Nghệ sĩ Tiến Hợi và những vai diễn để đời
Nghệ sĩ Tiến Hợi tâm sự: "Được vào vai Bác Hồ là một vinh dự lớn của bản thân tôi nhưng bên cạnh đó áp lực cũng rất lớn". Sau khi thể hiện thành công vai Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng", Tiến Hợi đã được đạo diễn Long Vân chọn vào vai Nguyễn Tất Thành trong bộ phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn".
Vốn là dân kịch nói, lần đầu tiên tham gia đóng phim, lại là phim truyện nhựa nên đối với Tiến Hợi quả không phải dễ dàng. Vì thế khi đoàn làm phim vào Huế, anh đã bỏ nhiều thời gian gặp gỡ các bậc cao niên những mong tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của thế hệ thanh niên thời kỳ trước đó để hiểu thêm về quãng đời mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sống.
Tâm huyết với vai diễn của mình, Tiến Hợi đã mày mò tìm đọc nhiều sách báo và tài liệu liên quan đến Bác Hồ. Hễ có thời gian là anh lại xem phim tư liệu, nghe băng ghi âm những bài phát biểu, bài nói chuyện của Bác. Nghe xong, Tiến Hợi lại tập nói. Điều đặc biệt trong vai diễn Nguyễn Tất Thành là anh tự lồng tiếng cho chính nhân vật của mình. Có thể nói sự thành công trong vai diễn không chỉ vì ngoại hình, phong cách biểu diễn mà còn vì sự thuyết phục của giọng nói.
Nghệ sĩ Tiến Hợi tâm sự rằng: "Gần một năm trời gắn bó với đoàn làm phim, để thực hiện các cảnh quay đã khiến tôi có cảm giác đó như một gia đình". Đi đến đâu đoàn làm phim cũng được người dân yêu quý và gọi với cái tên thân thương "Gia đình Bác Hồ".
Còn nhớ, khi quay cảnh biểu tình ở Huế, đoàn làm phim đã phải huy động tới khoảng 5.000 người. Từ 3, 4 giờ sáng, bà con từ nhiều xã đã đổ về trường quay háo hức cho vai diễn quần chúng của mình. Nhưng phải tới gần 9h, đoàn làm phim mới có mặt để thực hiện cảnh quay được.
Lúc này, bà con đã khá mệt mỏi. Đi biểu tình mà mặt ai cũng buồn rười rượi thì quả thật không đúng tinh thần chút nào. Thấy tình hình có vẻ không ổn, đạo diễn Long Vân đã bảo với Tiến Hợi rằng: "Chú nói gì đó để lấy lại tinh thần cho bà con đi".
Và quả nhiên, sau một vài lời động viên với chất giọng "rất Huế" của Tiến Hợi, không khí tưng bừng hẳn lên. Toàn bộ người dân đã đứng dậy và hô vang những khẩu hiệu theo kịch bản. Sau này cảnh biểu tình đó được xem là một cảnh rất hoành tráng và thành công của bộ phim.
Hay ở Phan Thiết, có cảnh thầy giáo Nguyễn Tất Thành (trường Dục Thanh) dẫn đoàn học sinh đi thăm quan thực tế để hiểu hơn về cuộc sống khốn khó của những người lao động. Với phân đoạn này, Tiến Hợi đã phải tập đi tập lại không biết bao nhiêu lần chỉ vì khi diễn, bọn trẻ cứ chăm chú nhìn thầy Thành nên quên mất mình phải diễn gì.
Tiến Hợi trong một cảnh phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. |
Khi Tiến Hợi nhắc nhở: "Các con phải tập trung để diễn" thì chúng hồn nhiên trả lời: "Vì chú giống thầy Thành quá, bọn con mải xem, nên quên mất". Với bạn diễn Thu Hà (nhân vật út Huệ trong phim) thì Tiến Hợi lại có một kỷ niệm vui. Bối cảnh là một kho gạo ở Long An.
Nguyễn Tất Thành vác gạo, còn Út Huệ thì ngồi sàng gạo. Khi thấy Tất Thành bị ngất do vác gạo quá sức, út Huệ từ xa lao đến kêu lên: "Anh Ba, Anh Ba!". Do yêu cầu của đạo diễn, khi lao đến, mái tóc của Thu Hà phải xõa xuống mặt của Tiến Hợi.
Nhưng lần nào cũng vậy, mỗi khi mái tóc của Thu Hà xòa xuống mặt, là Tiến Hợi lại bật lên tiếng cười. Chả ai hiểu gì thì "anh Ba" giải thích: "Tại tóc của "út Huệ" cứ ngoáy vào mũi tôi, làm tôi không chịu nổi". Ngay sau đó đạo diễn Long Vân linh hoạt đổi cho tóc của "út Huệ" phải xõa theo một hướng khác.--PageBreak--
Tiến Hợi tâm sự, những phân đoạn khó diễn nhất vẫn là những đúp quay ánh mắt của Nguyễn Tất Thành. Bởi thực tế ngoài đời, ánh mắt của chàng trai Nguyễn Tất Thành rất sáng. Để đạt được điều này, đạo diễn Long Vân đã nhờ rất nhiều người mua thuốc sáng mắt về cho Tiến Hợi uống.
