NSND Trần Tiến: "Cái được lớn nhất của tôi là khán giả"

Thứ Năm, 24/01/2008, 14:45
"Tôi đã làm nghệ thuật hồn nhiên suốt một đời và tôi có nhiều khán giả yêu mến mình, nhận ra mình ở bất kỳ nơi đâu tôi đến... Mỗi khi ngồi nghĩ lại những tháng năm tuổi trẻ, những kỷ niệm đi biểu diễn ở Trường Sơn, cả một đoàn quân đã đứng lại vẫy tay khi nhận ra Trần Tiến, tôi lại ứa nước mắt vì biết thế là mình cũng đã nhận được quá nhiều rồi" - NSND Trần Tiến tâm sự.

NSND Trần Tiến hăm hở khoe về chỗ ở mới mà ông vừa dọn tới cách đây không lâu. Chỗ ở ấy nhỏ xinh vừa đủ không gian để ông có được cảm giác "tự do, độc lập", và tiếp đón bạn bè, lại rất tiện đường đi lối lại. Đồ đạc của ông hết sức đơn sơ, giản dị.

Ông cười bảo: "Thế này là tớ mãn nguyện lắm rồi, chẳng cần gì thêm nữa. Miễn sao lúc nào trong nhà cũng có rượu, có thuốc lá, chè tàu mời bạn hiền là được".

- Nhìn khung cảnh sống một mình, lại đơn sơ thế này, xem ra ông dễ rơi vào tình cảnh mà ông từng nói: "Cô đơn là một hình phạt lớn nhất đối với tôi" quá…

+ Xem thế mà không phải thế đâu. May mắn là tôi có quá nhiều bạn bè, nên bị "lôi kéo" suốt ngày. Nhậu chán ngoài quán thì bọn chúng lại kéo về cái góc của tôi đây, có lúc chật nhà. Đói thì lăn vào bếp. Con cái tôi chúng nó cũng quan tâm, thành thử ra cái tình cảnh cô đơn nó vẫn đứng ngoài ngõ, chưa đáng sợ đối với mình.

- Liên hoan Phim Việt Nam vừa rồi thấy bóng ông thấp thoáng ở Nam Định. Ông đi chơi với cánh nghệ sĩ, không tham dự vào các hoạt động của liên hoan. Vậy, trong vai trò của người quan sát, ông nhận thấy nền điện ảnh của ta đang như thế nào?

+ Tôi chỉ cảm thấy một điều duy nhất, người ta đang chứng tỏ rằng thế giới có gì mình cũng có cái đó. Có nghĩa là cũng liên hoan chả kém ai. Nhưng sự thực thì không phải như vậy. Điện ảnh của chúng ta còn rất nhiều vấn đề yếu kém.

Bàn về phim ảnh bây giờ người ta nói nhiều về tiền. Tất nhiên tiền rất quan trọng, nhưng không phải cứ nhiều tiền là có phim hay. Điện ảnh là ngành nghệ thuật mang tính tổng hợp và đồng bộ và trung tâm của nghệ thuật ấy chính là diễn viên.

Nhiều bộ phim của ta, tôi cảm giác như nhà làm phim ít "động não" quá. Nó đơn giản, nghèo nàn từ ý tưởng đến thoại, đến diễn xuất. Hiện nay người ta làm phim chỉ để cốt cho nhanh, cho được việc, chứ ít chú trọng đến yếu tố nghệ thuật.

Xem phim truyền hình càng tệ. Không xem được. Càng giao lưu, càng xem nhiều phim nước ngoài, càng nhận ra nhiều thứ yếu đuối của điện ảnh nước mình.

- Lâu nay không thấy ông tham gia vào đời sống nghệ thuật, vì sao vậy?

+ Thú thực là tôi chán. Một số anh em bên truyền hình thỉnh thoảng lại nhắc: "Anh tham gia tí cho vui". Nhưng tôi không có hào hứng lắm. Đi làm phim, làm kịch thì cũng có thêm tiền rủng rỉnh đấy, bớt khó khăn hơn trong hoàn cảnh của tôi, thế nhưng tôi muốn nghệ thuật phải là tự nguyện. Chứ mình ép bản thân là không được, kể cả tiền núi.

Tính tôi xưa nay vẫn vậy. Bạn bè nghệ sĩ ngồi với nhau, chén rượu là xong nếu mình thấy hào hứng và thực sự muốn làm công việc ấy, không tính toán chuyện tiền nong bao giờ.

