NSƯT Phạm Bằng: Tắt rồi tiếng cười thuở ấy
Tôi may mắn có một số lần được đến gặp gỡ, trò chuyện cùng NSƯT Phạm Bằng tại ngôi nhà ở phố Hàng Giầy, Hà Nội - ngôi nhà còn giữ được nhiều nét xưa của một gia đình nề nếp đất kinh kỳ. Hoàn toàn trái ngược với hình dung của tôi khi xem ông diễn hài trên sân khấu hay trong phim, ngoài đời, NSƯT Phạm Bằng là một người trầm tĩnh, sâu lắng, đậm đặc vẻ nho nhã của một trí thức gốc Hà thành.
Không đùa cợt tưng tửng mà thi thoảng mới pha chút vui đùa ý nhị trong câu chuyện rất có duyên. Hồi ông mới nghỉ hưu vài năm, dù tuổi đã cao nhưng trông ông lúc nào cũng trẻ trung, phong độ, nên bạn bè thường trêu đùa ông là "nghệ sĩ trai lơ". Còn ông cũng tự đùa rằng mình "trai lơ" vì ông vẫn được nhiều người yêu quý, có cả những cô gái chưa tròn 30 tuổi say đắm.
Đương nhiên, người nghệ sĩ độc thân như ông cũng vẫn rung động trước tình yêu, trước cuộc sống như những năm trai trẻ, nên khi bị các cô gái ngỏ lời thì "từ chối lại thấy cứ thương thương, tội tội người ta", hoặc vì "lửa gần rơm" mà ông gọi là "sự lân mẫn trong công việc", nên từng có lúc phải "bâng khuâng đứng giữa… 5 dòng nước"!
Kể lại chuyện cũ, ông cười nhẹ và nói vui rằng: "Đầu tôi có rất nhiều khoang, khoang ở đỉnh đầu là bà vợ, còn mỗi khoang xung quanh là một người phụ nữ! Mà phụ nữ khi yêu chân thành thì mãnh liệt hơn đàn ông rất nhiều. Có điều, cần phải biết kiềm chế vì công việc và vì gia đình!".
NSƯT Phạm Bằng. |
Ông nói thế thôi, chứ tôi hiểu, hẳn đó chỉ là những rung động nhè nhẹ của người nghệ sĩ được nhiều khán giả hâm mộ, chứ ông chẳng yêu ai bằng vợ mình - người phụ nữ mà ông kính phục vì sự tảo tần, chia ngọt sẻ bùi cùng ông suốt gần nửa thế kỷ, người đã mang lại cho ông niềm hạnh phúc ngọt ngào, sâu bền và sự thành đạt hôm nay rồi mới chịu chia xa…
Hẳn ai cũng nghĩ rằng, cuộc đời của người nghệ sĩ hài chỉ đầy ắp tiếng cười, chứ mấy ai biết được, tiếng cười hôm nay trên sàn diễn mà ông mang đến cho công chúng lại là sự góp nhặt từ những cay đắng cuộc đời mà số phận người nghệ sĩ đã trải…
NSƯT Phạm Bằng bước vào nghiệp diễn năm 1959, hoàn toàn không phải do sự đam mê mà chỉ là vì tình thế bất đắc dĩ. Bởi thực ra, ông mơ ước trở thành một phi công, nhưng do hoàn cảnh, NSƯT Phạm Bằng lại thi vào Đoàn Văn công Hà Nội, để rồi vừa làm, vừa học để mưu sinh. Ông cũng chính là một trong những người đầu tiên gây dựng Đoàn Văn công Hà Nội.
Dù là một nghệ sĩ có khả năng, nhưng mất 4-5 năm đầu lăn lộn với nghề, ông cũng chỉ được nhận đóng các vai phụ. Tài năng không phát huy được, nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi nghiệp diễn. Cho đến lúc khả năng diễn xuất của ông được nhìn nhận và ông được giao vai chính.
Thỏa ước mong, ông đã đem hết tài năng kịch nghệ thiên phú của mình để khắc họa các nhân vật của mình và nhanh chóng nổi tiếng qua các vở kịch "Đêm tháng 7", "Hà Nội - những ngày đầu 46", "Bà mẹ và những người con" vv… Ông thành công đến mức, có người vì mê ông đóng chàng sĩ quan trong vở "Đêm tháng 7" mà đi xem tới vài ba chục lần, để được khóc cười cùng ông.
Hình như "chữ tài liền với chữ tai một vần" nên ông gặp không ít tai ương. Liên tục đảm nhận vai chính nhưng 3-4 năm liền không được nâng lương, trong khi cuộc sống khó khăn của gia đình ông lúc đó một đồng cũng quý. Ông vẫn còn nguyên nỗi xót xa mỗi khi nhớ về những ngày ông cảm thấy mình bị đối xử chưa được công bằng...Đó là những năm tháng khó khăn, ông đã phải nhẫn nhịn, nuốt mọi cay đắng vào lòng vì vợ con và vì cuộc sống.
Trên sân khấu, NSƯT Phạm Bằng có thể là người anh hùng, là hoàng tử hay vua chúa, nhưng ngoài đời, ông và gia đình từng phải trải qua một cuộc sống khá chật vật. Giật gấu vá vai vẫn không đủ, nhất là giai đoạn bà phải nằm viện 5-6 tháng.
