Nhà phê bình Văn học Văn Giá: Bên trời thương nhớ Vũ Bằng

Thứ Năm, 23/01/2014, 08:00

Cuối tháng 12 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn - nhà tình báo Vũ Bằng. Ngày 7/4 tới cũng vừa chẵn 30 năm Ngày mất của ông. Vũ Bằng là một tác giả có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn nghệ trong nước không chỉ một thời. Tuy nhiên, trong cuộc đời nhiều biến động của mình, đã có lúc Vũ Bằng không được đánh giá đúng. Nhà phê bình văn học Văn Giá chính là một người đã có nhiều đóng góp trong việc khẳng định lại vị trí và đóng góp của nhà văn Vũ Bằng trong đời sống kháng chiến cũng như trong nền văn học, báo chí nước nhà...

- Thưa nhà phê bình văn học Văn Giá, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn, nhà tình báo Vũ Bằng, ông có thể giúp cho độc giả yêu mến Vũ Bằng hiểu thêm cơn cớ vì sao ông lại dấn thân vào công việc tìm kiếm, sưu tầm tài liệu để làm sáng tỏ những dấu lặng trong cuộc đời tác giả "Thương nhớ mười hai"?

+ Những năm 90 của thế kỷ trước tôi mới bắt đầu đọc Vũ Bằng, đó là cuốn "Thương nhớ mười hai". Đọc thì mê văn ông ngay. Rồi tôi tìm được "40 năm nói láo" của ông để đọc tiếp. Chỉ với hai cuốn sách đó thôi, tôi thực sự mến trọng tài danh văn chương Vũ Bằng. Đọc, rồi tôi lại nghe chuyện Vũ Bằng "đi với phía bên kia", tôi không tin. Người ta nói văn là người.

Ở "Thương nhớ mười hai", tôi cảm nhận con người này có quan điểm trung lập. Và đặc biệt là tấm lòng của ông thiết tha với Hà Nội, với đất nước, với con người, không thể nào ông lại là kẻ phản động được. Tôi cứ day dứt câu hỏi đó mãi trong lòng. Ngày đó tôi còn đang dạy trường báo chí. Trong một chuyến vào công tác tại Sài Gòn, tôi có gặp con trai Vũ Bằng, anh Vũ Hoàng Tuấn. Anh Tuấn là con của người vợ đầu của Vũ Bằng. Anh Tuấn có kể cho tôi nghe một số chi tiết đáng chú ý.

Tháng 10/1954, bà Quỳ (vợ đầu Vũ Bằng) và anh Tuấn xuống Hải Phòng để tiễn Vũ Bằng vào Nam. Vũ Bằng có dặn dò con trai là con ở lại miền Bắc với mẹ, không thể theo bố vào Nam được. Bà Quỳ ngậm ngùi tiễn chồng không một lời than van trách móc. Dường như bà hiểu rằng, chồng mình vào Nam là làm việc quốc gia đại sự chứ không đi chơi như ông nói.

Anh Tuấn cũng kể thêm một số chi tiết nữa, chẳng hạn như việc sau này anh học xong đại học, anh phải nhận công tác miền núi hơn chục năm, chỉ vì lý lịch của cha anh có những điểm nghi ngờ. Rồi chi tiết khi Vũ Bằng mất năm 1984, báo chí có đưa cáo phó, nhưng người ta đề nghị chỉ thông báo sự ra đi của ông như một công dân bình thường. Tôi nghe thì xót xa vô cùng.

Lần theo dấu vết câu chuyện anh Tuấn kể, tôi tìm được ông Hội, là thủ trưởng trực tiếp của Vũ Bằng thời ông hoạt động cách mạng. Ông Hội xác nhận, Vũ Bằng là một mắt lưới tình báo quan trọng trong tổ chức của ta, bắt đầu hoạt động tại Sài Gòn từ tháng 10/1954. Đây cũng là lý do chính mà Vũ Bằng rời Hà Nội vào Nam. Ông đi hoạt động tình báo, núp dưới vỏ bọc là một người làm báo. Ông Hội giúp tôi tìm rất nhiều giấy tờ, bằng cớ để có thể chứng minh nhân thân của Vũ Bằng. Sau đó, các cơ quan chức năng đã có xác nhận cho Vũ Bằng, rửa được tiếng oan mà Vũ Bằng và gia đình ông phải chịu đựng trong nhiều năm.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn, nhà tình báo Vũ Bằng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

- Không chỉ chứng minh nhân thân, ông còn là người cất công sưu tầm nhiều tác phẩm của Vũ Bằng. Ông có thể kể lại hành trình này?

+ Chứng minh được nhân thân cho Vũ Bằng rồi, tôi rất mừng. Nhưng tôi nghĩ, ngoài nhân thân trong sạch, Vũ Bằng cần được đánh giá đúng tầm vóc ở góc độ nhà văn, nhà báo. Tôi có cho sinh viên báo chí làm luận văn tốt nghiệp, phục dựng và đánh giá lại những đóng góp quan trọng của Vũ Bằng về văn chương, báo chí. Tôi bắt đầu bỏ công đi tìm kiếm, sưu tầm các tác phẩm của Vũ Bằng. Đầu tiên là tôi đến các thư viện sưu tầm truyện ngắn Vũ Bằng. Những truyện ngắn ông viết thời kỳ ông dinh tê vào thành Hà Nội (1948) đều có tinh thần chung là miêu tả, phê phán đám trí thức bồi bút ôm chân Nhật lúc bấy giờ.

