Nhà thơ Trần Nhuận Minh: :Khởi sự" từ công cuộc Đổi mới

Thứ Ba, 19/06/2012, 08:00
Trần Nhuận Minh từng nhiều lần tuyên bố: Anh rất biết ơn công cuộc Đổi mới bởi dưới ánh sáng của nó, anh "đã được sinh ra lần thứ hai". Và anh cũng chỉ công nhận những tập thơ xuất bản sau thời kỳ này là có "gien thơ" của anh mà thôi...

Tài thơ của Trần Nhuận Minh phát lộ muộn, dù rằng ở tuổi 16, anh đã có thơ đăng báo. Hàng chục năm trời ký bút danh Trần Bình Minh nhưng "bình minh thơ ca" chỉ thực sự đến với anh khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới (năm 1986), và bút danh của anh đã được đổi ra là Trần Nhuận Minh (mà theo diễn giải của anh, nó có nghĩa là "ánh sáng mờ trong cát bụi").

Nhờ công cuộc Đổi mới, nói đúng hơn là nhờ sự "cởi trói" về tư tưởng, Trần Nhuận Minh đã tìm được hướng đi cho thơ mình. Mà nào phải tìm đâu xa - anh hướng ngòi bút về những phận người lam lũ, cơ cực đang lầm lũi tồn tại quanh mình như những vỉa than quý bị phủ lấp trong đất bụi bấy nay. Anh muốn thơ ca phải là sự an ủi, bù đắp phần khuyết thiếu mà những con người bất hạnh ấy đang gánh chịu. Anh chi chút từng nỗi đau nhỏ lẻ của họ. Trong khi độc giả ngày một quay lưng lại với lối thơ hoặc tầm phào mây gió, hoặc rối rắm, u ơ, thì với những bài thơ ngắn gọn, có cốt truyện, nhân vật cụ thể, đề cập tới những vấn đề gần gũi, thiết thực của đời sống, thơ Trần Nhuận Minh đã thực sự là một kênh hấp dẫn, thu hút được đông đảo người đọc (có những tập thơ của anh được tái bản tới mười mấy lần). Âu cũng là điều hợp lý và dễ hiểu. Người đọc đón chào thơ Trần Nhuận Minh với tâm thế đón nhận một loại hình nghệ thuật có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ và truyện.

Tất nhiên, đã gọi là thơ - truyện thì càng nhiều tình tiết kịch tính càng hấp dẫn. Trần Nhuận Minh rất chú ý khai thác điều này. Nhân vật trong thơ anh thường rơi vào những tình huống, cảnh ngộ không bình thường, và cách phản ứng lại tình huống, cảnh ngộ của họ cũng không bình thường. Đọc thơ Trần Nhuận Minh, người đọc luôn có cảm giác bất ngờ là vì thế. Bài "Phút lâm chung của cụ Hãn" kể chuyện một ông lão nhiều năm làm bảo vệ ở rạp chiếu bóng. "Thành tích" nổi bật của cụ là từng phát hiện và đánh hộc máu mồm nhiều cháu bé chỉ vì chúng cố tìm cách xem phim chui. Thế rồi thật bất ngờ, trước phút lâm chung, cụ Hãn có nguyện vọng nhờ tác giả viết báo, đặng qua đó chuyển lời xin lỗi của cụ tới tất cả bọn trẻ. Bài "Dì Nga" kể chuyện một phụ nữ xinh xắn, hiếu thảo, chồng có vị trí xã hội, vậy mà bất chợt một ngày nọ đã tung hê tất cả để đi theo một anh chàng chuyên nghề câu cá vược. Bài "Nhà thơ áp tải" kể chuyện một nhà thơ (cụ thể ở đây là Thanh Tùng, tác giả "Thời hoa đỏ") phải sống bằng nghề áp tải hàng trên đường sông, dùng…nắm đấm để chống kẻ gian và nuôi thân… Đọc thơ Trần Nhuận Minh, người đọc nhiều lúc không chỉ ấn tượng với tính cách của nhân vật mà còn bâng khuâng thương xót trước những việc tréo ngoe, "cực chẳng đã" mà vì số phận đưa đẩy, họ buộc phải làm.

