NSƯT Diệu Hương: Rồi sẽ bình yên như nắng
1. Không phải ngay từ khi bước vào nghiệp cầm ca, Diệu Hương đã đến với ca Huế, mà đi qua rất nhiều khúc quanh của cuộc sống và số phận, chị mới chạm vào thế giới âm nhạc mê dụ ấy. Phải chăng vì thế, Diệu Hương hát ca Huế sâu hơn, đằm hơn, bởi chị đã đủ những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời. Có lẽ đó cũng là một cuộc gặp gỡ của duyên phận, khi những giai điệu buồn, nỗi buồn đẹp và sang trọng ấy đang thấm vào tâm hồn chị, từng ngày.
Diệu Hương vừa ra album về ca Huế, thứ mà chị dành dụm, chắt chiu dành cho nó những yêu thương và mê đắm của đời nghệ sĩ. Tôi hỏi Diệu Hương, vì sao chị tự làm khó mình thế, khi chọn một con đường đi hẹp. Âm nhạc cổ truyền vốn có đời sống lặng lẽ, ca Huế càng khó ở đất Hà Thành khi khán giả không dễ quen và yêu thích món ăn lạ ấy. Diệu Hương cười, có lẽ là duyên phận, khi chị đi sâu vào ca Huế, hiểu và yêu nó tự bao giờ.
Ngày về đầu quân ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách luôn mảng ca Huế, Diệu Hương đã dành cả tháng trời vào Huế, tìm đến nghệ nhân Ánh Tuyết để học, thu âm về nghe, từng cách gõ phách, nhả chữ. Nền tảng âm nhạc thính phòng mà chị học từ Nhạc viện đã giúp Diệu Hương tiếp cận với ca Huế nhanh và bài bản.
Diệu Hương không bắt chước các nghệ nhân mà trên nền tảng của thanh nhạc, chị lựa chọn một lối hát riêng cho mình, đó cũng là cách chị tiếp cận với khán giả hiện đại mà vẫn không làm mất đi những quy luật nghiêm ngặt của âm nhạc cổ truyền.
Điều gì giúp Diệu Hương có được sự nhạy cảm đó. Dù chị không được học ca Huế từ ngày đầu. Nhưng có lẽ ca Huế, những điệu hò Bình Trị Thiên đã ngấm vào chị từ ngày còn ở Quảng Trị trong đội tuyên truyền văn hóa đi về các vùng quê hát cho dân nghe.
Ngày đó chị đã may mắn được các nghệ nhân Sỹ Cữ và Kim Phú truyền dạy ca Huế. Và tuổi thơ Diệu Hương được đắm mình trong tiếng đàn bầu của ông, trong những điệu dân ca bà ngoại vẫn hát ru chị. Từ khi về Đài Tiếng nói Việt Nam, Diệu Hương đã góp phần thêm sự đa dạng trên làn sóng với tiếng hát của mình. Càng ngày lời ca và âm nhạc Huế càng đậm đà sâu lắng, tình cảm, được khán giả nghe đài yêu quý.
Chị vẫn còn ấp ủ một album về những lời ca cổ, để có thể tiếp cận khán giả đất Hà Thành vốn khó tính và có quá nhiều lựa chọn, để khán giả hiểu được vẻ đẹp tinh túy sang trọng của ca Huế. Nhưng làm gì có đất diễn. Diệu Hương hàng ngày vẫn phải đi hát nhạc nhẹ, dân gian. Đó cũng là cách chị thỏa hiệp để mưu sinh và tìm cơ hội rót vào tai khán giả, dù mỗi lần diễn như thế chỉ một bài, để họ hiểu thế nào là ca Huế.
Và thỉnh thoảng, đâu đó, trong những chương trình nghệ thuật, hay những tiệc trà, tiếng ca Huế của Diệu Hương vẫn vang lên. Chị nói, đó cũng là cách chị pr miễn phí cho ca Huế, để dần dần, định vị trong khán giả Hà Thành, có một điệu hát như thế.
