Người kế vị ‘sứ giả’ đàn môi Việt

Thứ Sáu, 17/04/2015, 08:00
Từ phía bên kia đại dương, Giáo sư Trần Quang Hải chat Facebook: "Mới 23 tuổi mà chàng trai này chơi đàn môi vượt xa chú rồi. Đốt đuốc đi tìm mới có được người học trò như vậy. Tiếc là ở bên Pháp nên chú không gặp được em ấy thường xuyên". 

"Ai mà có thể vượt mặt bậc thầy đàn môi như Giáo sư được nhỉ?". Câu hỏi của tôi chưa kịp gõ thì ô cửa chat của Giáo sư lại liên tục hiện lên hàng dài hình ảnh, các clip tự quay, giới thiệu tài nghệ chơi đàn môi của chàng trai. Đặng Văn Khai Nguyên ư? Tôi ngạc nhiên cười thầm... 

Tình yêu từ những âm thanh trầm đục

Kể ra tôi và Đặng Văn Khai Nguyên thật có duyên với nhau. Ngày trước, một chị bạn đồng nghiệp phát hiện ra Nguyên và giới thiệu cho tôi viết vì chị bận con nhỏ, không thể đi công tác xa được. Mà Nguyên thì ở tận Tân Phú, Đồng Nai. Số điện thoại của Nguyên tôi đã có, cứ dự định để khi nào đi hẵng gọi. Nhưng công việc ở thành phố nối tiếp cuốn bẵng. Cũng không hẳn quên, nhưng tôi vẫn thú vị khi hai tháng sau, cái tên Khai Nguyên lại được chính Giáo sư Trần Quang Hải nhắc đến. Tôi hiểu, với nhân vật này mình không thể chần chừ được nữa.

Đặng Văn Khai Nguyên chơi đàn môi.

Nhắc về thầy mình, Nguyên tủm tỉm: "Cách đây 2 năm,  xem tivi, em thấy có ông nào đó giống GS, TS Trần Văn Khê biểu diễn đàn môi rất hay, lại nghe nói ông ấy nghiên cứu đàn môi, từng bôn ba qua hơn 70 nước để giới thiệu cây đàn môi Việt Nam. Một hồi lâu em mới biết đó là GS, TS Trần Quang Hải, con bác Khê. Em ngưỡng mộ lắm.  Em cũng có một số cây đàn môi nhưng chỉ chơi cho vui chứ không biết kỹ thuật lẫn cái hay của nó. Lâu lâu khảy nghe "pèo pèo", ba em nói chơi cái đàn gì mà khó hiểu, chẳng lọt tai. Vì vậy em tìm cách liên hệ rồi xin làm học trò thầy Hải để được dạy bài bản".

Thầy ở Pháp, trò ở Việt Nam nên bốn năm trời, việc dạy và học đều qua mạng. Thầy Hải chỉ dẫn bài bản và kỹ lưỡng từ những bước cơ bản đến kỹ thuật cao hơn. Các kỹ thuật này, thầy chỉ gửi gói gọn trong 2 clip, một clip chỉ cách chơi cơ bản và một clip dạy chơi theo bài Arirang của Hàn Quốc. Nguyên tập theo sự hướng dẫn trong clip khá dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ trong một tuần cậu đã nắm bắt được các kỹ thuật chơi đơn giản.

Ngoài hướng dẫn cách chơi, Giáo sư Trần Quang Hải cũng không quên cung cấp thông tin thú vị về cây đàn môi. Bởi có hiểu về thứ mình đang chơi thì cuộc chơi đó mới càng thú vị, nhất là người ưa khám phá như Nguyên. Lúc đầu Nguyên thích đàn môi vì nó lạ. Âm thanh của đàn môi trầm đục nghe rất huyền ảo, cách chơi cũng không giống với những nhạc cụ khác.

