Người có thú sưu tập cối đá

Thứ Hai, 22/10/2018, 07:39
Chả biết duyên cớ gì mà ngay thời trẻ, Nguyễn Đắc Nông đã mê đồ đá. Khi còn là thầy giáo trẻ dạy học ở xã Tân Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh), những ngày nghỉ xa nhà, anh thường có thú vui la cà thăm các ngôi nhà cổ ở vùng quê trù phú này. Ngắm nhìn những chiếc cối xay ngô, xay đỗ, rồi những chiếc cối đá giã ngô, giã gạo và những phiến đá đập lúa để ở góc sân góc nhà, như khuây khỏa nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Ngày ấy, mỗi khi về quê, là cả chặng hành trình xa xôi, cách trở. Ngược ấp Quang Tiến, miền rừng núi Yên Thế (Bắc Giang), ngày nay chỉ có một hai giờ ôtô chạy. Chứ ngày ấy, năm mươi năm về trước, với chiếc xe đạp kẽo kẹt, là cả chặng đường thiên lý.

Không phải  riêng vùng núi Yên Thế của anh, mà ngay vùng  đồng bằng, khi ấy, nhà nông nào khá giả mới có tấm đá tảng xanh để đập lúa mùa gặt. Tấm đá tảng đập lúa, coi như một tài sản, là khát khao của bao nhà nông một thuở.

Thời ấy đâu đã có máy suốt, máy đập, máy gặt đập liên hợp như bây giờ. Đa phần nhà nông gặt lúa về, xếp đống góc sân, chờ chực mượn cho được tấm đá xanh đập lúa là sướng cả vụ. Đêm trăng sáng, đập lúa tay đôi, néo tre kẹp lượm lúa quất lên phiến đá tảng, thì thụp giòn tan.

Ông Nguyễn Đắc Nông bên những chiếc cối đá.

Còn nhớ, có nhà không chờ mượn đá tảng được, phải hạ cánh cổng gỗ, kê tạm mà đập lúa. Tiếng đập lúa trên tấm cánh cổng gỗ nghe bì bạch, lúa không dứt gọn, thóc lại bắn tung tóe. Tôi chắc là cảnh tượng này ám ảnh Nguyễn Đắc Nông từ thời tuổi thơ, đã cho anh thêm niềm đam mê với cối đá?

Tuổi thơ của Nguyễn Đắc Nông, như bao cậu bé làng quê nghèo, hàng năm, ngày Tết hàn thực mồng ba tháng ba, tíu tít theo bà, theo mẹ bên cối đá quay tay xay bột làm bánh trôi bánh chay. Cái cối đá được cọ rửa tinh tươm, đặt trên manh chiếu đầu hè, tay bà tay cháu quay đều. Những hạt gạo nếp ngâm nước qua đêm, từ từ chảy qua ngõng cối, thớt cối, rồi dòng bột nếp sền sệt chảy vào chậu thau hứng bột. Tiếng cối đá xay bột nếp đều đều, rì rì, âm thầm, nhẫn nại.

Chỉ có lòng trẻ thơ đầy háo hức với mẻ bột trắng ngần, theo tay bà tay mẹ, vê nặn thành những viên bánh trôi thơm thảo. Cái cối đá xay bột, đồ vật quen thuộc của làng quê nghèo mà bình yên, bỗng vang vọng trong tâm trí Nguyễn Đắc Nông khi nào không hay. Cái cối đá xay bột bỗng dần bị bỏ quên, khi điện lưới về làng, những chiếc máy xay, máy sát chạy điện ầm ào đêm ngày đầu ngõ.

Ý tưởng sưu tập những chiếc cối đá xay tay chợt bừng thức. Ý niệm ban đầu giản dị, mình sẽ kiếm tìm những chiếc cối đá về bày trong nhà, để con cháu hiểu và quý trọng những đồ vật đơn sơ, gắn bó với cha ông một thuở. Thế là từ đấy, hễ đến thôn xóm nào, Nguyễn Đắc Nông lại ngó nghiêng, tìm kiếm đồ vật thân quen theo sở thích của mình.

