Nhà văn Đỗ Bích Thúy: Lấp lánh phận người chiết ra từ đá

Thứ Sáu, 14/10/2016, 15:36
Cảm giác Đỗ Bích Thúy viết văn là đi ngược về tuổi thơ, về tuổi trẻ, của chính mình. Ở xứ cao nguyên đá khắc nghiệt con người phải gồng mình để thích ứng ấy, hoa tam giác mạch vẫn nở đẹp đến nao lòng, và lòng người cuộn lên, và trang văn như được chiết ra từ đấy, từ đá của trời và từ hoa của đất...


1. 25 tuổi, giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bông hoa rừng của xứ khô cằn sỏi đá tỏa hương giữa lòng Thăng Long 990 tuổi ngay thềm thế kỉ 21.

27 tuổi, rời Báo Hà Giang, xuống núi, về làm thành viên nhà số 4 Lý Nam Đế. Chị trở thành nhà văn nữ thứ hai, sau Nguyễn Thị Như Trang, công tác tại Văn nghệ Quân đội, nơi mà nữ sĩ Xuân Quỳnh từng mơ ước được về làm việc, còn nhà thơ Vũ Cao khi ấy là tổng biên tập đã trả lời vui rằng: "Ở đây chỉ thiếu người làm thủ trưởng chứ không thiếu biên tập viên chất lượng cao".

35 tuổi, mới đeo lon thượng úy một gạch ba sao đã được giao trọng trách Phó Tổng biên tập ở cơ quan báo chí gồm đa số những người mang quân hàm cấp tá, thường xuyên ngồi họp cùng các đại tá và cấp tướng.

Đấy là nhà văn Đỗ Bích Thúy, người đàn bà đẹp viết văn, với những trang văn lấp lánh phận người "đẹp và buồn", tên một tác phẩm của Kawabata, như được chiết ra từ đá của vùng cao nguyên Đông Bắc Tổ quốc. 

Nhà văn Đỗ Bích Thúy.

2.Thời điểm Đỗ Bích Thúy xuất hiện trên trường văn trận bút, người ta đoán già đoán non về một tác giả đi ra từ bản làng nào đó thuộc về chon von miền núi mù mịt vùng cao ở phía Bắc. Sau mới tá hỏa, gia đình chị người Nam Định. Bố chị là lính lái xe kéo pháo ở Điện Biên Phủ. Sau chống Pháp chuyển sang lái xe chở gỗ cho các lâm trường. Vì thế mới đưa cả gia đình từ Nam Định lên vùng cao sương lam chướng khí theo lời thi sĩ Bùi Minh Quốc "Tuổi hai mươi, khi hướng đời đã thấy/Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường/Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương/Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn".

Chẳng biết giấc mơ lí tưởng về cuộc sống mới của bố mẹ chị có vỡ vạc khi lên Hà Giang không? Nhưng tôi chắc một điều, về mặt văn chương, Đỗ Bích Thúy đã "trúng tủ" khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Nếu không đi ra từ Hà Giang sẽ không có một Đỗ - Bích - Thúy - văn  - chương như hiện tại, sẽ là Đỗ Bích Thúy khác, hay hơn hay nhạt hơn theo lối khác, không gian khác, màu sắc khác. Theo đấy, là khoảng trống những trang văn về miền núi phía Bắc đương đại sẽ rộng hơn.

Có thực tế, viết về không gian văn hóa miền núi, không phải cứ "người nhà mình" thông thạo mọi chuyện, đi guốc từ trong bụng đi ra, là viết hay. Không phủ nhận thành quả của các nhà văn dân tộc thiểu số, nhưng dường như nhắc đến các tác phẩm viết về miền núi, về đồng bào dân tộc ít người, thì thành tựu nổi bật lại gọi tên các nhà văn coi tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ.