Bây giờ, hàng đêm vào cuối tuần, trên sân khấu nhỏ ở đền thờ vua Lê ở phố đi bộ, Diệu Hương vẫn hát ca Huế cùng nhóm xẩm Hà Thành. Chị hát với cả tâm huyết và tình yêu của mình, với mong muốn, những điệu ca đẹp ấy, di sản văn hóa phi vật thể ấy không chỉ vang lên trên đài, mà có thế bước vào đời thực, để tiếp cận trực tiếp với khán giả.
Khán giả của Hương chủ yếu là những người già, nhưng Hương vui vì sau mỗi đêm diễn, nhiều khán giả đã nán lại trò chuyện với chị, bày tỏ tình yêu của họ với ca Huế. Chị biết, con đường phía trước còn chật vật, gian nan lắm, khi đời sống đang bị chi phối bởi quá nhiều những giá trị hào nhoáng, mấy ai có đủ tình yêu và thời gian, để dừng lại, cùng với chị trở về hoài niệm với những giá trị xưa cũ ấy.
Nhưng chị tin, tình yêu của chị, niềm đam mê của chị sẽ lan tỏa đến mọi người, dù chỉ là một cộng đồng nhỏ thôi. Cũng như ca trù, xẩm, chèo, chị muốn thành lập một nhóm ca Huế ở Hà Nội, để đưa thứ âm nhạc quyến rũ ấy đến gần hơn với công chúng. Nhiều bạn bè tâm huyết đã sẵn sàng đồng hành cùng chị, dù phía trước vẫn là những chặng đường xa ngái. Nhưng tại sao không, bởi chị tin, ai hiểu và nghe ca Huế sẽ mê, bởi thứ âm nhạc bác học và sang trọng ấy rất dễ mê dụ lòng người.
2. Tôi ngồi với Diệu Hương trong ngôi nhà nhỏ của chị trên tầng 3 một khu chung cư cũ ở Hà Nội. Ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng. Đó là gia tài chị gom góp từ những năm tháng đi hát của chị. Ai cũng nghĩ rằng đời ca sĩ, lại nhan sắc mặn mòi như Diệu Hương, hẳn cuộc sống sẽ lung linh hơn. Nhưng chị, giản dị vậy thôi. Nhưng đó là thành quả những lao động của những năm tháng nhọc nhằn khi chị quyết định ly hôn và đưa con gái ra Hà Nội.
Bây giờ, căn nhà ấy đã không còn bóng dáng của sự nhọc nhằn, cô độc. Nó đầy ắp tiếng cười của cậu con trai 3 tuổi của Diệu Hương và mẹ chị, dù Diệu Hương vẫn một mình. Nhưng qua rồi, thời đoạn của những đắng cay, dằn vặt.
Qua rồi những câu hỏi đau đớn của số phận. Người đàn bà hát ấy đã làm chủ cuộc đời mình. Tôi nhìn thấy chị trong bóng dáng của mẹ Diệu Hương, người phụ nữ đã hóa đá chờ chồng từ năm 18 tuổi, khi chồng bà hy sinh. Có gì đó như là sự trớ trêu của số phận, khi bà sinh ra chị, một cô gái hồng nhan đa đoan và đang đi lại những đoạn trường mẹ chị đã đi qua. Hai người đàn bà nhan sắc, trong căn phòng nhỏ cheo leo trên tầng 3 như một tổ chim ấy, khiến tôi nghĩ đến những đoạn trường của cuộc đời, của số phận. Nhưng họ đã sống và đang sống mạnh mẽ hơn bao giờ hết đi đến tận cùng tình yêu của mình.
Nhưng đa đoan thì sao, thay vì ngồi than trách số phận, hãy đứng lên làm chủ số phận của mình. Diệu Hương đã đi qua những khúc quanh của đời sống bằng niềm tin và tâm thế đó. Tôi hỏi Diệu Hương, sao cuộc sống của chị xa lạ hoàn toàn với thế giới chị đang sống.