Ông nghẹn ngào kể lại với tôi về ước mơ của ông trong hoàn cảnh bi hài khi đó, chỉ là mỗi sáng gia đình sẽ được ăn một bát phở… Giai đoạn bà phải nằm viện 5-6 tháng, các con còn nhỏ, gia cảnh của NSƯT Phạm Bằng càng khó khăn. Đêm đêm, diễn xong, dù đã 1-2 giờ sáng, vừa mệt vừa đói, ông mới có thời gian vào chăm vợ. Vợ ông từng mắc bệnh hiểm nghèo, tưởng không thể qua khỏi. Nhưng có lẽ tình yêu thương vô bờ của ông đã níu bà trở lại với cuộc sống, để cùng chồng con đi tiếp những tháng ngày nhọc nhằn và cả vinh quang phía trước.
Do hoàn cảnh của ông, sau này, ông được ưu tiên cho trông xe thêm thu nhập chăm vợ ốm và chăm các con. Thế là, sau mỗi đêm diễn, ông lại vội vàng trút bỏ "mũ áo xênh xang" với ánh đèn sân khấu lung linh hào nhoáng để mau chóng ra cổng rạp cùng vợ trả xe cho khách. Những đêm diễn xa, ông nhận kéo xe bò để kiếm thêm cho vợ con vài đồng bạc. Gò lưng kéo chiếc xe bò đầy ắp và nặng nhọc, về đến nơi, xếp phông bạt vào kho xong là trời sáng, chỉ còn đủ thời gian đến cơ quan làm việc.
Ấy thế mà ông vẫn toàn tâm toàn ý với nghề. Nhận vai diễn, dù chính hay phụ, ông đều nghiền ngẫm kịch bản thật kỹ, tìm tòi cách diễn sao cho gây ấn tượng nhất với khán giả. Vì thế, ngay từ ngày ông mới thành danh, đã có những "fan" thường xuyên đi xem các vở kịch do ông đóng, có khi tới xem vài chục lần một vở, để được khóc cười cùng nhân vật của ông trên sàn diễn…
NSƯT Phạm Bằng trong một vai diễn. |
NSƯT Phạm Bằng là một trong những người đặt nền móng cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Xem lại các vai diễn của mình qua các vở "Ông Ba khoá, "Êkip", "Ông Năm hộp thuốc lào" vv… , Phạm Bằng nhận ra khả năng trời cho của mình là hài kịch.
Nghỉ hưu, ông vẫn thường xuyên có mặt trong nhiều vở kịch, phim hài. "Cặp tứ tử" Phạm Bằng - Quốc Khánh - Vân Dung và Quang Thắng trong "Gặp nhau cuối tuần" luôn tạo được cơn sốt trong khán giả truyền hình nhiều năm liền với những tiết mục mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của khán giả. Khi đã ở tuổi 84, ông vẫn còn say sưa với nhiều vai diễn hài và là một trong không nhiều diễn viên được nhận cát - xê khá cao.
Con đường dẫn đến thành công của NSƯT Phạm Bằng trước hết bởi ông là một người lao động nghệ thuật nghiêm túc với ý thức trách nhiệm rất cao. Đó là tự mình phải chu đáo cho chính vai diễn mà mình đảm nhận. Bao giờ ông cũng đọc trọn vẹn kịch bản vài lần, tìm tòi từng chi tiết để sáng tạo cho vai diễn. Vì thế, là người xuất hiện trên truyền hình trong vai các "sếp" rất nhiều, nhưng ông luôn tạo ra được sự khác biệt rõ ràng trong các vở diễn, không "sếp" nào giống "sếp" nào.
Đặc biệt, thông qua tiếng cười, ông đã nói hộ khán giả những điều họ trăn trở. Đó chính là lý do để NSƯT Phạm Bằng nhận được sự yêu quý của khán giả. Ông có một niềm tin khi mang tiếng cười cho khán giả: "Hài kịch đã tạo được dư luận xã hội rất lớn, tuy hiệu quả chiến thắng chưa được như ý. Nhưng, đến một ngày, khi dân trí được nâng cao thì những vấn đề đáng cười hôm nay sẽ không còn đất tồn tại".
Điều đặc biệt nữa, NSƯT Phạm Bằng không chỉ nổi tiếng bởi nghề diễn mà ông còn là chủ của hàng bán bánh trôi ở 30 Hàng Giầy. Bánh trôi của Phạm Bằng còn đi vào sách ẩm thực "Lê la quà vặt" của họa sĩ trẻ Đặng Hồng Quân. Sở dĩ bánh trôi của Phạm Bằng đi vào sách ẩm thực bởi địa chỉ 30 Hàng Giầy của ông đã gắn bó với nhiều người Hà Nội thế hệ 8X.
Quán của cố nghệ sĩ bán ba món: bánh trôi tàu, lục tàu xá, chí mà phù, thường bán vào mùa rét, từ tháng 9 năm trước tới tháng 4 năm sau. Thực khách tới quán tất nhiên vì món ăn ngon. Bên cạnh đó còn được gặp bác chủ quán trên màn ảnh toàn đóng vai cường hào ác bá phản diện, mà ngoài đời lại vui tính dễ gần.
Sau này khi bị ốm, NSƯT Phạm Bằng mới nghỉ bán quán. Thế nên đối với nhiều người Hà Nội, NSƯT Phạm Bằng còn là hình ảnh của một người nghệ sĩ chăm chỉ, hiền hậu và tảo tần trong cuộc sống đời thường.