Tản văn

Nấu cháo bằng rìu

Thứ Tư, 25/04/2012, 08:00

Trong sáng tác văn chương nói chung, không phải là không có những trường hợp "nấu cháo bằng rìu". Ấy là khi mượn ý tưởng của người khác, mượn cảm xúc của người khác mà… sàng sê thành tác phẩm của mình và ngang nhiên cho công bố trên mặt báo, tạp chí...

Trong kho tàng truyện cổ Nga, có một truyện rất đáng nhớ, mang tên "Nấu cháo bằng rìu". Nội dung tóm tắt như sau:

Có một chàng trai trẻ rất muốn ăn cháo nhưng trong tay lại chỉ có một cái rìu. Anh ta bèn nghĩ ra một mẹo: Tìm đến nhà một bà lão. Đến nhà bà lão, anh ta hỏi: "Bà có thể cho cháu mượn một cái xoong được không?". Bà lão trả lời: "Được". Anh ta hỏi tiếp: "Và sử dụng cả cái bếp này được không?". Bà lão trả lời: "Được". Đến lượt bà lão hỏi: "Nhưng cậu mượn xoong và sử dụng bếp của ta để làm gì?". Chàng trai trẻ trả lời: "Để nấu cháo ạ. Cháu khả năng đặc biệt, có thể nấu cháo bằng rìu. Bà có thể chứng kiến điều đó ngay sau đây". Thế rồi anh ta nhóm lửa, bỏ rìu, đổ nước vào xoong và đun…Khi nước sôi, anh ta nói với bà lão: "Nồi cháo sẽ rất tuyệt nếu có thêm gạo". Nghe vậy, bà lão cho anh ta gạo. Anh ta bỏ gạo vào soong và tiếp tục đun…

Khi gạo đã chín thành cháo, anh ta nói với bà lão: "Cháo đã ngon rồi, nhưng sẽ rất tuyệt vời nếu có thêm một chút muối". Nghe vậy, bà lão cho anh ta muối. Anh ta cho muối vào xoong và tiếp tục đun…

Tiếp tục bằng cách này, anh ta xin thêm bà lão một ít thịt, một ít hành…và có một xoong cháo hoàn chỉnh.

Cho đến khi đã đói bụng, cùng chàng trai trẻ ăn cháo, bà lão gật gù: "Phải công nhận cháo được nấu theo cách "nấu cháo bằng rìu" của anh ngon thật! Cả đời ta chưa bao giờ được ăn một bát cháo ngon như thế này".

Chàng trai trẻ trên, chắc chắn là một kẻ láu cá. Chỉ có kẻ láu cá mới nấu cháo kiểu nhưng vậy. Nhưng nếu muốn "thành công", kẻ láu cá trên phải gặp được một bà lão tốt bụng và dễ tin người. Ở đời, kẻ láu cá không thiếu, nhưng để gặp một người tốt bụng và dễ tin người đến mức dại khờ như bà lão trong truyện cổ trên, không nhiều.

Và nói theo cách nói dân gian hiện nay thì "nấu cháo bằng rìu" chính là một kiểu "tay không bắt giặc".

Trong sáng tác văn chương nói chung, không phải là không có những trường hợp "nấu cháo bằng rìu". Ấy là khi mượn ý tưởng của người khác, mượn cảm xúc của người khác mà… sàng sê thành tác phẩm của mình và ngang nhiên cho công bố trên mặt báo, tạp chí.

Cách nay đã lâu, kẻ viết bài báo nhỏ này đã từng nêu vài trường hợp "nấu cháo bằng rìu" bằng cách đạo một, hai truyện trong "Giai thoại thiền", chế ra một, hai bài thơ và đã từng xếp một, hai tác giả kiểu này vào danh sách "họ nhà đạo".

Nhà thơ Thi Hoàng từng tâm sự: Muốn có một tác phẩm, trước hết cần có ý tưởng (có cái để nói), sau đó mới chọn cách nói (hoặc chọn cách thể hiện). Một khi đã không có cái để nói mà cứ loay hoay tìm cách để nói thì thật buồn cười, dễ dàng chui vào cái vòng luẩn quẩn lắm. Diễn đạt một cách nôm na: Phải có thịt lợn trước, rồi mới chọn cách pha chế, nấu nướng món ăn. Một khi làm điều ngược lại (nghĩ đến pha chế, nấu nướng món ăn khi chưa có thịt lợn) thì chấp nhận làm sao cho được.

Về việc này, nhà thơ Phan Nhiên Hạo từng viết: Hãy cho tôi một xác chết, tôi sẽ biết cách tổ chức một đám ma.

Chính vì "loay hoay tìm cách nói" trong khi "không có cái để nói", tương tự như việc mượn bếp, mượn lửa, mượn xoong, xin gạo, xin muối, xin thịt, xin hành…như chàng trai trẻ láu cá trong truyện trên, mà đã có một vài người trình làng một "nồi cháo văn chương" hoàn toàn của người khác, không phải của mình, hy vọng lòe những người hiểu biết và coi đó là lưng vốn để lập ngôn, lập thân… thì xem ra cũng là những chuyện rất hoang đường vậy

Đặng Huy Giang
.
.