Có bao giờ Hương ân hận, khi nhan sắc ấy, giọng hát ấy, Hương có thể đi xa hơn, nổi tiếng hơn và có thể giàu có hơn. Nhưng Hương không bao giờ thuộc về showbiz, chị thuộc về âm nhạc một cách thuần khiết nhất. Ở đó, tâm hồn người nghệ sĩ ấy được tự do với những đam mê của mình. Và những gì chị có hôm nay đều từ sự nỗ lực, từ mồ hôi và cả nước mắt của chị chứ không phải được kiến tạo bởi những giá trị ảo và phù phiếm.
Hàng ngày, Hương vẫn di chuyển bằng xe đạp điện, nhẹ nhõm và bình thản. Những sóng gió cuộc đời đã đi qua, hay vì người phụ nữ ấy quá mạnh mẽ, nên những sóng gió không còn chạm vào chị được nữa.
Tôi nhớ cách đây 10 năm, Diệu Hương một mình mang con gái ra Hà Nội học cao học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia. Điều gì thúc đẩy một cô gái bé nhỏ sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nắng và gió Quảng Trị phải ra Hà Nội, thi vào nhạc viện nếu không vì tình yêu và sự quyết liệt của tuổi trẻ. Cuộc đời chị không thể bó hẹp trong mảnh đất bé nhỏ này với vết thương đầu đời quá lớn.
Hai mẹ con thuê một phòng trọ ngay trong nhạc viện, hàng ngày đi đâu cũng “cắp nách” con gái đi theo. Và cứ thế, những năm tháng gian khổ ấy, trong ký túc xá của nhạc viện, hay phòng trọ nhỏ ở phố Lý Thường Kiệt, hai mẹ con Diệu Hương đã đi qua những ngày nắng, ngày mưa.
Sự cô độc, một mình, đôi khi khiến Diệu Hương yếu đuối. Sau mỗi đêm diễn, trở về, đối diện với chính mình trong căn phòng nhỏ, với cô con gái bé nhỏ, Diệu Hương đã tự hỏi, mình sẽ sống ra sao. Nhưng chị đã đi qua những tháng ngày ấy bằng niềm tin và ý chí của đàn bà tuổi Đinh Tỵ và của chính mảnh miền Trung đã sinh ra chị. Và bằng âm nhạc.
Nếu không có âm nhạc cứu rỗi, cuộc đời Hương đã trôi về một bến bờ nào đó xa lắc, không điểm tựa. Có bao giờ Hương nghĩ rằng, âm nhạc đang vận vào cuộc đời buồn của chị, khi Hương chọn ca Huế. Chị hát bằng chính những trải nghiệm của mình, vì thế Hương hát đằm hơn và sâu hơn.
Album mới nhất của NSƯT Diệu Hương. |
Đôi khi chị cũng chạnh lòng, vì ca Huế ngày xưa, chỉ diễn ở cung đình, thứ âm nhạc sang trọng bác học bây giờ phải mang ra đường phố, thậm chí hát trong những cuộc vui của mọi người. Nhưng dù sân khấu nào, thì với người nghệ sĩ, được hát đã là một hạnh phúc.
Sân khấu, đôi khi không phải là thế giới lung linh của ánh đèn, của lộng lẫy áo xiêm; sân khấu, đôi khi giản dị thôi, có những khán giả thực sự ngồi lại, lắng nghe mình. Diệu Hương hiểu điều đó khi chị kiên định đi con đường của mình. Nơi đó sẽ không có đám đông và sự ồn ào đợi chị. Nhưng nơi đó, chị sẽ được sống là mình.
Cứ đi thôi Hương, bởi trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường mà thôi. Và Diệu Hương, trên vai đủ đầy gánh nặng, chức phận của đàn bà, đàn ông trong gia đình nhỏ của chị vẫn đang đi trên hành trình của mình. Những bước đi thật chậm, thật dài, đôi khi còn lắt léo, nhưng sẽ bền lâu...