Cứ hễ nghe ai mách cách nào đó có thể làm cho mắt sáng là ông lại bắt Tiến Hợi thử. Nhưng có lẽ cái cách mà đạo diễn Long Vân khiến cho anh sợ nhất chính là việc bắt anh ăn gan lợn. Mỗi ngày, anh phải ăn từ lạng rưỡi, đến hai lạng gan. Nó khiến anh sợ đến mức chỉ cần nghe đến từ gan thôi là anh đã nổi da gà rồi.
Cuối cùng Tiến Hợi phải năn nỉ xin đạo diễn Long Vân: "Anh bảo em làm gì, ăn gì cũng được, nhưng hãy tha cho em, đừng ép em ăn gan nữa". Đạo diễn Long Vân cười bảo: "Ừ thôi, ăn thế là đủ rồi. Còn để thời gian cho nó ngấm nữa chứ". Chính Tiến Hợi đã phải công nhận rằng, chẳng biết có phải vì chế độ ăn uống nghiêm ngặt vậy không mà mắt của anh khi lên hình... sáng thật.
Không chỉ thành công và tâm đắc với vai diễn Nguyễn Tất Thành trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" ở thể loại phim truyện nhựa, mà Tiến Hợi cũng rất hài lòng với sự thể nghiệm của mình qua hình tượng Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng" (tác giả Lưu Quang Hà, đạo diễn Doãn Hoàng Giang).
Hơn 300 đêm sáng đèn đủ thấy vở diễn thành công tới mức nào. Trong vở kịch "Đêm trắng", vẫn là vào vai Bác Hồ, nhưng khác với Nguyễn Tất Thành, bởi khi ấy Người đã là vị lãnh tụ vĩ đại, và đang trăn trở, đau đớn khi phải quyết định xử tử hình Đại tá Cục trưởng Cục Quân Nhu vì tội tham ô, biển thủ công quỹ.
Lại nhớ một lần nghệ sĩ Tiến Hợi diễn ở Việt Trì. Khi anh đang thể hiện sự suy tư trăn trở trước một quyết định lớn thì bỗng dưới hàng ghế khán giả, một cụ già giơ tay lên và nói: "Dạ thưa Bác, cho tôi phát biểu ý kiến". Thấy vậy bảo vệ phải đưa cụ vào cánh gà.
Khi diễn xong, Tiến Hợi trở vào phòng thay đồ vẫn thấy cụ ngồi ở đó. Thấy anh (lúc này vẫn chưa thay đồ), cụ quỳ sụp xuống và khóc nức nở. Vừa khóc cụ vừa vái. Hành động bột phát ấy khiến Tiến Hợi rất lúng túng, vội vàng nói với cụ rằng: "Thưa cụ, cháu chỉ là diễn viên vào vai Bác Hồ thôi…".
Cụ già gật gật đầu và nói: "Tôi biết, tôi biết. Nhưng anh diễn chân thực quá khiến cho tôi được sống lại thời điểm tôi có may mắn được gặp Bác. Chính Bác đã từng đến đơn vị tôi, và chúng tôi đã đề nghị Bác nên xử tử tên tham ô đó". Hình ảnh cụ già ấy còn ám ảnh và như một sự khích lệ đối với Tiến Hợi cho đến tận hôm nay.
Vì vở kịch "Đêm trắng" đề cập đến một vấn đề nhạy cảm nên khi duyệt vở đã có nhiều vị lãnh đạo cao cấp đến xem. Trong đó có cả đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thư ký của Bác là ông Vũ Kỳ.
Một lần, sau khi xem diễn xong, ông Vũ Kỳ đã vào tận phòng thay đồ và nói với Tiến Hợi: "Tớ muốn tận mắt xem mặt người vào vai Bác Hồ ngoài đời như thế nào". Nhìn thấy Tiến Hợi, ông Vũ Kỳ nói: "Cậu còn trẻ thế mà sao vào vai Bác lại "ngọt" đến như vậy. Cái cách cậu cáu trên sân khấu cũng rất giống Bác".
Khi ấy Tiến Hợi mới 28 tuổi nhưng hóa thân vào vai Bác Hồ khi Bác đã xấp xỉ tuổi 60. Sau khi nhận được lời khen từ người nhiều năm là thư ký riêng của Bác, Tiến Hợi đã cảm thấy rất vui và xen chút tự hào.
Có một điều bất ngờ là người hóa trang cho anh trong suốt hơn 300 đêm diễn ấy lại chính là bà xã của anh. Chị cũng đã từng là diễn viên của Đoàn kịch Trường Sơn Quân Khu 2, cùng thời với diễn viên Thu Quế, Thu Hà. Sau này, khi đoàn kịch giải thể, chị đã rút lui vào hậu trường để giúp chồng có điều kiện tập trung hơn cho nghiệp diễn.
Đã là diễn viên, ai cũng mong có được một vai ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Tiến Hợi cũng vậy. Khán giả nhắc đến anh là người ta nghĩ ngay đến hình tượng Bác Hồ. Những vai diễn sâu đậm đến mức, sau này khi anh hóa thân vào bất kỳ vai nào khác, khán giả hầu như đều không công nhận.
Xét về mặt nào đó thì đây cũng là một sự thiệt thòi, nhưng nhìn ở khía cạnh khác thì nó lại là niềm hạnh phúc, sự tự hào khôn tả của người nghệ sĩ. Có thể nói, hóa thân vào hình tượng Bác Hồ là vai diễn để đời của nghệ sĩ Tiến Hợi