Nghệ sĩ Thế Anh:

Người lãng du giữa cõi đời

Thứ Hai, 20/04/2015, 08:30
Ông có nhiều vai diễn để đời làm nên tên tuổi và tầm vóc của một nghệ sĩ lớn, từ Trung úy Phương trong "Nổi gió", Ba Duy trong phim "Mối tình đầu", Trịnh Sâm trong "Đêm hội Long Trì"... Dành cả đời mình cho nghệ thuật nên cuộc sống của ông không mấy khá giả. Ông như gã lãng du đi giữa cõi đời nhiều bon chen danh lợi này. Nghe những điều ông tâm sự về nghề, về điện ảnh và cuộc đời mà tôi càng nể phục hơn tấm lòng nghệ sĩ của ông. 

Đời nghệ sĩ "có tiếng không có miếng"

Nhà ông ở gần Nhà hát Hòa Bình. Nghệ sĩ Thế Anh tiếp tôi vồn vã thân mật. Tuổi xế chiều và ít có kịch bản hay nên ông cũng ít tham gia đóng phim. Trong căn phòng khách của ông treo la liệt những bức hình về những cảnh phim nổi tiếng một thời do ông đóng. Tôi gặp lại ông và Lê Vân của "Mối tình đầu" và "Đêm hội Long Trì"… những vai diễn để đời đã tạo dựng nên tên tuổi Thế Anh. Đời nghệ sĩ như ông, cái còn lại cũng chỉ là những vai diễn. Những vai diễn đã đem lại cho ông danh vọng và sự ngưỡng mộ của công chúng.

Chừng như đoán được suy nghĩ của tôi, NSND Thế Anh thổ lộ: "Cả đời tôi chỉ làm được mỗi nghề diễn viên. Làm nghề nào ăn nghề nấy. Nếu tôi mà kinh doanh thì giàu to rồi. Tôi vào Sài Gòn từ năm 1975, khi đóng phim "Mối tình đầu", hồi đó những căn nhà mặt tiền ở những con đường lớn của trung tâm Sài Gòn người ta bán rẻ rề. Tôi chỉ cần mua đi bán lại, đến giờ thì giàu to, nhưng tôi không làm được. Tôi đi buôn là lỗ. May nhờ gia đình bố mẹ tôi khá giả có điều kiện kinh tế, ba tôi là bác sĩ, mẹ giỏi buôn bán, nên mới có thể theo đuổi nghệ thuật được, chứ trông chờ vào tiền cát-sê thì làm sao đủ sống".

Ông bằng lòng với sự lựa chọn định mệnh đó bởi niềm đam mê với nghệ thuật trong ông như một ngọn lửa luôn bùng cháy, dẫu có lúc cũng vì niềm đam mê đó mà ông phải đối diện với bao thị phi, nhọc nhằn của đời sống thường ngày.

"Tôi sinh ra để làm nghệ thuật và không biết làm nghề gì khác ngoài nghề diễn. Tôi hạnh phúc vì mình có hàng trăm vai diễn, trong đó có nhiều vai diễn ấn tượng để lại trong lòng khán giả sự mến mộ. Không phải ai cũng có vinh dự đó. Đến tuổi ngoài thất thập rồi, thời gian không quay trở lại được nữa, nhưng tôi không hối hận vì đã theo đuổi nghệ thuật. Nếu có kiếp sau, tôi cũng sẽ làm diễn viên. Nếu cho tôi chọn lại tôi vẫn chọn nghệ thuật", NSND Thế Anh tâm sự.

Trót mang lấy nghiệp vào thân, trót đam mê nên hơn năm mươi năm theo nghệ thuật, ông vẫn luôn trăn trở làm sao để điện ảnh, nghệ thuật Việt Nam phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng. Làm sao cho phim Việt Nam có nhiều người xem, phải được khán giả đón nhận và trân trọng. Làm sao để nghệ thuật, phim ảnh phải nuôi được người nghệ sĩ, thậm chí người nghệ sĩ phải giàu từ nghệ thuật. Muốn thế, nhà nước phải có chiến lược lâu dài.

Diễn viên Thế Anh trần tình: "Nghệ thuật như một bông hoa, phải có người xem và mua, nhưng phải trả giá cao thì nghệ thuật mới sống được. Chúng ta giờ mang tiếng là đời sống khá hơn, nhưng nghệ thuật vẫn ít được xem trọng, ít người coi, dù vé xem phim không phải là đắt đỏ. Ở Pháp, muốn mua một cặp vé xem múa ba lê không dễ, vì người ta vẫn chen nhau mua dù giá cao lắm. Ở Mỹ, phim chưa ra rạp đã có người đặt hàng mua để chiếu rạp. Nhờ vậy mà nghệ sĩ họ giàu. "

"Làm phim vớ vẩn là giết hại con cháu"

Chuyện trò thân tình hơn, tôi hỏi ông sao không làm đạo diễn. Như đụng tới bầu tâm sự, ông giãi bày: "Tôi không làm đạo diễn vì tôi không muốn làm, dù nhiều người làm diễn viên lâu năm như tôi khi nghỉ hưu đều chuyển qua làm đạo diễn. Tôi không muốn làm đạo diễn theo kiểu một ông thợ cả lâu năm lành nghề. Muốn làm đạo diễn phải học. Tôi không học đạo diễn nên không làm. Với kinh nghiệm lâu năm của một diễn viên, tôi thừa sức làm phim à uôm, nhưng vì tự trọng nên tôi không làm.

Một cảnh phim "Đêm hội Long Trì" do nghệ sĩ Thế Anh đóng. Ảnh chụp lại từ tư liệu của nghệ sĩ.

