Nhà văn Lê Lựu và "gã dở hơi"
Lê Lựu bây giờ không thể nói chuyện oang oang hàng tiếng đồng hồ, không thể đi lại thoăn thoắt như xưa. Ông dễ nổi nóng hơn, quát mắng mọi người nhiều hơn và hơi tí lại bật khóc vì những việc hết sức bình thường.
Có thể kể ra đây hàng tá những giai thoại về ông. Tỉ dụ như (theo cách nói của Lê Lựu) một tối nọ Lê Lựu bỗng nhiên thức giấc và phát hiện chỉ có một mình ở nhà (có cậu nhân viên không biết trốn đâu mất). Sợ quá, ông lập cập đi về phòng khóa chặt cửa lại và rút điện thoại bấm số gọi cho Cảnh sát 113 "báo án". "Tôi là Lê Lựu, số nhà… ngõ… các anh cho người xuống ngay, trộm nó phá cửa vào lấy hết đồ nhà tôi". Đầu bên kia, anh Cảnh sát 113 hỏi: "Thế bác đã mất gì chưa ạ?". Nhà văn bảo: "Chưa mất gì, tôi cứ báo trước để đến lúc mất các anh xuống là vừa". Nghe thế anh Cảnh sát liền bảo: "Vậy bác cứ đợi khi nào mất cái gì thì hãy gọi điện nhé…!".
Rồi chuyện Lê Lựu mua nhà - chuyện kể mà không ai tin. Biết là ông đang tìm mua nhà, cô nhân viên của ông bảo để cháu bán cho. Không chần chừ ông mua luôn, giao hết toàn bộ tiền một lần chỉ với một tờ giấy viết tay mà chẳng cơ quan, chính quyền nào chứng nhận cho việc mua bán này. Vì theo Lê Lựu, không tin nhân viên thì còn tin ai? Hậu quả của niềm tin đặt không đúng chỗ là ông phải chạy khắp nơi để làm thủ tục trong gần hai năm. Thế nhưng khi cho người ta thuê nhà với giá vài triệu đồng, ông lại cẩn trọng mời hẳn luật sư riêng, soạn thảo hợp đồng với những điều khoản vô cùng chặt chẽ. Ông bảo cẩn thận không thừa!...
Còn rất nhiều cái "dở hơi" khác của Lê Lựu phát sinh trong cuộc sống hằng ngày. Cách ông đi chợ cò kè mớ rau, lạng thịt, mè nheo với bà đồng nát chỉ vì một nghìn giấy vụn đến nỗi nhiều mụ đàn bà cũng phải… chào thua. Vì nhân viên đi chợ hay bị mua đắt nên thỉnh thoảng có thời gian ông vẫn đích thân đi. Có lần ông đi chợ về, vẻ mặt hớn hở vì mua ba mớ rau muống chỉ mất tám nghìn, trong khi vừa mới hôm qua thôi, nhân viên của ông mua tám nghìn một mớ. Dù cho mớ rau ông mua có phải vứt đi gần hết vì hỏng nhưng không hiểu sao vẻ mặt nhà văn lại hỷ hửng đến lạ thường.
Một lần khác về quê, thấy bên đường bán nhiều đào (vì sắp tết), ông nổi hứng lệnh cho lái xe dừng lại để mua một cây. Khi người bán đon đả phát giá: "Một trăm tám mươi nghìn một cây bố ạ", kể ra thì giá ấy cũng là quá rẻ rồi, nhưng Lê Lựu tỉnh bơ hỏi: "Mười tám nghìn có bán không". Người bán hàng mặt từ tươi rói chuyển sang méo xệch chắp tay: "Con lạy bố, bố có thì bán cho con" rồi bỏ đi. Chúng tôi thở phào vì may mà không bị chửi.
Ấy vậy nhưng Lê Lựu lại sẵn sàng giúp đỡ những người túng khó. Ông bỏ ra rất nhiều tiền để làm việc nghĩa mà không mất một giây đắn đo suy nghĩ. Vì nghĩa tình với người bạn đã mất, ông bỏ tiền ra và đi xin các doanh nghiệp để xây cho cố nhà thơ Phạm Tiến Duật ngôi nhà lưu niệm. Ngôi nhà mà như NSND Trọng Khôi nói: "Lúc sống anh Duật cũng chưa bao giờ được ở trong ngôi nhà lớn như thế". Tuy ngôi nhà được xây dựng bởi sự hảo tâm của nhiều tổ chức, doanh nhân, doanh nghiệp, bạn bè yêu thơ Phạm Tiến Duật, nhưng có một điều chắc chắn là nếu không có nhà văn Lê Lựu thì không có công trình trên.
