NSND Lê Khanh: Không ngại làm mới những giá trị cũ

Thứ Năm, 27/03/2014, 08:00

Từ ngày 3 đến 23/3, NSND Lê Khanh đưa chương trình "Thị Hến du xuân" gồm chùm tiểu phẩm, kịch nói được yêu thích ở phía Bắc biểu diễn tại Tp HCM, Đà Lạt và Đà Nẵng. Sự trở lại dồn dập của Nhà hát Tuổi Trẻ được khán giả miền Nam nồng nhiệt chào đón, đồng thời đánh dấu sự thành công và bước tiến đầy phấn khởi trong câu chuyện xã hội hóa của sân khấu phía Bắc. Phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với NSND Lê Khanh.

- Thưa NSND Lê Khanh, chương trình "Thị Hến du xuân" ngoài vở hài kịch dân gian "Thị Hến" còn có chuỗi tiểu phẩm hài và các vở kịch tâm lý…  Dường như Đoàn kịch 1, Nhà hát Tuổi Trẻ quá ôm đồm khi giới thiệu nhiều "đặc sản" của sân khấu kịch miền Bắc?

+ Đoàn kịch 1, Nhà hát Tuổi Trẻ vào Nam so với lần trước là sự trở lại nhân kỉ niệm 35 năm thành lập Nhà hát. Trong vòng 2 tháng, Nhà hát đã có hai chuyến "Nam tiến". Đoàn vào lần này chấp nhận may rủi. Rất may là có sự hỗ trợ của truyền thông, anh em nghệ sĩ thân thiết nên thông tin về chương trình được lan tỏa rộng rãi.

Trước đây, với vai trò là diễn viên, tôi chỉ lo diễn cho tốt thôi. Bây giờ phải dẫn anh em nghệ sĩ đi trong tình trạng gấp gáp như thế này tôi rất lo, không biết mình có vội vàng quá không. Cũng may Ban lãnh đạo đoàn là những gương mặt rất trẻ, xông xáo trước mọi thử thách.

Nhìn danh sách kịch mục lưu diễn do nghệ sĩ Như Lai và Tùng Linh soạn, tôi rất ngạc nhiên, hỏi sao vào một thời gian ngắn mà mang theo nhiều vở thế. Riêng chuyện xếp đồ lên, xếp đồ xuống đã mệt lắm rồi. Tuy nhiên quyết định của các em rất sáng suốt.

Kịch miền Nam đang rất phong phú, nên khi kịch Bắc đến với họ, cần có nhiều món ăn để người ta lựa chọn. Ai muốn xem hài dân gian thì có "Thị Hến", muốn xem hài hiện đại thì có "Phụ nữ ơi em là ai?", kịch tâm lý có "Nhà có 5 anh em trai", "Nhà có 3 chị em gái", vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề về giới tính có "Cầu vồng lục sắc".

- Trước mỗi buổi diễn, các nghệ sĩ luôn có khoảng thời gian giao lưu, chụp ảnh kỉ niệm với khán giả ngoài sảnh nhà hát. Ngoài những buổi biểu diễn tại rạp Công nhân, Đoàn cũng nhận lời mời biểu diễn phục vụ cho nhiều tổ chức, đơn vị. Có vẻ như chuyến lưu diễn này Đoàn đã gặt hái được những thành công nhất định?

+ Có hôm chúng tôi diễn ba suất cho ba đối tượng khán giả khác nhau trong một ngày. Sáng diễn vở "Thị Hến" tại Trường Đại học Kinh tế - Luật ở Thủ Đức. Khán giả vỡ òa cảm xúc. Các thầy cô và sinh viên rất vui mừng, phấn khích, đầy sức trẻ. Điều đó tác động lên diễn viên khiến họ thăng hoa, mà thăng hoa thì khán giả cũng sẽ "thăng" theo. Sau buổi diễn, rất đông sinh viên đã háo hức ở lại giao lưu.

Lần đầu tiên xem vở dưới hình thức kịch nói kết hợp tính ước lệ của nghệ thuật dân gian, cách dùng khẩu thuật của diễn viên, các em thấy quá thú vị. Buổi chiều Đoàn diễn ở một trường cấp 3, coi như đó là một tác phẩm sống động bước ra từ trong sách giáo khoa để các em tiếp thu bài học. Riêng buổi tối chúng tôi diễn vở tâm lý "Nhà có 3 chị em gái".  Tiễn khách nhưng không thấy ai về. Dư âm của kịch tâm lý khiến người ta lắng đọng, không thể về ngay.

NSND Lê Khanh trong vở "Thị Hến".

- Thời gian gần đây, Nhà hát Tuổi Trẻ đã Nam tiến với nhiều bản dựng cũ, trước đây là kịch Lưu Quang Vũ, giờ đến vở kịch dân gian "Thị Hến" được làm mới từ vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến". Chị nghĩ sao về điều này?

+ Vở "Thị Hến" nội dung không mới nhưng còn nguyên tính giá trị hiện thực. Nhiều người hỏi tôi rằng tại sao lại dại dột mạo hiểm dấn thân vào những cái cũ đã trở nên kinh điển như vậy. Tôi nghĩ rằng dựng vở cũ cũng có cái hay là chúng ta đưa ra quan điểm triết lý của ngày xưa để cùng kiểm chứng với tư duy của thế hệ hôm nay. Tôi coi vở "Thị Hến" như một sự thử nghiệm đầy thú vị khi bản thân mình làm đạo diễn...

