Nhà văn Ma Văn Kháng: Chuẩn bị tỉ mỉ cho ngày "về cõi"

Thứ Tư, 26/08/2009, 15:45

Hôm ấy là 30 tết, tôi đến chơi nhà Ma Văn Kháng. Người nhà đi sắm tết, Kháng ở nhà một mình. Ngồi giữa đống sách bề bộn, Kháng nói: "Mai đã 70 tuổi rồi, đến tuổi ra đi rồi. Chỉ thương con, thương cháu".

Không phải một lần, mà nhiều lần Kháng nói đến chuyện đi vào cõi vĩnh hằng. Kháng nghĩ đến việc ra đi rất nhẹ nhàng. Sinh, lão, bệnh, tử. 60 đã là thọ. 70 là thượng thọ. 80 là thượng thượng thọ. 90 trở lên là đại thọ.

Sau một đời lao động văn học, Kháng chuẩn bị chu đáo cho việc ra đi để đỡ phiền đến con cháu. Anh sắp xếp sách vở đâu vào đấy. Bản thảo nào đã in. Bản thảo nào chưa in... Từng loại bản thảo để gọn gàng trên giá sách, đề phòng nếu mình nằm xuống đột ngột, con cháu đỡ phải lục lọi tìm tòi.

Lại Nguyên Ân láng giềng, hỏi Kháng: "Đã in hết chưa, còn nhiều bản thảo chưa in không, để tôi lo". Kháng chỉ cười.

Trong số các nhà văn tôi quen biết, Ma Văn Kháng là người chuẩn bị tỉ mỉ nhất cho con cháu sau khi mình nhắm mắt.

Anh đóng một cuốn sách cỡ A4 bìa cứng, dán tất cả những bài bạn bè viết về mình. Ai muốn có tư liệu tham khảo về anh, anh đưa cho xem cuốn sách đó, không phải thuyết minh gì dài dòng.

Tôi cứ tưởng cái việc chuẩn bị hành trang đi vào cõi vĩnh hằng Kháng làm lụi cụi một mình. Hóa ra Kháng công khai cho bạn bè biết và cho cả vợ con biết. "Hai ông anh của tôi ra đi vào tuổi 73, thì tôi cũng có thể đi vào tuổi 73" - Kháng thản nhiên nói như vậy. Thế hệ nhà văn trước Cách mạng Tháng Tám ra đi gần hết. Thế hệ nhà văn lớp chống Pháp cũng đã ra đi nhiều. Thần chết đã điểm danh thế hệ nhà văn chống Mỹ...

Năm 1975, Ma Văn Kháng và tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn. Kháng là cây bút sung sức và nổi trội trong thế hệ nhà văn chống Mỹ. Anh cần cù đọc, quan sát, ghi chép và viết. Thì bây giờ, đến lượt mình, ra đi là dĩ nhiên. Trước sau gì cũng ra đi, chuẩn bị cho con cháu đỡ lúng túng. Thỉnh thoảng gặp nhau, Kháng nói chỉ thương vợ thương con cháu, chứ số phận mình ông trời bảo đi lúc nào mình đi lúc ấy. Ngoài bảy mươi tuổi, sống được thêm năm nào là lãi năm ấy, thượng thọ rồi. Anh vẫn tận dụng những năm tháng cuối đời để viết truyện ngắn và viết tạp bút. Tôi vẫn đọc đều bài của anh trên các báo, mỗi lần đọc bài của anh, tôi lại tự động viên: Ma Văn Kháng bằng tuổi mình (sinh năm 1936), còn cố gắng viết, thì mình cũng phải cố gắng viết, viết cái mình thích, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên.

Tết tuổi 72, đọc trên báo Nông nghiệp Việt Nam thấy có trích in hồi ký của Ma Văn Kháng! À, ông này đã viết xong hồi ký rồi. Cuốn hồi ký dày những mấy trăm trang, trang nào cũng sôi động một thời hoạt động văn học.

Đây có lẽ là công việc cuối cùng trong hành trang ra đi vào cõi thiên cổ? Không phải đâu! Ma Văn Kháng còn lo lắng những chuyện tỉ mỉ khác.

Chiều mùa thu se se lạnh. Anh đến tôi chơi: "Mai mình đi vắng". "Ông đi đâu?". "Mình lên nghĩa trang Bất Bạt mua hai suất đất cho mình và vợ ở bên cạnh mồ ông anh". Có người cho anh là lẩm cẩm. Theo tôi, không lẩm cẩm chút nào. Vì quá thương con cháu mà phải lo mua phần đất mồ mả, chứ đối với bản thân mình thì có nghĩa lý gì.

Trần Tế, người bạn thân của Kháng hồi còn ở Lào Cai. Về Hà Nội, hai người vẫn giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tế nói:

 - Ma Văn Kháng viết xong di chúc rồi. Kháng gọi hai con đến đọc di chúc cho con nghe và chia tài sản cho hai con.

Thường thì người sống chỉ được đọc di chúc khi gia chủ đã quá cố. Đằng này, Ma Văn Kháng tự đọc di chúc cho người sống nghe.

Tài sản thì chẳng có bao nhiêu. Nhưng cũng phải phân chia rõ ràng. Từ trước đến nay, anh chị em ruột thường bất hòa với nhau trong việc chia tài sản. Không những cho con đẻ yên tâm, mà còn có con dâu con rể. Vậy thì, lo được chừng nào hay chừng ấy, để con cháu sống lâu bền với nhau.

Sau khi đọc di chúc chia tài sản, hai đứa con ôm mặt khóc: "Bố làm như bố sắp chết đến nơi rồi". Ma Văn Kháng bình tĩnh khuyên giải: "Không phải là bố sắp chết. Bố làm như thế là để bố sống được lâu hơn".

Tuy đã chuẩn bị đầy đủ hành trang trước khi vào cõi thiên cổ, hiện hằng ngày, Ma Văn Kháng vẫn đọc và viết đều đặn. Thường xuyên bạn đọc được đọc đều truyện ngắn, tản văn, tạp bút của anh trên mặt báo. Bàn viết của anh là một tấm ván kê bên cạnh giường nằm (tấm ván mộc chứ không sơn mài như của nhà văn Nguyễn Tuân). Lúc nào viết thì ngồi viết. Lúc nào mệt thì nằm nghe đài, xem tivi. Anh vẫn vận dụng đủ năm giác quan để phục vụ cho ngòi bút của mình. Lúc cần nhìn thì nhìn. Lúc cần nghe thì nghe... Ma Văn Kháng tươi cười nói với bạn bè: "Mình không phải chạy đi đâu nữa. Mình đã có nhà có cửa đàng hoàng. Chỉ có việc là viết được chữ nào thì viết". Hàng ngày, trong căn phòng ấy, Ma Văn Kháng làm việc cật lực với những năm tháng còn lại của đời mình

Võ Văn Trực
.
.