Nhà văn Nguyễn Phan Hách: “Đời đổi thay khi chúng ta thay đổi”

Thứ Năm, 07/04/2016, 14:46
Tính đến nay, Nguyễn Phan Hách đã in cả thảy 4 cuốn tiểu thuyết: "Tan mây", "Người đàn bà buồn", "Mê cung" và "Cuồng phong". Khi có người hỏi về "Tan mây", ông lắc đầu: "Quên từ lâu rồi, cho dù "Tan mây" đã góp phần thuận lợi cho xuất phát điểm của tôi". Về mặt hình thức, nhiều người trong giới đánh giá ông là người "đa phong cách" và có nhiều đổi mới...


1. Tôi chẳng ngờ tác giả của bài thơ nổi tiếng "Hoa sữa" với những gì thật lãng mạn ở phần mở đầu:"Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày/ Một buổi sớm, em bỗng thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ" và những gì thật cổ tích ở phần kết thúc: "Chỉ mùa thu vẫn tròn vẹn yêu thương/ Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của những tình đầu nhắc nhở/ Có hai người xưa đã yêu nhau…" từng là "cây bút cốt cán" được Hội Nhà văn nhắm tới mục tiêu "đào tạo cây bút công - nông" từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Hồi ấy, chí ít Hội Nhà văn để ý đến hai người là Nguyễn Phan Hách (ở Bắc Ninh) là "cây bút nông", còn Lý Biên Cương (ở Quảng Ninh) là "cây bút công". Sở dĩ Nguyễn Phan Hách nhanh chóng lọt vào "tầm ngắm" theo cách đánh giá rất căn bản như vậy là vì năm 1958, ngay khi mới 14 tuổi, lúc còn đang theo học phổ thông cấp 2 Gia Lương, ông đã có truyện ngắn "Khỏi ốm" đăng trên Tuần báo Văn nghệ. Khỏi phải nói Nguyễn Phan Hách vui mừng đến cỡ nào.

Và như người ta vẫn nói vui: "Mừng hết lớn". Nhớ lại sự kiện được coi là rất đáng nhớ trong đời này, ông kể: "Truyện ngắn này được cái chủ đề rất phù hợp với việc vận động nông dân vào hợp tác xã trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Khi ra bưu điện nhận nhuận bút, có người hỏi tôi: Cậu nhận hộ bố à? Tôi vội vàng khẳng định: Không, cháu nhận cho cháu, tác phẩm này là của cháu, tên cháu là Xuân Hách (bút danh của Nguyễn Phan Hách thời điểm ấy) mà!".

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách.

Nguyễn Phan Hách kể tiếp: "Khỏi ốm" được trả nhuận bút 11 đồng, quy ra là 110 hào (tức 1100 xu), trong khi 1 bát xôi vò giá chỉ 5 xu. Ở tuổi còn nhỏ như tôi lúc ấy mà có số tiền nhiều như thế, cũng là một chuyện lạ. Tôi đã sử dụng số tiền này để ăn quà sáng vô tư và ròng rã cho riêng mình đến 6 - 7  tháng liền".

Từ năm 1967,  khi làm cán bộ của Ty Văn hóa Hà Bắc, Nguyễn Phan Hách đã đăng truyện ngắn, bút ký, phóng sự trên Báo Văn nghệ và Báo Tiền phong. Trong số này, truyện ngắn "Truyện tranh Tết" (viết về tranh Đông Hồ) đăng số Tết, do họa sĩ Sĩ Ngọc minh họa, giờ vẫn được ông coi là hay, là đáng nhớ.

Đến năm 1972, trung bình cứ 2 tháng, Nguyễn Phan Hách lại có một truyện toàn về đề tài nông nghiệp, nông thôn đăng trên Báo Văn nghệ. Truyện nào cũng có chất "lẩn mẩn, chân thật, thấu đáo", vừa có con mắt của một "chuyên gia", vừa có tấm lòng của một người trong cuộc. Nguyễn Phan Hách bảo: "Đơn giản vì tôi hòa nhập với cuộc sống, am hiểu cuộc sống và có lợi thế rất lớn vì cha tôi trực tiếp là chủ nhiệm một hợp tác xã nông nghiệp. Cho nên, cũng dễ hiểu khi tôi từng được coi là "cây bút đặc sắc viết về nông nghiệp". Ngày ấy mà được xuất hiện trên một báo văn tầm cỡ và sang trọng với một mật độ dày như thế, thì quả là hiếm hoi! Dân trong giới ngày ấy nể tôi lắm".

