Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa: Nặng lòng với tranh dân gian

Thứ Ba, 06/09/2016, 08:06
Nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa hiện là Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội - một trong những bảo tàng gốm sứ tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Khởi đầu với công việc sưu tầm gốm sứ, trong quá trình đi sưu tầm chị đã phát hiện ra có nhiều dòng tranh dân gian đặc sắc đang lưu lạc hoặc đã thất truyền...


Gần 10 năm nay, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã lăn lộn khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, mang về hàng ngàn tác phẩm tranh dân gian quý hiếm, để hôm nay khán giả Thủ đô được tận mắt chiêm ngưỡng nét vẽ từ chạm khắc vô cùng đặc sắc, tinh tế có lịch sử hàng trăm năm...

Tận mắt chứng kiến những bức tranh dân gian nằm trong bộ sưu tập khổng lồ tại triển lãm "12 dòng tranh dân gian" vừa được tổ chức tại Hà Nội mới thấy sự kỳ khu của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa. 12 dòng tranh dân gian mà nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa đã cất công lặn lội sưu tầm góp nhặt khắp trong Nam ngoài Bắc gồm: Tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Thập vật, tranh làng Sình, tranh Đồ thế Nam Bộ, tranh Kính Nam Bộ, tranh Kính Huế, tranh Thờ miền núi, tranh Gói vải, tranh Thờ đồng bằng, tranh Vải.

Trong đó, dòng tranh Kim Hoàng được cho là đã thất truyền từ 100 năm nay do nạn lụt lớn năm 1915 cuốn trôi mất nhiều ván in, sau đó là mất mùa, đói kém, chiến tranh loạn lạc... đến nay không có người nào kế nghiệp. Vì thế, tranh Kim Hoàng trở thành một điểm đặc biệt của triển lãm "12 dòng tranh dân gian" lần này.

Một bộ tranh thờ trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm tranh Nguyễn Thị Thu Hòa.

Theo chia sẻ của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, tranh Kim Hoàng được cho là dòng tranh kết hợp giữa tranh Đông Hồ và Hàng Trống, do hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng (Hoài Đức - Hà Nội) hợp nhất lại tạo ra. Tranh Kim Hoàng có đặc điểm là nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống, in trên giấy đỏ, hồng điều hoặc giấy vàng tàu và còn được gọi là tranh Đỏ.

Đầu tiên, tranh Kim Hoàng được in nét đen trên giấy rồi nghệ nhân dựa vào đó để sáng tạo màu sắc theo trí tưởng tượng của mình. Vì thế, mỗi bức tranh lại có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây chính là điểm được ưa chuộng nhất và mang đến những nét riêng, tươi mới, sáng tạo ở tranh Kim Hoàng

Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa tiết lộ, trong quá trình đi tìm lại bản khắc của tranh Kim Hoàng, chị cảm thấy vô cùng may mắn khi tình cờ mua được một ván áo quan có đầy đủ 10 bức tranh Kim Hoàng, trong khi bản khắc trước đó chỉ có nhiều nhất là 6 bức.

Chị nhận định, thuở ban đầu có thể tranh Kim Hoàng chủ yếu phục vụ thờ cúng, sau này phát triển theo nhu cầu cuộc sống như trang trí nhà cửa. Cũng theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, tranh Kim Hoàng đã hoàn toàn biến mất sau năm 1945 nên những bức tranh và bản khắc đã trở thành báu vật đối với không chỉ nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa. Người phụ nữ này còn có "tham vọng" khôi phục dòng tranh đặc sắc này.

Tất nhiên, chị cũng chia sẻ rằng đây không phải là công việc một sớm một chiều mà cần có sự đầu tư về cả thời gian, công sức, trí tuệ và... tiền bạc nữa. Cách đây 3 năm, với sự kết nối của chị có 2 cụ cao niên của làng Kim Hoàng đã sang làng tranh Đông Hồ để tìm cách lên mẫu, phục chế lại các bản khắc nhưng không thành công. Việc càng khiến nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa thêm nung nấu, thôi thúc, quyết tâm phục dựng bằng được dòng tranh Kim Hoàng trước khi nó có thể vĩnh viễn bị chôn vùi theo năm tháng...

Trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, những bộ tranh thờ được giới thiệu có nhiều bức độc đáo mà không phải ai cũng biết đến. Như các bức "Quan Âm thuyết pháp" (Nam Đàn, Nghệ An), "Ngựa hồng" - "Ngựa bạch" (Độc Lôi- Quỳnh Lưu, Nghệ An), Quan Võ (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc), bộ tranh chủ (bàn thờ tổ tiên)..., trong đó có cả những bức tranh thờ ở cuối thế kỷ XVIII.

Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu chị phát hiện ra trong các bức tranh thờ có rất nhiều điều thú vị. Một bộ tranh chủ có đầy đủ cả Long, Ly, Quy, Phượng, đôi hạc chầu, cá chép, tùng, cúc, trúc, mai, với vật phẩm là đào tiên, lựu, phật thủ, trầu, cau, vôi…

Chị Thu Hòa cho biết, bộ tranh thờ gồm 10 bức trưng bày tại triển lãm này là chị mua được từ một cha xứ ở Đồng Nai. Điều ngạc nhiên thú vị là một vị cha xứ Công giáo nhưng lại hiểu và yêu mến, sưu tầm tranh thờ của Phật giáo. Điều đó cho thấy, tranh thờ có sức hấp dẫn ngay cả với người... ngoại đạo.

Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ rằng, để có trong tay 12 dòng tranh dân gian như hôm nay, chị đã phải thực hiện rất nhiều chuyến đi điền dã. Việc đi đến các miền có tranh dân gian của chị không chỉ do một mình chị đảm nhiệm hết được mà phải tổ chức thành ê kíp. Việc đi Nam về Bắc cũng khiến chị mất rất nhiều công sức, tốn kém tiền bạc nhưng chị vẫn không nản lòng.

Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (bên phải) chụp ảnh lưu niệm với nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế (giữa) tại triển lãm "12 dòng tranh dân gian Việt Nam".

Chị tâm sự: "Mất nhiều công sức nhất có lẽ phải kể đến là dòng tranh Đồ thế do còn khá ít tư liệu, thậm chí chưa có nghiên cứu rõ nét về tranh Đồ thế của miền Trung và miền Nam. Sự cách trở về địa lý khiến việc đi lại của tôi trở nên vất vả, tốn kém hơn nhiều so với việc tìm đến các địa danh có tranh ở miền Bắc. Dòng tranh Đồ thế Nam Bộ chỉ còn sót lại một số nghệ nhân nhưng đã cao tuổi.

 Có nghệ nhân tranh Kiếng hai tuần trước chúng tôi phỏng vấn còn rất vui vẻ, khỏe mạnh nhưng sau đó chỉ 2 tuần chúng tôi quay lại thì đã mất. Do đó, nếu chúng ta không đi ngay thì đến một lúc nào đó những tư liệu quý sẽ "biến mất mãi mãi" cùng với  những nghệ nhân cao niên ấy!".

Phải thừa nhận rằng, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa phải có một tình yêu đủ lớn mới hoàn thành được khối công việc khổng lồ này. Chị cứ nghe thấy ở đâu có tranh là lặn lội tìm về để hỏi thăm, tìm hiểu, trao đổi hay thương lượng việc bán mua.

Đôi khi chị cũng cảm thấy buồn khi ở chính những nơi từng có nghề làm tranh mà người dân không hề biết hoặc rất thờ ơ với vốn văn hóa độc đáo truyền nhân của cha ông. Chị luôn muốn thực hiện những chuyến điền dã của riêng mình nhằm đem đến cho công chúng những kiến thức sâu hơn, đầy đủ hơn, chi tiết hơn về các dòng tranh dân gian mà nhiều khi trong sách vở không có hoặc đề cập một cách hết sức sơ sài.

Bắt tay vào việc sưu tầm tranh dân gian đến nay chưa tròn 10 năm, nhưng nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã có trong tay khoảng 1.500 mẫu vật, tranh, bản khắc. Với những chuyến đi "xuyên Việt" của mình, con số này hẳn sẽ chưa dừng lại.

Theo nhận định của chị, ở Việt Nam có khoảng 20 dòng tranh dân gian, nhưng có thể một số dòng tranh đã bị thất truyền nên chị vẫn muốn dành thời gian, tâm sức để tìm hiểu, sưu tầm thêm. Chị vẫn đang ấp ủ sẽ xuất bản một cuốn sách về tranh dân gian - cuốn sách tổng hợp những nghiên cứu của chị về các dòng tranh dân gian Việt Nam trong hành trình đi tìm kiếm, sưu tầm suốt gần 1 thập kỷ vừa qua.

Từ đầu năm 2016 đến nay, nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã tổ chức tất thảy 3 triển lãm về các dòng tranh dân gian và tranh khắc gỗ gây được sự chú ý của công chúng và khiến nhiều người chú ý: Sau triển lãm "Nét Xuân 2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam" tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội hồi tháng 1, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đứng ra tổ chức, giới thiệu triển lãm "Sưu tập tranh khắc gỗ và mộc bản Trần Nguyên Đán 1970-2015" được tổ chức trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Và giờ đây là triển lãm "12 dòng tranh dân gian" khiến nhiều công chúng Thủ đô thích thú, nhất là khi được tận mắt chứng các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ, tranh làng Sình... trình diễn việc in ấn và làm bản khắc gỗ.

 Mặc dù đã có trong tay một bộ sưu tập có thể nói là "khổng lồ" về các dòng tranh dân gian của Việt Nam, nhưng nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ rằng chị vẫn chưa thể dừng lại ở đó. Chị bày tỏ sự lo lắng, nếu như không có sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như sự chung tay của cộng đồng, có thể chỉ vài mươi năm nữa, các dòng tranh dân gian Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất đi theo thời gian, khi những nghệ nhân cuối cùng của các dòng tranh ấy "khuất núi" mà không có truyền nhân giữ nghề.

Chị cũng có tham vọng, đến một lúc nào đó, nhà nước hoặc bản thân chị sẽ thành lập được một bảo tàng tranh dân gian Việt Nam hoặc đơn giản hơn là bảo tàng tranh Đông Hồ hay một dòng tranh đặc sắc nào đó. Bên cạnh đó, chị hi vọng sẽ có các dự án bảo tồn, phát triển tranh dân gian kết hợp với làm du lịch để tranh dân gian Việt có một sức sống mới trong đời sống đương đại.

Nguyệt Hà
.
.