Ngôn từ trong rap và sự khôn ngoan của nghệ sĩ

Chủ Nhật, 11/07/2021, 11:29
Khó có thể quy định các rapper không được sử dụng từ ngữ hay nội dung gì trong tác phẩm. Thế nhưng, để phát triển trên con đường dài, họ cần phải cân nhắc kĩ để thể hiện sự khôn ngoan của mình.

Một nền văn hóa tự do

Tuy không biết thời điểm chính xác nhưng dấu ấn của rap đã xuất hiện từ nhiều thập kỉ trước tại Tây Phi với truyền thống kể chuyện có nhịp điệu trên nền nhạc cụ. Sau đó, khi người châu Phi bị đưa đến châu Mỹ làm nô lệ, văn hóa này tiếp tục phát triển tại các ghetto (khu biệt cư) Mỹ nhằm giúp nô lệ, người da màu vượt qua sự áp bức, miệt thị và nói lên tiếng lòng của mình. Cho đến 1973, tại một buổi tiệc, DJ Kool Herc lúc bấy giờ đã sử dụng hai bàn đĩa để tạo ra những bản nhạc có vòng lặp nhằm kéo dài một phân đoạn của bài hát. Không lâu sau, ông nhận ra việc có một người nói trên mic cũng góp phần giúp bữa tiệc thêm sôi động. Vì vậy, ông liên hệ và mời người bạn Coke La Rock đảm nhiệm việc đó. Sự kết hợp của hai thứ trên đã giúp nhịp lặp của rap ra đời.

Có thể nói, rap phát triển rất nhanh với sự đón nhận, tiếp nối của nhiều rapper trên thế giới. Và dù trải qua không ít giai đoạn, tinh thần của rap vẫn giữ đúng với ý chí khởi nguồn, trở thành một loại hình nghệ thuật thể hiện cái tôi cá nhân mạnh mẽ, nói lên suy nghĩ, tình cảm và khát khao tự do của con người bị kìm hãm. Cũng vì lẽ đó, người chơi rap cũng không ngại chửi thề hay đề cập đến các vấn đề nhạy cảm.

Sự xuất hiện của các chương trình về rap giúp khán giả biết nhiều hơn về dòng nhạc này. 

Đặc điểm này thể hiện rõ trong những tác phẩm của các rapper nổi tiếng như Dr.Dre, Usher, Eminem, Jay Z... Khi du nhập sang các nước châu Á, các rapper vẫn giữ đúng tinh thần trong những sáng tác phát hành trên internet, album vật lý. Tuy nhiên, họ sẽ tiết chế đặc điểm này khi sản phẩm được quảng bá rộng rãi trên sóng truyền hình, phát thanh. Vì vậy, trong một số chương trình, nếu rapper không thay đổi hoặc vô tình thể hiện lời bài hát gốc, ban kỹ thuật sẽ dùng tiếng “bíp” chèn lên câu từ nhạy cảm. Bài nhạc có nội dung quá phản cảm sẽ bị cấm sóng.

Độ phủ sóng của những bài rap có thể bị ảnh hưởng ít nhiều vì nội dung và ngôn từ, nhưng nhìn chung, không có một luật lệ nào trên thế giới cấm cản tính chất này vì theo lời cộng đồng yêu rap, tự do trong việc lựa chọn nội dung, ngôn từ là cách dòng nhạc này thể hiện cá tính. Chính các rapper cũng chấp nhận những cản trở đó và chủ động định hướng trước đối tượng khán giả mà sản phẩm hướng đến để có phương thức sáng tác phù hợp.

Chuyện ngôn từ trong rap Việt

Trong suốt 2 thập kỷ xuất hiện tại Việt Nam, nhạc rap trở thành một nét văn hóa được nhiều người yêu thích. Cộng đồng rapper tại Việt Nam ngày một đông đúc với những cái tên tiên phong như LK, DSK, MC.ILL, Kimmese, Đạt Maniac, Đen Vâu, Cam... Sau sự bùng nổ của hai show truyền hình Rap Việt và King of Rap, danh tiếng và độ phủ sóng của thể loại này tăng cao với nhiều cái tên mới: MCK, Tlinh, Dế Choắt, G-Ducky... Từ đây, rap dần có chỗ đứng cũng như sức ảnh hưởng lớn hơn trong cộng đồng nhạc Việt.

Hẳn nhiên, đi kèm độ phủ sóng lớn cùng sự quan tâm của cộng đồng khán giả, các tranh cãi trái chiều xung quanh vấn đề nội dung nhạy cảm cũng xuất hiện với tần suất cao hơn. Một số ý kiến cho rằng, để xây dựng một nền văn hóa chuẩn mực, rap khi đến Việt Nam phải “nhập gia tùy tục”. Thế nhưng, một sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa là một sản phẩm mà người nghệ sĩ được tự do thể hiện cái tôi của mình. Chúng ta không thể loanh quanh trong “ao nhà” nếu những cá tính bứt phá bị kìm hãm bởi khuôn khổ cứng nhắc. 

Tiêu biểu, trong thời kì Trung Đại - một trong những giai đoạn được xem là đỉnh cao của văn học Việt Nam, chúng ta đều có những nhà văn vượt ra khuôn khổ như Nguyễn Dữ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... Điều thú vị là trong những phá cách của họ, ba nhà thơ này đều có các tác phẩm sử dụng ngôn từ chửi tục; hay trực tiếp hoặc gián tiếp miêu tả về chuyện tình dục (Nguyễn Dữ với “Truyền kỳ mạn lục” hay dòng thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương). Từ tục vốn xuất hiện từ lâu trong văn hóa, tình dục là một điều gắn liền với đời sống con người, với một cách thể hiện đúng đắn, nó sẽ là một phần cá tính nghệ thuật. Điều này cũng ứng với chuyện ngôn từ, nội dung trong rap.