Tôi đến Thư viện Quốc gia lục tìm lại báo "Tiểu thuyết thứ bảy". Vào Tp HCM, nhờ quen một người bạn là thủ thư của Thư viện Thành ủy trong đó mà tôi khai thác được hơn 20 truyện ngắn Vũ Bằng viết trong khoảng thời gian từ năm 1948 đến 1954. Dù vậy, tôi vẫn băn khoăn, sự nghiệp của Vũ Bằng không thể chỉ là "Thương nhớ mười hai", "40 năm nói láo". Tôi bỏ thời gian có thể nói là "quần nát" nhiều thư viện ở các tỉnh phía Nam và tìm thêm được một số truyện ngắn và một số tùy bút, hồi ký, chân dung, tiểu luận nữa của Vũ Bằng. Trong lúc Vũ Bằng cần được "rửa" tiếng oan, tôi nghĩ không vội cầu toàn, mà cần ra ngay một cuốn sách công bố những tư liệu chính thống về ông, để bạn đọc hiểu đúng về Vũ Bằng. Và tôi xuất bản cuốn "Vũ Bằng - Bên trời thương nhớ" (năm 2000), được nhiều bạn đọc đón nhận.

- Theo ông, việc chứng minh nhân thân Vũ Bằng có ý nghĩa như thế nào trong câu chuyện khẳng định tầm vóc Vũ Bằng trong đời sống văn học và báo chí?

+ Tôi đã từng không vui khi nghe những lời bạc bẽo của chính một vài đồng nghiệp văn chương. Họ nói, Văn Giá đi tìm cách chứng minh Vũ Bằng là nhà tình báo thì hay ho gì, vì Vũ Bằng trong tư cách nhà văn mới là quan trọng. Đúng, Vũ Bằng là nhà văn, nhà báo kiệt hiệt. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu đi từ việc chứng minh thân nhân của Vũ Bằng thì làm sao có thể công bố một cách chính danh hàng loạt tác phẩm của Vũ Bằng được? Và lấy gì làm cơ sở để mà đánh giá những đóng góp to lớn của Vũ Bằng trong văn chương, báo chí? Từ khi Vũ Bằng được "minh oan", rõ ràng vị thế của Vũ Bằng được nâng lên một tầm mới. Những tác phẩm của Vũ Bằng được xuất bản ngày một nhiều hơn và được đánh giá chính xác hơn.

- Đâu là những điều thú vị nhất về Vũ Bằng mà trong suốt quá trình tìm hiểu về sự nghiệp, thân thế Vũ Bằng, ông đúc kết được?

+ Về tài năng Vũ Bằng trong văn chương chúng ta không cần phải bàn thêm nữa. Ông là một trong số ít nhà văn Việt Nam có công đưa thể loại ký trở thành một thể loại sang trọng và có vị trí vững chắc trong nền văn học mà trước đó nó chưa từng có. Truyện ngắn Vũ Bằng cũng rất đặc sắc. Tài văn của ông đã có rất nhiều bài viết và công trình nghiên cứu đề cập tới rồi. Nhưng tôi muốn nói về khả năng khác của Vũ Bằng, đó là ông có một "con mắt xanh" khi nhìn thấu khả năng của người khác.

Hồi nhà văn Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn, toàn viết những câu chuyện tình ướt át với bút danh Kim Lang, Vũ Bằng khuyên Kim Lân là hãy bỏ những chuyện tình đi và hãy viết những câu chuyện về những thú vui chơi ở chốn thôn dã quê hương thì sẽ có bạn đọc. Quả nhiên sau đó Kim Lân chỉ viết những thú "phong lưu đồng ruộng" và ông lập tức trở nên nổi tiếng. Hay Vũ Bằng đã từng khuyên Nam Cao, Tô Hoài, Lý Văn Sâm và nhiều cây bút khác đương thời biết nhận ra và phát huy những gì là sở trường của mình để sớm khẳng định được văn tài, sớm có "chiếu ngồi" trong làng văn học… Vũ Bằng có khả năng "ngửi" văn rất tốt. Ông còn "ngửi" được cả văn hóa của mỗi người cầm bút và linh cảm tốt cái gì họ có thể viết hay, sở trường…

- Nhà phê bình Chu Văn Sơn đã đánh giá Văn Giá chính là chuyên gia hàng đầu về Vũ Bằng. Những công trình ông làm về Vũ Bằng chính là những công trình của "tấc lòng tri kỷ". Trong ý nghĩa ấy, để khái quát về Vũ Bằng, ông có thể nói điều gì?

+ Theo tôi, Vũ Bằng là tiêu biểu cho hình ảnh nhà báo làm văn, nhà văn viết báo ở Việt Nam. Bất cứ thứ gì của đời sống, vào tay Vũ Bằng, cũng có thể biến thành những trang viết tuyệt hay. Có những mảng Vũ Bằng cơ hồ đã "tát cạn", khiến cho những người đi sau rất ngại ngần chạm vào. Chẳng hạn như đề tài ẩm thực và đề tài Hà Nội. Tôi đã nhiều lần đề nghị thành phố Hà Nội đặt tên Vũ Bằng cho một con đường nào đó. Hà Nội phải cảm ơn Vũ Bằng vì một tình yêu đau đớn và sâu sắc ông dành cho Hà Nội… Riêng cá nhân tôi, tôi rất yêu văn chương Vũ Bằng. Yêu bằng một tình cảm sâu nặng nhất có thể. Đã nhiều lần viết về Vũ Bằng, tôi tự hứa đây là bài cuối cùng tôi viết về ông. Nhưng rồi vẫn lại có bài sau nữa…

- Xin cảm ơn nhà phê bình văn học Văn Giá

Bình Nguyên Trang (thực hiện - Xuân 2014)
.
.