Nhà thơ Mai Văn Phấn: Khởi đầu từ "Thuốc đắng"...

Thứ Ba, 24/05/2011, 08:32
20 năm trôi qua, bây giờ nhìn lại có thể nói, giải thưởng văn nghệ thành phố Hoa Phượng Đỏ năm ấy trao giải nhất cho bài thơ "Thuốc đắng" của Mai Văn Phấn là chính xác. Nhưng sau khi báo đăng trên trang nhất bài thơ này, bên cạnh lời khen, cũng có những lời phê phán đậm chất quan trường, quy chụp không chỉ tác giả, mà cả người chọn thơ...

Sau mấy lần lỡ hẹn, cuối cùng thì tôi và nhà thơ Mai Văn Phấn cũng có buổi ngồi với nhau. Cuộc gặp ban đầu là để thỏa mãn tính tò mò của tôi từ 20 năm nay về một bài thơ của anh đăng Báo Hải Phòng năm 1991, nhân dịp thành phố trao giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm lần thứ nhất. Đó là bài "Thuốc đắng" mà đến nay, tôi vẫn thuộc câu mở đầu táo bạo trong cách dùng từ, chắt lọc nhịp điệu: "Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa/ Cha cũng có thể thành tro nữa". Bài thơ gồm bốn khổ, riêng khổ đầu phá cách năm câu, còn ba khổ sau đều bốn câu, viết khá thoải mái và cũng thật đặc trưng cho phong cách thơ Mai Văn Phấn thời kỳ ấy.

20 năm trôi qua, bây giờ nhìn lại có thể nói, giải thưởng văn nghệ thành phố Hoa Phượng Đỏ năm ấy trao giải nhất cho bài thơ "Thuốc đắng" của Mai Văn Phấn là chính xác. Nhưng sau khi báo đăng trên trang nhất bài thơ này, bên cạnh lời khen, cũng có những lời phê phán đậm chất quan trường, quy chụp không chỉ tác giả, mà cả người chọn thơ. Có đến hàng tháng trời sau cuộc trao giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm, không khí văn chương đất Cảng vẫn nóng lên về bài thơ "Thuốc đắng". Sau này, khi quen nhau, mỗi lần có dịp, tôi lại hỏi anh về bài thơ từng làm xôn xao bạn yêu thơ ngày ấy. Nhưng cũng mãi đến dịp Ngày thơ Việt Nam năm nay, Mai Văn Phấn mới tươi cười mà như hẹn: "Lúc nào anh em mình ngồi với nhau lâu lâu chuyện trò mới đã". Và "lúc nào" ấy cũng qua mấy tháng, mãi dịp nghỉ lễ vừa rồi chúng tôi mới gặp được nhau. Vừa ngồi xuống ghế, tôi như thầm nhắc lại lời hẹn, đọc luôn hai câu kết bài "Thuốc đắng": "Khi lớn bằng cha bây giờ/ Đáy chén chắc còn bão tố", thì Mai Văn Phấn nói ngay: "Bài đó em viết trong một hoàn cảnh cụ thể…". Rồi như gợi đúng mạch, nhà thơ say sưa kể.

Năm ấy, con gái lớn của Phấn lên ba tuổi. Thường cháu rất sợ uống thuốc, mỗi khi ốm là bố mẹ phải dỗ mãi mới chịu uống. Nhưng lần ấy cháu ốm nặng, không thể ngồi đợi khi con chịu há miệng mới cho uống thuốc, vợ chồng anh phải giữ tay chân con rồi đổ thuốc vào miệng. Chính lần đổ thuốc cho con ốm đã để lại trong người cha bao suy tư, dằn vặt, đồng thời cũng làm bật dậy trong đầu anh câu thành ngữ "thuốc đắng giã tật". Bài thơ là sự dằn vặt, ám ảnh đè nặng trong lòng, nên khi viết cũng khá trôi chảy, vì nó không còn đơn thuần là chuyện bố mẹ cho con uống thuốc nữa, mà là vấn đề xã hội lúc đó. Bài thơ ra đời năm 1990, đất nước ta mới thực hiện đường lối đổi mới được mấy năm, tư tưởng bảo thủ cùng những tàn dư của thời bao cấp còn khá nặng nề và cũng không phải ai cũng muốn Đổi mới; nhưng muốn đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu thì không thể không tiến hành công cuộc Đổi mới, mở cửa. Công cuộc Đổi mới quả là nhọc nhằn, vất vả, và không kém phần quyết liệt, nhưng từ trong nỗi vất vả và quyết liệt ấy đã thấy bóng dáng cuộc đời mới đang về. Đọc "Thuốc đắng", ngẫm ngợi sâu một chút ta sẽ thấy ngay cái ẩn ý ấy: "Con ơi! Tí tách sương rơi/ Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh/ Và những cánh hoa mỏng mảnh/ Đưa hương phải chờ rễ cay/ Mồ hôi keo thành chai tay/ Mùa xuân tràn vào chén đắng".

Thơ Mai Văn Phấn ngay từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước đã là thế, chỉ bằng sự giản dị bình thường như cho con uống chén thuốc đắng để giã tật, mà nói được vấn đề lớn đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Không chỉ ở "Thuốc đắng" mà sau này, cách khái quát vấn đề kiểu tương tự ta còn gặp nhiều trong thơ Mai Văn Phấn, nhất là ở giai đoạn trước 1995.

Sau giải nhất thơ Hải Phòng năm 1991, liên tiếp mấy năm sau, Mai Văn Phấn đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) của hai cuộc thi thơ ở hai tờ báo có uy tín văn chương: Năm 1994 của Báo Người Hà Nội với bài "Nghi Tàm"; năm 1995 của Báo Văn nghệ với chùm hai bài "Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc" và "Nhật ký đô thị hóa"…

Cao Năm
.
.