Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Không có chuyện "thợ mới" ngại múa rìu qua mắt "thợ cũ"
Nhà văn Nguyễn Đình Tú vừa có buổi ra mắt tiểu thuyết "Hoang tâm" khá ấn tượng với một màn trình diễn lạ mắt đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ. Đây là tiểu thuyết thứ 6 của anh sau "Hồ sơ một tử tù", "Bên dòng Sầu Diện", "Phiên bản", "Nháp", "Kín". Hiện đang là Trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Đình Tú được đánh giá là một cây bút trẻ sung sức, viết như "bổ củi" và không ngại dấn thân vào những đề tài gai góc, nhạy cảm đang được đời sống hiện đại quan tâm. Phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Tú.
- Thưa nhà văn Nguyễn Đình Tú, màn trình diễn trong buổi ra mắt tiểu thuyết "Hoang tâm" của anh ấn tượng quá. Có người đánh giá rằng, đây là "một lối thưởng thức văn học mới cần được nhân rộng". Anh có thể cho biết ý tưởng "trình diễn tiểu thuyết" này đã ra đời như thế nào?
+ Đây đúng là điều mà tôi muốn hướng tới. Khi Công ty Văn hóa và truyền thông Phương Đông, đơn vị phát hành sách đặt vấn đề muốn có một buổi ra mắt tiểu thuyết mới, tôi rất phân vân. Ra mắt sách là sinh hoạt văn học thường xuyên ở Thủ đô, tôi đã tham dự nhiều cuộc, thậm chí còn đứng ở vị trí nhà tổ chức, và tôi rất không muốn cuộc ra mắt sách của mình sa vào hình thức, không hướng được vào việc chính là giới thiệu cuốn sách đến với công chúng. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, từ chọn địa điểm, người dẫn chương trình đến cách thức ra mắt sao cho tự nhiên, sang trọng, ấm cúng và ấn tượng. Rất may nhà thơ Phan Huyền Thư, người nhận làm MC cuộc này là bạn viết lâu năm của tôi, hiểu tôi, hiểu văn học, nên chúng tôi đã nhanh chóng lên được "đề cương" cho chương trình. Chúng tôi đã cố gắng để cuốn sách "lên tiếng" chứ không phải chỉ để mỗi tác giả lên tiếng một cách lê thê, mất thời gian và vô duyên. Không khí của buổi ra mắt sách cũng không quá "đóng hộp", không lạm dụng "công thức" quen thuộc: Người ngồi trên thì cứ nói, người ngồi dưới thì cứ "buôn dưa lê, bán dưa chuột". Chúng tôi cũng không lạm dụng cái gọi là "trình diễn". Thực chất chỉ là tác giả đọc vài mảnh rời của cuốn tiểu thuyết trên một nền nhạc nhẹ nhàng, đủ gây xúc cảm cho cử tọa, tránh sân khấu hóa với những màn hoạt kê náo nhiệt không cần thiết. Và buổi ra mắt cơ bản đã diễn ra đúng như những gì chúng tôi dự kiến. Có thể cách làm của chúng tôi còn chưa thật "quen" với một số người đến dự trong khán phòng hôm ấy, nhưng tôi nghĩ đó là cách tổ chức ra mắt sách tôn trọng cử tọa nhất mà chúng tôi có thể làm được.
- Hiện là người "gác gôn" mảng văn xuôi trong "ngôi nhà số 4", nơi từng có nhiều bậc lão làng viết về chiến tranh. Anh có khi nào anh e ngại có thể đối mặt với "điều tiếng", rằng việc cho ra đời một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh của anh giống như "múa rìu qua mắt thợ" không?
+ Mỗi thế hệ nhà văn ở Nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) có cách tìm tòi riêng và tỏa sáng bởi tài năng của mình. Nhưng như thế không có nghĩa là đã có người viết về chiến tranh hay rồi thì không còn ai viết về chiến tranh nữa, cũng như đã có người viết về nông thôn hay rồi thì không nên viết về người nông dân nữa. Xét trên phương diện đề tài, chiến tranh vốn là một cái gì đó rất cũ, nhưng con người còn cũ hơn. Như cả ngàn năm nữa, văn học cũng vẫn chỉ xoay quanh hai chữ "Con Người" mà thôi.
Bản thân cách nhìn thế hệ cũng đã là một giá trị rồi. Các nhà văn quân đội viết về chiến tranh trước đây đều là những người đã trải qua chiến tranh, bạn đọc của họ cũng là những người đã trải qua chiến tranh. Còn bây giờ, chiến tranh được nhìn qua lăng kính của một thế hệ nhà văn quân đội chưa trải qua chiến tranh để hướng tới một lớp độc giả cũng chưa trải qua chiến tranh. Rõ ràng đây là hai câu chuyện khác nhau, và không có chuyện "người thợ mới" ngại múa rìu qua mắt "người thợ cũ".
Nhà văn Nguyễn Đình Tú đọc tác phẩm của mình tại buổi ra mắt tiểu thuyết "Hoang tâm" do Công ty Văn hóa & Truyền thông Phương Đông tổ chức tại Thư viện Hà Nội ngày 10/4/2013. Ảnh: Lãng Ma. |
- Tiểu thuyết "Hồ sơ một tử tù" của anh từng được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập "Lời sám hối muộn màng". Tiểu thuyết "Phiên bản" của anh cũng mới được một hãng truyền thông mua bản quyền để chuyển thể thành phim truyện nhựa. Với anh, việc một tác phẩm của mình được tái sinh bằng một thứ ngôn ngữ nghệ thuật khác có ý nghĩa như thế nào?
