Nhà văn Trần Hữu Tòng: Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay…

Thứ Ba, 21/10/2008, 14:00
Trong lễ mừng thọ tuổi bảy mươi của nhà văn Trần Hữu Tòng  được tổ chức ở Khách sạn Hà Nội, con gái, con trai và con rể, mỗi người đến dự bằng một chiếc ôtô Lexux, Mercedes và tương tự, mỗi chiếc trị giá xấp xỉ hai tỉ đồng. Bữa tiệc hôm đó, nhà văn hầu như không ăn uống gì, thậm chí nói cũng chẳng trọn câu, chỉ ngồi lặng yên giữa con cháu, nước mắt rơm rớm hồi tưởng về quá khứ.

Trong số gần một nghìn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, số người có con cái thành đạt, giàu có không phải là ít. Điển hình như nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà văn Trần Hữu Tòng.

Hai con trai của nhà thơ Vũ Quần Phương là Tiến sĩ Khoa học hiện công tác tại Mỹ. Cháu lớn là một nhà Toán học nổi tiếng, và mỗi tháng lương của hai cháu cộng lại là 25.000 USD!

Nhà văn Trần Hữu Tòng có ba con đều tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Trưởng nữ Thu Diệp học ở Liên Xô, cháu Hữu Quân ở Đức và cháu Hữu Quang ở Mỹ. Cả ba cháu đều về kinh doanh phát đạt ở Việt Nam, riêng trưởng nữ Thu Diệp là Giám đốc công ty Ngọc Diệp, một công ty Thương mại và sản xuất thuộc tập đoàn Hòa Phát, với tài sản lên tới hơn 700 tỉ đồng, được xếp thứ 28 trong một trăm doanh nhân thành công nhất ở nước ta.

Trong lễ mừng thọ tuổi bảy mươi của nhà văn được tổ chức ở Khách sạn Hà Nội, con gái, con trai và con rể, mỗi người đến dự bằng một chiếc ôtô Lexux, Mercedes và tương tự, mỗi chiếc trị giá xấp xỉ hai tỉ đồng. Bữa tiệc hôm đó, nhà văn Trần Hữu Tòng hầu như không ăn uống gì, thậm chí nói cũng chẳng trọn câu, chỉ ngồi lặng yên giữa con cháu, nước mắt rơm rớm hồi tưởng về quá khứ.

Trần Hữu Tòng sinh năm 1938 ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nghi Xuân thật giàu có về truyền thống thi ca và khoa bảng với những nhà thơ kiệt xuất như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... cùng bao ông nghè của các triều đại, nhưng lại là một vùng quê nghèo nổi tiếng của một tỉnh nghèo. "

Sỏi núi Hồng, cát sông Lam trộn nhau làm đất", các loài cây, loài quả đều bé thắt lại. Những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bình thường cũng đã phải chịu bao khốn khó của cuộc sống, huống chi Trần Hữu Tòng, do hoàn cảnh éo le của gia đình, mới sáu tháng tuổi, anh đã được bà bác (chị mẹ) đón về nuôi. Chính đôi tay gầy guộc của bà đã bế anh đi bú chực khắp vùng, đến nỗi về sau này, hễ trông thấy bất cứ một người phụ nữ nào cho con bú, anh cũng nghĩ tới mẹ nuôi của mình!

Mặc dù được gia đình bà bác yêu quý, coi như con đẻ, nhưng lớn lên trên vùng quê nghèo đói, anh cũng chịu mọi sự thiếu thốn từ nhỏ, và đã biết làm việc ngay sau khi biết đi. Kể chi những chuyện quét dọn, giặt giũ, kể chi chuyện chăn trâu, cắt cỏ, mười tuổi đầu anh đã biết theo thuyền ra biển đánh cá cùng người lớn để chia sẻ khó khăn với gia đình.

Và năm 1954, mới mười sáu tuổi anh đã đi lính, gia nhập đơn vị bộ đội địa phương Hà Tĩnh. Không biết có phải vì cầm tinh con hổ mà cuộc đời và sự nghiệp của anh gắn bó mật thiết với núi non biên giới đến thế? Sau khi nhập ngũ, anh đã trở thành lính biên phòng, và là một trong những người đầu tiên san núi xây dựng đồn biên phòng và cửa khẩu Cầu Treo. Rồi anh được Quân đội cho đi học văn hóa và một lớp nghiệp vụ báo chí, năm 1959, được điều về công tác ở báo Biên phòng. Anh tâm sự:

- Sau bốn mươi lăm năm công tác, ngoảnh nhìn lại thấy đời mình gắn bó với các vùng biên giới, ngay cả khi không còn thuộc lực lượng Biên phòng. Và không hiểu sao, con số 9 lại bám theo mình chắc thế? Này nhé: Năm 1959 về báo Biên phòng, cũng là năm bà bác nuôi qua đời; năm 1969, về báo Quân đội nhân dân, 1989 chuyển ra công tác ở Bộ Văn hóa, cũng là năm mẹ đẻ mất; năm 1999 về nghỉ hưu!

