìm lại được, song tận đến phút cuối đời mẹ vẫn không có nổi một bữa ăn ngon. Và bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu số phận đang còn chịu nhiều thiệt thòi, đói rách trong xã hội…

Lắng nghe câu chuyện của nhà văn Trần Hữu Tòng, tôi cảm nhận một điều rằng, những trang văn đẹp, lấp lánh liệu có ý nghĩa gì nếu chính những người viết ra nó không giàu lòng trắc ẩn với cuộc đời, biết yêu thương và chia sẻ với số phận con người? Dường như đối với Trần Hữu Tòng, văn chương gần với một nghĩa cử hơn là một công việc. Là sự tri ân với những người đồng đội, những người lính đã chiến đấu và hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc. Là sự tri ân những con người bình thường nhất mà ông gặp hàng ngày - để nhân lên sự Tử tế trong cuộc đời.

Tôi cũng tin rằng, những trang viết giữ được hơi ấm bền lâu trong lòng bạn đọc nhất, chính là những trang viết được người cầm bút thắp lên từ tấm lòng Thiện và tình yêu thương vô hạn với con người…

Bình Nguyên Trang
.
.