Theo học Giáo sư Trần Quang Hải, chàng trai làm việc tại Khu Bảo tồn quốc gia Nam Cát Tiên ấy mới biết Việt Nam được xem là nước có nhiều loại đàn môi nhất thế giới với 10 loại. Đó là nhạc cụ đặc trưng của nhiều dân tộc thiểu số như Mông, H'rê, Lạch, Cơtu.. Họ thường dùng đàn môi như một phương tiện giao duyên tỏ tình. Nguyên càng ngạc nhiên khi trong nước, cây đàn môi không phổ biến, ít người biết thì nhiều đất nước ở châu Âu, châu Mỹ lại đón nhận cây đàn môi Việt Nam nồng nhiệt. Nồng nhiệt đến nỗi ít ai biết rằng mỗi năm có mấy vạn cây đàn môi sản xuất và bán qua nước ngoài, không có một loại nhạc cụ dân tộc nào ở Việt Nam qua mặt được. Sở dĩ như vậy vì đàn môi Việt Nam được đánh giá là có âm thanh hay nhất, bồi âm chính xác nhất so với các loại đàn môi khác.

Khi đã chơi được bài bản, thậm chí chơi được kỹ thuật đồng song thanh, biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật của thế giới và Việt Nam, Nguyên bắt đầu mày mò làm đàn môi. Từ cái đơn giản như đàn môi tre cho đến những cái chưa từng có trong từ điển đàn môi như: đàn môi hai đầu; đàn môi 2, 3, 4 lưỡi... Sự sáng tạo này khiến Giáo sư Trần Quang Hải giơ hai tay: "Giờ thì thầy thua trò thật rồi!".

Nguyên làm đàn môi phần vì muốn tìm tòi, sáng tạo, phần nữa để có đàn miễn phí cho tụi nhỏ trong xóm tập tành. "Cách đây ba năm nhà em đập ra xây lại, phải dựng một cái lán trong xóm cho em ở đó coi chừng vật liệu máy móc. Tụi con nít rất khoái vào lán chơi. Một buổi tối em đem hộp đựng đàn môi ra chơi thì tụi nó kéo vào. Đứa nào cũng tròn xoe mắt nhìn ra vẻ thích thú lắm. Tụi nhóc năn nỉ em dạy cách chơi. Em chợt nghĩ sao không phổ biến đàn môi theo cách này, vừa truyền đam mê cho tụi nhỏ mà còn có nơi để chia sẻ trao đổi chứ chơi một mình thì không vui lắm" - Nguyên hào hứng kể.

"Thầy" Nguyên là "sao y bản chính" của thầy Hải khi dạy tụi nhỏ, chỉ khác là dạy trực tiếp chứ không phải online. Toàn bộ giáo án, phương pháp dạy, Nguyên đều bắt chước thầy. Cách dạy dễ hiểu nên tụi nhỏ tiếp thu cũng chẳng kém Nguyên ngày trước. Tranh thủ những ngày hè, để tụi nhóc không đi phá làng phá xóm thì Nguyên tập trung chúng trước sân rồi dạy. Học trò hơi uể oải thì Nguyên tặng ngay cho chúng một bản nhạc, coi như liều doping để chúng có hứng tập, phấn đấu chơi hay như thầy. Vào mùa đi học, đứa nào rảnh giờ nào thì Nguyên tranh thủ dạy giờ đó. Nguyên khoe giờ trong đám học trò có đứa đã chơi được hết các đàn môi châu Âu, châu Á.

Đặng Văn Khai Nguyên (bìa trái) dạy các em nhỏ trong xóm chơi đàn môi. 

Giấc mơ sứ giả đàn môi Việt

Tình yêu đàn môi của Nguyên không chỉ gói gọn trong khoảnh sân trước nhà, với các em nhỏ xóm giềng mà còn vượt ra dải đất chữ S. Từ khi tìm hiểu về đàn môi, biết còn nhiều loại đàn môi khác trên thế giới, Nguyên lập Facebook giao lưu với bạn bè khắp năm châu. Cậu tự quay những clip chỉ cách chơi, đặc trưng hay cách làm đàn môi trên Youtube để chia sẻ với mọi người.