Trước đây là Tô Hoài với Truyện Tây Bắc, Miền Tây; Nguyên Ngọc với Đất nước đứng lên, Rừng xà nu; Thu Bồn với Bài ca chim Chơ rao, Ba zan khát; Ma Văn Kháng với Đồng bạc trắng hoa xòe, Gặp ở La Pan Tẩn; gần hơn là Phạm Duy Nghĩa với vùng Tây Bắc trong tập truyện Cơn mưa hoa mận trắng; Dương Bình Nguyên và Nguyễn Thúy Loan với vùng Việt Bắc trong một số truyện ngắn; và Đỗ Bích Thúy với vùng Đông Bắc trong hầu hết các sáng tác của chị.

3. Tác phẩm đầu tiên của nhà văn Đỗ Bích Thúy mà tôi đọc được là truyện vừa Lặng yên dưới vực sâu in trong tập Người đàn bà miền núi. Đọc, và ngơ ngác, và bần thần. Với Súa, với Vừ, với Phống. Cuộc tình tay ba. Mà ai cũng đáng thương. Không gian bàng bạc, u uẩn, da diết, như tiếng sáo của chàng trai Mông len theo vách núi lặn vào đêm đen. Tôi cũng sinh ra và lớn lên từ miền núi. Nhưng thuở mới lớn vô lo ấy không tưởng tượng được lại có kiểu miền núi và những con người miền núi như trong văn Đỗ Bích Thúy.

Sau này tôi biết, trước khi đi vào sách, Lặng yên dưới vực sâu đã được giới thiệu nhiều kì trên báo Văn nghệ. Và như vậy, cùng với Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là Lặng yên dưới vực sâu của Đỗ Bích Thúy thuộc dạng hiếm hoi được in nhiều kì trên tờ báo văn chương của Hội Nhà văn.

Điều ngẫu nhiên này làm tôi nhớ đến nhận định của tác giả Thời xa vắng, nhà văn Lê Lựu, đại ý rằng: Nếu như miền Nam có Nguyễn Ngọc Tư thì miền Bắc có Đỗ Bích Thúy, hai nhà văn nữ đại diện cho hai vùng miền, sứ giả của nơi địa đầu Tổ quốc và nơi tận cùng đất nước. 

Từ Lặng yên dưới vực sâu, tôi bơi ngược lên, gặp Đỗ Bích Thúy ở thời điểm trước đấy, đã phổ cập không gian Hà Giang cho độc giả rộng khắp, với các tập truyện Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Ký ức đôi guốc đỏ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá và tiểu thuyết Bóng của cây sồi. Chính truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá là nguồn cơn hồn cốt cho việc dựng bộ phim Chuyện của Pao gây ấn tượng mạnh năm 2006 khi đoạt giải phim truyện nhựa hay nhất tại Lễ trao giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, cùng với đó là 3 giải Cánh diều vàng cho quay phim, nữ diễn viên chính và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Tiếp đấy, không gian vùng cao Đông Bắc tiếp tục hiện lên rõ mồn một trong truyện ở các tập Mèo đen, Đàn bà đẹp, rồi tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh, gần đây là Chúa đất. Kể cả các trang tản văn cũng ăm ắp về tuổi thơ, về Hà Giang, tràn đầy nhung nhớ, chứa chan tình đất, thấm đẫm tình người. 

Cảm giác Đỗ Bích Thúy viết văn là đi ngược về tuổi thơ, về tuổi trẻ, của chính mình. Ở xứ cao nguyên đá khắc nghiệt con người phải gồng mình để thích ứng ấy, hoa tam giác mạch vẫn nở đẹp đến nao lòng, và lòng người cuộn lên, và trang văn như được chiết ra từ đấy, từ đá của trời và từ hoa của đất.

Có lúc Đỗ Bích Thúy thoát khỏi từ trường "mơ về nơi xa lắm", để hiện hữu với thực tại hơn, một số truyện chị viết về đời sống đô thị, hay chẳng kém cạnh gì, hay như tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là ngồn ngộn ầm ào màu sắc thị dân mở đường cho tác giả đến giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Nhưng hình như cái hồn cái vía Hà Giang nhập vào Đỗ Bích Thúy rồi. Thúy phải thuộc về Hà Giang và Hà Giang là của Thúy.

