Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Vợ mới của tôi đã khóc rất nhiều khi đọc "Vợ cũ"

Thứ Sáu, 19/04/2013, 08:00

Sau thành công "trên cả mong đợi" về mặt tiếng tăm lẫn doanh thu với tiểu thuyết "Quyên", nhà văn Nguyễn Văn Thọ vừa cho trình làng hai cuốn sách mới gồm tập tạp văn "Vợ cũ" và tập truyện ngắn "Sẫm Violet". Làm nhà - lấy vợ - viết văn là những công việc đang neo chân một nhà văn đã bao năm quen lang bạt xứ người. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

- Chào nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nghe nói anh mới sang Đức, bây giờ  lại thấy anh. Vậy bấy nay anh cứ đi lại như thế, việc sống và viết ra sao?

+ Từ hơn chục năm nay tôi bỏ hẳn làm ăn buôn bán. Từ tuổi "năm chục" trở lên, thiết nghĩ tiền quý thật, nhưng cứ vừa viết vừa lo kiếm sống cũng… mệt. Vả lại cái món nợ đời cứ oằn trên lưng, nên tôi bỏ hẳn làm ăn để viết. Sự đi và về, luôn xê dịch, âu cũng là cái thuận lợi cho người viết. Nó giúp con người ta luôn "động" về thể xác, để quan sát, để chiêm nghiệm và "động" trong suy ngẫm cho khi "tĩnh" ngồi viết thì "minh" hơn.

- Nghe nói, trong nhiều lần trở lại trời Tây, anh đã đem theo hành lý là tiểu thuyết "Quyên" để bán ở bên ấy, cũng được những món tiền to. Chuyện này thực hư thế nào?

+ Chuyện ấy là có thật. Hành lý sang trời Tây người ta thường mang thực phẩm. Tôi dành cho sách và nhờ bè bạn tổ chức các cuộc nói chuyện. Tôi đi nhiều nơi, có những cuộc nói chuyện ở phía Tây Đức, nơi nhiều bà con ra đi từ phía Nam. Dù sang tây với mục đích nào thì thân phận người ta với sự kiếm sống tha hương âu cũng na ná như nhau cả, nên "Quyên" được nhiều người ở châu Âu đón nhận và chính vậy, tác phẩm được tới tay bạn đọc nhanh nhất và tôi cũng được an ủi ít nhiều cả tinh thần lẫn vật chất. Tiền cũng kha khá vì nhiều người cùng cảnh, thương nhà văn mà mua với số tiền trên cả giá trị thật của nó.

- Người ta nói rằng, nhờ nhuận bút của tiểu thuyết "Quyên", anh có tiền xây ngôi nhà mới, sắm sửa tiện nghi để... lấy vợ. Chuyện này nghe có vẻ khó tin trong giới văn chương ở nước Nam ta nhỉ?

+ Thiên hạ đồn chưa chính xác. Số là, khi tôi đang bí tiền xây ngôi nhà mới nho nhỏ chìm trong khu vườn cũ, thì BHD biết nên đã hỗ trợ 50 triệu. Số tiền vượt qua những nguyên tắc làm ăn chỉ tiền và tiền. Nó là tấm lòng chia sẻ của những người làm nghệ thuật mà am tường đời sống đã ứng xử với bè bạn khi lâm nguy hoạn nạn. Còn tiền xây nhà, đa số bè bạn người cho vay, người tặng... Họ cho một kẻ gần 70 tuổi, gần đất xa trời vay là... liều lắm đấy! Tôi nghĩ, "Quyên" có hậu thì tôi cũng may mắn có hậu.

- BHD trả anh một số tiền khá lớn mua bản quyền tiểu thuyết "Quyên". Vậy sao anh không tiếp tục dùng tiền ấy để viết một tiểu thuyết mà có lần anh nói là "đang ấp ủ"?