Một bữa, ghé thăm nhà một cậu học trò ở làng quê giàu có vùng Kinh Bắc năm xưa dạy học. Ngồi hiên nhà uống nước cùng gia đình, ánh mắt thầy giáo Nguyễn Đắc Nông chợt bắt gặp chiếc cối đá xay bột còn lành lặn vứt chỏng chơ góc vườn phủ trùm đất cát. Khi ngỏ ý xin mua lại chiếc cối đá, gia đình cậu học trò ngạc nhiên. “Thầy thích thật đấy ạ? Vậy thầy để em chở lên quê biếu thầy, chứ mua bán gì?”. Không chờ cậu học trò chở giúp, ngay bữa ấy, Nguyễn Đắc Nông liền lấy dây buộc chiếc cối đá sau yên xe máy của mình, chở ngược lên Yên Thế.

Bữa khác, khi qua bến đò Sỏi, Nguyễn Đắc Nông thấy chiếc thớt dưới của cỗ cối đá xay ngô vứt chỏng chơ. Hỏi bà cụ bán quán nước bên sông, biết là đồ ai bỏ đi chềnh ềnh bến nước đã mấy năm. Anh đánh tiếng xin cái thớt cối đá bỏ hoang, thuê bốn thanh niên khỏe, vần chuyển từ bến nước lên mặt đường. Lại phải thuê xe bò kéo cái thớt cối đá bỏ hoang đó, mười mấy cây số về nhà.

Đêm ấy, lẩn mẩn cả tiếng đồng hồ cọ kỵ thớt cối  đá, với niềm vui râm ran. Chiếc thớt cối đá vứt ở bến đò, đem về nhà, thấy nó to lớn và có vẻ đẹp khác thường. Anh hình dung ra thuở người thợ đá đục đẽo ra chiếc cối đá này. Việc kiếm tìm tảng đá to đã khó, công nghệ đục đẽo đá khéo léo để thành chiếc cối, tốn biết bao nhiêu công sức.

Lại tưởng tượng, đã bao kiếp người gắn bó với chiếc cối đá này. Nó là chiếc cối đá to, dành để xay ngô hạt. Bao đời người sống nhờ bột ngô xay ra từ chiếc cối đá này. Tuổi thơ trung du nghèo khó của anh, sắn và ngô là món ăn quen thuộc. Thì ra, từ một đồ vật vứt bỏ, lại khơi gợi cho anh bao nỗi niềm lầm lũi làm người. Niềm đam mê sưu tập và chơi cối đá càng được bồi đắp từ đấy. Mấy lần trở lại bến đò quen thuộc, lân la ngồi quán nước, nghe bà cụ bán quán trò chuyện, Nguyễn Đắc Nông dò hỏi về chiếc thớt trên của cái cối đá xay ngô còn khuất lấp nơi đâu, nhưng cũng không có tin tức gì.

Sau hơn hai chục năm dạy học đó đây, thầy giáo Nguyễn Đắc Nông thuyên chuyển về công tác tại Ủy ban huyện Yên Thế. Dù đã phấn đấu lên cương vị Phó Chủ tịch huyện, rồi về làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bắc Giang, rồi đến khi tuổi cao về hưu, vậy mà thú sưu tập và chơi cối đá lại càng đam mê. Bên ngôi nhà sàn gỗ mốc thếch, Nguyễn Đắc Nông bày la liệt cối đá, quắn đá.

Có chừng năm, sáu chục chiếc quắn đá. Quắn đá là con lăn bằng đá, đục thủng lồng trục, dùng trâu kéo thay việc đập lúa, người dân trung du ưa dùng. Hàng trăm cối đá. Cối đá đủ loại, to nhỏ khác nhau. Có cối đá xanh, đá gan gà. Có cối đá xay tay quay, có cối đá  tay kéo, có cối đá giã bằng chày gỗ. Có chiếc cối đá lành lặn. Có chiếc cối đá sứt tai. Có chiếc cối xay đá còn đủ cả cặp, thớt trên thớt dưới.

