NSƯT Thế Bình: Không nề hà bất cứ một vai diễn nào

Thứ Ba, 26/04/2011, 08:14
Cởi mở, chân tình, ngại nói về mình và say nghề đến mức có thể ngồi hàng giờ kể về những vai diễn, những nhân vật mình tâm đắc, đó là đôi nét chân dung về NSƯT Thế Bình.

Đến với sân khấu kịch từ năm 1973, đến nay, anh đã có trong gia sản hai huy chương vàng, khá nhiều huy chương bạc trong các kỳ hội diễn sân khấu; Huy chương vì sự nghiệp sân khấu... Bên cạnh đó, anh cũng khá thành công khi tham gia điện ảnh, truyền hình. Khán giả nhận ra anh trong các bộ phim như "Hà Nội 12 ngày đêm", "Tiếng cồng định mệnh", "Giải phóng miền Nam", "Chạy án", "Cổ cồn trắng", "Biệt thự màu tro lạnh", "Ngôi biệt thự"... Hiện  NSƯT Thế Bình đang công tác tại Đoàn kịch Công an nhân dân.     

- Thưa NSƯT Thế Bình, được biết, trong Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ II (2010) vừa qua, anh đã đoạt Huy chương bạc cho vai diễn Trưởng ban chuyên án trong vở "Hoa thép" (tác giả: Đại tá Phan Gia Liên; đạo diễn Lê Hùng). Tôi có cảm nhận rằng, anh không chỉ thể hiện được yêu cầu của đạo diễn, mà khắc họa được hai đối cực trong con người của một cảnh sát hình sự: ngoài sự quyết liệt, chủ động trong mọi tình huống thì luôn đầy ắp sự mềm mỏng, chan hòa mà không khiên cưỡng. Có được điều này là do bản thân anh đã có mấy chục năm khoác trên vai bộ quân phục Công an hay bởi anh biết hóa thân vào tâm trạng của từng nhân vật?

+ Có lẽ là do... cả hai. Đội trưởng đội chuyên án trong "Hoa thép" là một vai diễn mà tôi dành nhiều tâm huyết, dù vai của tôi cũng chỉ vài lớp diễn. Tôi đã sống đời sống của người chiến sĩ trên sân khấu để cảm nhận được tận cùng các trạng huống khác nhau của cảm xúc. Trước đây, tôi đã vào vai Đại tá Xuân Phong, một cán bộ chỉ huy sống có tình có nghĩa, mềm mỏng với đồng đội nhưng kiên quyết khôn khéo trong công việc trong hai vở kịch có tính chất tiếp nối là "Đối đầu" và "Quyết định sinh tử". Hay như hình ảnh người chiến sĩ Công an tận tụy, có trách nhiệm với công việc trong các vở "Đảo lạnh", "Nốt nhạc cuối cùng", hoặc Trung úy Hùng gần gũi, chân thực với những mâu thuẫn, giằng xé giữa nhiệm vụ và hoàn cảnh riêng trong "Đám cưới trong đêm mưa"...

Tôi cho rằng, khi khoác trên người bộ quân phục Công an thì những chiến sĩ phải là những người anh hùng trên trận tuyến chống cái xấu, cái ác vì bình yên cuộc sống. Vì thế, nhiệm vụ của những người nghệ sĩ chúng tôi là làm sao thể hiện được hình ảnh của họ một cách tốt nhất, hấp dẫn nhất, bằng khả năng cảm thụ của chính mình. Chẳng hạn như để vào vai giám thị Thức trong vở kịch "Đường về", một người giám thị cứng rắn, cương quyết trong công việc nhưng đôn hậu trong cuộc sống, tôi đã phải đi thực tế nhiều ngày tại Trại giam Gia Trung (Gia Lai) để nghe, để chứng kiến những câu chuyện cảm động về tấm gương một giám thị có những điểm giống với câu chuyện của Thức. Trong những ngày tháng sống ở trại giam, tôi nhận ra một điều, những người giám thị trại giam đang thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao phó, đưa con người lầm lỡ trở về với đời thường. Họ là những người tự do, nhưng trên thực tế, sự tận tụy quanh năm ngày tháng làm nhiệm vụ quản thúc phạm nhân, cũng phải chịu một nỗi buồn, nỗi cô đơn nhất định nào đó ở chốn rừng thiêng nước độc. Càng như vậy, họ càng thể hiện khí chất của mình. Anh Thức luôn mềm mỏng, sống có tâm, cảm hóa được nhiều phạm nhân. Chỉ có tình người là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp những con người lầm lỗi tìm lại chính mình.

- Anh được đánh giá vào vai chính diện rất "ngọt", nhưng khi thể nghiệm  những vai phản diện, anh cũng khiến cho khán giả tức "nổ con mắt". Anh có sợ mình sẽ bị "mất điểm" khi đóng vai phản diện?

