NSƯT Nguyễn Công Bảy: Phải biết "trả giá" trên sàn tập
Hiện Nguyễn Công Bảy và cả đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân vẫn còn dư âm niềm vui từ Huy chương Vàng mà đoàn giành được cho vở diễn "Hoa thép" tham gia Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ hai vừa diễn ra tại Hà Nội.
- Thưa NSƯT Nguyễn Công Bảy, Huy chương Vàng mà Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân vừa giành được có phải là một bất ngờ với anh và tập thể cán bộ diễn viên của đoàn?
+ Bất ngờ chứ! Dù rằng "Hoa thép" đã được chúng tôi biểu diễn ở nhiều nơi, nhận được sự cổ vũ của khán giả. Nhưng chính điều bất ngờ ấy đã khiến chúng tôi thật hạnh phúc. Đã là người làm nghề, lại đi thi thì ai cũng mong đoạt được những thứ hạng cao. Nhưng chúng tôi xem Huy chương Vàng lần này như một sự thừa nhận những nỗ lực vượt bậc của tập thể anh em trong đoàn trong việc chinh phục ban giám khảo, những đồng nghiệp và khán giả. Từ đó, với cương vị hiện nay, tôi xác định hướng đi chính của đoàn vẫn là dựng những vở kịch truyền thống, mang đậm màu sắc công an, bên cạnh đó sẽ cho dựng những vở kịch ngắn về đề tài xã hội.
- Nhận cương vị mới, anh có thấy mình phải đối diện với nhiều áp lực?
+ Nói thật là nhiều đấy. Nhưng phải nói cho rõ là hiện nay tôi vẫn là Phó trưởng Đoàn được giao phụ trách mọi mặt công tác khi anh Trần Nhượng nghỉ thôi. Hiện tôi đang hoàn thiện hồ sơ bổ nhiệm trưởng đoàn chứ chưa có quyết định đâu (cười). Trước tôi chỉ phụ trách công việc chuyên môn, nay nhận nhiệm vụ mới, phải xắn tay vào lo mọi việc từ đối nội đến đối ngoại, vừa lo công tác tổ chức nội bộ, chuyên môn vừa phải quan tâm đến đời sống cho anh em. Có những việc làm quen rồi, có nhiều việc tôi còn phải học để hoàn thiện dần dần. Nói chung, thời gian vừa rồi thật bận rộn với tôi và cả đoàn. Chúng tôi vừa tập luyện để tham gia Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" (ngay sau đó lại đi biểu diễn 5 đêm ở Hải Phòng), lại vừa dựng lại vở "Bản danh sách điệp viên" của nhà biên kịch Văn Báu với một phong cách hoàn toàn mới.
NSƯT Nguyễn Công Bảy (giữa) trong vở "Hoa thép" của Đoàn kịch CAND. |
- Anh có nghĩ rằng, mình đang có trong tay đội ngũ diễn viên có thực lực? Và anh có kế hoạch gì để phát huy năng lực của họ và tiếp tục xây dựng thương hiệu Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân?
+ Hiện nay, chỉ tiêu của Bộ cho đoàn là 45 biên chế nhưng một số đồng chí hiện đang nghỉ chính sách và một số đi học nên đoàn luôn trong tình trạng thiếu diễn viên. Vì thế, trong những lúc cao điểm, đoàn vẫn phải sử dụng cộng tác viên, tính toán để trả thù lao cho các bạn ấy sao cho hợp lý, bên cạnh đó vẫn tiếp tục tuyển đầu vào. Thực tế, đoàn có nhiều diễn viên tài năng, yêu nghề, có nhiều em mới được tuyển vào đoàn nhưng đã hòa nhập rất nhanh, phát huy được năng lực như Hoàng Lan, Cao Hiền. Có thể nói, tôi khá hài lòng với dàn diễn viên hiện tại.
- Người tiền nhiệm của anh, NSƯT Trần Nhượng được đông đảo khán giả cả nước biết đến vì anh ấy rất "chăm" cộng tác với điện ảnh, truyền hình. Nhờ vậy mà cũng có nhiều người biết đến đoàn kịch Công an nhân dân hơn. Anh có ý định "áp dụng" cách làm của NSƯT Trần Nhượng hay không?
+ Đúng là điện ảnh và truyền hình đến với công chúng nhanh, có sức lan tỏa rộng và sâu. Tôi từng đóng vai Phong trong phim truyền hình dài tập Cảnh sát hình sự, phần có tên "Cổ cồn trắng" nên tôi biết. Vì thế, ai cũng mong muốn làm được như anh Trần Nhượng. Nhưng mỗi người lại có cái "duyên" riêng. Trong điều kiện của mình, tôi sẽ phải chọn lựa, cân nhắc, vì thực ra với nhiệm vụ mới, tôi muốn làm cho tốt đã. Tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho anh em trong đoàn tham gia đóng phim, bởi vì qua những gương mặt diễn viên, "thương hiệu" của đoàn càng được nâng lên.
- Đi biểu diễn ở nhiều nơi, anh thấy tình cảm của khán giả dành cho Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân như thế nào?
+ Phải nói thật, trước đây nhiều khán giả ngoài Lực lượng còn chưa biết nhiều đến Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân, nhưng vài năm trở lại đây, tên tuổi Đoàn đã ngày càng trở nên gần gũi với khán giả cả nước. Nếu trước đây, đoàn chỉ chủ yếu biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành, thì đến nay đã đi biểu diễn phục vụ công chúng rộng rãi. Khắp 64 tỉnh thành không có nơi nào mà đoàn chưa đặt chân đến. Gần đây, một số vở diễn như "Những quân bài định mệnh", "Quyết định sinh tử"… được đông đảo khán giả hưởng ứng.
- Đến và ở lại với sân khấu của Lực lượng Công an, cho đến giờ này, anh có cho rằng đó là sự lựa chọn tốt nhất?
+ Tôi luôn tâm niệm đó là sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp với tôi nhất, là nơi tôi thể hiện mình tốt nhất. Khi tốt nghiệp khoa Sân khấu của Trường đại học Văn hóa, biết trong Lực lượng Công an cũng có đoàn nghệ thuật, tôi đã quyết định xin về đây. Tôi xin về đoàn năm 1989, đúng giai đoạn khó khăn, đoàn gần như hoạt động cầm chừng nên không có chỉ tiêu tuyển dụng và nhiều người đã chuyển công tác. Nhưng tôi vẫn kiên trì ở lại, đợi đến tận năm 1993 mới được tuyển dụng chính thức vào ngành và gắn bó với sân khấu Công an từ đó đến nay.
- Là gương mặt đảm nhiệm nhiều vai diễn quan trọng của Đoàn kịch Công an nhân dân, vai diễn nào từng để lại cho anh nhiều ấn tượng nhất?
+ Có lẽ là vai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong vở "Người là đồng chí". Vở diễn này được đoàn dàn dựng nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của đồng chí Phạm Văn Đồng. Khi được giao vai, tôi rất xúc động và thấy trách nhiệm nặng nề vì đó là một chính khách được nhân dân yêu quý, kính trọng. Tôi đã luyện tập không quản ngày đêm. Để hóa thân vào nhân vật, hàng tháng trời tôi nghe băng ghi âm giọng nói của bác Đồng để học theo, luyện tập từ dáng đi, cử chỉ, nét mặt... Thật mừng, vở diễn thành công, nhận được nhiều lời ngợi khen, khích lệ và được Hội Nghệ sĩ Sân khấu trao giải đặc biệt của năm. Đó là vai diễn tôi luyện tập vất vả nhất nhưng cũng là vai diễn tôi cho là thành công nhất trong cuộc đời diễn viên của mình đến thời điểm này.
- Nhiều nghệ sĩ suốt đời chỉ "đóng đinh" với một dạng vai, nhưng xem ra Công Bảy là người rất "đa năng"?
+ Đúng. Tôi là người vào được nhiều vai. Các bạn diễn của tôi thường đùa là tôi "làm công an cũng được mà làm tội phạm cũng xong" (cười). Những vai chính diện như vai Trung úy Phong trong "Đám cưới trong đêm mưa", điệp báo Lê Duy trong "Cuộc chia tay lần cuối"; những vai phản diện như Trung tá công an sa ngã Tư Hoàng trong "Vòng xoáy", tên trùm ma túy Thử trong "Hoa thép"; từng vào vai chính khách như vai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhưng cũng có vai hài như vai Thành méo trong vở "Quả báo". Tôi thích những vai diễn hoàn toàn mới vì nó mang đến cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo mới và cũng là một cách khám phá bản thân, cho mình có thêm nhiều "đất" diễn.
- Phải chăng, chính sự đa dạng ấy đã khiến anh trở thành nghệ sĩ rất "có duyên" với giải thưởng? Theo anh, giải thưởng có vai trò như thế nào đối với một nghệ sĩ?
+ Có lẽ đúng vậy. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, tôi đã có trong tay 8 giải thưởng, trong đó có 6 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Vàng. Với tôi, đó là nguồn động viên lớn để tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa. Giải thưởng như một cái "mốc". "Cái mốc" ấy đánh dấu một giai đoạn, một sự trưởng thành, là tiền đề để họ phấn đấu, là sự khích lệ lớn để họ vươn tới đỉnh cao hơn.
- Có câu:"Nghề chẳng phụ người", anh có thấy câu nói này đúng với mình?
+ Tôi rất thích câu nói "Nghề chẳng phụ người". Với tôi, đó như một lời khuyên, một lời nhắc nhở giản dị, chân thành. Nghề diễn viên là nghề phải khổ luyện, phải trả giá bằng năm tháng rèn luyện chứ anh không thể chỉ sử dụng mãi cái năng khiếu trời phú cho mình hoặc trông chờ vào đạo diễn. Tôi cho rằng, một diễn viên phải biết "trả giá" trên sàn tập, phải đổ mồ hôi trên sàn tập thì mới mong "thăng hoa" trên sân khấu.
- Xin cảm ơn NSƯT Nguyễn Công Bảy!