Mừng tuổi bằng sách: Nét đẹp cần nhân rộng ngày Tết

Thứ Năm, 24/01/2019, 08:04
Trào lưu mừng tuổi bằng sách được khởi xướng rộng rãi vào năm 2016. Từ ý tưởng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhiều đơn vị làm sách phát động thành phong trào cho mọi tầng lớp độc giả. Đến nay, dù tiến triển chậm nhưng ý nghĩa của trào lưu này đã được khẳng định, trở thành một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết.


Ở Đường sách TP Hồ Chí Minh, mỗi dịp Tết đến xuân về thu hút rất đông du khách. Người ta đến để chọn lựa những cuốn sách hay làm quà tặng người thân. Đặc biệt, khu vui chơi mà quà lì xì đầu năm là những cuốn sách xinh xắn rất hấp dẫn đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi. Các đơn vị xuất bản cũng tưng bừng giới thiệu những đầu sách hay để khách hàng chọn lựa.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận thấy nhiều năm trở lại đây, khi được người lớn đến nhà lì xì bằng sách, trẻ em hào hứng ra mặt chứ không còn xụi lơ như bánh mì nhúng nước. Trong tạp văn "Sách của con đâu?", ông lý giải: "Có lẽ đời sống kinh tế, đặc biệt ở khu vực thành thị, gần đây đã được cải thiện đáng kể nên trẻ em thành phố không quá mong đợi tiền lì xì (như một khoản "thu nhập thường niên") như trước đây.

Dĩ nhiên mỗi dịp tết nhứt, các em vẫn đau đáu chờ được nhận "quà mừng tuổi" từ tay người lớn như một thói quen, nhưng không nhất thiết phải là tiền".

Á hậu Thanh Tú mong muốn lì xì bằng sách sẽ được mọi người hưởng ứng rộng rãi. (Ảnh: FB nhân vật)

Tặng sách vào dịp sinh nhật, ngày kỷ niệm… vốn là chuyện quen thuộc đối với nhiều người. Nhưng biến nó thành món quà lì xì thay cho hồng bao vẫn là điều mới mẻ với họ, đặc biệt là người dân nông thôn. Lâu nay, người ta vẫn quen với việc mừng tuổi bằng tiền. Lúc đầu, tiền lì xì là những tờ có mệnh giá nhỏ với ý nghĩa chúc phúc, mong mọi sự tốt đẹp và mang lại may mắn tài lộc.

Theo thời gian, phong tục ý nghĩa này bị người đời làm biến tướng, mang nặng tinh thần thực dụng. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh phân tích: "Trẻ con sung sướng vì tiền lì xì, không biết người lớn khổ sở vì tiền lì xì. Những người kinh tế eo hẹp, con cháu đông, cứ đến Tết là chạy tiền lì xì toát mồ hôi như chạy gạo. Bên cạnh đó, người lớn còn nỗi khổ khác: Lì xì ít sợ trẻ con (có khi cả ba mẹ trẻ con) so sánh, bình phẩm. "Bác này bủn xỉn!" - tuy là lời trẻ nhưng người lớn nghe được cũng không khỏi chạnh lòng.

Chưa kể, khách lì xì con mình 50 ngàn, khi qua nhà khách trả lễ mình không thể lì xì ít hơn. Tự nhiên, vì cái chuyện lì xì mà không ít người phải cân nhắc, tính toán. Chuyện vui, chuyện tốt lành bỗng dưng trở thành một gánh nặng vô hình!".

Do đó, theo ông, tiền thực chất chỉ là công cụ thanh toán và đã nhuốm màu thực dụng trong tục lì xì hôm nay thì ta nên mừng tuổi bằng thứ khác. Và sách là một món quà mang ý nghĩa tinh thần vô giá! Bởi đó là kho tàng tri thức của nhân loại.

Tuổi thơ cần những cuốn sách như người thầy, người bạn đồng hành để vun bồi trí tuệ và nuôi dưỡng nhân cách. Khi được lì xì một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào lật xem giá bìa để bình phẩm nhiều tiền, ít tiền như lúc nôn nóng mở hồng bao. Khác với tiền, sách còn thể hiện tấm lòng và tầm hiểu biết của người tặng. Phải am hiểu và để tâm rất nhiều thì họ mới có thể chọn được cuốn sách có nội dung hay, phù hợp với người nhận.

Trên một diễn đàn phát động về phong trào tặng sách dịp Tết, chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp cho hay: "Trong gia đình, tôi cũng đã và đang từng bước hình thành thói quen đọc sách cho cô con gái nhỏ của mình. Từ những cuốn truyện cổ tích ngắn, dễ thuộc, dần dần là các tác phẩm văn học, triết lí sâu xa. Tết năm ngoái, biết cô con gái đang háo hức chờ được nhận bao lì xì từ bố mẹ. Nhưng tôi lại tặng con bé cuốn "Trong gia đình". Lúc thấy món quà, con bé đã cười rất tươi. Và tôi biết mình đã làm đúng...".