Bìa tiểu thuyết Chúa đất - Tác phẩm mới nhất của Đỗ Bích Thúy.

4. Thời điểm Đỗ Bích Thúy rời Hà Giang về Hà Nội, nhiều người giật mình, tặc lưỡi, có khi thêm một đại tá về hưu ở đất nước có phần lạm phát các tướng và tá này, nhưng lại mất đi một nhà văn tiềm năng đang dần chín.

Người lo lắng không phải không có cơ sở. Bởi trước Đỗ Bích Thúy, khá nhiều cây viết thuở ban đầu bật lên chói lọi, nhưng một bước về đô thị lớn thì dần dần chìm vào lặng thinh, như thể bứng mình ra khỏi mảnh đất đã làm nên mình, sống ở mảnh đất mới lạ dẫn đến suy - dinh - dưỡng - trang - văn. Nhà văn Trần Thanh Hà - giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội chia tay Quảng Trị ra Hà Nội, rồi nhà văn Lại Văn Long giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ từ Lâm Đồng về Sài Gòn, là hai trong những ví dụ tiêu biểu. Phải tới gần đây mới thấy viết lại, nhưng hồn vía của những Miền cỏ hoang và Kẻ sát nhân lương thiện đã rơi rớt nhiều rồi.

Đỗ Bích Thúy đi ngoài quy luật ấy.

"Tôi sẽ mang tất cả những gì có thể về Hà Nội, nhưng có một thứ tôi biết mình không thể mang được, đó là nỗi nhớ". Chị từng chia sẻ thế. Có lẽ do không mang theo được nỗi nhớ, nên bao nhiêu nhớ nhung chị trút hết vào trang văn. Từ xa hướng về Hà Giang, mọi hình ảnh được chưng cất qua màng lọc mang tên nỗi nhớ, những điều còn đọng lại đều là tinh túy, tinh tuyển, tinh anh. Vậy là, vượt qua sự ồn ào náo nhiệt cuồng quay đô thị, Hà Giang của Đỗ Bích Thúy vẫn hiện lên với truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết và cả kịch bản phim.

Thêm một điều Đỗ Bích Thúy đi ngoài quy luật nữa, là chị… đẹp. Hình như người đẹp và văn chương trước giờ chẳng dây mơ rễ má gì với nhau. Không hiểu sao, rất tự nhiên, người đẹp thường ít viết văn. Người đẹp thường bận bịu với việc làm sao để… đẹp hơn nữa hoặc để cho mọi người thấy cái đẹp của mình, chứ thời gian đâu nghĩ suy, trăn trở, quan sát, chiêm nghiệm về những gì diễn ra xung quanh mình và ở trong mình để trút vào câu chữ. Đỗ Bích Thúy thuộc về số ít người vừa đẹp quyết liệt lại văn quyết liệt hay.

5. Nhà văn Chu Lai từng ví von hình tượng, rằng nghề văn là nghề tự mình múc não mình ra mà ăn. Ý chừng là tàn phá con người ta kinh khủng lắm, căng thẳng lắm. Ấy vậy mà, với Đỗ Bích Thúy, sau 16 năm chính thức dấn bước vào văn chương, lại ngày càng đẹp ra, mặn mòi hơn.

Hỏi chị tới đây có điều gì mới với con chữ không, chị bảo truyện vừa Lặng yên dưới vực sâu được chị chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình cùng tên, đã được Trung tâm sản xuất Phim Truyền hình Việt Nam quay xong, đang trong giai đoạn làm hậu kì. Đồng thời, trên nền kịch bản phim và truyện vừa chị cũng đã hoàn thành tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc vào tháng Mười năm nay.

Tôi hình dung Đỗ Bích Thúy như những bông hoa đại vẫn nở trắng không gian nhà số 4 mỗi độ xuân sang, dịu dàng và sâu lắng. Và văn chị cũng vậy, sâu lắng, da diết buồn, da diết đẹp, lấp lánh những phận người như chiết ra từ cao nguyên đá Hà Giang thân yêu của chị.

V.T.L.
.
.