Nhà văn Trần Đức Tiến: Không phải tôi "thi đâu trúng đấy"
Ông cũng là người rất có duyên với các giải thưởng văn học. "Bộ sưu tập" giải thưởng của ông đến nay đã lên tới con số hàng chục, trong đó có những giải thưởng quan trọng như giải Nhì truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1990), Giải nhất truyện ngắn Báo Người Hà Nội (1986), giải Nhất cuộc thi Tiểu thuyết và truyện ngắn của Nhà xuất bản Hà Nội (1993), Giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2004), giải Nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn và Bộ Giáo dục-Đào tạo (2005), và mới đây là giải Nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức.
Nhu cầu viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Đức Tiến đến hơi muộn nhưng là "nhu cầu có thật và không thể rời bỏ công việc này". Ông quan niệm, muốn có tác phẩm hay cho các em, nhà văn phải có tài. Suốt đời biết cách gần gũi yêu thương các em cũng là một thứ tài năng...
-Thưa nhà văn Trần Đức Tiến, độc giả đã từng đọc và say mê tác phẩm của ông chắc hẳn đều nhận thấy rằng, rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm của ông thường không có tên cụ thể. Họ là những hắn, những gã, những chàng, những M, những P... Ngay cả những địa danh trong tác phẩm của ông cũng có khi là những cái tên mờ mờ ảo ảo, không rõ ràng, không phân định... Với cách gọi tên nhân vật trong tác phẩm của mình như vậy, ông có dụng ý gì?
+ Riêng chuyện đặt tên cho nhân vật cũng có khối điều để nói. Tìm được một cái tên ưng ý cho nhân vật rất khó, khó ngang với đặt tên truyện. Tôi cho rằng tên nhân vật có ảnh hưởng không nhỏ đến không khí của câu chuyện. Truyện thế thì tên nhân vật phải thế, không thể khác. Một cái tên đích đáng có khi còn gợi ý, gợi cảm hứng khi viết… Có những truyện tôi đặt tên rõ ràng cho nhân vật. Nhưng cũng có truyện thấy không cần thiết, vì không muốn gây cho bạn đọc cái ấn tượng là họ đang đọc về một ai đó tách biệt với họ. Đó là khi nhân vật của tôi lẫn vào mọi người, mang nét dáng của nhiều người, có thể là tôi hay bất cứ ai, tóm lại là có xu hướng vô danh. Trong trường hợp như vậy thì chỉ cần một ký hiệu là đủ.
- Ông là một trong số các nhà văn có duyên với giải thưởng. Dường như ông tham dự cuộc thi sáng tác nào cũng đều có cơ hội "ẵm" giải. Với từng cuộc thi cụ thể, người ta hay nói nhà văn muốn được giải thì không chỉ viết hay mà còn phải viết "trúng" cái mà ban giám khảo muốn nữa. Hỏi thật, khi viết tác phẩm dự thi, ông có thường hay "ngâm cứu" thể lệ cuộc thi để viết sao cho vừa hay vừa "trúng" không?
+ Đã dự thi thì không ai không quan tâm đến thể lệ. Ít nhất cũng phải biết người ta yêu cầu thể loại gì, đề tài nào, độ dài bao nhiêu, thời hạn kết thúc và tất nhiên là cả… giá trị của giải thưởng nữa! Nhưng quan tâm đến cả việc làm "trúng ý" ban giám khảo thì khó và mệt lắm. Tôi chỉ cố viết sao cho trúng ý mình. Hay dở thế nào là chuyện của người chấm thi. Và luôn tự nhủ: hay với mình, nhưng không hay với người khác là chuyện vô cùng bình thường. Có khi vì thế mà nhiều người cứ tưởng tôi thi đâu trúng đấy. Thật ra thì tôi cũng đã từng nếm mùi thi trượt không kém ai.
- Phần nhiều nhà văn thành danh thường sống ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Và cũng không ít người quan niệm rằng là nhà văn muốn thành danh thì phải sống ở những đô thị lớn. Là một nhà văn sống và sáng tác ở địa phương, ông thấy có những thuận lợi và khó khăn gì?
+ Tôi thấy không khó khăn mà cũng chẳng thuận lợi gì. Tôi đã từng sống ở Hà Nội không ít năm, và cũng không hiếm cơ hội để có thể sống tốt ở Sài Gòn. Nhưng cuối cùng tôi vẫn có sự lựa chọn thích hợp cho mình. Nơi sinh sống hay quê quán vốn không có nhiều ý nghĩa với chuyện viết lách của tôi. Tôi cũng ít có nhu cầu gặp gỡ, đàn đúm. Thời bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển chóng mặt. Người đông lên. Trái đất như co lại, giữa điểm này với điểm kia chẳng khác nhau, xa nhau bao nhiêu. Thú thật nhiều lúc tôi cảm thấy ái ngại cho một số bạn bè đang sống ở những đô thị lớn. Lợi lộc phù phiếm, mà mệt mỏi với phiền phức thì nhãn tiền.--PageBreak--
- Mỗi khi ngồi lần giở và đọc lại những tác phẩm của chính mình, cảm xúc của ông như thế nào?
