"Nát giỏ còn bờ tre" - Tìm về những quê mùa đã mất

Thứ Sáu, 25/12/2020, 11:31
"Tay người như có phép tiên/ Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ" - Câu thơ của Nguyễn Đình Thi cứ trở đi trở lại trong đầu tôi sau buổi dạo quanh triển lãm "Nát giỏ còn bờ tre" của Trung Nghĩa, khi có dịp chứng kiến những phù phép của anh trên tre nứa trong hành trình gọi dậy ký ức của những làng quê đã mất.


Cật tre, dầu rái và tấm lòng dành cho những làng quê

"Nát giỏ còn bờ tre" là một không gian nghệ thuật đắt giá với 6 tác phẩm làm từ mây tre và các vật liệu địa phương ở Nông Sơn, Quảng Nam. Trung Nghĩa chia sẻ rằng "Nát giỏ còn bờ tre" thật sự là một mối lương duyên khi anh có cơ hội làm việc với 4 bác thợ tre mây gần như cuối cùng, có tuổi đời từ 79 đến 86. 

Nhìn lại hành trình 4 năm cùng mây tre của mình, Trung Nghĩa bồi hồi kể về một chặng đường giàu tận tâm - lắm nhọc nhằn: "Khó nhất chính là khâu thuyết phục nghệ nhân cùng tôi tham gia triển lãm. Trước giờ họ chỉ đơn thuần làm các sản phẩm dân dụng, nên khi nghe tôi phác thảo ý tưởng về tác phẩm nghệ thuật của mình, họ lắc đầu từ chối vì "những thứ này chỉ để ngắm thôi". Nhưng vì tình yêu đối với mây tre, với những gì của làng quê thân thương nhất, cuối cùng các nghệ nhân đã nhận lời.

Tác giả và tác phẩm

Tre và các cây cùng họ cũng như dầu rái được chọn làm chất liệu chính trong triển lãm. Ngoài những ưu điểm to lớn về màu sắc, tạo hình thì các chất liệu kể trên cũng chính là một thử thách lớn với người nghệ sĩ ưa thích sự thể nghiệm như Trung Nghĩa. 

Anh kể lại quá trình lựa chọn chất liệu hết sức công phu rằng: "Tre không dùng hết cả cây, chỉ lấy phần cật tre dẻo và dày nhất để đảm bảo chất lượng cho tác phẩm". 

Ngoài ra, việc xử lý ẩm mốc cho chất liệu thuần tự nhiên cũng hết sức kỳ công. Cật mây, tre, nứa được chọn lấy và đem hong phơi tự nhiên nhiều năm liền tại bờ biển, dùng chính gió và nắng biển cho quá trình xử lý hong khô. 

Riêng về dầu rái, Trung Nghĩa đã vận dụng rất nhiều kỹ thuật bảo quản để lưu giữ được màu sắc, độ trong của nó mà không làm dầu rái bị lên nước và có mùi khó chịu.

Nhìn lại những gì mà Trung Nghĩa đã và đang làm được, tôi bắt gặp ở anh một tấm lòng dành cho những làng quê đã mất. Có cả hân hoan và tò mò của trẻ thơ, trăn trở vô tư của tuổi thiếu niên và cả những lắng sâu nuối tiếc của người đã đi quá nửa cuộc đời. 

Anh đã nói lên tiếng lòng của rất nhiều thế hệ trước sự biến mất của những làng quê chỉ bằng những vật liệu, hình ảnh, cảm hứng thân gần, mộc mạc nhất: một chiếc thuyền giữa mênh mông nước, một hòn đá nở hoa, một con cá khô… 

Làng quê đã được góp nhặt một cách hết sức cần mẫn tại "Nát giỏ còn bờ tre" lần này. Khi được hỏi về động lực lớn nhất thúc giục anh hiện thực hóa triển lãm, anh đã có một bộc bạch làm tôi hết sức xúc động: "Cuộc đời này, đơn giản là yêu thôi, mọi thứ sẽ tự dẫn tới!".

