Nghĩ về nạn "chảy máu"tranh Việt
Tác phẩm cũng... lận đận theo nghệ sĩ
Trước khi đến tay ông Tira, không biết bộ sưu tập khá đồ sộ tranh của họa sĩ Nguyễn Kao Thương đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã qua tay bao nhiêu người? Chỉ biết rằng ông Tira đã mua lại của một nhà sưu tập người Mỹ và nhà sưu tập ấy đã mua "cả xấp tranh" trong một cửa hàng bán tranh và đồ cổ tại .
Hầu như 250 bức tranh vẽ màu nước, phác họa bằng chì, phác họa sơn dầu trên bìa cứng với đầy đủ bút tích về nhân vật, địa điểm, ngày tháng vẽ của người họa sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ họa sĩ đi đầu trong kháng chiến và là họa sĩ đầu tiên dùng súng trường bắn rơi máy bay địch đều được khoác lên một thân phận hoàn toàn khác so với lúc sinh thời của họa sĩ. Trong hồi ức được kể bởi họa sĩ Lê Thanh Trừ là "những bức tranh đủ cỡ đựng đầy theo vách tường và trên giường còn nào là va li, ba lô, sách báo, giấy cuộn, vải bố, vật liệu, phác thảo tranh, khung tranh, khung ngoài...". Bởi lẽ, thời điểm ấy, nơi ở và cũng là xưởng vẽ của họa sĩ chỉ là gian phụ của một biệt thự cũ được chia manh mún ra thành nhà tập thể, diện tích vẻn vẹn 10m2.
Mặc dù điều kiện vật chất eo hẹp không ngăn được sức sáng tạo của người nghệ sĩ nhưng như lời kể của chính con trai họa sĩ trong tập sách về Nguyễn Kao Thương thì những tác phẩm không được bảo quản cẩn thận nên mối mọt ăn nhiều. Khi chuyển nhà, ông bỏ hết đi, chỉ mang theo được màu và giấy vẽ. Ông cho người mua nhà rất nhiều tranh chỉ vì họ thấy thích và xin. Ngay bức "Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng", tác phẩm được nhà sưu tập đánh giá cao sau này và bản thân họa sĩ dành mấy tháng trời để lấy tư liệu về trang phục, vẽ phác thảo, dồn nhiều tâm sức sáng tác nhưng thấy người ta thích, xin ông cũng cho...
Cho đến hiện nay, khi một phần trong số tác phẩm đồ sộ ấy được trưng bày trở lại, dấu ấn của những tháng ngày "long đong" của các tác phẩm vẫn in đậm trên từng tác phẩm. Có những bức như chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối mọt đã ăn mất một phần không nhỏ. Có những tác phẩm, nhà sưu tập phải thuê người gia cố lại. Mặc dù ông Tira tuyên bố không bán những tác phẩm này nhưng ai cũng hiểu, từ chỗ được chủ nhân cho không đến khi được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, khoảng cách về giá cả có thể là vô cùng.
Có một thực tế đối lập lâu nay là nhiều nghệ sĩ biểu diễn, đặc biệt là ca nhạc có thể có đời sống khá giả thì với các nghệ sĩ sáng tác mỹ thuật, đặc biệt là nhiều họa sĩ lớn tuổi, nổi tiếng từ lâu nhưng ít có bệ đỡ về mặt giới thiệu, quảng bá hoặc vì nhiều lý do khác nên khó khăn về đời sống vật chất, kéo theo tác phẩm khó được bảo quản chu toàn.
Còn nhớ, vài năm trước đây, khi ghé thăm ngôi nhà cũ của lão họa sĩ Huỳnh Phương Đông, cảnh tranh xếp lớp, nguyên liệu vẽ ăm ắp các phòng của ông rất giống với ngôi nhà của họa sĩ Nguyễn Kao Thương lúc sinh thời, theo lời kể của con trai cố họa sĩ. Có khác chăng là họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẫn còn có người bạn đời bên cạnh cẩn thận gìn giữ, hỗ trợ nên việc bảo quản có khá hơn. Đến nay, dù gia đình ông đã chuyển sang một căn nhà khác khang trang, rộng rãi hơn nhưng - như chính bộc bạch của lão họa sĩ, việc bảo quản một số lượng tác phẩm lớn - những đứa con tinh thần có được từ bao nhiêu năm lăn lộn khắp các chiến trường cho đến mọi miền đất nước vẫn rất khó khăn. Để giảm tải áp lực, ông đã trao lại rất nhiều đứa con ấy cho Bảo tàng Mỹ thuật bảo quản.
