NSƯT Quốc Anh: Đã nhiều năm đón giao thừa cùng mẹ

Thứ Tư, 30/01/2013, 08:00

7 năm nay từ khi cha mất, dù bận rộn với những sô diễn cuối cùng trong năm, có khi là những suất diễn trước giao thừa, nhưng Tết nào NSƯT Quốc Anh cũng về với mẹ. Anh cùng mẹ già đón giao thừa, sau đó đưa mẹ đi lễ chùa rồi mới trở về ngủ, đợi sáng mồng 1 lại đưa mẹ đi lên chùa rồi trở về quê chúc Tết họ hàng. Có vẻ như, năm tháng qua đi với đủ mọi cung bậc của hỉ, nộ,  ái, ố đã khiến người đàn ông nổi tiếng của sân khấu chèo nhưng cũng đầy thiệt thòi trong đời sống riêng tư này thấm thía hơn ý nghĩa thiêng liêng của cụm từ "ruột thịt"...

Gặp NSƯT Quốc Anh đận này thật khó. Năm nay anh nhận cương vị mới là Phó Giám đốc Nhà Chèo Hà Nội, cũng phải toan lo thêm nhiều việc, lại họp hành liên miên. Ấy vậy nhưng anh vẫn tham gia những sô diễn hài ở ngoài nhà hát như một việc không thể thiếu từ hàng chục năm nay. Công chúng đã quen với hình ảnh Quốc Anh diễn hài qua các băng đĩa phát hành vào dịp Tết. Nào là "Chuyện nhà Bá Kiến", "Râu quặp", "Thầy rởm", "Tửu sắc", "Lên voi xuống chó", "Tiền ơi", "Văn Lang cả làng nói phét" và năm nay là "Không hề biết giận" đã trở thành món "gia vị" không thể thiếu mỗi dịp Tết đến đối với nhiều gia đình, nhất là ở các làng quê xa xôi, nơi có ít sự lựa chọn về giải trí. NSƯT Quốc Anh đã cùng các bạn diễn lâu năm, ăn ý của mình như NSƯT Xuân Hinh, nghệ sĩ Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung... đem đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái.

NSƯT Quốc Anh có duyên với những vai "hề áo dài" như xã trưởng, thầy đồ, thầy lý... Với mảng sân khấu hài, hề áo dài luôn là lợi thế của anh. Là người có thể hóa thân vào nhiều dạng vai trong cả chính kịch và hài kịch, khi nhận bất cứ vai diễn nào Quốc Anh cũng quan tâm tới việc tạo tính cách mới cho nhân vật. "Tôi ghét sự nhàm chán, lặp lại. Với mỗi vai diễn mới tôi đều cố gắng gây điểm nhấn mới với khán giả, tạo ấn tượng mới với khán giả. Nghệ sĩ mà cứ lặp lại mình là chết. Bởi vậy đến giờ, mặc dù thị trường bùng nổ băng đĩa hài, nhà nhà làm hài và tôi nhận được nhiều lời mời lắm, nhưng đa số là tôi từ chối. Tôi là người luôn cân nhắc cho mỗi lần xuất hiện của mình...". Theo nghệ sĩ Quốc Anh, diễn hài cũng không thể nhận bừa, nhận ẩu, làm qua quýt cho xong được. Nhận một kịch bản hài dù ngắn hay dài, anh đều đọc rất kỹ, tìm điểm nhấn để đầu tư cho nó và khi có "thành phẩm" rồi anh đều cẩn thận ngồi xem lại để rút kinh nghiệm cho lần diễn sau.

Cũng có thời gian đến chừng 15 năm, vì quá quen với những vai hài của nghệ sĩ Quốc Anh mà nhiều người quên mất anh từng rất nổi tiếng với những vai chính kịch. Cho tới khi anh "tái xuất" sân khấu kịch với vai Nguyễn Trãi trong vở "Oan khuất một thời", người ta mới ngạc nhiên bởi sau nhiều năm chủ yếu diễn hài, nghệ sĩ Quốc Anh vẫn khiến khán giả rơi nước mắt khi xem những màn diễn anh hóa thân vào vai Nguyễn Trãi với nỗi oan khiên và đau thương tột cùng. NSƯT Quốc Anh đúng là một "hiện tượng lạ" của sân khấu chèo khi hóa thân được vào nhiều dạng vai.

NSƯT Quốc Anh vào  vai Quan Lớn trong vở "Quan Lớn về làng".

Tốt nghiệp trường nghệ thuật chèo, vai diễn đầu tiên mà Quốc Anh được giao chính là vai xã trưởng trong "Quan Âm thị Kính". Lúc ấy ai cũng tưởng rằng anh chỉ hợp với những vai hề áo dài như thế này. Bởi quả thật, với việc tạo hình một xã trưởng vừa hách dịch, vừa ngu dốt lại tham lam lam và... hám gái, Quốc Anh đã tạo ra một "vai mẫu" xã trưởng mà suốt hơn 30 năm qua vẫn chưa có diễn viên nào vượt qua được. Những tưởng Quốc Anh sẽ mãi chỉ "đóng đinh" với một dạng vai này, không ngờ sau đó anh còn vào các vai Trần Phương trong "Súy Vân", Tuần Ty trong "Tuần Ty - Đào Huế", vai "Khơ ru xác" trong "Hoàng hậu Ba Tư", vai Nguyễn Công Trứ trong vở "Nguyễn Công Trứ", vai anh hàng thịt trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"... Đến nay Quốc Anh vẫn nhớ, thoạt đầu, vai anh hàng thịt trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" được đạo diễn Lê Hùng phân cho một người khác, nhưng xem rồi ông lại thấy chưa thực hài lòng. Vậy là vị đạo diễn bảo Quốc Anh diễn thử một đoạn. Quốc Anh khi ấy còn trẻ, hình dáng thư sinh gầy gò, cũng nghĩ mình không thể hợp với vai anh hành thịt to béo đẫy đà. Thế nhưng khi anh thử vai, không ngờ đạo diễn lại ưng ngay, giao lại vai diễn này cho Quốc Anh và yêu cầu hóa trang phải độn ngực, độn vai, độn bụng... lên cho phù hợp với ngoại hình nhân vật. Và đây cũng là một trong những "vai mẫu" của NSƯT Quốc Anh trên sân khấu chèo.

