Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tuổi nghề càng cao, càng phải biết tự đo đếm...
Trước khi gặp chị, tôi vẫn cứ hình dung về một người luôn tất bật đi về, liên miên điện thoại với những lịch trình cụ thể: viết kịch bản - đưa nhà sản xuất - bấm máy - và phát sóng. Nhưng chị, ngoài con người của công việc ngập đầu, còn là một "bà đỡ" mát tay cho những nhà biên kịch trẻ. Chị tâm sự về nghề và những dự định của mình với Văn nghệ Công an.
Nghe nói, chị bận là bởi chị đang "chạy" gấp rút cho 60 tập phim truyền hình "Chồng con" được chuyển thể từ các tác phẩm viết về nông thôn trước những năm 1945 của nhà văn Trần Tiêu?
+ Đó chỉ là một phần trong sự bận rộn liên miên của tôi, ngoài ra còn công việc giảng dạy, công việc biên kịch - biên tập tại xưởng phim, và bận nhất, mất nhiều thời gian nhất là việc đọc kịch bản cho học trò, những người đã và đang theo đuổi nghề biên kịch một cách hăng say và miệt mài.
- Đạo diễn Trần Lực, Giám đốc Công ty Đông A đặt rất nhiều kỳ vọng vào bộ phim này, bởi ngoài vai trò là nhà sản xuất thì Trần Lực chính là cháu nội của nhà văn Trần Tiêu?
+ Thực ra, mỗi người làm phim, cho dù là ai, là biên kịch, đạo diễn, hay là nhà sản xuất… đều đặt kỳ vọng vào đứa con tinh thần của mình. Tất nhiên, khi Trần Lực đã nhờ cậy tôi với vai trò là người chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản phim truyền hình thì trong chừng mực nào đó, anh đã đặt lòng tin vào tay nghề của tôi rồi.
- Một vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua chính là việc phim về đề tài nông thôn, bộ đội khá nhàm trên truyền hình, đến nỗi, khán giả xem phần đầu đã biết phần kết của câu chuyện, chị có gặp phải áp lực nào khi làm loại phim này?
+ Thực tế là khi nhận được những đơn đặt hàng về "đề tài truyền thống - cách mạng", người sáng tác thường tự coi đó là loại phim tuyên truyền, làm cho hết trách nhiệm, không say đắm với nó, không đem cái thấu hiểu nhân tình mà xử lý vấn đề nên câu chuyện đương nhiên hời hợt, hình ảnh đương nhiên nhạt nhẽo. Tôi cố tránh tâm lý này một cách chủ động. Vì thế một số phim chúng tôi làm hình như có gây xúc động ít nhiều cho khán giả. Tôi đoán được điều này do thấy chúng được phát đi phát lại nhiều lần, và đôi khi đi đường thấy một người không quen biết bình luận về nhân vật của mình...
- Là người thành công ngay từ kịch bản đầu tay "Chuyện cổ tích tuổi 17", nhưng bẵng đi một thời gian chị có vẻ không mặn mà với nghề cho lắm, lý do là…?
+ Tôi theo đuổi nghề biên kịch dưới nhiều chức năng, vừa là người quản lý, vừa là người biên tập, vừa là cô giáo… Tôi đang bị xé vụn thời gian, đôi khi chỉ vì mình là người cả nể. Chính vì thế, khoảng 10 năm trở lại đây, tôi gần như không có thời gian để viết những cái của chính mình. Cũng có những kịch bản tôi đã viết nhưng hiện nay chưa đúng thời điểm để đưa ra nên tôi đành đút vào ngăn kéo. Bởi vì có những cái mình thích thì thiên hạ không thích và ngược lại. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi ra khỏi dòng xoáy của nghề nghiệp, do vị trí công tác, do nhiều người mới vào nghề cần tôi giúp đỡ, do... tính bao đồng...
- Vâng, nhưng xét cho cùng thì phải làm mới biết được đâu là điểm yếu điểm mạnh của mình phải không chị. Đâu phải bất kỳ một ai viết cũng thành công tất cả đâu, trong những cái được thì cũng có đầy những cái dở?
+ Với khoảng 300 tập phim nhựa và truyền hình được sản xuất, tôi đã đủ chiêm nghiệm để biết cái mạnh yếu của chính mình. Tuổi nghề càng cao, danh vị nghề nghiệp được thừa nhận thì tự trọng càng cao và thói quen tự đòi hỏi càng lớn. Tôi có thể viết vài ngày là xong một tập phim vì ý tưởng luôn có trong đầu, nhưng cái quan trọng là bây giờ tôi phải tự đo đếm chính mình trước khi đặt bút viết, và suy tính cho kỹ trước khi đưa trình thiên hạ cái đã viết ra. Không ai kiểm duyệt tôi bằng chính tôi. Tôi cũng "sĩ diện" lắm, nhất là trong công việc. Còn câu chuyện về tỉ lệ thành công của các tác phẩm không phải là điều tôi quan tâm.
- Nói đến nghề làm thầy giáo, tôi được biết chị là người "cầm trịch" cho khá nhiều kịch bản phim của các thế hệ học trò khoa biên kịch (Trường đại học Sân khấu Điện ảnh), có nhiều học trò bây giờ đã là đồng nghiệp của chị. Theo chị, làm người "cầm trịch" có khó không?
+ Người cầm trịch trong trường hợp của tôi nghĩa là người tổ chức, biên tập kịch bản. Cái khó của công việc này không nằm ở những kỹ năng mang tính trình diễn, mà nằm ở sự đại lượng và sẵn sàng đem cho người khác. Đương nhiên người tổ chức và biên tập kịch bản phải có kinh nghiệm sáng tác, phải hiểu biết tâm lý con người ở sự phức hợp, đa sắc, đa chiều, có khả năng nắm bắt diễn tiến câu chuyện một cách tổng quát, phải hiểu biết rộng về các vấn đề xã hội cũng như biết dung chứa nhiều phong cách sáng tạo khác nhau... Nhưng nếu không "rộng lòng", thì không thể giúp các tác giả tiến hành công việc một cách hiệu quả được.
Có những bộ phim xuất phát từ ý tưởng của tôi dù tôi không đứng ở vai trò tác giả; có những bộ phim tôi phải biên tập khá nhiều để giúp các tác giả nâng cao kịch bản, đưa kịch bản đạt tới độ sâu lắng, tinh tế cần thiết. Đôi khi tôi bị ức chế vì các em viết không như ý muốn, cũng phải thông cảm bởi vì các em mới bắt đầu viết những kịch bản đầu tay. Nhưng có những học trò tiến bộ rất nhanh và đã tự đứng vững bằng chính năng lực của mình, đó là một niềm hạnh phúc lớn đối với những người làm công việc chèo đò như chúng tôi.
- Chị nghĩ sao khi giới truyền thông cho rằng, hiện nay, nền Điện ảnh Việt Nam đang thiếu một đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp và những kịch bản chất lượng, một phần vì những người làm công việc biên kịch hầu như họ là những người trẻ tuổi, làm việc theo nhóm và họ thiếu vốn sống của chính sự từng trải mà những người ở thế hệ chị có được?
+ Nói về sự chuyên nghiệp thì... không chỉ thiếu biên kịch. Do nhiều lý do mà nền điện ảnh của chúng ta chưa thể tiếp cận được với cấp độ chuyên nghiệp theo tiêu chí chung của thế giới. Nhưng với giới biên kịch, thì tôi không nghĩ câu chuyện bi đát đến thế. Sẽ có biên kịch chuyên nghiệp nếu có những người thẩm định chuyên nghiệp, có những người hoạch định chính sách chuyên nghiệp...
Hiện nay, những biên kịch trẻ tuổi đã có mặt và khẳng định bước đầu năng lực nghề nghiệp của mình. Họ có lợi thế là được đào tạo bài bản, nếu khơi đúng mạch thì họ viết nhanh, tươi trẻ và mang nhịp sống hiện đại. Còn chuyện làm việc theo nhóm là một điều tất yếu trong công nghệ làm phim truyền hình hiện đại, kể từ khâu kịch bản. Đó không phải là nguyên nhân mang đến sự hời hợt nông cạn. Nguyên nhân của chất lượng phim truyền hình còn khiêm tốn hiện nay đến từ nhiều phía.
Xét trên phương diện kịch bản, một phần có hệ quả của lớp tác giả trẻ viết vội đến mức không còn thời gian "nạp tiếp" năng lượng sáng tác (tri thức), một phần do chính các đơn đặt hàng dễ dãi, một phần nữa do không ít người tổ chức và biên tập kịch bản đã làm việc không hết mình. Tuy nhiên, họ sẽ trưởng thành nhanh chóng hơn chúng tôi, bởi họ được tác nghiệp nhiều hơn, được giao lưu nhiều hơn, và cũng bị phản biện mạnh mẽ hơn.
- Có một thực tế là lượng phủ sóng phim truyền hình Việt Nam nhiều trên các kênh nên nhu cầu phim là khá lớn, cộng với số tiền nhuận bút cho một tập phim cũng không phải là ít (khoảng 6 triệu/kịch bản phim), nên người ta đổ xô vào đi viết phim truyền hình mà quên hẳn lượng phim nhựa, thể loại phim đáng lẽ cần được đầu tư. Là một người tâm huyết với thể loại phim nhựa, chị nghĩ sao về điều này?
+ Có nhiều người nói rằng, phim nhựa đang ít dần đi trong hệ thống phim trường, nếu không muốn nói nó đang bị "vô hiệu hóa" bởi mùa phim thì ngắn, thị trường thì nhỏ, bỏ công sức ra để làm phim nhựa thì vô cùng lớn, kinh phí nhà nước đầu tư cho một phim thì ít, không thấm vào đâu, hầu hết đạo diễn làm xong thường là lỗ, thị trường cũng không đồng đều, nên tốt hơn hết là nhập khẩu phim cho an toàn là cách nghĩ thỏa đáng.
Tuy nhiên, so với 10 năm trước, phim truyện nhựa do cả hệ thống Nhà nước và tư nhân sản xuất đã tăng lên đáng kể, và cũng để lại dấu ấn đáng kể đấy chứ. Các sinh viên Biên kịch được đào tạo chủ yếu để viết kịch bản phim truyện nhựa. Họ sẽ xung trận mạnh mẽ và quả cảm nếu trận địa được mở ra, ít đi những rào cản của sự võ đoán và suy luận chủ quan.
- Sự xuất hiện của nhiều hãng phim tư nhân hiện nay có cùng góp phần giải quyết vấn đề này không, thưa chị?
+ Ai cũng thế thôi, người ta phải lo trước hết cho sự sống còn của chính mình. Sự ra đời của họ đang là một sự xã hội hóa điện ảnh tất yếu theo hướng có lợi cho nền điện ảnh Việt
- Xin lỗi vì hơi tò mò, nhưng, nhà văn Lê Phương (vừa là chồng, cũng là thầy giáo dạy chị về biên kịch) đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp của chị?
+ Đã nói là không kể chuyện riêng tư mà. Nhưng cũng xin thú nhận một chút, rằng sự uyên bác và tính nghiêm khắc của ông ấy đã "gột" nên tôi ngày nay.
-Vâng, xin cảm ơn chị!