Với con số 9 kỳ lạ đó, anh không nói ra, chẳng mấy người biết; còn chuyện anh gắn bó với Biên phòng, thì không chỉ bạn bè anh, mà ngay bạn đọc bình thường cũng có thể nhận biết được từ tác phẩm của anh. Đến nay anh đã xuất bản hai mươi tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn mà không có tác phẩm nào vắng bóng người chiến sĩ biên phòng. Ngay tên tác phẩm cũng nói lên điều đó: "Ngôi sao biên cương", "Dấu vết để lại", "Tín hiệu bình yên", "Bên dòng Păng Pơi", "Cơn lốc rừng thông", "Bầy cọp núi", "Cánh rừng và hai vầng trăng", "Bếp lửa đêm rừng", "Phiên gác trăng tà"...

Từ một nhà báo, Trần Hữu Tòng trở thành nhà văn mà tác phẩm bắc cầu từ báo sang văn là truyện về liệt sĩ. Trần Hữu Tòng kể: Năm 1964, Cục Chính trị yêu cầu anh lên đồn Biên phòng Leng Su Sìn, Lai Châu để viết về tấm gương của liệt sĩ Trần Văn Thọ, một chiến sĩ biên phòng sống với đồng bào Hà Nhì, vận động dân bỏ thuốc phiện, định canh, định cư, xây nhà văn hóa và học chữ.

Để đến được địa bàn đó, từ thị xã Lai Châu, anh đã phải đi bộ 14 ngày đường, và đến nơi thì bị sốt rét. Trong ba tháng trời sống với đồng bào Hà Nhì, khi cơn sốt tạm ngưng là anh đi thu thập tài liệu và viết. Khi tác phẩm hoàn thành thì cơn sốt quật anh xuống, không thể gượng dậy được nữa. Người anh tóp lại, da vàng, tóc rụng, người quen gặp lại cũng khó nhận ra.

Cục Chính trị điện lên yêu cầu Lai Châu chuyển anh về xuôi, thì được trả lời rằng bệnh anh khó qua khỏi. Đồng chí Ngọc Châu, Cục trưởng Cục Chính trị dứt khoát: "Các đồng chí cứ cho chuyển về, nếu không qua được thì chúng tôi sẽ mai táng dưới này!".

Khi đưa anh về Hà Nội, trạm xá 254 không dám nhận vì anh đang trong tình trạng hấp hối. Anh được chuyển lên Quân y viện 10. Và may mắn thay anh đã thoát hiểm sau một thời gian dài điều trị. Quyển sách đầu tiên đã được ra đời trong hoàn cảnh như vậy, và chính quyển sách này góp phần không nhỏ để liệt sĩ Trần Văn Thọ được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Trần Hữu Tòng không thích nhắc lại hoàn cảnh éo le của mình thuở thiếu thời, tuy nhiên hình ảnh lần đầu anh gặp mẹ thì anh muốn tâm sự với bè bạn. Năm 1956, sau hai năm làm lính, anh được về phép và bác anh báo tin đã biết nơi ở của mẹ anh. --PageBreak--

Thế là từ Nghi Xuân, anh đi bộ qua Vinh, lên tận truông Hến giáp giới giữa huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn. Đầu truông có một quán nước lợp gianh, có treo lủng lẳng vài nải chuối để bán cho người đi củi vì khách bộ hành rất thưa thớt. Bà chủ quán chính là mẹ anh.

Lúc chưa gặp mẹ, anh định đóng vai người bộ đội ghé quán uống nước để chuyện trò trước đã. Thế mà khi vừa thấy mẹ, anh òa lên khóc, lúc đầu bà cụ không hiểu nguyên do, khi biết được thì hai mẹ con cùng khóc.

Sau khi xây dựng gia đình, anh đưa mẹ ra sống chung trong một ngôi nhà chật chội ở Ngọc Hà. Mẹ anh mất năm 1989, khi mà kinh tế nước ta cũng như gia đình anh còn rất khó khăn. "Cả đời mẹ tôi chưa có một bữa ăn ngon, một ngày sung sướng" - Anh nói, nước mắt rơm rớm.

Mà thời đó, trong gia đình anh, ai cũng khổ. Anh nhớ, cháu Diệp ra đời vào tháng 10 năm 1966, đúng hôm máy bay Mỹ phóng hai quả tên lửa xuống gần Đại sứ quán Rumani. Vợ anh vội vàng ẵm ngửa con sơ tán về quê ngoại ở Ninh Bình.