Những ủi an đến từ cỏ cây

Với tôi, mỗi thể nghiệm nghệ thuật đều cần một cái "lõi". Lõi càng ấm chắc, dày dặn thì các lớp lang bên ngoài càng trở nên phong phú, đa chiều. Chính phần "lõi" này làm nên sự thống nhất và độ lay động cho những thể nghiệm nghệ thuật riêng biệt. 

Vậy cái "lõi" mà Trung Nghĩa cất giữ tại "Nát giỏ còn bờ tre" là gì? Một cốt cách Việt Nam qua nỗ lực tái hiện không gian ấm áp, mộc mạc của xứ sở bốn mùa cây cỏ thảo thơm. Hay một góc nhìn khúc triết dành cho những giá trị cổ truyền đã dần trôi vào quên lãng của làng quê nước Việt?

Nhưng dù có là gì thì tuyên ngôn nghệ thuật của Trung Nghĩa là một thứ ngôn ngữ không cần phải lên gân, hô hào. Vì tự nó - bản thân đã toát ra những thuyết phục và lay động rất riêng. Màu của cây cỏ luôn tự nó mang đến những ủi an tuyệt vời, cả khi nó xanh tươi và hiên ngang giữa đất trời hay đã úa màu thời gian rồi được tái sinh trong một cuộc đời khác - thông qua những tạo tác.

Chẳng cần kỳ hoa dị thảo, chỉ cần đôi bàn tay lạc quan, cần cù cùng khối óc mẫn cán nhưng giàu tưởng tượng, mây, tre, nứa cũng hóa ra một "phép lạ" trong "Nát giỏ còn bờ tre" của Trung Nghĩa.

Liền mạch khi nói về sự ủi an của cây cỏ, tôi xin mạn phép gợi lại đây câu chuyện của 4 vị nghệ nhân già mà Trung Nghĩa cứ nhắc đi nhắc lại trong triển lãm lần này: "Có một bác đã mất đầu năm nay, trước khi ''Nát giỏ còn bờ tre'' kịp diễn ra" - Tôi tin rằng cả tôi và anh đều gợn lên một trăn trở kỳ lạ khi thảng nghĩ về họ - những vị nghệ nhân đáng kính đã sắp gần đất xa trời. 

Trung Nghĩa chia sẻ rằng một trong những lý do lớn nhất khi 4 vị nghệ nhân nhận lời chính là vì họ được dịp để sống lại cùng nghề, đam mê của bản thân, dù sản phẩm triển lãm đôi khi còn lạ lẫm và thiếu tính ứng dụng đối với họ. 

Những ngày sống với mây, tre và những tay đan thoăn thoắt tại "Nát giỏ còn bờ tre" với bốn nghệ nhân, có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất - trước khi sự phũ phàng của thời gian một lần nữa bao trùm lên họ (như đã từng làm với những làng nghề, những sản phẩm thủ công của họ).

An ủi của cỏ cây thì lặng im, nhưng sức mạnh chữa lành thì vô cùng to lớn. "Nát giỏ còn bờ tre" không chỉ là những ủi an dành cho người thưởng thức, mà cũng chính là ủi an dành cho đội ngũ nghệ sĩ - nghệ nhân đã cùng nhau hoàn thành triển lãm của mình.

"Có khi nào những ủi an kia, cũng sẽ biến mất mãi mãi?" - Tôi đã nghĩ như thế, khi nhìn vào lớp nghệ nhân gần như là cuối cùng của làng nghề đan lát xứ Quảng. Rồi ai sẽ tiếp tục kể chuyện làng quê, rồi ai sẽ chải chuốt cho mây tre, đan cài vào từng hình khối những thở than, ru hời, động viên tuyệt đẹp. 

Nhưng dẫu sao thì nếu có thể bình tâm mà gạt qua những nuối tiếc và lo sợ mơ hồ nào đó được gửi đến từ tương lai, thì "Nát giỏ còn bờ tre" đọng lại trong tôi là một hành trình làm nghệ thuật tử tế, những ý tứ quê mùa chân phương mà giàu tính triết lý và có cả hy vọng rằng biết đâu đó làng quê sẽ sống lại, bằng một diện mạo khác!

Lê Hoàng Bảo
.
.