Mỗi lần nhắc đến chuyện ở quê, nhà văn lại xúc động rơi nước mắt. Ông bảo, ngày trước nhà ông nghèo nhất làng, làng ông nghèo nhất thôn, thôn ông nghèo nhất xã, xã ông nghèo nhất huyện, huyện ông nghèo nhất tỉnh, tỉnh ông lại nghèo nhất nước… Cái gì quê ông cũng là nhất hết. Mấy năm trước, làng không có đình như những làng bên cạnh, điều đó khiến ông lúc nào cũng sống trong tâm trạng day dứt. Thế là ông đứng ra kêu gọi bà con, bạn bè mỗi người đóng góp một ít. Vì là người đóng góp có tính chất quyết định nên vai trò của ông rất quan trọng.
Trong cuộc họp bàn về việc khởi công xây dựng đình, mọi người bảo: "Báo cáo bác Lựu, tất cả vật liệu chúng em đã chuẩn bị hết rồi, giờ chỉ thiếu mỗi xi măng, sắt thép và tiền nữa thôi là việc xây dựng được tiến hành…!". Chao ôi, chỉ vì cái thiếu "một chút" ấy mà ông lại chạy khắp nơi vay mượn, xin vật liệu. Công trình đâu phải xây một nèo là hoàn thành. Mọi người ở quê nghĩ ông là nhà văn lớn nên tưởng ông giàu có lắm. Vậy là cứ khi nào công trình gặp khó khăn do hết tiền là lại gọi điện: "Trăm sự nhờ bác, chúng em chỉ biết trông chờ vào bác thôi". Phải mất mươi năm ngôi đình quê ông mới xây xong. Hôm khánh thành, nhà văn Lê Lựu thuê hẳn Đoàn chèo Hà Nội về biểu diễn phục vụ bà con khiến ai cũng vui ra mặt. "Ấy thế hóa ra đình làng tôi lại oai nhất" - Nhà văn không giấu được vẻ hãnh diện. Nhưng mỗi khi có người nhắc đến công sức đóng góp của ông, ông lại bảo: "Làm việc nghĩa là cấm được kể công hay tính toán".
Năm nay nhà văn đã bước sang cái tuổi mà các cụ gọi là "tuổi xưa nay hiếm". Ông từng phải cấp cứu mấy lần vì xuất huyết não. Tuy chân đi lại khó khăn nhưng sự hài hước và minh mẫn về đầu óc của Lê Lựu mấy ai sánh được. Ông có thể đọc vanh vách cho mọi người nghe truyện "Tết làng Mụa" hay "Người về đồng cói" mà không sai một chữ. Ông say sưa kể chuyện năm lên tám tuổi ông đã chết hụt, gia đình bó chiếu đem chôn, nhưng khi anh cả lấy tay sờ vào người ông thì phát hiện ông còn thở. Mọi người lại bế ông vào nhà. Lúc đó ông đã ở tình thế mắt trợn ngược, mặt ngửa lên trời, người úp sấp xuống đất. Người ta lấy rễ cà mài lấy nước trộn với sắc rắn, đốt thành tro rồi cậy miệng đổ cho ông uống. Một vài tiếng sau, kỳ tích đã xuất hiện, đầu ông dần dần quay lại nằm sấp cùng với thân. Mọi người mừng rỡ reo hò: "Sống rồi! sống rồi!".
Chuyện năm mười tuổi ông đi thi lớp bình dân học vụ trên huyện."Sau khi viết chính tả xong, tôi không sao làm nổi bài tính đố. Khi anh hai đến đón, hỏi tôi có làm được bài không, tôi thú thực với anh rằng:"Đề khó quá em bỏ giấy trắng". Anh tôi ngạc nhiên hỏi: "Ở nhà em đã biết cộng đến con số mười rồi, hôm nay đề chỉ là 3 + 5 sao lại không làm được?". "Tự vì ở nhà không có mìn và lựu đạn, ở đây lại là 3 quả mìn cộng với 5 quả lựu đạn. Em không biết mìn với lựu đạn có cộng được với nhau hay không". Từ đó anh dạy tôi không những mìn cộng với lựu đạn mà cả súng trường, đại bác cộng với nhau tôi cũng làm được" - Ông cười, đôi mắt sóng sánh.