Mình làm phim, làm nghệ thuật là phải tôn trọng khán giả, đừng đưa hàng giả ra cho họ. Thuốc giả có thể thấy tác hại ngay chứ phim giả thì phải lâu dài người ta mới nhận ra. Nguy hại thế chứ. Đưa những bộ phim, tác phẩm vớ vẩn ra là giết hại tâm hồn đời sống tinh thần của thế hệ con cháu mình. Chúng ta không thể bắt chước nước ngoài được. Bây giờ ai cũng làm phim được, nhưng những bộ phim mì ăn liền dễ dãi dạng đó không phải là nghệ thuật. Chúng ta chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn về phim, về nghề nên phim kém chất lượng là phải.

"Ông nhìn lên những bức ảnh với những vai diễn lừng danh một thuở của mình rồi trầm tư. Có lẽ ông đang hồi tưởng về thời hoàng kim của mình, cũng là thời hoàng kim của điện ảnh Việt Nam. Thuở đó, nền điện ảnh dù còn non trẻ của ta nhưng đã gây được tiếng vang trên trường nghệ thuật thế giới với những bộ phim cách mạng đậm chất nhân văn, như: "Cánh đồng hoang", "Mối tình đầu", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"...  Cái thời huy hoàng đó, tiếc thay đã chỉ còn trong hoài niệm.

"Suy thoái kinh tế có thể vực dậy trong mấy năm, nhưng suy thoái văn hóa thì phải mất hàng thập kỷ may ra mới vực dậy được", NSND Thế Anh chua xót nói.

Phim lịch sử chưa xứng tầm

Chỉ cho tôi một bức ảnh chụp poster của bộ phim "Điện Biên Phủ" do đạo diễn người Pháp Pierre Schoendoeerffer dàn dựng, ông nói: "Điện ảnh, nghệ thuật của ta vẫn còn nợ lịch sử. Lịch sử của chúng ta có những yếu tố đủ tầm cỡ thế giới nhưng phim của ta thì vẫn chưa có bộ phim nào xứng tầm. Những sự kiện như chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng Sài Gòn, tôi thấy vẫn chưa có phim nào hay, xứng tầm với nó. Về Điện Biên Phủ có những chi tiết, những câu chuyện lịch sử đắc địa.

Ví như giây phút mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả đêm trằn trọc không ngủ để quyết định kéo pháo ra, đánh địch lâu dài, tôi thấy hay quá mà không có bộ phim nào nói về điều đó. Và cái này thì nhà nước phải đứng ra lo liệu, chứ một cá nhân, một nhà làm phim tư nhân, không làm nổi. Lâu nay, nhà nước vẫn chủ trương và ưu tiên làm phim lịch sử  nhưng chưa có tác phẩm xứng tầm, chưa sâu và hay.

Bộ phim Điện Biên Phủ này là do người Pháp làm đấy và tôi được mời tham gia. Ông đạo diễn này từng tham chiến ở Việt Nam, làm trung úy của quân đội Pháp. Ông ta làm phim để  cho con cháu họ đừng quên sự kiện Điện Biên Phủ. Người Pháp có câu: Ne pas oullier de ne pas recomrences, nghĩa là: "Đừng bao giờ quên để đừng bao giờ lặp lại". Với thông điệp của đạo diễn trong bộ phim đó rằng: "Đánh Việt Nam là sai lầm, họ dạy con cháu họ đừng quên nỗi nhục thất trận ở Điện Biên Phủ để đừng tái diễn nữa".

NSND Thế Anh chụp ảnh ở phim trường Holywood.

Nhiều năm cầm bút, tiếp xúc với những người làm nghệ thuật cũng không ít, và cũng không ít người trăn trở với nền nghệ thuật nước nhà, với lịch sử dân tộc; nhưng những nghĩ suy của NSND Thế Anh là rất hiếm trong số những nghệ sĩ trân trọng với nghệ thuật. Cả buổi trò chuyện với ông vẫn là một nỗi niềm đau đáu với điện ảnh nước nhà, với những nỗi buồn thế cuộc và chuyện vật lộn áo cơm của người nghệ sĩ. Nhưng trên hết vẫn là tấm lòng dành cho nghệ thuật của ông. Khi nghe những lời bộc bạch về nghề, kẻ ngoài cuộc như tôi vẫn dấy lên niềm tin rằng: Nếu còn những người tâm huyết với điện ảnh như ông, thì nghệ thuật của Việt Nam còn cơ hưng phát.

Ông nói, nếu có phim lịch sử mà có vai hay, ông sẵn sàng đóng mà không lấy tiền cát-sê. Niềm khắc khoải sau cùng khi trò chuyện cùng tôi là ông ao ước nhà nước có kế hoạch đầu tư cho điện ảnh, phải có kế hoạch chọn lựa đào tạo nhân tài cho điện ảnh, cho nghệ thuật. Phải nâng trình độ của đạo diễn, diễn viên lên. "Nhà nước nên đầu tư vào điện ảnh cho có chiều sâu, năm này sang năm khác. Nghệ sĩ như con chim sơn ca vậy, nếu muốn hót hay thì phải cho nó ăn trứng gà, chứ chỉ cho ăn thóc thì làm sao mà hót hay được. Phải có chế độ đãi ngộ tốt cho nghệ sĩ để kích thích sự sáng tạo của họ. Hiện nay, chúng ta bắt chước nước ngoài nhiều quá. Cuộc sống giờ có bao nhiêu câu chuyện hay, đầy nhân văn, sao không làm mà chỉ quẩn quanh với chân dài yêu đương vớ vẩn với nhà lầu xe hơi, không đúng thực tế", NSND Thế Anh tâm sự.

Nguyễn Thịnh
.
.