- Hai chuyến Nam tiến của Nhà hát Tuổi Trẻ trong thời gian gần đây cho thấy sân khấu kịch miền Bắc đang có những tiến triển nhất định trong quá trình xã hội hóa sân khấu - điều mà dư luận vẫn đang kêu ca vì so với miền Nam, quá trình xã hội hóa ở sân khấu miền Bắc vẫn còn nhiều vướng mắc.

+ Vấn đề xã hội hóa ở các sân khấu kịch phía Nam rất chuyên nghiệp. Ngược lại, đối với sân khấu phía Bắc thì quá trình xã hội hóa rất vất vả. Đã một thời gian dài họ quen làm theo chế độ đặt hàng. Kịch mục quen phục vụ cho những mục đích chính trị. Hình thức xã hội hóa giúp cho đời sống sân khấu sinh động hơn, đa dạng hóa các chủ đề, hình thức nghệ thuật. Nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo những cái mình thích mà không bị gò bó. Nó còn thể hiện trách nhiệm của nghệ sĩ một cách công bằng với tác phẩm. Gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang khích lệ vấn đề xã hội hóa ở sân khấu miền Bắc, bởi Nhà nước không thể nuôi hoài vì nuôi mà không có lãi, vở dựng lên chỉ ba suất diễn là bỏ kho.

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khán giả bắt đầu có khuynh hướng không muốn vào rạp để phải suy ngẫm và bị dạy dỗ. Họ thích đi xem cái gì nhẹ nhàng, giải trí. Do đó, hài kịch được ưu ái. Cái mầm của xã hội hóa ở Nhà hát Tuổi Trẻ là do NSƯT Chí Trung ấp ủ. Anh cho các anh em nghệ sĩ mở cuộc thi diễn hài chơi nội bộ với nhau bằng những kịch ngắn của Trung Quốc. Sau đó, chúng tôi mời đạo diễn, NSND Lê Hùng nâng cấp cho vở. "Đời cười 1" trở thành hiện tượng của năm 2000. Khi hài bắt đầu ồ ạt, nguồn kịch bản cạn dần, hài nhạt đi. Các nghệ sĩ mong muốn quay trở lại đề tài tâm lý, xã hội, dù mới chỉ bước đầu nhưng đã bắt đầu hút vé.

Nhà hát Tuổi Trẻ từ năm 1999 đến nay song song tồn tại hai hình thức Nhà nước và xã hội hóa bởi tiền Nhà nước không đủ để 4 đoàn cùng làm. Nhà hát bắt đầu kêu gọi diễn viên dựng vở và bán sản phẩm thô. Vở "Thị Hến" cũng làm theo cách này. Nhà hát góp cái nhà, sàn tập, lịch tập. Diễn viên góp tài năng, được Nhà hát bồi dưỡng. Nếu làm tốt thì có phần trăm đưa về cho Nhà hát. Suất diễn thành công, dư luận tốt thì có thể đưa đi lưu diễn. Lần Nam tiến này, Nhà hát Tuổi Trẻ trở lại với mảnh đất làm nên thương hiệu của mình.

- Nhưng có ý kiến cho rằng quá trình xã hội hóa diễn ra không công bằng khi Nhà hát Tuổi trẻ ôm khá nhiều dự án vì Nhà hát tồn tại song song cả hai hình thức Nhà nước bao cấp và xã hội hóa. Việc hưởng tiền cố định rót từ Nhà nước vẫn khiến các đơn vị đặt hàng yên tâm hơn. Còn các sân khấu xã hội hóa khác lại không có nguồn nào hỗ trợ hoặc đảm bảo để có thể thu hút các dự án sân khấu.

+ Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt. Được nhiều dự án đặt hàng, mình lại phải làm theo yêu cầu của các nhà đầu tư, bị gò bó đủ đường. Còn ở các đoàn xã hội hóa thì phải chiều theo yêu cầu, thị hiếu của khán giả. Nhà hát Tuổi Trẻ thu hút nhiều dự án phần lớn là nhờ vào thương hiệu của mình. Phù hợp thì họ đặt hàng. Những sân khấu xã hội hóa trong Nam với điều kiện vật chất có hạn nên họ cố gắng duy trì để có nhiều suất diễn đều đặn đã là điều đáng mừng. Còn những dự án lớn, có hệ thống, họ không thể đáp ứng được. Đã nhiều đoàn miền Bắc vào Nam nên tôi rất mong khán giả miền Bắc cũng có cơ hội xem các diễn viên rất xuất sắc của sân khấu miền Nam diễn như thế nào. Trước mắt là để khán giả thưởng thức một hương vị mới, phong cách mới.

Điều chênh lệch là việc các đoàn miền Bắc vào miền Nam có lợi thế hơn vì đoàn có tiền tài trợ của Nhà nước. Còn các sân khấu miền Nam muốn đi ra Bắc thì lại không có nguồn nào tài trợ. Vậy nên, sân khấu miền Nam rất ít khi… Bắc tiến. Do đó, hè sắp tới, Nhà hát chúng tôi sẽ có một sự kết hợp với sân khấu IDECAF.

Trước mắt, những vở kịch thiếu nhi của IDECAF sẽ trình làng khán giả phía Bắc. Dần dần, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu các sân khấu kịch miền Nam đến với khán giả. Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ đi đầu trong vấn đề này dù biết có nhiều khó khăn. Nhưng đây vừa là tình cảm của đồng nghiệp với nhau, vừa tranh thủ cơ hội cho hai miền đều được thưởng thức cách làm kịch xã hội hóa của nhau.

- Xin cảm ơn NSND Lê Khanh về cuộc trò chuyện này!

Mai Quỳnh (thực hiện)
.
.