Cũng trong năm 1972, trong một xã luận của Báo Nhân dân biểu dương văn học công - nông có nhắc đến tên Nguyễn Phan Hách như một điểm sáng. Trong vệt đề tài này, Nguyễn Phan Hách còn có "Tan mây". Đây là tiểu thuyết đầu tay của ông đã được Giải thưởng Bộ Nông nghiệp năm 1988 cùng với Đào Vũ.

Nhưng với đời văn của Nguyễn Phan Hách, đây mới chỉ là chặng đường đầu.

2. Năm 25 tuổi (1969), Nguyễn Phan Hách theo học bồi dưỡng  viết văn ngắn hạn khóa 3 của Hội Nhà văn ở Bình Đà (Hà Tây, nay là Hà Nội) cùng các cây bút được coi là có triển vọng và sau này đều thành danh cả. Đó là Nguyễn Trí Huân, Vương Anh, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu, Nghiêm Đa Văn, Trần Tự, Đào Cảng, Triều Dương…

Cuối khóa, theo quy định bắt buộc khi "thu hoạch", mỗi học viên phải có một chùm thơ hoặc một chùm truyện ngắn. Nguyễn Phan Hách đã "nộp quyển" bằng một chùm thơ, trong đó có bài "Làng quan họ quê tôi" và có hiệu ứng tức thì. Người phụ trách là nhà văn Nguyên Hồng khen "Làng quan họ quê tôi" hay, có hồn dân tộc, đã thoát ra khỏi lối tuyên truyền quen thuộc lâu nay.  Một tháng sau đó, bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ. Rồi phải 10 năm sau (năm 1979), thơ mới được thi sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chắp cánh để trở thành ca khúc có tiếng cùng tên "Làng quan họ quê tôi".

Nguyễn Phan Hách nhớ lại: "Hồi ấy, tôi mới chuyển từ Báo Văn nghệ sang Nhà xuất bản Tác phẩm mới (Nhà xuất bản Hội Nhà văn hiện nay). Có một lần gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (lúc ấy đang theo học Trường Viết văn Nguyễn Du), tôi có một đề đạt vui vui ở dạng đặt hàng: "Nghe nói ông có sáng tác nhạc, vậy ông thử phổ nhạc cho "Làng quan họ quê tôi" xem sao".

Chẳng ngờ, chỉ ít lâu sau, Nguyễn Trọng Tạo làm thật. Nghe đâu chỉ mất có một tiếng đồng hồ, Nguyễn Trọng Tạo đã hoàn thành ca khúc phổ thơ tôi. "Làng quan họ quê tôi" ra đời trong hoàn cảnh thúc bách như thế, mà vượt trội như thế, được nhiều người yêu thích, thì quả là kỳ tài! Rồi sau đó, "Làng quan họ quê tôi" thành công bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi và Nguyễn Trọng Tạo. Trong Hội diễn văn nghệ của tỉnh Hà Bắc năm 1980, có 43 đoàn tham dự thì đoàn nào cũng chọn hát "Làng quan họ quê tôi" và coi bài hát này như là "bài tủ". Cũng từ đó, "Làng quan họ quê tôi" như được tiếp sức để lan tỏa…".

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo- đồng tác giả của nhạc phẩm “Làng quan họ quê tôi”.

Nêu như thế để thấy: Nguyễn Phan Hách đã đến với văn chương bằng "hai chân" ( văn và thơ) một cách rất tự nhiên, như thể văn và thơ vốn có họ hàng với nhau vậy. Xét về mặt số lượng, các tác phẩm văn xuôi của ông vẫn lấn át thơ (10 cuốn so với 4 cuốn). Tuy vậy, thơ ông cũng để lại dấu ấn qua hai lần thi thơ của Báo Văn nghệ: Giải khuyến khích cùng với Ý Nhi, Nguyễn Đức Mậu, Yên Đức… năm 1969 - 1970 và giải ba cùng với Nguyễn Hồng Hà, Ngô Văn Phú… năm 1975 - 1976.

