Múa minh họa có còn là…minh họa?
Hình ảnh ca sĩ hát một đằng và nghệ sĩ múa một nẻo không còn là chuyện hiếm. Phải nói hiện nay múa minh họa trở thành "mốt" thời thượng, cho dù nhiều bài hát không cần múa kèm theo. Nhiều tiết mục múa bị lẫn lộn giữa múa trang trí (chỉ làm đẹp sân khấu) với múa thuyết minh (được dàn dựng theo nội dung ca khúc). Vậy khi nào cần hoặc không cần tới múa minh họa, kèm theo bài hát của mình luôn luôn là câu hỏi hóc búa đối với những ngôi sao đã thành danh. Nhưng ngược lại hiện nay, bất kể ca sĩ trẻ nào cũng đều phải có nghệ sĩ múa đi kèm. Vì sao vậy?
Phải chăng hát kém thì kèm múa?
Nói thế cũng chẳng sai, vì hiện có quá nhiều ca sĩ trẻ còn non yếu kỹ thuật biểu diễn và đa số giọng hát chưa vững vàng, nên việc cần tới múa minh họa như một sự "hỗ trợ" tất yếu. Họ cần dựa vào sự làm rối con mắt người xem của các tiết mục múa, để khỏa lấp những sự bấp bênh của giọng hát; nhằm lôi kéo khán giả trẻ chạy theo cái vỏ bề ngoài của tiết điệu, lấy vui là chính, chứ không cần thưởng thức nghệ thuật.
Chính NSND Chu Thúy Quỳnh từng phải thốt lên rằng: "Nhiều diễn viên chỉ là thợ múa, cử chỉ động tác vô hồn, không thể hiện cảm xúc".
Chẳng cứ những ca sĩ mới vào nghề cần tới múa minh họa mà ngay cả những ca sĩ đã thành danh nhiều khi cũng lạm dụng múa minh họa như một phép mầu muốn biến bài hát của mình trở nên sáng giá, nhưng thật sự hiệu quả thì ngược lại.
Về hiện tượng này chẳng ai có thể quên ca sĩ Quang Vinh, từng là thần tượng của các fan tuổi teen, có lần đã vẽ lên câu chuyện minh họa bằng nhóm múa ăn mặc rất lộn xộn, khua kiếm rượt đuổi nhau để cứu người đẹp trong bài hát "Alibaba". Ấy thế rồi hứng lên, ca sĩ cũng vác kiếm và tự vung những đường kiếm khuềnh khoàng rất vô duyên (khi người đẹp được giải cứu, xuất hiện trên sân khấu lại chỉ với một chiếc áo ngực ở phần trên cơ thể).
Hoặc như trong đêm diễn trở lại đầu tiên của mình tại TP Hồ Chí Minh, sau những năm xuất ngoại, ca sĩ Hồng Ngọc đã mặc chiếc áo ngủ, uốn éo với bài hát "Đừng xa em đêm nay" của Đức Huy. Bên cạnh đó cô còn cho một anh chàng cởi trần, múa loanh quanh, nhằm diễn tả tình trạng cô đơn, nhớ nhung của cô gái. Chính những chi tiết minh họa kệch cỡm này của những nhà biên đạo múa nghiệp dư đã làm giảm chất lượng đêm diễn. Thậm chí, việc lạm dụng múa quá mức và trang phục hở hang làm khán giả rối mắt, mất tập trung khi nghe hát mà thôi.
Múa minh họa như màn trình diễn... thể thao. |
Do thị trường ca nhạc ở các thành phố lớn ngày càng phát triển nên việc ca sĩ hát kèm theo nhóm múa minh họa như là một nhu cầu tự nhiên. Thậm chí có những ca sĩ để thể hiện đẳng cấp đã bỏ tiền nuôi hẳn vũ đoàn riêng cho mình, như Đan Trường, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng… Trong đó có một số vũ đoàn còn thành lập hẳn công ty để "đánh quả" trọn gói đêm diễn và đào tào diễn viên múa trẻ.
Múa minh họa cũng... chạy "sô"
Hiện ở TP Hồ Chí Minh có khoảng 45 nhóm múa, lớn nhỏ khác nhau, gồm gần 400 diễn viên chuyên đi múa minh họa cho đủ mọi loại hình nghệ thuật, không cứ ca nhạc. Có nhiều nhóm múa minh họa có nghề và nổi tiếng đã lập thành các vũ đoàn lớn hoạt động bài bản như Rex, ABC, Hoàng Thông, Rạng Đông, Mai Trắng, Phương Việt, Kim Quy, Arabesque… Các vũ đoàn này có cả những tiết mục múa độc lập, được dàn dựng công phu để phục vụ các chương trình ca múa nhạc lớn, tuy nhiên họ chủ yếu kiếm ăn bằng công việc múa minh họa ca nhạc.
Có thể nói hàng trăm ca sĩ trẻ ra đời hàng năm đã kéo theo công việc khá sôi động cho diễn viên múa minh họa. Có những nhóm múa phải chạy "sô" không kém các ca sĩ sao. Mặc dù cátsê của diễn viên múa khá thấp, tùy quy mô của đêm diễn, từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng một suất.