+ Đã là người nghệ sĩ thì phải biết thử nghiệm ở nhiều dạng vai khác nhau, không chỉ vào vai phản diện, mà tôi còn vào cả vai hài để chọc cười khán giả. Tôi nhớ năm 1997, khi tôi vào vai một vị chánh văn phòng quan liêu trong vở kịch "Ngọt ngào trong cay đắng" của tác giả Chu Thơm, tôi "thành công" đến nỗi, sau thời điểm đó, khi Đại tá Phan Gia Liên định mời tôi vào vai Trưởng ban chuyên án trong vở "Đối đầu", bà đã nghi ngại: "Cậu đóng vai tiêu cực tốt thế này rồi không biết liệu có "đối đầu" với vai Trưởng ban chuyên án của tôi không". Nhưng tôi đã làm tốt cả hai vai trò khi đạt Huy chương Bạc trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ nhất cho vai Trưởng ban chuyên án này. Sau này, tôi tiếp tục được mời vào vai Hải "xù" - một nhân vật "xã hội đen" trong vở "Khoảnh khắc mong manh" (tác giả: Nhà văn Hữu Ước, đạo diễn Lê Hùng), trùm buôn lậu Vạn trong vở "Vàng ở thung lũng xanh" (Đạo diễn Lê Hùng)...

NSƯT Thế Bình (bên trái, hàng trên cùng) trong vở kịch "Tình xưa".

- Sau những thành công trên sân khấu, anh đã thể nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình và cũng đã cống hiến cho khán giả nhiều vai diễn hay. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều diễn viên khi đến với điện ảnh đã chạy theo vết trượt dài với những quyến rũ của nó mà khó quay lại với sân khấu. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Bản thân tôi cũng thấy sức hút của điện ảnh, truyền hình là rất lớn. Vì truyền hình có số lượng người theo dõi nhiều hơn, cátxê cũng cao hơn… Tôi tham gia vai đầu tiên trong phim "Chị Nhàn" từ năm 1975. Sau đó là vai Tư lệnh Phòng không Không quân trong phim "12 ngày đêm" của NSND Bùi Đình Hạc, cùng năm đó tôi vào vai Đại tá, Tỉnh trưởng ngụy trong phim "Tiếng cồng định mệnh" (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi), rồi vai Thiếu tướng thông tin trong phim "Giải phóng miền Nam" (đạo diễn Long Vân). Sau đó tôi vào vai Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự trong những seri phim truyền hình dài tập: "Cổ cồn trắng", "Chạy án", "Kẻ giấu mặt", "Biệt thự màu tro lạnh"…

Tôi có nhiều bạn bè là các chiến sĩ Công an. Sự hy sinh, vất vả của các bạn mình là có thật. Mình nhập vai là nói hộ cả những tấm lòng bè bạn, bởi vậy mà tôi vẫn thích diễn trên sân khấu hơn. Ở đó, một cuộc đời trôi qua rất nhanh, đóng khung trong vòng hai tiếng đồng hồ, nó không thực. Bởi vậy người nghệ sĩ hóa thân thế nào để khán giả chấp nhận được, khóc cười cùng nhân vật đã là một sự thử thách lớn đối với người nghệ sĩ. Tôi quý trọng sự lao động đó và chưa bao giờ nề hà bất cứ một vai diễn nào. Với tôi, sự gắn bó với sân khấu còn nhiều hơn cả một tình yêu nghề nghiệp đơn thuần, nó gắn bó như một phần đời mình, nên sẽ chẳng bao giờ hết đam mê.

- Đi diễn khắp đất nước với hơn 30 năm trong nghề, hẳn là anh có nhiều kỷ niệm thú vị. Anh có thể chia sẻ?

+ Trước khi về Đoàn kịch Công an nhân dân, tôi là diễn viên của Đoàn kịch Tổng cục Chính trị. Trước những năm giải phóng, chúng tôi đi vào mặt trận biểu diễn. Kỷ niệm khó quên nhất là giữa những trận bom giội xuống liên miên, nghệ sĩ vẫn biểu diễn và chiến sĩ vẫn ngồi thưởng thức. Năm 1978, chúng tôi vào mặt trận Tây Nam. Đang diễn trên sân khấu thì quân Pôn Pốt bắn thủng cả tấm phông trên cánh gà. Tôi sợ quá, quên hết cả lời, phía dưới vài chiến sĩ bị đạn xẹt qua vậy mà vẫn ngồi xem hết kịch mới về. Đêm đến, để tránh làn đạn, chúng tôi chui xuống gầm xe bò ngủ, tờ mờ sáng đi tìm nước để đánh răng, tìm mãi mới có một cái giếng nhưng đã cạn khô nước. Sáng ra nhìn thấy cả một cái giếng toàn xác người, còn cái xe bò thì chứa đầy... phân!

Lần khác, đoàn đi diễn ở Gò Dầu Hạ (Tây Ninh), trong đoàn có diễn viên Kiều Hương xinh đẹp, đảm đang có tiếng. Chị ngoài nhiệm vụ của một diễn viên, còn làm công tác công đoàn thăm hỏi động viên các chiến sĩ. Có một chiến sĩ áo bị rách ở gần bả vai, chị Kiều Hương lấy kim chỉ khâu cho đồng chí ấy (vẫn mặc áo trên người), một lúc sau, chúng tôi thấy ngực đồng chí ấy rỉ máu, hỏi mới biết, chị Kiều Hương khâu áo mà khâu luôn cả… phần da mà đồng chí chiến sĩ không kêu ca gì vì đang… hạnh phúc quá! Sau này, khi về Đoàn kịch Công an nhân dân, tôi cùng đoàn kịch đi diễn cho các chiến sĩ Công an khắp cả nước, nhiều nhất là vào các trại giam. Có vở diễn như chạm vào được "tính bản thiện" của những người tù, họ cùng khóc với các nhân vật. Những kỷ niệm này chắc chắn tôi sẽ chẳng thể nào quên được trong đời làm nghệ sĩ!

- Vâng, xin cảm ơn anh!

Thiên Kim (thực hiện)
.
.