Nhà văn Lê Lự bảo, ngày bé ông học rất dốt, nhất là môn văn, chỉ toàn một, hai điểm. Có lần kiểm tra, thầy giáo ra đề bài là tả một buổi sáng tựu trường thì ông lại tả toàn núi và tuyết. Hôm trả bài, thầy giáo đe: "Nếu bài sau còn kém như thế này, tôi sẽ đuổi anh xuống học lớp bốn", nghĩa là ông sẽ phải về học ở xã trong khi sáu huyện Bắc Hưng Yên mới có duy nhất một trường cấp 2 này, cả xã chỉ có năm người được đi học.
Mười bảy tuổi ông đi nghĩa vụ quân sự. Ông bảo, lúc đầu mới tập tành viết, viết rồi gửi đi đến hơn năm mươi bài mà không có hồi âm. Đến lần thứ 54 thì được đăng một tin đúng 26 chữ: "Theo Lê Lựu đại đội 25, đoàn Sông Thao, quân khu Tả Ngạn: Đại đội 25, đoàn Sông Thao diệt được hơn 38 vạn con ruồi". Chỉ có thế thôi nhưng đó là niềm khích lệ lớn với ông, ông cắt mảnh báo đó nhét vào ví mang theo bên mình và thỉnh thoảng không có người lại lấy ra xem. Ông thường nói với mọi người: "Lê Lựu mà viết được văn thì chó nó cũng viết được".
Với ông viết văn là phải rút ruột mình ra mà viết. Cho đến bây giờ, khi công danh ở đỉnh cao nhưng ông vẫn miệt mài làm việc. Nhiều người nghĩ, ông làm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân lại cộng thêm tuổi cao sức yếu thì niềm đam mê dành cho văn chương không còn. Nhưng Lê Lựu bảo: "Có thằng nhà văn nào bỏ được nghề. Một anh thợ xây, một anh giáo viên hay một bác sĩ có thể bỏ nghề, nhưng một nhà văn bỏ viết thì không thể. Chỉ có điều mỗi thời điểm nhất định nhà văn cho ra đời những tác phẩm hay hoặc chưa hay thôi".
Giữa năm 2009, nhà văn cho ra đời cuốn tiểu thuyết dày 131 trang: "Thời loạn". Năm 2011, ông tiếp tục xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử: "Ở quê ngày ấy", với độ dày 229 trang. Khách quan mà nói, về mặt văn chương thì cả hai cuốn tiểu thuyết trên còn rất nhiều khiếm khuyết, nếu ngoài bìa không có chữ: "Tiểu thuyết của Lê Lựu" thì một người sành đến mấy cũng không thể tin đấy là văn Lê Lựu. Chính nhà văn cũng công nhận do yếu tố sức khỏe nên ông viết không được như trước, câu chữ không được sâu.
Năm 2012, ông lại có bất ngờ dành cho độc giả. Nhà văn cho ra đời cuốn tiểu thuyết:"Gã dở hơi", với độ dày khoảng 300 trang. Ban đầu, cuốn tiểu thuyết có tên là "Kẻ chạy trốn". Thú thực tôi thích cái tên này hơn là "Gã dở hơi". Nhưng Lê Lựu bảo: "Chú Ngân đúng là kẻ dở hơi thật" (nhà văn luôn gọi nhân vật của mình thân thiết như một người em có thật ngoài đời).
Không giống như hai cuốn tiểu thuyết "Thời loạn" và "Ở quê ngày ấy", "Gã dở hơi" hấp dẫn tôi ngay từ những dòng đầu tiên, tôi hết sức bàng hoàng khi bắt gặp lại giọng văn đúng chất Lê Lựu, giọng văn mà ở thời kỳ ông sung mãn nhất. Có thể nói "Gã dở hơi" là cuốn tiểu thuyết không thua kém gì những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của Nhà văn Lê Lựu trước đó. Ông bảo, đây là bản thảo ông viết từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên nó bị vứt trong góc tủ một thời gian khá dài, cũng có lúc định bỏ nó đi nhưng ông lại day dứt như việc mình nhẫn tâm vứt bỏ một đứa con chưa thành hình. Đến giờ có thời gian mới đem ra chỉnh sửa lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh