Nhà thơ Văn Công Hùng: Tôi là người ham chơi nghiêm túc
- Thưa nhà thơ Văn Công Hùng, trong Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ VIII vừa qua, lực lượng các cây bút trẻ của Tây Nguyên tham dự khá đông, chỉ sau Hà Nội và Tp HCM Tuy nhiên, nếu để ý sẽ thấy rõ rằng, lực lượng trẻ ở đây phát triển không đều, tập trung ở Gia Lai và Đăk Lắc còn ở Đắk Nông đang là một… khoảng trắng. Anh lý giải thế nào về điều này?
+ Điều này chỉ có thể lý giải bằng việc, ngoài khả năng bẩm sinh, trời cho mỗi người cầm bút, thì sự tiếp nối thế hệ là cần thiết. Ở Đắk Nông hiện nay không có một nhà văn nào, nên việc phát hiện người trẻ rất khó. Tôi có một kinh nghiệm là cần phải biết phát hiện và giới thiệu người trẻ đúng cách. Thời buổi "gạo châu củi quế" này, không động viên khích lệ đúng cách, tài năng rất dễ thui chột. Ngược lại, cứ "vống" lên lại càng thui chột nhanh. Còn nhớ, thời kỳ của các nhà văn, nhà thơ Nguyên Ngọc, Ngọc Anh, Thu Bồn, Trung Trung Đỉnh..., các anh ấy đã làm cho Tây Nguyên và văn học Tây Nguyên chói sáng trên văn đàn, một Tây Nguyên trong sáng lạc quan, thấm đẫm tính nhân văn dù đấy là thời kỳ đói khổ vô cùng, nguy hiểm vô cùng, muôn ngàn kiểu chết bất đắc kỳ tử sẵn sàng ập đến. Bằng chứng là nhà thơ Ngọc Anh đã hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên.
Các nhà văn thời kỳ này trước hết là những người lính, và họ là những người lính thực thụ. Họ cầm bút giữa hai trận đánh, giữa những cơn sốt rét quặn người, và cả những lúc "lạc rừng"... Thế hệ thứ hai là sau giải phóng. Các nhà văn hiện tại ở Tây Nguyên là thuộc lớp này. Họ lên Tây Nguyên từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn đều trở thành nhà văn sau khi đã lên Tây Nguyên lập nghiệp. Từ Đắk Lắc có Nguyễn Hoàng Thu, Phạm Doanh, Văn Thảnh, hai nhà văn nữ người dân tộc là Linh Nga Niek Đăm, Kim Nhất, rồi Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy... Ở Gia Lai là Thu Loan, Hương Đình, Phạm Đức Long, Chử Anh Đào... Kon Tum là Tạ Văn Sĩ, Hữu Kim... Thế hệ thứ ba là thế hệ mà họ vừa đi dự hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII vừa qua, rất trẻ, hiện đại và thích nghi. Họ vừa làm kinh tế vừa viết văn như Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân, Miên Di, Lê Vi Thủy…
Nhà thơ Văn Công Hùng. |
- Qua câu chuyện, có thể thấy anh nắm rất rõ sự phát triển của lực lượng các nhà văn tại Tây Nguyên. Còn anh, anh đã đến với thi ca như thế nào, anh có thể chia sẻ cùng bạn đọc?
+ Trái với một số nhà văn tự nhận là hồi học phổ thông thì học văn rất... kém, ngược lại tôi rất giỏi văn. Khoảng 3 tuổi là tôi đã đọc được tít báo, khi đi ngoài phố có thể đọc hết các khẩu hiệu trên tường. Hồi ấy truyền thông chưa như bây giờ, chứ không có khi tôi cũng được phong thành... thần đồng ấy chứ. Giỏi văn nhưng các cuộc thi quan trọng tôi đều... rớt, mà cụ thể là hồi thi vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, môn văn tôi được... 1 điểm. Mới đây tôi có kể với Giáo sư Phong Lê là hồi sinh viên tôi đã phản biện ông trong bài thi đấy, nhưng ông vẫn cho tôi 7 điểm với lời phê bên lề: "Có ý kiến mới nhưng cũng cần... bám sát giáo trình". Lớp 7 tôi đã làm thơ, mò mẫm làm và không biết nơi đâu mà gửi mà nhờ, vì nhà tôi sơ tán về huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Hồi ấy suốt ngày đọc thơ Tố Hữu, rồi Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên... và nhờ may là không biết gửi đi đâu, chỉ âm thầm chép trong sổ nên hôm nay tôi là... tôi, chứ gửi đi đâu để ai đó bảo "Cái này mà là thơ à" là có khi mình nhụt chí luôn. Cứ âm thầm tưởng đấy là thơ cho đến khi học đại học ở Huế, được gặp các nhà thơ thứ thiệt, một số bạn bè làm thơ nữa, thì mình thấy mình... ngu thật, thấy mình hoàn toàn không có khiếu làm thơ.
Tuổi trẻ vốn lãng mạn. Nhà tôi ở Huế, tôi học Đại học Tổng hợp Huế khóa 1, thiếu gì thành phố ở đồng bằng nhận, và họ đã nhận rồi - hồi ấy ra trường là được phân công công tác, nhưng tôi đã xung phong lên Tây Nguyên. Cũng chưa biết Tây Nguyên là gì, mở bản đồ ra, thấy Gia Lai, Kon tum gần Huế nhất, thế là viết đơn xung phong lên đấy. Cũng chỉ định là đi 3 năm rồi về. Hồi ấy thất vọng về mình ghê gớm nên bảo đi thử xem có nên cơm cháo gì không, ba năm chứ mấy. Thế rồi đằng đẵng đến giờ... Bây giờ thì mình đã thành người Tây Nguyên thứ thiệt, đến đâu cũng nghe giới thiệu: "Nhà thơ Tây Nguyên Văn Công Hùng".
- Nói gì thì nói, không thể phủ nhận mảnh đất Tây Nguyên đã làm nên một tính cách thơ và tính cách đời Văn Công Hùng?
+ Rõ ràng rồi. Nếu tính đằng thẳng ra thì Tây Nguyên, cụ thể là Gia Lai đã giúp tôi trở thành nhà thơ. Nhưng cũng có sự ảnh hưởng không nhỏ của quê nội tôi là Huế và nơi tôi sinh ra và sống suốt thời học phổ thông là Thanh Hóa. Còn Ninh Bình thì ít ảnh hưởng vì tôi chỉ thi thoảng về thăm. Bạn bè đùa, ông là người mang trong mình nhiều yếu tố cố đô: Huế nhé, Thanh Hóa nhé, Ninh Bình nhé, và bây giờ Tây Nguyên cũng có vua... lửa đấy với "kinh đô" là cái làng ở chân đèo Chư Sê đấy...
- Trên hành trình đến với văn chương, nhà văn, nhà thơ nào có sự ảnh hưởng đối với anh?
+ Người ảnh hưởng nhiều đến đời thơ của tôi lại là một... nhà văn - ông Trung Trung Đỉnh. Tôi lên Gia Lai thì ông Đỉnh đã ra Hà Nội, nhưng hầu như năm nào ông cũng vào thăm lại chiến trường xưa. Hồi ấy còn khổ lắm, Ty Văn hóa nơi tôi làm việc có một cái nhà khách xập xệ, ông Đỉnh vào thường nghỉ ở đấy. Tôi hay được giao nhiệm vụ chuẩn bị dọn dẹp phòng khách đón ông. Tôi chưa vợ, cũng ở ngay trong phòng làm việc, các buổi chiều chúng tôi hay nhậu và tôi lặng lẽ học ông từ ấy. Hồi ấy tôi hăng hái viết truyện lắm. Ông Đỉnh đọc xong bảo: "Đóng góp lớn nhất của chú cho nền văn xuôi Việt Nam là... chú đừng viết nữa!". Từ đấy tôi cạch truyện ngắn và chuyển sang viết... báo theo phong cách... truyện ngắn.
- Có bài thơ nào gắn với những kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời mà anh tâm đắc?
+ Phần lớn các bài thơ khi viết ra thì bao giờ tác giả cũng tâm đắc, tâm đắc cho đến khi có... bài mới để lại tâm đắc. Tôi thuộc loại phổ cập vi tính khá sớm. Chục năm nay tôi hoàn toàn viết trực tiếp trên máy tính. Hồi tôi sắm cái laptop đầu tiên thay cho cái máy bàn secon hand, mở ra cài word xong là tôi gõ ngay một bài thơ, sau này lấy tên nó làm 1 tập thơ của mình: "Gõ chiều vào bàn phím": "Tôi gõ chiều vào bàn phím/ hiện lên em ngơ ngác xa xăm…/Em ở phía không thể nào tới được/ một con sông khóa những nhịp cầu/ giá có thể lấp sông bằng nỗi nhớ/ một phía bờ sẽ lại hóa dòng sông…". Sau này có nhiều người bình vui lắm, nhưng thực ra là tôi gõ nó trong... 30 phút. Nhanh hơn một cữ cà phê và hoàn toàn không định trước.
- Nhà thơ, nhà báo, nhà quản lý, đi đâu cũng sôi nổi, luôn là người làm trò cho các cuộc vui thêm hấp dẫn, nhưng thơ của anh lại trầm buồn, sâu lắng bởi nhiều chiêm nghiệm và ký ức… Dường như những điều này không mấy liên quan đến nhau nhưng anh đã và đang dung hòa chúng một cách rất… hòa thuận. Vậy, đâu đích thực là tính cách của Văn Công Hùng trong thế giới sống - viết - làm quản lý?
+ Nhiều người nói với tôi điều này, có người lý giải giúp là để che đi những gì ẩn bên trong. Tôi thì đồ là do mình vẫn còn tuổi... hiếu động. Tôi thấy các việc này trong tôi không bị loại trừ nhau, trái lại hỗ trợ nhau khá tốt. Báo giúp tôi kiếm tiền nuôi vợ con và nuôi thơ, nhưng quan trọng hơn nó giúp tôi được đi nhiều, gặp gỡ nhiều, được mở rộng tầm mắt. Nó còn giúp tôi luôn phải động não. Nghề viết mà lơi tay là lười ngay. Nói trắng phớ ra, tôi là một người ham chơi nghiêm túc. Rất thích đi và hết mình trong các cuộc vui, để sau đó khi mở laptop ra thì mình đối diện với nỗi cô đơn của mình, đắm chìm vào cảm xúc, và viết. Nói ham chơi nghiêm túc vì tôi rất sợ các bác ham chơi... bê tha. Tôi rất đông bạn ở khắp nơi nhưng đi đâu rất ít làm phiền họ, họ vui thì mình ngồi, họ không thích là dứt khoát không ép. Nhà tôi một thời cũng là "câu lạc bộ văn nghệ sĩ khắp nước" nên tôi hiểu sự không vui khi bị làm phiền.
- Các cây bút trẻ ở Tây Nguyên dường như chưa thực sự phá cách để có một tiếng nói mạnh mẽ như thời của các nhà văn thế hệ trước. Với tư cách là một Phó Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật, anh nghĩ thế nào về điều này, cũng như thực trạng phát triển văn học ở tỉnh nhà?
+ Thì nó cũng như tình trạng chung thôi, có điều ở Tây Nguyên thì khó hơn. Tôi kể nhé, tập "Đêm không màu" của tôi in xong, ngoài bán trực tiếp thì tôi có mang gửi ở mấy hiệu sách ở thành phố Pleiku. Nửa năm sau quay lại lấy thì... sách vẫn nguyên đai nguyên kiện nằm trong tủ, tức là từ lúc tôi gửi đến khi tôi đến thanh toán thì sách chưa một lần được mở ra và bày lên quầy. Phần lớn các nhà thơ ở Tây nguyên hiện nay đều là công chức nhà nước, phải có một chỗ để họ làm việc, lĩnh lương, còn viết văn chỉ là phụ. Trong hoàn cảnh ấy mà viết được thì tôi phục các đồng nghiệp của tôi quá.
- Xin cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng!