Nhà văn Nguyễn Khải: Thích tự “cân đo” tác phẩm của mình

Thứ Hai, 17/03/2008, 10:15
Lẽ thường, như người đời vẫn nói, việc của nhà văn là viết, viết và… viết, còn việc bình xét, đánh giá hay dở là việc của thiên hạ, dành cho thiên hạ. Ấy thế nhưng, với Nguyễn Khải, ngoài việc cả đời hết sức chú tâm tới cây bút, ông dường như còn có ý thích được tự làm lấy cái việc "cân đo" tác phẩm của chính mình.

Khoảng mươi, mười lăm năm cuối đời, bạn đọc bắt gặp những trang tản văn trong đó ông tâm sự rất nhiều về chuyện nghề. Tất nhiên, đọc những nhận xét đó, cũng có người cho rằng ông đang… tự trào, lại có người cho là ông "làm duyên làm dáng", nhất là khi họ thấy ông tự nhận mình "tài mọn", nhờ "gặp may" mà "nên cơm nên cháo", có chút ít vị thế văn chương.

Song, nếu xâu chuỗi các tâm sự trên theo trình tự thời gian và đối chiếu với từng tác phẩm được ông nhắc đến một cách cụ thể, ta sẽ thấy, trong việc này, có thể ý kiến của nhà văn không "khớp" với ý kiến của chúng ta, song thái độ của ông là hoàn toàn nghiêm túc. Với Nguyễn Khải, việc sáng tác "là chuyện sống chết một đời người, một đời văn, không thể đem nó ra mà đùa trên mực đen giấy trắng được".

Chính vì quan điểm ấy mà khi một nhà thơ đặt bút viết về ông: "Không phải là phủ nhận ông… tôi đặt ông đúng vào vị trí mà ông có", Nguyễn Khải đã tự ái mà rằng "Xưa nay chưa từng có nhà phê bình nào nỡ hạ lời một cách trịch thượng với người sáng tạo rằng, tôi phải đặt anh ngồi chỗ này chứ không phải chỗ kia". Và, thay vì để người đời bình xét, xếp ngôi vị, Nguyễn Khải đã tự cân đo tác phẩm của mình.

Về "cái mốc" khởi đầu nghiệp văn của Nguyễn Khải, trong khi có nhà phê bình văn học tính tới truyện vừa "Xây dựng" (Giải khuyến khích của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952) thì chính tác giả của nó lại nhìn nhận đó chỉ là "đứa con hoang", rằng thì "nó là một đề tài được lãnh đạo quan tâm chứ chưa phải là một áng văn chương…".

Theo ông, năm 1956, ông viết được truyện ngắn "Nằm vạ", tác phẩm được bạn đọc trong nghề bắt đầu chú ý, nên ông "coi truyện ngắn "Nằm vạ" là truyện chính thức trình làng, truyện vào nghề của mình" (xem lời tự bạch in trong cuốn "Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Khải"- NXB Hội Nhà văn, 2002).

Trong bài viết về Nguyễn Khải (in trong tập "Nhà văn Việt Nam 1945-1975"- NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983), nhà phê bình Phan Cự Đệ nhận xét: "Các nhân vật của Nguyễn Khải phần lớn đều có cá tính rõ nét và độc đáo" và "Những nhân vật đó vừa xuất hiện đã làm người đọc chú ý".

Song với chính Nguyễn Khải thì ông lại có cách nhìn nhận không mấy lạc quan: "Tôi cầm bút đã nhiều năm, viết nhiều tác phẩm nhưng chỉ có một nhân vật văn học được bạn đọc quen thuộc thân thiết là ông Tuy Kiền" (xem cuốn tạp văn "Nghề văn cũng lắm công phu"- NXB Trẻ, 2003).

Có một tác phẩm của Nguyễn Khải được nhắc nhiều trong thời kỳ chống Mỹ, ấy là tập ký sự "Ra đảo" được ông hoàn tất sau chuyến đi thực tế tại đảo Cồn Cỏ. Theo tác giả, cùng viết về địa danh này, trong cùng thời điểm mưa bom bão đạn ấy, thì bài thơ của một đồng nghiệp cùng cơ quan với ông - nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh là "một bài thơ rất hay".

Nhưng vì tập ký sự của ông "Phục vụ tuyên truyền đắc lực hơn, vì nó nhiều chữ nghĩa hơn, nói được đầy đủ hơn", nên được nhiều người biết. Nhắc lại điều này, ông muốn người đời công bằng hơn với nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh.

Có thể nói, với việc xuất bản cuốn tiểu thuyết tự truyện "Thượng đế thì cười" (NXB Hội Nhà văn, 2003), Nguyễn Khải đã làm một cuộc "tổng rà soát" lại các sách đã in của mình. Từ đó, trong mỗi trường hợp, ông đều có cách "bình giá" cụ thể.

Nếu như với những cuốn viết từ thời kháng chiến, rất hiếm khi ông dùng tới lời khen, thì ở những cuốn xuất bản vào đầu những năm 80, ông lại tỏ ra khá hân hoan khi bình xét. Theo ông, những cuốn "Gặp gỡ cuối năm", "Thời gian của Người", "Điều tra về một cái chết", "Vòng sóng đến vô cùng", "Một cõi nhân gian bé tí" đều là những cuốn "có giọng kể riêng cả".

Dẫn ra vậy để thấy, Nguyễn Khải là người rất nghiêm khắc, tỉnh táo trước ưu, khuyết của mình, và khi phát biểu về chúng, ông cũng rất… sòng phẳng, đúng như điều ông từng thổ lộ với bạn đọc báo Tuổi Trẻ hồi tháng 3-1996: "Lắm lúc ngồi đọc hay nghĩ lại về những tác phẩm của mình đã viết trong mấy chục năm qua, nhiều trang viết vẫn còn làm tôi hãnh diện và có những trang viết đã làm tôi xấu hổ và rất buồn".

Nguyễn Khải cũng chính là tác giả của một phát biểu ngắn gọn và rất ấn tượng in trong kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại" (2007): "Tôi tự đánh giá xứng đáng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam"

Phạm Nhật Linh
.
.