Một trường hợp khác, có lẽ ít may mắn hơn họa sĩ Huỳnh Phương Đông là nhà điêu khắc kiêm kỷ lục gia Tô Sanh. Được đánh giá cao về chuyên môn, tác phẩm và sức lao động nghệ thuật nhưng vì nhiều lý do, vì tuổi già, điêu khắc gia phải vào trại dưỡng lão sinh sống. Tác phẩm của ông bị phân tán, thất lạc đi những đâu cũng không ai nắm hết. Chỉ biết rằng mới đây, vì nhà riêng của ông được cho thuê làm quán nhậu, người thuê vốn có nhân duyên với nghề báo nhưng cũng không am hiểu về nghệ thuật, chỉ thấy để bức tượng bán thân to đùng trước quán thì rất... vô duyên, chị mới dò hỏi một số nhà báo viết về văn hóa nghệ thuật.
Những phác thảo, tranh vẽ được lồng kính sang trọng, được du khách trong và ngoài nước quan tâm lại có thể từng được họa sĩ cho không lúc sinh thời. |
Kiểm tra lại, nhiều người mới hay đây là bức tượng bán thân của Thiếu tướng, giáo sư, viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Để có bức tượng như ý, ông Tô Sanh đã phải đầu tư bằng vàng để mua, vận chuyển khối đá hoa cương về làm nguyên liệu. Lúc sinh thời, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có thư khen và ông Tô Sanh cũng rất quý tác phẩm này, không cho cũng không bán. Khi trí nhớ đã không còn minh mẫn, ông vào viện dưỡng lão, tác phẩm bị bỏ quên luôn ngoài cửa quán ăn. Rất may, qua sự kết nối của các nhà báo, tác phẩm được chuyển về trường trung học mang tên giáo sư, trưng bày trang trọng như một biểu tượng về ý chí học tập, cống hiến cho khoa học, giáo dục.
Quý trong tiếc nuối
Có thể sẽ còn rất nhiều trường hợp thất lạc đáng tiếc khác về các tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ mỹ thuật mà chúng tôi chưa thể biết hết và cũng không thể liệt kê hết. Và, có thể, rất nhiều trong số đó đã trở thành tài sản của các nhà sưu tập nước ngoài. Cụ thể, chỉ riêng nhà sưu tập Tira, theo chia sẻ của ông thì hiện nay ông đã có các bộ sưu tập tranh của gần 40 họa sĩ nổi tiếng Việt Nam: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ... Tất nhiên, rất nhiều trong số đó là được mua lại từ các nhà sưu tập khác.
Chia sẻ về thực tế này, một cán bộ lâu năm gắn bó với công tác quản lý và trưng bày mỹ thuật Việt Nam kể lại rằng, từ nhiều năm trước, rất nhiều tác phẩm quý của mỹ thuật Việt Nam theo dòng người di tản, trong đó có những tác phẩm thuộc dạng bảo vật quốc gia cũng lén lút bị mang đi. Không ít những tác phẩm đang được lưu giữ tại bảo tàng là kết quả từ việc kiểm tra, kiểm soát của hải quan, an ninh cửa khẩu. Nhưng, số tác phẩm này vẫn chỉ là một phần không lớn. Rất nhiều tác phẩm đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân. Người làm công tác trong ngành mỹ thuật lâu năm, nhiều khi biết thông tin có tác phẩm này hay tác phẩm khác có giá trị được rao bán nhưng vì kinh phí, vì thủ tục hành chính theo quy định của nhà nước nên khi tìm đến thì chúng đã được bán đi. Với bộ sưu tập tranh Nguyễn Kao Thương, bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM cũng chia sẻ rằng đã rất tiếc vì khi tìm đến thì chúng đã được chuyển nhượng cho ông Tira.
Được biết, để hạn chế những trường hợp "đáng tiếc" nói trên, vài năm trở lại đây, TP HCM đã cho phép có riêng một khoản kinh phí tính bằng con số hàng tỷ cho một số đơn vị. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những cố gắng nhất định trong thời điểm gần đây. Cũng đã có khá nhiều ý kiến mang tính cảnh báo về sự "chảy máu" của các tác phẩm mỹ thuật quý của họa sĩ Việt Nam ra nước ngoài, thậm chí còn lo lắng rằng, nếu không cẩn thận, đời con cháu sau này, muốn xem tác phẩm nghệ thuật của cha ông phải... ra nước ngoài mới xem được. Nhưng, để hạn chế thấp nhất hệ lụy này, chắc chắn chỉ với cố gắng của một địa phương hay một vài đơn vị cá nhân sẽ không bao giờ là đủ