Tất nhiên, đọc những bài thơ kiểu trên, không phải không có người lấy làm băn khoăn: Thơ mà thực đến thế thì còn gì là thơ nữa? Sao tác giả không viết thành truyện cho xong? Thật ra, những câu chuyện trên đã hiện lên với sự cô đọng, nét duyên riêng mà chỉ qua cách xử lý của một nhà thơ mới có được. Đây là đoạn kết rất tạo dư âm trong bài "Mợ Hữu":

Mợ đáng thương hay đáng trách
Trời ơi! Tách bạch mà chi
Dòng sông muôn đời vẫn thế
Đục trong thì cũng trôi đi…

Dòng sông cuộc sống luôn là vậy, đục trong gì rồi cũng phải trôi đi, chứ không thể như ao hồ chấp nhận phận tù đọng. Đó là những lời kết thật thấm thía, giàu tính nhân văn. Nếu ví hình hài của bài thơ có phần gần với văn xuôi thì chính đoạn kết lại ngân lên thứ thanh âm cho biết chất liệu thi ca của nó…

Bìa tập thơ tuyển "Bốn mùa" của Trần Nhuận Minh.
Thơ ca đương đại Việt Nam từ Đổi mới tới nay không né tránh việc phản ánh sự đói nghèo. Thơ về người ăn mày cũng không còn là của hiếm. Vậy nhưng đã mấy ai viết về đối tượng này với sự cảm thông, trân trọng và cảm động như Trần Nhuận Minh (bài "Dặn con"):

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn. 

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.

Với nhiều người ăn mày, để "hưởng" được một chút bố thí của thiên hạ, lắm khi họ phải nhận về lời miệt thị nặng nề. Tuy nhiên, có lẽ nỗi đau lớn nhất của họ vẫn là, từ việc thất thế của mình, họ bị ai đó xoáy hỏi quê hương bản quán, để rồi từ đó có lời châm chích, bỉ bác nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Việc tác giả khuyên con như vậy là rất ý nhị. Các cụ ta có câu "Ăn mày là ai, ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo thành ra ăn mày". Lẽ thịnh - suy ấy đã được tác giả đúc kết một cách sâu sắc, cảm động ở khổ thơ kết bài:

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.

Đây sẽ là một bài thơ hay trọn vẹn nếu như không vướng khổ thơ thứ 3. Tác giả hơi tham chi tiết, nói quá kỹ, dặn con chưa đủ lại còn nhắc… chó: "Con chó nhà mình rất hư/ Cứ thấy ăn mày là cắn/ Con phải răn dạy nó đi/ Nếu không thì con đem bán". Cái yếu của khổ thơ không chỉ là sự chuệch choạc về vần điệu, mà còn bởi ý thơ không thật thấu nhẽ. Dân gian ta có câu "Chó cắn áo rách", gần như đặc tính của chó là thế. Dạy dỗ hoặc chuyển nó vào tay chủ khác thì giải quyết được vấn đề gì? Quan trọng vẫn là cách xử thế giữa người với người...

Ngoài sự chia sẻ với những thân phận cơ nhỡ, phải lâm cảnh tay bị tay gậy đi ăn mày, tác giả còn thể hiện lòng thương cảm với những ai đó được "chọn" đi làm Ôsin ở xứ người. Bài "Cụ Chiến tiễn cháu gái đi giúp việc gia đình ở nước ngoài" có nhiều câu đọc lên mà ứ nghẹn: "Cháu đã qua lớp học/ Tập lau nhà, thùa khuy/ Tập hầu cơm ông trẻ/ Đưa tăm cháu phải quỳ/ Tập ăn thừa dưới bếp/ Tập khóc chẳng ai hay…/ Bài học thời mất nước/ Ai ngờ dùng hôm nay". Đoạn kết thể hiện sự đau đớn, bất lực của một cựu binh già khi đất nước đã chuyển sang một giai đoạn khác, hòa bình rồi nhưng việc duy trì miếng cơm manh áo thì lại muôn phần gian khó:

Ba mươi năm đánh giặc
Ngẩng đầu trong đạn bom
Đói nghèo run tay gậy
Cụ đứng bên đường mòn…

Hẳn nhiều người có trách nhiệm sẽ phải ân hận và day dứt bởi đã có lúc để cho những người từng làm nên chiến thắng phải rơi vào tình cảnh bi thương như thế này…

Bên cạnh những tứ thơ xúc động, Trần Nhuận Minh còn tạo ấn tượng với người đọc bởi cách diễn đạt súc tích. Trước chén rượu mừng xuân (bài "Bạn hưu"), anh viết:

Ngày xuân lên phía trước
Tuổi xuân lùi phía sau
Tháng hè loang dưới chén
Mùa đông ngưng trên đầu

Nhiều câu thơ hay của Trần Nhuận Minh tích chứa sức mạnh như một châm ngôn:

Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này

(bài "Dặn con")

Khi trời đất bỗng dưng yên ắng lạ
Neo nhà đi! Bão lớn sắp đến rồi

(bài "Ngẫu hứng")

Có lắm anh hùng, đất nước bình yên là một điều vĩ đại
Không cần có lắm anh hùng, đất nước vẫn bình yên còn vĩ đại hơn nhiều

(bài "Năm khúc hát bên bờ Trường Giang")

Với những câu thơ này, tôi có cảm tưởng Trần Nhuận Minh khá gần với nhà thơ Daghestan Rasul Gamzatov trong "Lời ghi trên cánh cửa".