Bạn bè ở những đất nước không có đàn môi như Argentina tìm Nguyên để hỏi mua. Nguyên không hề bán mà sẵn sàng gửi tặng. Họ tặng lại Nguyên cây sáo, cây kèn hoặc một món đồ chơi, quà lưu niệm... Vùng Sunda, thuộc đảo Java - Indonesia có hẳn một bộ đàn môi Việt đủ loại do Nguyên gửi tặng để cùng hòa âm diểu diễn trong dàn nhạc truyền thống có cả đàn môi của họ.

Bạn bè trên thế giới có dịp đến Việt Nam, có khi Nguyên dẫn họ lên tận Sapa để tìm hiểu nguồn gốc đàn môi. Dịp ra Phan Thiết tháng 9 năm ngoái, Nguyên gặp một nhóm bạn ở Yakutia (nước tự trị thuộc Nga). Đây là xứ sở của đàn môi Khomus. Nguyên  cùng chơi, cùng chia sẻ và tặng đàn môi Việt cho họ. Lần đó, truyền hình Yakutia có hẳn một phóng sự nói về Nguyên và những cây đàn môi của cậu.

Tặng cho nước bạn, Nguyên sung sướng khi nghĩ rằng mình đang gián tiếp mang cây đàn môi Việt chu du khắp thế giới. Nước bạn cũng đem đàn môi bản xứ làm quà tặng Nguyên, bởi họ biết với cậu, đó là món quà ý nghĩa hơn thứ nào hết.

Nhờ những lần giao lưu đó mà đến nay, bộ sưu tập của Nguyên đã lên tới 600 cây đàn môi của hơn 25 nước trên tổng số hơn 35 nước có nhạc cụ này. Ngoài đàn môi của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam thì còn có đàn môi của Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Áo, Pháp, Na uy, Phần Lan...

Nguyên chia sẻ: "Niềm vui sưu tập đàn của em đã 3 năm nay. Em sưu tập vì thích tìm hiểu về đàn môi hơn là chơi hay và biểu diễn chúng. Mỗi nước có nét văn hóa đàn môi khác nhau, âm sắc và hình dạng cũng khác nhau". 

Trong buổi giới thiệu chuyên đề về đàn môi diễn ra ở tư gia GS, TS Trần Văn Khê giữa năm ngoái, Giáo sư Trần Quang Hải và Khai Nguyên mới có dịp gặp nhau lần đầu. Thầy trò mừng rỡ, thế nên bản hòa tấu của hai thầy trò hôm đó reo vui và hay đến lạ. Nguyên cũng ao ước mình như thầy, rằng một mai nào đó cậu sẽ khoác ba lô lên và đi khắp châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... để chính thức trở thành sứ giả mang cây đàn môi Việt đến với bạn bè quốc tế.

Thế nhưng, dự định trước mắt của Nguyên vẫn là đi thực tế, tìm kiếm và thu thập đàn môi của các dân tộc trên khắp đất nước mình. Nguyên muốn có một tài liệu mang tính chuyên môn, chính xác về từng loại đàn môi cũng như nét văn hóa đàn môi các dân tộc Việt Nam. Bởi thật nghịch lý khi nước ta là nơi có nhiều loại đàn môi nhất thế giới mà lại có quá ít thông tin nghiên cứu về đàn môi. Đàn môi không được quảng bá rộng rãi nên nhiều người còn mù mờ về loại nhạc cụ "bé hạt tiêu" này. Họ không thấy được điểm thú vị của nó. Vậy nên, Nguyên cũng mong có thể thực hiện nhiều buổi giới thiệu, quảng bá hình ảnh đàn môi cho người Việt. Bởi không có nỗi xấu hổ nào hơn khi người nước ngoài lại hiểu nhạc cụ này của người Việt hơn chính người Việt.

Mai Quỳnh Nga
.
.