Ngoài "Làng quan họ quê tôi", "Hoa sữa"… ông còn "Hạt bụi", "Khói", "Trái ngược"…Trong "Hạt bụi", ông tự hào là một hạt bụi "có sứ mệnh" và nhờ đó "mới được xuống trần gian làm người". Nhưng dẫu vậy, con người thơ trong ông vẫn không khỏi băn khoăn tự vấn:

Như thế nghĩa là tôi được chọn
Tôi thành tôi, vinh dự biết chừng nào
Nhưng xuống trần gian vinh quang thế
Chả lẽ tôi vẫn chỉ là hạt bụi hay sao?

3. Thời kỳ là Trưởng ban văn xuôi ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nguyễn Phan Hách là một người mẫn cán và đọc văn xuôi rất kỹ. Ông bảo: "Nhà văn được coi là "cánh én đổi mới" đầu tiên của văn học Việt Nam chính là Nguyễn Minh Châu. Điều này thể hiện rất rõ qua "Bến quê" và "Khách ở quê ra".

Hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, bản thân Nguyễn Phan Hách là người trực tiếp biên tập và là "bà đỡ" cho  3 cuốn tiểu thuyết mà sau đó không lâu, đều đoạt giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn. Đó là "Thân phận của tình yêu" của Bảo Ninh, "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của Nguyễn Khắc Trường, "Bến không chồng" của Dương Hướng. Trước đó, tiểu thuyết "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu được xuất bản qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn, do nhà thơ Trần Vũ Mai biên tập.

Nguyễn Phan Hách kể lại: "Bản thảo tiểu thuyết ban đầu của Bảo Ninh mang tên "Nỗi buồn chiến tranh", được đánh máy trên một mặt giấy, còn một mặt giấy kia từng được sử dụng là bản nháp. Bảo Ninh gửi đứa con tinh thần này của anh cho tôi và không quên gửi kèm tôi một túm vải thiều. Tôi đọc ngay và bảo: Văn ông hay và đẹp, để "an toàn", ông nên trốn chủ đề và nên đổi sang một cái tên khác. Còn cứ để tên như ban đầu, e gặp khó. Nghe tôi, Bảo Ninh đã đổi thành "Thân phận của tình yêu". Tất nhiên, để "đầu xuôi đuôi lọt", còn phải trông chờ vào Giám đốc, Tổng biên tập Nguyễn Kiên. Bởi vì tôi mới là yếu tố "cần", chưa phải là yếu tố "đủ". Cũng may là nhà văn Nguyễn Kiên rất thoáng nên ôkê liền".

Tính đến nay, Nguyễn Phan Hách đã in cả thảy 4 cuốn tiểu thuyết: "Tan mây", "Người đàn bà buồn", "Mê cung" và "Cuồng phong". Khi có người hỏi về "Tan mây", ông lắc đầu: "Quên từ lâu rồi, cho dù "Tan mây" đã góp phần thuận lợi cho xuất phát điểm của tôi". Về mặt hình thức, nhiều người trong giới đánh giá ông là người "đa phong cách" và có nhiều đổi mới.

Có lắm khi, ông như loài chim luôn biết tự lật cánh để bay. Văn ông ngày càng sâu lắng, góc cạnh và dữ dội hơn. Đó là những cái "biến", còn cái "bất biến" vẫn là dấu ấn cá nhân và dấu ấn thời cuộc luôn thường trực trong ông.  Phải chăng đó là kết quả của một quá trình nhận thức hay nhận thức chính là một quá trình trong con người nhà văn Nguyễn Phan Hách?

Tôi gặp ông không nhiều lần lắm. Tôi thích sự chân thành, thẳng thắn và cởi mở nơi ông. Và tôi còn thích hơn khi nhận ra ông là một nhà văn, nhà thơ luôn hướng tới cái mới để làm mới chính mình. Cái câu "đời đổi thay khi chúng ta thay đổi" dường như đã thấm vào Nguyễn Phan Hách một cách tự nhiên, từ lúc nào không hay.

Đặng Huy Giang
.
.