Giờ đây sách không chỉ lì xì cho trẻ nhỏ mà còn làm quà Tết cho người lớn thay vì rượu, thịt, bánh mứt… như lâu nay. Sách đa dạng gồm nhiều thể loại, đề tài, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Trẻ con cần sách vừa chơi vừa học, tìm hiểu thế giới mầu nhiệm xung quanh. Các bạn tuổi teen lại thích truyện dành cho tuổi mới lớn, tìm hiểu tâm sinh lý lứa tuổi. Phụ nữ thì thích sách làm đẹp, sách nữ công gia chánh... Ông già bà cả thì thích sách về cách chăm cây cảnh, cách giữ gìn sức khỏe tuổi già…

Walt Disney từng nói rằng: "Trong sách chứa đựng nhiều kho báu hơn cả Đảo Châu Báu. Tuyệt vời hơn cả là bạn có thể tận hưởng sự giàu có này mỗi ngày". Vậy tại sao chúng ta tận hưởng mà không cho đi? Đã có biết bao câu chuyện thay đổi cuộc đời nhờ những cuốn sách.

Đón nhận sách như món quà vào dịp Tết hàng năm, bạn đọc Nguyễn Ngọc Thảo không giấu được cảm xúc náo nức khi xuân đang về: "Sách luôn luôn là món quà mà mình mong đợi nhất. Khi mình giới thiệu ý tưởng tặng sách ngày xuân cho các bạn mình, ai cũng hào hứng cả, và cả nhóm đã quyết định xuân này thay vì lì xì lấy hên như mọi năm, chúng mình sẽ tặng sách cho nhau, tặng cho nhau quyển sách nào thời gian gần đây nhất đã đọc và tâm đắc nhất. Còn vài ngày nữa là đến Tết rồi và mình thực sự mong đợi phản ứng của các bạn mình khi mình giới thiệu quyển sách mà mình đã chuẩn bị cho họ".

Biến sách thành món quà đầu xuân được rất nhiều văn nghệ sĩ ủng hộ. NSƯT Thành Lộc hào hứng: "Đầu năm mới, lì xì nhau những con chữ, một quyển sách hay, thật ý nghĩa và nhân văn làm sao! Tại sao không?". Nhạc sĩ Hamlet Trương thì cho rằng: "Sách luôn là một món quà tinh thần đầy nhân văn và ý nghĩa đối với cả người cho lẫn người nhận. Tặng sách ngày Tết thay vì phong bao lì xì. Đây là một nét văn hóa mới nên cần phát huy không chỉ dành riêng vào dịp Tết".

Phát động từ Tết 2018, Hoa hậu Ngọc Hân mừng tuổi bằng sách cho trẻ em như một hình thức khai xuân - khai tri thức. (Ảnh: FB nhân vật)

Ca sĩ Mỹ Tâm, diễn viên Hồng Ánh, á hậu Thanh Tú, hoa hậu Ngọc Hân... đều lì xì đầu năm bằng những cuốn sách thú vị cho người thân và fan hâm mộ. Từng phát động phong trào này trên trang facebook cá nhân vào Tết Mậu Tuất 2018, hoa hậu Ngọc Hân cho biết: "Những cuốn sách cha mẹ chọn để mừng tuổi cho con theo năm tháng sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp, thú vị, ý nghĩa nhất vì đã đặt rất nhiều tâm tư, tình cảm vào đấy.

Khai Xuân - khai tri thức là điều mà Hân nghĩ đến và mong muốn được cùng mọi người khởi xướng việc mừng tuổi cho trẻ bằng sách. Một cuốn sách phù hợp có thể giúp người không thích sách cũng trở nên quan tâm đến sách".

Mừng tuổi bằng sách là một nét văn hóa truyền thống pha lẫn hiện đại. Nó kết hợp giữa phong tục tốt đẹp của dân tộc với nguồn tri thức hướng tới chân lý, văn minh. Trong tình hình văn hóa đọc, nhất là của giới trẻ, vẫn chưa mấy khả quan thì trào lưu này là một cách làm hay để cổ vũ, khuyến khích người Việt ham đọc sách. Người trẻ không thể cứ quay cuồng mãi trong những trò game vô bổ, cắm mặt vào Facebook, lướt web đọc tin tức nhảm nhí hay những cuốn ngôn tình sướt mướt, ủy mị, thậm chí là độc hại.

Đương nhiên, chờ một cái Tết mà câu cửa miệng của lũ trẻ con trên khắp đất nước hình chữ S là "Sách của con đâu?" thay vì "Tiền lì xì của con đâu?" vẫn còn quá xa vời. Một cái Tết mà sách sẽ là quà tặng độc tôn để trở thành "Tết đọc sách" như mơ ước của nhiều người chắc khó trở thành hiện thực. Bởi theo nhạc sĩ Hamlet Trương, lì xì bằng sách tuy vô cùng ý nghĩa nhưng không thể ngày một, ngày hai bỏ luôn phong tục lì xì bằng tiền, nhất là khu vực nông thôn vốn thiếu vắng nhà sách.

Để thay đổi một nét văn hóa truyền thống lâu đời cũng cần có thời gian và sự phù hợp. Riêng cây bút trẻ Nguyễn Ngọc Thạch thì đề xuất: "Tặng sách trong dịp năm mới là một nét văn hóa đẹp và có thể nhân rộng cho trẻ em, vốn dĩ đang bị xao lãng bởi sự tấn công của công nghệ. 

Tuy nhiên, tặng sách không có nghĩa là bỏ luôn thú vui tặng lì xì bằng tiền may mắn đầu năm, một phong tục đã thành nếp quen của người Việt. Tết ngày càng ít đi những nét xưa, cây nêu, bánh chưng, bánh dày vắng bóng dần … nên lì xì cần giữ. Chỉ là hướng bọn trẻ dùng tiền đó vào việc mua sách thì nên hơn để đổ vào những thứ khác".

Phan Thi Uyên
.
.