Vì các tiết mục múa minh họa không có gì phức tạp nên nhiều khi họ chỉ múa đi múa lại một vài điệu giống nhau cho tất cả các tụ điểm biểu diễn. Khán giả lắm lúc xem đi xem lại, cũng thấy nhàm và ngao ngán bởi sự nghèo nàn này, dù ca sĩ có hát hay đến mấy.
Thực ra ở các vũ đoàn lớn hiện nay, thường gồm những sinh viên múa mới ra trường hoặc còn đi học về đầu quân nên họ dễ chấp nhận múa làm nền cho các ca sĩ để kiếm sống qua ngày. Bên cạnh đó, không ít các nhóm múa chỉ được học qua loa vài tháng những điệu múa hiện đại, nhằm mưu sinh ngay, nên các tiết mục múa đều nghèo nàn về nội dung (chủ yếu thực hiện các động tác nhảy, tạo không khí nhộn nhịp hoặc làm trang trí cho sân khấu mà thôi). Lại nữa, không ít nhóm thiếu biên đạo múa chuyên nghiệp nên khi phối hợp với ca sĩ thường xảy ra chuyện "ông chẳng bà chuộc".
Ông Phạm Ngọc Hiền, biên đạo của vũ đoàn ABC nhấn mạnh:
- Nguyên nhân chính khiến cho các vũ đạo ngày càng kệch cỡm chính là do các vũ công không được đào tạo một cách chính thống.
Có vị trong Hội đồng phúc khảo liên hoan múa mới đây ở TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng phê phán ngay cả hệ thống truyền hình cũng đã chấp nhận nhiều tiết mục múa bất ổn. Không hở hang về trang phục thì cũng tự nhiên chủ nghĩa về động tác như những con rối vậy.
Vậy đó, những nghệ sĩ múa được đào tạo kỳ công đã phải kiếm ăn theo kiểu cò con qua ngày đoạn tháng. Có thể nói hiện nay, sự hoạt động của các vũ đoàn bị thả nổi. Các nhà quản lý đôi khi theo thói quen chỉ quan tâm tới nội dung ca hát, nhưng lại không bao giờ ngó mắt tới múa minh họa sẽ ra sao, nên khó kiểm soát nổi những sự cố xảy ra, như nghệ sĩ ăn mặc lố lăng hoặc có những động tác bất thường gây phản cảm.
Nghệ sĩ sẽ múa sao đây?
Ai cũng rõ, cực chẳng đã những nghệ sĩ múa mới phải đi làm nền cho ca sĩ trong các chương trình ca nhạc. Ngoại trừ những thợ múa ra đời nhanh chóng qua vài tháng học mót để hành nghề, còn đa số đều là những sinh viên đã học không dưới 5 năm của trường múa chính quy. Họ đã khổ luyện để thành tài, nhưng thật đáng tiếc, nghề múa chưa có đất sống một cách độc lập trong cơ chế thị trường hiện nay.
Ngay những nghệ sĩ múa balê được đào tạo cỡ chục năm từ nước ngoài trở về cũng chỉ biết thở dài vì không được cống hiến nghệ thuật một cách thỏa đáng. Hầu hết họ sống nhờ qua loại hình khác như đóng phim, biên đạo hoặc dạy múa ở các nhà văn hóa, kinh doanh, nếu không thì dấn thân múa… minh họa cho đám cưới, cho tiết mục xiếc, hội nghị khách hàng hay thời trang và phổ biến là minh họa cho ca sĩ.
Hơn nữa, đồng hành với công việc múa minh họa, nghệ sĩ múa thường còn phải đối diện với những sự rủi ro bất thường trong đêm diễn, bởi lẽ Nhà nước đâu đã công nhận múa minh họa là một nghề, mặc dù chúng đã hoạt động sôi nổi từ 16 năm nay. Do vậy, khi gặp tai nạn gãy tay, chân hoặc chấn thương do bị ngã khi biểu diễn thì nghệ sĩ chỉ có mỗi bề tự lo mà thôi. Nghệ sĩ múa Lương Anh Tuấn tâm sự, chuyện u đầu, mẻ trán cứ xảy ra hoài, riêng nhảy hip hop rất dễ bị chấn thương. Đặc biệt không có diễn viên múa minh họa nào trong các vũ đoàn được mua bảo hiểm nghề nghiệp vì đâu có đủ kinh phí, nhất là kiều kiện kinh tế nghèo túng của các nhóm nhỏ tự lập.
Chính tình trạng này dẫn tới sự hoang mang của hàng trăm nghệ sĩ đang hành nghề múa minh họa. Họ bị bỏ rơi, trong khi thị trường ca nhạc lại cần họ như một cứu cánh trong công nghệ giải trí hiện nay. Họ chỉ biết múa và làm nền ngay cả cho những ca sĩ mới tập tọng vào nghề, rồi buồn rầu nhận lấy những đồng tiền ít ỏi, lần hồi qua các tụ điểm. Tương lai của các nghệ sĩ múa đã từng được mệnh danh là những con thiên nga rực rỡ, sẽ ra sao đây, khi mà họ không biết ngày mai sẽ phải nhảy kiểu gì để vui mắt người xem?