- Người ta nói cũng bởi không tính toán về tiền nong, làm đến đâu vui vẻ bạn bè là hết đến đấy, nên Trần Tiến chẳng sắm nổi cái gì đáng giá cho mình bao giờ…

+ Thì đúng là như vậy. Về già như bây giờ tôi mới "trắng mắt ra". Mình không có nổi một cái nhà để ở. Không có của chìm của nổi gì để lại cho các con. Nhưng tôi nghĩ rằng giàu tiền bạc cũng không để làm gì cả. Tôi vốn sống bản năng, ít nghĩ ngợi, tính toán vật chất.

"Khôn" ra thì giờ này cũng chẳng thiếu thứ gì đâu. Nhưng tôi không bao giờ cúi xuống xin xỏ ai bất cứ thứ gì, dù tôi nghèo đến mấy. Bạn bè hay bảo, Trần Tiến đúng là rất "ngây thơ" là vậy đấy.

- Nghệ thuật cũng là một nghề để kiếm sống, để mưu sinh với nhiều người. Theo ông điều này có gì không tốt không?

+ Tôi nghĩ ai cũng cần phải có một cái nghề để sống chết với nó, để nó nuôi sống mình. Nhưng nghệ thuật là một công việc đặc thù, nó khác với các ngành nghề khác.

Nếu anh biến nghệ thuật thành một thứ công việc để kiếm sống, để mưu sinh thì tôi nghĩ không được. Anh phải yêu, phải đam mê trước tiên đã. Rồi anh lao động bằng tất cả tài năng và tâm huyết của anh, nó sẽ nuôi anh một cách chân chính.

Còn nếu chỉ nhăm nhăm làm nghệ thuật để kiếm tiền, anh rất dễ "ăn xổi ở thì" với nó. Như thế thì rất không được. Anh sẽ làm mất đi giá trị đích thực của nghệ thuật. Với riêng tôi, thì nghệ thuật chưa bao giờ được tính đếm như một công cụ để kiếm tiền cả.

- Ông có còn nhớ là khoản tiền lớn nhất mà nghệ thuật mang lại cho ông là bao nhiêu không, và ông làm được gì từ khoản tiền lớn nhất ấy?

+ Thời của tôi làm gì có chuyện cát-xê ngất ngưởng như các nghệ sĩ trẻ bây giờ. Chúng tôi nhiều khi còn phải nhịn đói, uống nước để diễn kịch nữa. Hình như khoản tiền lớn nhất tôi có được từ nghệ thuật là lần làm phim hợp tác với các nghệ sĩ Pháp. Nhưng tôi cũng chẳng mua sắm được gì đáng giá từ khoản tiền đó cả.

Thời tôi còn trẻ, có lần đi đóng phim về, thanh toán với đoàn làm phim, tôi còn nợ 4 đồng tiền ăn nữa. Cái thời ấy nó thế, không ai nghĩ đến chuyện đi làm nghệ thuật để mang tiền về xây nhà, tậu xe cả.

- Với bản tính xuề xòa ấy, có khi nào ông bị bạn nghề lợi dụng?

+ À, chuyện này thì cũng có đấy. Tôi xin nói ngay rằng, làm nghệ thuật cũng có nhiều kẻ cơ hội lắm. Họ khôn ngoan để vừa được tiếng vừa được "miếng". Có lúc họ lợi dụng mình, sử dụng mình. Tôi biết nhưng cũng vui vẻ thôi. Vì đối với tôi, cái được lớn nhất là khán giả.

- Là người "vang bóng một thời" của nền sân khấu Việt Nam, ông lo lắng nhất điều gì khi nhìn vào đời sống sân khấu hôm nay?

+ Tôi lo nhất là khâu đào tạo nghệ thuật của ta, không chỉ riêng sân khấu. Tôi cảm thấy chúng ta có trường đào tạo cũng chỉ để mà có trường thôi, chứ chất lượng đào tạo thì quá dở. Ngày hôm nay dường như ai cũng có thể học nghệ thuật, làm nghệ thuật. Nghệ thuật không dễ dàng thế.

Nghệ thuật là tài năng. Mà tài năng bao giờ cũng rất hiếm hoi. Chúng ta cứ đào tạo xô bồ, à uôm như hôm nay thì không có những nghệ sĩ đích thực. Những tài năng đôi khi sẽ bị bỏ qua, bỏ phí. ở sân khấu, điều này nhìn thấy quá rõ.

- Theo ông, cái khó nhất của một người diễn viên là gì?

+ Với tôi, cái khó nhất của một diễn viên chuyên nghiệp là phải tạo ra được "sự khác biệt giữa các nhân vật".

- Thử so sánh các nghệ sĩ trẻ hôm nay với các nghệ sĩ thế hệ ông, ông sẽ nói gì?