Đen Vâu - một trong những rapper được yêu thích nhất tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, từ khi rap được du nhập vào Việt Nam và hoạt động ngầm (underground), các câu từ chửi tục, sự đa dạng về nội dung vốn là một phần mang tính bản chất của thể loại nhạc này, được những rapper lẫn người nghe chấp nhận một cách rộng rãi. Và không thể phủ nhận, đôi khi, chính sự tự do trong sáng tạo đó đã giúp rap Việt có những sáng tác đinh, được khán giả công nhận và yêu mến.

Tuy nhiên, phải thừa nhận, trong những năm gần đây, tần suất xuất hiện của các sản phẩm có nội dung phản cảm, “vượt ngưỡng an toàn” của tự do nghệ thuật dần tăng cao. Một số bài có nội dung lệch lạc đến mức khiến người nghe phải ngượng ngùng như “Mẩy thật mẩy”, “Ồ sao bé không lắc” của Big Daddy, “Cypher nhà làm” của Low G, Teddie J, Chí, ResQ, “Như cái lò” của Sambi và Mr.A. Rõ ràng, những tác phẩm này không thể xem là tác phẩm nghệ thuật bởi nó không thể đáp ứng bất kì yêu cầu nghệ thuật nào, bao gồm: yếu tố kĩ thuật lẫn yếu tố văn minh. Nhưng với độ phủ sóng của rap, sức lan tỏa của các sản phẩm trên cũng không nhỏ. Điều đó gây nên cái nhìn ác cảm trong mắt nhiều người về thể loại nhạc này.

Vậy với một thể loại với tính chất đặc biệt như rap, cộng đồng rap Việt phải làm gì để giữ vững sự yêu mến của khán giả mà mình đang có?

Đừng lãng phí cơ hội giành được sau 2 thập kỉ

Nghe nhạc Đen Vâu từ lâu, tôi nhận ra sáng tác của chàng rapper này đã thay đổi nhiều kể từ khi độ nổi tiếng tăng cao. Nó không chỉ văn minh hơn mà còn thể hiện rõ sự đầu tư chất xám với các thuật ngữ trong lĩnh vực lịch sử, sinh học và những thông điệp về nhân văn, sự tử tế. Điều này gợi nhớ đến phát ngôn của Độ Mixi hay Pew Pew - hai streamer nổi tiếng tại Việt Nam khi xuất hiện các tranh cãi liên quan việc ngôn từ khi quay trực tiếp. Họ khẳng định, với sức ảnh hưởng của cả hai trong thời điểm hiện tại, việc tiết chế những từ ngữ không phù hợp với thuần phong mỹ tục là cần thiết. Vì đó là cách giúp xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn với nghề nghiệp mà họ và nhiều người khác đang theo đuổi.

Quay lại với những năm đầu khi du nhập vào Việt Nam, nhạc rap dù được nhiều bạn trẻ biết đến nhưng vẫn chỉ là một nhóm cộng đồng nhỏ. Cho đến giai đoạn 2010, nhiều nghệ sĩ rap bắt đầu ấp ủ ước mơ đưa dòng nhạc mình yêu mến đến với nhiều người hơn. Thế nhưng, để có thể xóa mờ lằn ranh định kiến nhằm đưa rap đến với công chúng vẫn còn nhiều trở ngại. Tận năm 2020, rap mới đạt đến giai đoạn đỉnh cao khi người người, nhà nhà biết đến và ủng hộ rap. Dẫu có phủ nhận niềm vui sướng khi có nhiều khán giả biết đến, không một rapper nào có thể trốn tránh sự thật rằng sự ưu ái của cộng đồng nghe nhạc đã giúp họ có nhiều cơ hội, thu nhập để tập trung hoàn toàn vào con đường nghệ thuật. Quả thật, sân chơi của rap bây giờ là ước mơ của chính những rapper các thế hệ trước đó cũng như của những dòng nhạc chất lượng khác chưa thể bật lên tại thị trường âm nhạc Việt Nam.

Cuối cùng thì nghệ sĩ rap gì, ngôn từ như thế nào cũng khó có thể cấm cản, vì nếu không công khai, minh bạch thì họ vẫn có thể trở về sản xuất sản phẩm dành riêng cho cộng đồng của mình. Việc truy quét có diễn ra ráo riết bao nhiêu cũng khó lòng bao trọn. Rapper có quyền lựa chọn giữa việc thỏa mãn cái tôi của mình hay tận dụng cơ hội này để khẳng định tính nghệ thuật của rap cũng như đưa rap Việt vươn ra thế giới. Nhưng phải nhớ, chặng đường của rap sẽ còn dài, với nhiều khó khăn mà ở đó, không sử dụng các vấn đề nhạy cảm không khiến tác phẩm mất hay nhưng nếu mất đi sự hậu thuẫn của khán giả trong nước thì sẽ là một thiệt thòi rất lớn. Vì vậy, những rapper nên cẩn thận hơn để đừng làm lỡ đi cơ hội mang theo những cố gắng suốt 2 thập kỉ.

Khải An
.
.