+ BHD là một công ty "đáng yêu". Trước hết, cả đạo diễn Tất Bình và chị Ngô Thị Hạnh là giám đốc rất hiểu "Quyên". Tiền BHD trả cũng là số tiền khá lớn, và tiền tôi bán "Quyên" cho Nhà sách và tự bán lẻ ngót nghét nửa tỉ, song bạn cứ nghĩ xem, viết "Quyên" 4 năm và 4 năm sau vẫn phải sống với dăm chục bài báo và truyện ngắn, mà nghề viết vốn rẻ mạt... Như vậy, nhà văn vẫn chưa thể là xông xênh được, còn sự viết thì không phụ thuộc lắm vào việc có hay không có tiền. Nó nằm ở sự chứa tới phát nổ của các vấn đề trong cái đầu, của tâm hồn muốn sáng tạo hóa đau khổ và muốn chia sẻ. Tôi đã bắt đầu rất nhiều lần, nhiều hướng cho cuốn tiểu thuyết thứ hai. Hãy kiên trì chờ đợi!

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Văn Thọ tại buổi ra mắt sách mới. Ảnh: Lãng Ma.

- Anh vật vã với "Quyên" khá lâu, mất gần 4 năm mới xong với nhiều tâm tư, suy tưởng gửi gắm. Có phải vì thế mà anh luôn khuyên độc giả nên đọc "Quyên" thật chậm, kỹ lưỡng và thận trọng - trong khi điều này là khá... xa xỉ đối với bạn đọc hôm nay?

+ Văn học, tức văn hóa đọc không phải là báo chí, báo hình và báo nói, các sự kiện cứ lướt đi rồi bị các sự kiện khác đè lên từng phút. Văn học - để đẻ ra nó có khi phải trả giá với cả đời người chiêm nghiệm suy nghĩ. Ngôn ngữ văn học luôn có nhiều tầng, vì thế không thể ăn sống nuốt tươi được. Nhưng ngày nay, do sự xuống cấp của văn hóa đọc, do người ta bị chi phối bởi ngoại cảnh quá nhiều phức tạp, nên sự khai thác những địa tầng văn chương bị bỏ quên và phí hoài. Và, muốn khai thác nó thì phải đọc chậm, như ăn cơm phải nhai kĩ mới thấy hết cả hương và vị của hạt gạo mới. Tôi dành lời khuyên ấy cho tầng lớp sinh viên, cho giới trẻ, còn các giai tầng khác như trí thức vẫn đọc tôi rất chậm. Ai đọc nhanh thì tôi dành cho họ lối cấu trúc điện ảnh và hấp dẫn từ chữ thứ nhất tới chữ cuối cùng. Tôi vẫn tin có một bộ phận không nhỏ trong bạn đọc hiểu tầng trao gửi về văn hóa, về tầng triết luận sâu xa ở "Quyên" mà tác giả lao tâm khổ tứ suy nghiệm.

- Nói gì thì nói, truyện ngắn vẫn là thế mạnh của Nguyễn Văn Thọ xưa nay. Sau tiểu thuyết "Quyên", anh có thấy tâm thế mình khác đi khi bắt tay vào viết một truyện ngắn mới không?

+ Thực ra, trong khi tôi viết "Quyên", tôi vẫn viết báo và truyện ngắn. Đấy là khi bí trong dòng chảy tiểu thuyết. Tôi có thói quen mở nhiều cửa sổ để viết một lúc vài thể loại khác nhau. Năm ngoái tôi công bố 5 truyện ngắn nhờ cách viết này. Là nhà văn trình làng với truyện ngắn, tới nay đã ngót nghét hơn năm chục truyện, tôi tự tin nói tôi làm chủ ngòi bút. Nhưng truyện ngắn vốn rất khó, nhất là càng già thì càng khó tính hơn và tất nhiên càng có tham vọng mở rộng biên độ vấn đề và đào sâu thêm những vấn đề thuộc về văn hóa dân tộc, hoàn cảnh lịch sử của đất nước. Nhà văn không còn mong manh trong tâm thế hạn hẹp của những vui buồn có tính cá nhân nữa. Các bạn hãy đọc "Sẫm Violet" và "Vợ cũ" lần này. Ở đây, các nỗi buồn không chỉ là nỗi bi thương của cá nhân nữa, nó mang hình hài của một sắc tộc với những vấn đề không còn gói trong một vùng miền và, có truyện, với thời gian cũng thăm thẳm suốt 50 năm qua phủ trên những biến động của đất nước.

- Kể cũng hơi lạ đấy, thưa nhà văn! Anh vừa cưới vợ mới, thế mà lại cho ra mắt tạp văn "Vợ cũ". Dành nhiều trang viết cho "vợ cũ" như vậy, anh không sợ người vợ mới của mình chạnh lòng sao?

+ Tôi viết "Vợ cũ" trước khi tìm hiểu và lấy vợ lần thứ ba. Người ta thường vị kỉ nên thông thường, nhất là phụ nữ, không thích điều như chị nói. Nhưng sự thật thì khi đọc "Vợ cũ", nhà tôi - tức nhà báo Châu Giang - đã khóc rất nhiều, thương tôi hơn và kính trọng người vợ đầu của tôi lắm. Như vậy, một nhà văn nếu tâm thiện, nói về điều thiện sẽ cải hóa tâm lí thông thường, giúp con người ta tha thứ và chia sẻ hơn. Chúng tôi đăng ký song vợ mới của tôi nằng nặc đòi thăm "vợ cũ" của chồng. Biết vợ mới của tôi bỡ ngỡ trong bếp núc, "vợ cũ" còn rang muối, xay hạt tiêu sai con gái cả của tôi mang sang. Ngần ấy cũng làm tôi âm thầm rơi lệ. Nhà thơ Bế Kiến Quốc sinh thời có nói: "Thơ (nghệ thuật) nên hướng con người tới phần sáng của cuộc đời". Cả hai người vợ cũ và mới của tôi đều là trí thức và đều xuất thân trong gia đình trí thức và có thể vì vậy, họ nghe thấy rất rõ tiếng kêu bi thương của con thú bị thương trong tạp văn "Vợ cũ"! Nhiều vấn đề ở hai cuốn sách mới này tôi cũng viết với tâm thế như thế. Như tôi từng nói, tôi không đào xới cái ác để nhâm nhi nó, mà nếu buộc nói tới cái ác, cũng chỉ là cái cớ hay là "chỉ tay day mặt" nó để người Việt phải yêu nhau hơn.

- Trong một thời gian ngắn mà anh có nhiều tin vui quá. Sau những đau khổ, bầm dập, đổ vỡ và nghèo khó đeo bám suốt những năm tháng tuổi trẻ, có vẻ anh đang là người "ăn nhau về hậu vận" nhỉ? Anh có tin vào số phận không?

+ Nếu nói tin ở số phận thì cũng đúng. Nhưng còn một quy luật nữa là: Nếu ta chân thành và tin để đi tìm một tình yêu đúng nghĩa của nó thì quỷ thần đều cảm phục nữa là con người. Tôi tin ở số phận song cũng tin ở lòng chân thành, cái tâm sáng của chính mình. Minh chứng là cha mẹ vợ tôi ban đầu phản đối rất quyết liệt, thậm chí cha vợ tôi rất thẳng tính, có lần ông nói: "Tôi phải buộc chấp nhận thôi". Nhưng đến nay, qua 7 tháng chúng tôi bên nhau, qua tiếp xúc, thì cha tôi nhiều khi gọi tên tôi thay vì câu "anh" lành lạnh. Ví như: "Thọ ơi, rót rượu ra uống đi". Đêm nằm nghĩ lại câu nói ấy, hay nhớ tới khuôn mặt đã luôn tươi, với nụ cười đôn hậu của mẹ vợ, mà quàng sang ôm nhẹ bụng vợ đã lùm lùm lên mà thằng đàn ông phong trần như tôi vẫn ứa nước mắt.

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ về cuộc trò chuyện này!

Nguyệt Hà (thực hiện)
.
.