Nói NSƯT Quốc Anh là một hiện tượng là của sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu chèo nói riêng thật chẳng ngoa chút nào. Đến nay, anh đã giành được cả thảy 10 Huy chương Vàng trong các kỳ Hội diễn sân khấu toàn quốc, là một "kỳ tích" không phải nghệ sĩ nào cũng dám mơ tới. Với vai Quan lớn trong "Quan lớn về làng", tại Liên hoan Chèo toàn quốc về đề tài hiện đại cuối năm 2011, NSƯT Quốc Anh đã "ẵm" về Huy chương Vàng thứ 10 trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. Anh tâm sự: "Có lẽ, đây là tấm Huy chương cuối cùng trong sự nghiệp biểu diễn của tôi. Tôi đang nghĩ rằng, có lẽ mình sẽ không lên sân khấu nữa mà chỉ chuyên tâm vào công việc quản lý. Đã đến lúc mình nên lùi lại phía sau, nhường chỗ cho thế hệ trẻ có thêm nhiều cơ hội để thể hiện mình. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ không bỏ tấu hài đâu. Đi diễn hài, đời cũng vui và trẻ lại đấy! Mấy năm gần đây tôi còn tham gia đóng cả phim nữa đấy. Tôi vừa hoàn thành vai diễn cụ cố Hồng trong phim truyền hình "Số đỏ" của vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang. Đó cũng là một vai diễn mà tôi rất thích".

Nghệ sĩ Quốc Anh mê hài và chính kịch…như nhau. Với "món" nào anh cũng hết mình cống hiến, không ngần ngại biến mình thành nhân vật xấu tệ như Lý Lác, như thầy đồ rởm, thầy bói mù... để rồi lại rất mực nho nhã, thanh cao với Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ... Nghệ sĩ,

Với tính tình bộc trực, thẳng thắn, yêu ghét rõ ràng, cuộc đời Quốc Anh là sự pha trộn của những cung bậc bi hài. Không giống một số người luôn tìm mọi cách che đậy hay biện hộ cho sự thiệt thòi hay bi kịch của mình, nghệ sĩ Quốc Anh thẳng thắn thừa nhận: "Diễn hài nhiều đâu có nghĩa là đời vui!"; "Đúng là đời tôi nhiều bi kịch"; để rồi vượt lên trên nó, sống chan hòa với cuộc đời này. Anh rất thoải mái khi nói về hai cuộc hôn nhân hợp pháp mà không lần nào được mặc comple chú rể, về chuyện đếm phong bì trong đêm tân hôn, về chuyện cả hai người vợ của anh đều có con riêng, về chuyện bị gia đình "từ mặt" khi kết hôn với người vợ đầu... Sau khi ly hôn với người vợ đầu cũng là một nghệ sĩ chèo tài năng có tiếng ở cùng Nhà hát Chèo Việt Nam, anh chọn cách "di cư" sang Nhà hát Chèo Hà Nội. Đây thực sự là một mái nhà chung ấm áp, anh chị em nghệ sĩ thương quý anh, chia sẻ với anh nhiều điều trong công việc, cuộc sống và anh cảm thấy được an ủi rất nhiều.

Quốc Anh tâm sự: "Tôi đã bắt đầu sang đến con dốc bên kia của cuộc đời, đã đi qua mọi thăng trầm, hỉ, nộ, ái, ố, chẳng còn điều gì là chưa trải qua. Trời cho mình chút tài năng để tỏa sáng thì lại lấy đi của mình cái khác. Đời này có mấy ai được toàn vẹn cả đâu. Và đến giờ tôi biết rằng, gia đình quan trọng với tôi thế nào và tình máu mủ ruột rà là không gì thay thế được. Khi bố tôi sắp qua đời, tôi có hứa với bố là năm nào tôi cũng sẽ về ăn Tết với mẹ và tôi đã thực hiện được lời hứa ấy 7 năm rồi. Có năm, lái xe về đến quê nhà Thanh Hóa thì đã qua giao thừa...".

Trò chuyện với NSƯT Quốc Anh, trong tôi dậy lên một nỗi niềm khó tả. Tôi ngưỡng mộ nghị lực phi thường của anh - một người suốt bao nhiêu năm qua đã cần mẫn làm việc, góp cho đời những tiếng cười vui cùng những suy tư đầy nhân văn về nhân tình thế thái. Ai hay ẩn giấu sau đó là nỗi buồn riêng với tiếng thở dài. Thế là lại sắp đến một mùa xuân mới. Khắp nẻo người người đang chuẩn bị cho một cái Tết sum vầy cùng gia đình. Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đang chuẩn bị cho chương trình sẽ diễn ra vào đúng đêm giao thừa. Bạn nghĩ gì về một người đàn ông, một nghệ sĩ phong sương sẽ một mình lao vút đi trong đêm tối khi chương trình nghệ thuật đặc biệt của mình vừa kết thúc để trở về với mẹ?

Nguyệt Hà
.
.