+ Nhà phê bình Đoàn Minh Tâm đã viết về tôi như thế này: "Có thể nói Nguyễn Đình Tú viết nhiều nhưng không vội. Cuốn nào ra cuốn nấy, nếu không rinh về giải thưởng cao cho chủ nhân thì cũng được các nhà biên kịch săn đón chuyển thể sang điện ảnh, phim truyền hình…Nội điều đó đã phản ánh sự sung sức và cái duyên của Nguyễn Đình Tú đối với thể loại tiểu thuyết vốn rất "nhọc hơi" này".
Rõ ràng ở khía cạnh văn học, tác phẩm phải có sức hút nhất định thì các nhà làm phim mới tìm đến. Còn ở khía cạnh điện ảnh, tiểu thuyết của tôi dễ chuyển thành một câu chuyện phim thì biên kịch mới chuyển thể. Văn học xưa nay vẫn được coi là "thể loại mẹ". Nhưng được đúng nghĩa là "mẹ" để có thể đẻ ra được các "con" là những loại hình nghệ thuật phái sinh khác không dễ chút nào. Tuy nhiên văn học đôi khi lại không đi nhanh và đi xa bằng đôi chân của mình, mà thường nhờ các "đôi cánh nghệ thuật" khác rước đi tới những diện rộng khác. Ví dụ như một bài thơ được phổ nhạc chẳng hạn, hay một cuốn tiểu thuyết được chuyển thành phim, sẽ mang về cho "tác phẩm gốc" nhiều công chúng hơn. Và tôi thấy vui khi tác phẩm của mình được nhiều loại hình nghệ thuật khác "ngó ngàng tới". Trong cuộc cộng sinh này, nhà văn và tác phẩm của anh ta chỉ có lợi hơn mà thôi.
- Tôi nghe được ý kiến của một nhà văn nói trong buổi ra mắt sách của anh hôm qua rằng: "Hoang tâm" có lối kết cấu của điện ảnh và nó hoàn toàn có thể làm thành một bộ phim". Sau 2 tiểu thuyết "bén duyên" với điện ảnh, khi bắt tay vào viết tiểu thuyết mới này, liệu có phải anh đã "cố tình" lái bút pháp của mình cho gần với lối kết cấu của điện ảnh?
+ Việc mượn các thủ pháp đặc trưng của các bộ môn nghệ thuật khác nhau để triển khai trong một tác phẩm văn học là điều không mới mẻ gì. Trong văn có kịch, có báo chí, có cắt dán, có chồng mờ, có màu sắc, có bố cục… là điều rất thường gặp trong tiểu thuyết hiện nay. Cũng như đề tài, bây giờ rất khó gặp những tác phẩm viết chuyên về một đề tài cụ thể, mà thường tích hợp trong đó nhiều đề tài. Tôi không "lái bút pháp" cho cuốn sách này gần với điện ảnh hơn nhưng có sử dụng một số thủ pháp của điện ảnh như: chồng mờ suy tưởng, cắt dán những hồi cố, tính hấp dẫn của đường dây dẫn chuyện, thoại ngắn gọn… Tôi cho rằng, cuốn tiểu thuyết này cũng rất dễ dựng thành phim và sẽ là một bộ phim hấp dẫn nếu được giao vào tay một đạo diễn thực sự hiểu tác phẩm.
- Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Đình Tú chẳng hề ngần ngại khi đề cập tới chuyện... sex. Anh quan niệm thế nào về vai trò của "yếu tố sex" trong văn học hiện đại?
+ Cũng như tình yêu, thù hận, khát vọng sống, lạc thú, bi kịch, vân vân và vân vân Theo tôi, trong văn học sex chỉ là một yếu tố mà tùy theo ý đồ của tác phẩm, có thể có nhiều hoặc có ít mà thôi.
- Hiện nay có một bộ phận độc giả - nhất là độc giả trẻ - trước khi mua một cuốn sách nào thường tò mò đặt câu hỏi xem cuốn sách đó có "yếu tố sex" hay không. Với tư cách một nhà văn, anh nhìn nhận hiện tượng này như thế nào? Khi bắt đầu với một tác phẩm mới, anh có thấy mình bị chi phối gì bởi xu hướng này không?
+ Đấy là một bộ phận bạn đọc chứ không phải tất cả, và chúng ta phải tôn trọng sở thích của họ. Cũng như có những người chỉ thích tìm tiểu thuyết lịch sử, hay những sách truyện nói về người rừng để đọc, điều ấy chỉ cho thấy "cầu" văn học đa dạng hơn mà thôi. Còn nhà văn, ai có khả năng chuyên về mảng gì, thì cứ việc "cung" mảng ấy.
- Được biết, hiện anh đang tham gia trại viết về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an tổ chức và đây không phải lần đầu. Anh có thể tiết lộ đôi điều về dự án mới của mình?
+ Vâng, tôi đang khởi động cho một tiểu thuyết mới và nếu nói điều gì đó bây giờ thì e có phần hơi sớm, nên tạm thời tôi xin phép được giữ điều này cho riêng mình đã.
- Anh từng đoạt 2 giải thưởng trong các cuộc thi của ngành Công an với tiểu thuyết "Hồ sơ một tử tù" và "Phiên bản". Xem ra, mảng đề tài về an ninh trật tự thực sự có sức hấp dẫn đặc biệt với một nhà văn trẻ ưa khám phá, mạo hiểm như anh…
+ Vâng, tôi luôn cảm thấy thích thú với mảng đề an ninh trật tự. Ở đó nó bật lên những vấn đề nóng hổi nhất của ngày hôm nay. Và khi viết về những điều đó, tôi nhận được nhiều sự quan tâm từ bạn đọc, có lẽ vì đã chạm được đến cái mà họ quan tâm.
- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đình Tú!