+ Khi nào không còn viết được nữa thì có lẽ tôi cũng sẽ ngồi để "lần giở" và "đọc lại". Mà cũng chưa chắc đâu. Cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm giống như thả con cá xuống sông, xong việc của mình, nó quẫy cựa ngụp lặn ra sao là việc của nó. Hiện tại, tôi chỉ chăm chú đọc mình lúc vừa in ra. Chủ yếu để xem có in sai hay bị cắt xén gì không.
- Thời đại hôm nay tràn lan các loại hình giải trí và chúng đang có xu hướng đẩy lùi sự quan tâm của mọi người với sách văn học. Xin hỏi thật rằng, một người viết chuyên nghiệp và đoạt nhiều giải thưởng như ông, số lượng bản in cho một đầu sách mà ông bán được nhiều nhất là bao nhiêu, và con số đó có làm ông hài lòng?
+ Ôi trời ơi… Giá như giải thưởng và sách có thể nuôi sống tôi thì chắc tôi sẽ hào hứng trả lời chị cặn kẽ câu hỏi này.
- Nhân việc ông vừa dành giải Nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp tổ chức, xin được hỏi ông nguyên cớ nào lại khiến ông quan tâm đến việc viết cho các em, khi mà ông đã thành danh ở lãnh địa viết cho người lớn?
+ Tôi không phân biệt văn học theo đề tài, cũng như không coi sáng tác cho trẻ em là công việc chỉ cần làm bằng tay trái. Văn hay cho thiếu nhi cũng oách chẳng kém gì văn hay cho người lớn. Viết cho trẻ em là nhu cầu của tôi. Nó xuất hiện hơi muộn, nhưng có thật. Tôi yêu thích công việc này, và cảm thấy rằng mình có thể làm tốt không kém khi làm cho người lớn. Vậy thì chả tội gì mà không làm.
- Theo ông, một tác phẩm văn học thực sự lôi cuốn được bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay cần hội tụ đủ những yếu tố gì?
+ Có nhiều yếu tố tạo nên sự hấp dẫn. Tôi vừa đọc thấy ở đâu đó ý kiến cho rằng: Viết cho trẻ em không nhất thiết phải "hóa thân" làm đứa trẻ, dùng ngôn ngữ của trẻ; cứ dùng ngôn ngữ của người lớn vẫn có thể hay như thường. Tôi không tán thành ý kiến này. Bởi vì làm như thế là người lớn viết về trẻ con, chứ không phải viết cho trẻ con. Viết cho trẻ con thì trẻ con sẵn sàng đón đọc. Còn viết về trẻ con thì… nên để dành kính biếu các bác người lớn ưa hoài niệm!
Theo tôi còn có 2 yếu tố hết sức quan trọng khác là trí tưởng tượng phong phú và tính hài hước. Trong văn học thiếu nhi của ta (hình như cả văn học người lớn nữa), hai yếu tố này hơi bị thiếu. Ngoài ra, quan tâm đặc biệt đến việc đẩy nhanh tốc độ diễn biến của câu chuyện cũng hiệu quả không kém.
- Trong một bài phỏng vấn, ông từng trả lời đại ý, những năm gần đây chúng ta có ít tác phẩm hay, xứng tầm dành cho bạn đọc nhỏ tuổi chính là kết quả của công việc viết lách thiếu chuyên nghiệp của các nhà văn. Vậy, tính chuyên nghiệp của nhà văn viết cho thiếu nhi, theo ông, được hiểu như thế nào?
+ Việc gì cũng thế, thiếu chuyên nghiệp thì chỉ biết trông chờ vào sự ăn may. Có người nói nhà văn chuyên nghiệp là người có thể hoàn toàn sống được bằng tiền bán tác phẩm. Người khác lại bảo nhà văn chuyên nghiệp sống bằng nghề gì không biết, nhưng phải thường xuyên có tác phẩm ra mắt công chúng. Tôi thì nghĩ: Nhà văn chuyên nghiệp là người gắn bó máu thịt với chuyện viết lách, đến nỗi không viết văn thì không biết làm gì. Và thêm: Nhà văn chuyên nghiệp là người càng viết càng thấy khó.
- Xin cảm ơn nhà văn Trần Đức Tiến