Bộ sưu tập cối đá của ông Nguyễn Đắc Nông.

Nhìn chiếc cối đá giã chày, mòn thủng đáy, dấu tích của thời gian đằng đẵng sử dụng, bỗng tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Chử Văn Long “Thủng bao lòng cối còn nguyên tiếng chày”. Bài thơ viết về quê nghèo đất bãi, ngày xưa ăn ngô quanh năm. Gia tài người nông dân đất bãi, thuở ấy, là chiếc cối đá lỗ. Chiếc cối đá lỗ, vật dụng để giã ngô nấu ăn, thay gạo, to bằng chiếc thúng đại, dùng chày gỗ nhãn người đứng giã.

Khác với tiếng chày người ngồi  giã giò nghe loách quách, kỳ cạch ròn tan của xóm thôn ngày Tết. Tiếng chày cối đá giã ngô, thụp thì thụp, âm thầm và nặng nhọc. “Nhịp chày buồn, nhịp chày vui?/ Đan đan suốt dọc tiếng cười trẻ thơ...” Những câu thơ về tiếng chày giã ngô, chứa chất bao nỗi người.

Người có thú chơi và sưu tập cối đá từ thời trai trẻ, nay đã là ông già trên bảy mươi tuổi. Ông Nguyễn Đắc Nông bảo rằng, cái thú chơi đồ đá này càng thấm khi tuổi càng cao. Hễ có thông tin  đây đó có cối đá, ông  lại phóng xe máy đi liền. Nhiều chuyến đi về không, nhưng ông không nản chí.

Để có gia tài bãi cối đá bây giờ, là bao công sức. Mỗi lần ngắm nhìn bãi cối đá, quắn đá bày la liệt quanh sân, quanh nhà, ông lại hình dung ra bao cảnh đời, bao kiếp người đã từng gắn bó với nó. Cái cảm giác vui buồn bên bao đồ đá ngỡ vô tri vô giác, càng thấm đẫm, sâu nặng. Ông nhớ, có đận xuống nghỉ mát Hải Hậu (Nam Định), gặp chiếc cối đá đẹp quá, liền mua bằng được, rồi thuê xe ôtô chở về quê ngay, bỏ cả cuộc tắm biển.

Niềm đam mê chơi cối đá, cho ông  niềm vui, tự hào riêng. Bộ sưu tập cối đá của ông, nếu tính về giá trị tiền bạc thì chả có gì ghê gớm. Nhưng thử hỏi, nếu người có tiền nhiều, đố mà muốn có ngay số cối đá, quắn đá như ông? Nghề chơi này, ngoài thú ham chơi còn phải có thời gian sưu tầm, tích cóp. Hơn nữa, nó còn là cái duyên.

Một dạo, ông cũng ham mê sưu tầm tích cóp các đồ vật cũ. Ngay tầng dưới ngôi nhà sàn khá rộng của ông, còn bày ngổn ngang vật dụng sinh hoạt, công cụ nhà nông, như: nồi đồng, mâm đồng, thau đồng, cày bừa, liềm hái, thúng mủng, nơm đó, chum vại các loại. Hàng mấy chục chiếc đèn bão, thắp bằng dầu hỏa của thời bao cấp. Bao cối xay, cối giã bằng tre đan, gỗ đẽo. Gần đây, nghe lời góp ý của bạn bè, ông Nguyễn Đắc Nông càng có ý thức đầu tư chiều sâu cho thú chơi và sưu tập cối đá của mình.

Có người đến thăm bộ sưu tập cối đá của ông Nguyễn Đắc Nông, quý trọng bảo rằng như một bảo tàng nhỏ. Ông Nguyễn Đắc Nông khiêm nhường nhận mình chỉ là người sưu tập theo sở thích của mình. Bạn bè thân hữu, bảo ông là người nghe được tiếng nói âm thầm của những chiếc cối đá ngỡ như vô tri vô giác.

Tháng 10-2018

Vũ Từ Trang
.
.