Sau chuyến đi công tác đồn Biên phòng Cầu Treo về, anh ghé Ninh Bình thăm con thấy bác sĩ đang tiếp nước vì cháu đi ngoài mất nước, có nguy cơ tử vong. Anh nhớ lần ấy quà anh chỉ có mấy phong lương khô đơn vị cấp để ăn đường mà anh cố ý dành lại!

Anh bảo rằng, hiện nay thi thoảng cháu Diệp đánh chiếc Mercedes về đón anh đi chơi hoặc đi dự tiệc, nhìn con gái ngồi một cách tự chủ, sang trọng sau tay lái, là hình ảnh đứa trẻ vài tháng tuổi teo tóp nằm dưới dây truyền dịch lại hiện lên, khiến anh chìm vào hồi tưởng, có khi quên cả việc trả lời câu hỏi của con gái.

Cũng như vậy, lần mừng thọ thấy một lúc bốn chiếc xe sang trọng của các con, anh lại nhớ chiếc xe đạp không còn pê-đan cùng với hai cặp lồng cơm lủng lẳng hai phía ghi-đông mà hai vợ chồng anh đã lai nhau trong mấy trăm trời. Bưng bát súp khai vị, bỗng dưng hình ảnh mẹ anh hiện lên với hàm răng móm mém đang cố nhai mẩu bánh bột mì luộc...

Giống như bản thân tác giả, những nhân vật chính của hầu hết các tác phẩm của anh là những người lính nặng tình gia đình, quê hương, nhưng khi cần, biết gác lại chuyện riêng tư vì nhiệm vụ. Cuối năm 1974, khi đang công tác tại báo Quân đội nhân dân, anh được điều đi B. Xin bạn đọc lưu ý rằng, thuở ấy đi B là đi Nam vô thời hạn và khả năng không trở về là rất lớn.

Chuyện đã xảy ra 34 năm rồi mà anh còn nhớ như in: Vợ anh cho nửa cân chè Thái vào balô và bé Diệp nhét bánh xà phòng Ngọc Lan vào "túi cóc" cho bố. Vợ anh tất tả ra chợ Ngọc Hà xếp hàng mua được một cân thịt thủ (loại thịt chỉ cần 5 lạng phiếu) và mấy bìa đậu phụ theo ô phiếu. Bữa ăn tiễn anh đi, vợ anh nhắc ba con đặc biệt hôm nay nên nhường món thịt cho bố, chứ không như các hôm khác, bố mẹ chỉ nhường hết cho các con.

Ăn cơm xong, bé Diệp mang cặp đi học, ra đến cổng bỗng nó quay lại ôm quàng lấy bố mà khóc: "Bố ơi, bố xin các bác cho bố ở nhà, đừng đi nữa, chúng con nhớ bố lắm"! Vợ anh cắn môi, quay mặt đi, bỗng làm ra vui vẻ, lấy cái máy ảnh phóng viên anh đang mang bên hông, chụp một tấm ảnh kỷ niệm trước khi anh lên đường. Trong tấm ảnh ấy không có cháu Diệp vì khi đó cháu đang bận... khóc!

Sau 15 năm làm lính rồi làm báo Biên phòng, Trần Hữu Tòng về Tòa soạn báo Quân đội suốt 20 năm từ Thiếu úy lên đến Thượng tá, rồi chuyển về làm Cục phó rồi Cục trưởng Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa. Công tác khác nhau ở các cương vị khác nhau, nhưng hồn anh luôn dành cho vùng biên ải. Chính những tác phẩm hay nhất, đẫm chất Biên phòng nhất của anh được viết những năm về sau.

Là một người trung thực, giàu lòng nhân ái, Trần Hữu Tòng vẫn có ít nhiều "chất gàn" của người xứ Nghệ. Trước hôm nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa mời anh cùng một số cán bộ cấp cục lên để hỏi nguyện vọng của từng người. Người thì đề nghị tăng bậc lương, người thì muốn xin cho con vào cơ quan... Đến lượt Trần Hữu Tòng, anh nói... bằng thơ: "Cái gì có, đã có rồi/ Cái gì không có là trời không cho/ Tôi không tính toán so đo/ Coi như đi nốt chuyến đò sang sông". Câu trả lời này nằm ngoài dự kiến của vị Bộ trưởng!

Đã chạm tuổi bảy mươi nhưng Trần Hữu Tòng vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Hôm tiếp tôi trong ngôi nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi ở Láng Hạ, anh mời tôi sắp tới tham gia một chuyến đi công tác dài ngày với lính Biên phòng do anh tổ chức. Tôi nhận lời và thầm nghĩ: Đối với anh, mọi câu chuyện đều dẫn về vùng biên ải, trong khi ở thủ đô, anh có cuộc sống "trên cả tuyệt vời"!

Tháng 9/2008

Vương Trọng
.
.