Viết về sự biến đổi, trong đó có cả sự băng hoại về đạo đức ở nông thôn ngày nay có lẽ là một sở trường của Trần Nhuận Minh. Trái tim luôn áp sát với đời khiến cho thơ anh đi vào được ngóc ngách của đời sống thôn dân, đã bật lên những ngọn đèn cảnh báo: "Bà bán nước chè xanh không chỉ bán nước chè/ Có bán cả phụ tùng tên lửa". Anh cũng đưa ra được những nghịch cảnh: "Thanh niên uống rượu say trong quán/ Ông già tập thể dục ngoài đường"… Nhưng nhiều hơn cả vẫn là việc tác giả luận bàn về nhân tình thế thái, về sự thay lòng đổi dạ của con người trước đời thường muôn mặt. Đây, cũng là "bạn chơi từ thuở quàng khăn đỏ", vậy mà mỗi người mỗi cảnh, hoàn toàn cách biệt: "Đứa thì làm giám đốc ngành/ Đi đâu cũng có nhân tình đi theo/ Đứa thì áo túm quần đeo/ Tinh mơ vác gạo, xế chiều bơm xe/ Đứa liều vượt biển trốn đi/ Nổi chìm nào biết tin gì thực hư"… Mới hay, tại sao Trần Nhuận Minh luôn tỏ ra chi chút trong những bài thơ ngợi ca tình bạn. Và tại sao số bài đề cập tới vấn đề này của anh lại tương đối nhiều.

Ngoài mảng thơ thế sự mà tác giả không ngại đưa vào cả những từ ngữ bụi bặm, vỉa hè, kiểu như "choác bia hơi", "thả phanh nhai thịt gà", "cười như Mỹ", Trần Nhuận Minh cũng có không ít bài trải lòng với thiên nhiên, đề cập tới những vùng đất mà anh có dịp đặt chân. Ở đây tôi không chia sẻ với ý kiến của Giáo sư Phong Lê khi ông cho rằng Trần Nhuận Minh không làm nhiều thơ về thiên nhiên và "Thiên nhiên ít có đường nét cụ thể trong thơ anh". Tôi cho không phải vậy. Thơ Trần Nhuận Minh khá giàu hình ảnh. Cảnh trí thiên nhiên lắm khi cũng được anh chăm chút kỹ lưỡng với những phát hiện thú vị. Trong bài "Cao Bằng", anh nhìn cảnh vật và thấy: "Trong sương mù lãng đãng/ Núi như người đàn bà đang yêu/ Và sông Bằng như mảnh thư tình/ Bị bóc trộm".

Ở bài "Trong sương mù Cao Bằng", anh tả thật sinh động: "Sông Hiến mất tích/ Đỉnh Cao Bắc trôi ngật ngưỡng ở ngang vai/ Bát phở vịt đang ăn, tay quờ không thấy đũa/ Mặt trời trắng và lành như một đồng xu nhỏ/ Ta chả thèm tiêu". Tuy nhiên, khác với nhiều người, Trần Nhuận Minh ngắm cảnh không phải chỉ để ngắm cảnh. Cảnh luôn gợi trong anh những điển tích văn học, những dấu ấn lịch sử, hoặc một câu chuyện nào đó. Đi tham quan một vùng đất, anh ít để cho mình ở tư thế "cưỡi ngựa xem hoa". Anh ngắm cảnh bằng cả vốn tri thức văn hóa, bằng thế giới nội tâm của mình. Cảnh bởi thế thường mang chiều sâu tâm trạng con người. Đến lầu Hoàng Hạc, nơi Thôi Hiệu viết nên câu thơ nổi tiếng "Bạch vân thiên tải không du du" (Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi), Trần Nhuận Minh nhận thấy nếu không có câu thơ của Thôi Hiệu thì "mây trắng trên trời Trung Hoa không trắng đến nỗi thế". Đến Vạn Lý Trường Thành, thay vì cảm giác bái phục trước sự kỳ vĩ của một trong những kỳ quan thế giới, Trần Nhuận Minh lại nhìn ra "Nấm mộ âm u dài hơn vạn dặm/ Chắn ngang mặt địa cầu", bởi để làm nên công trình vĩ đại này, đã có "Hàng chục triệu người tàn, hàng trăm ngàn người chết/ Xác xây vào thành còn lộ ra xương trắng" (bài "Vạn Lý Trường Thành ca"). Thậm chí, đang thung thăng bên đồng cỏ hoa vàng của nước Nga, trước cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời, tác giả vẫn không quên thốt lên câu thơ gợi nhắc nỗi đau nhân tình thế thái:

Hoa vàng nở hết mình đi
Nghe đâu tuyết trắng bay về rồi đây
Trời ơi! Vàng đến thế này
Mà sao đen bạc vẫn đầy thế gian

(Bài "Trên đồng cỏ hoa vàng").

Dường như tâm trí của tác giả không lúc nào nguôi quên những nỗi niềm u uẩn, bức xúc trong cuộc sống đời thường?

Sự thể không hẳn vậy. Đã từng có lúc Trần Nhuận Minh "phân thân" để phiêu du trong một thế giới khác. Ở tập thơ "Bản xônát hoang dã", Trần Nhuận Minh đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ. Anh bắt đầu dùng thơ để ngao du trên các tầng trời. Cách cảm của anh cũng nhiều ẩn ức hơn, câu chữ ma mị hơn. Đặc biệt, cách cấu trúc của tập thơ cũng lạ. Cả tập là một bài thơ dài nhưng không phải trường ca. Riêng đoạn đầu và đoạn kết có đặt tên, một để thay lời tựa, một để thay lời bạt. Theo tôi, đó là những đoạn thuộc loại hay nhất trong tập. Đây là một đoạn ở phần "Thay lời tựa": "Giao thừa đi như cô gái chưa chồng/ Đẹp nức nở những muộn mằn đắng chát/ Ta ở đâu giữa mùa xưa xanh ngát/ Má trăng mờ run rẩy dấu môi hôn". Và đây, một đoạn ở phần "Thay lời bạt": "Mây bây giờ, ngàn năm trước đã bay đi/ Mọi giành giật rồi thành hư ảo hết/ Chém sáng giữa vòm khuya/ Ngôi sao đã chết/ Có trái đất xanh tươi này/ Chỉ là ngẫu nhiên thôi/ Như ngẫu nhiên mà có cuộc đời tôi".

Nếu như ở phần "Nhà thơ và hoa cỏ", Trần Nhuận Minh đã khoét vào số phận người để qua đó, thể hiện chân dung mình thì ở đây, Trần Nhuận Minh lại muốn thâm nhập vào phần thế giới tâm linh để tìm lời giải "ta là ai?" và ý nghĩa của sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, xem ra đã có chỗ tác giả rơi vào vòng luẩn quẩn.

Thi sĩ Pháp A.Musset từng viết: "Hãy gõ vào trái tim, thiên tài của anh ở đó". Trần Nhuận Minh thì viết: "Tôi gõ vào ngực tôi/ Tôi ơi, mở cửa ra/ Cánh cửa tôi đã mở/ Và tôi thấy chả có gì". Cả ý cả lời đều không ổn. Ở đây, mượn lời góp ý của chính nhà thơ Trần Đăng Khoa với anh trai mình - nhà thơ Trần Nhuận Minh - tôi cũng muốn nói với tác giả "Bản xônát hoang dã" rằng: "Viết thế này, anh không thêm được gì". Đúng là không thêm được gì. Có chăng nó chỉ khiến người ta thấy thơ Trần Nhuận Minh đa dạng hơn (tức là phát triển về bề ngang chứ không cao thêm được là bao). đọc "Bản xônát hoang dã" của Trần Nhuận Minh, có nhà phê bình tỏ ra tâm đắc với quan điểm Thiền học của tác giả, riêng tôi thì lại thấy Trần Nhuận Minh chưa thực nhuần nhuyễn, "đắc đạo" trong hướng đi mới của mình. "Mắt này ngủ/ Thì mắt kia phải thức/ Lúc gian nguy/ Mình canh chính thân mình" - thì ở tập "45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh", Trần Nhuận Minh chẳng đã viết như vậy? Muốn khám phá, cắt nghĩa, thể hiện thế giới vô thức, mộng ảo mà trong chính tâm thức tác giả còn "nửa nạc nửa mỡ" như vậy thì khó mà đưa dẫn độc giả hoàn toàn nhập tâm nhập trí được vào từ - trường - thơ của mình…

(Viết lần đầu năm 1991, bổ sung và hoàn chỉnh ngày 28/5/2012)

P.K.
.
.