+ Thế hệ của tôi, cái khổ sở, nghèo nàn lại tạo ra những động lực cho mình phấn đấu. Các bạn trẻ hôm nay có điều kiện tốt hơn, nhưng lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố và ít toàn tâm toàn ý với nghề, ít hy sinh cho nghề mà mình lựa chọn.

Làm nghệ thuật nếu thiếu đi lòng đam mê và sự xả thân thì rất khó thành công. Tôi xin nói thẳng rằng, làm nghệ thuật khó. Nhưng cũng rất dễ đối với người dễ dãi. Tuy nhiên càng khó bao nhiêu thì sự thành công càng cao bấy nhiêu.

Làm nghệ thuật rất cần lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Nhiều nghệ sĩ hôm nay đã làm mất đi lòng tự trọng nghề nghiệp của mình. Giữ lòng tự trọng để cẩn trọng với nghề, để luôn tôn trọng khán giả hầu mong được khán giả tôn trọng lại mình.

- Những điều ông nói có thể những nghệ sĩ trẻ hôm nay lại bảo rằng, ông đang nuối tiếc thời tuổi trẻ vàng son của mình?

+ Mỗi người đều có một thời của mình. Mỗi chúng ta không thể sống hai kiếp được. Vậy nên tôi không có gì để tiếc nuối hay hằn học với bất kỳ ai. Tôi vui vẻ với chính mình.

- Cả đời cống hiến cho nghệ thuật của ông, về vật chất mà nói, thì không có chữ "Được". Vậy, cái "Được" lớn nhất của ông là gì?

+ Tôi không nói chữ Được. Mà tôi nói cái Sướng nhất của người nghệ sĩ là được Biết. Đối với tôi, sự Biết là cực kỳ quan trọng. Cả đời làm nghệ thuật tôi đã được đi rất nhiều nơi, biết nhiều người, nhiều thứ, nhiều chuyện xảy ra.

Tôi nhớ hồi chúng tôi đi Trường Sơn 8 tháng, gian khổ nếm mật nằm gai với bộ đội, lúc về, có nghệ sĩ đã hậm hực vì không được tăng lương. Nhưng tôi thì thanh thản. Tôi nghĩ mình đã được một thứ rất lớn, là sự Biết, vì nó rất cần cho nghề nghiệp của mình.

Vì công việc của người nghệ sĩ là "tái hiện lại" cuộc sống, nếu anh không đi, không trải nghiệm, không biết, anh sẽ không thể tái hiện cuộc sống một cách chân thực được. Thế là cũng đủ cho tôi vui rồi. Tôi không thích thái độ hằn học với cuộc sống. Mình phải giữ cho tâm hồn thanh thản.

- Ông từng nói, cuộc sống giống như một chiếc mặt nạ, còn sân khấu chính là cuộc đời được nhân lên gấp đôi. Vậy, chúng ta làm thế nào để tìm ra gương mặt thật của chính mình?

+ Về bản chất, cuộc đời có lẽ như người ta nói, là "hư hư thực thực", là "sắc sắc không không", nó như trạng thái của người vừa say vừa tỉnh. Nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng là người thật thà và hồn nhiên nhất.

Và hạnh phúc trong cuộc sống cũng là thứ rất khó đoán định. Ta không thể nói thế này là hạnh phúc còn thế kia là không. Giống như cái mất và cái được luôn song hành trong quy luật bù trừ mà đời sống ai rồi cũng chiêm nghiệm thấy.

Tôi đã làm nghệ thuật hồn nhiên suốt một đời và tôi có nhiều khán giả yêu mến mình, nhận ra mình ở bất kỳ nơi đâu tôi đến, dù đã rất lâu rồi tôi không tham gia vào đời sống nghệ thuật.

Mỗi khi ngồi nghĩ lại những tháng năm tuổi trẻ, những kỷ niệm đi biểu diễn ở Trường Sơn, cả một đoàn quân đã đứng lại vẫy tay khi nhận ra Trần Tiến, tôi lại ứa nước mắt vì biết thế là mình cũng đã nhận được quá nhiều rồi. Khi tôi đi đến một vùng xa lắc, một người nông dân vẫn nhận ra tôi và tới trò chuyện, tôi càng thấy yêu cuộc sống của mình.

Dù thật lòng mà nói, cũng có nhiều khi chán nản, thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng nữa. Nhưng sau tất cả, với tôi vẫn là một niềm hy vọng vào cuộc sống. Như tin rằng cái đẹp mãi mãi tồn tại.

- Xin cảm ơn NSND Trần Tiến

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.