Mùa hè trong thơ Việt

Chủ Nhật, 31/05/2020, 08:16
Mùa hè đi vào thi ca Việt còn gắn với những ngày tháng thật cụ thể như những lát cắt đặc biệt đi qua trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng niềm vui thì mau quên mà nỗi buồn đau xót xa thì cứ lắng sâu mãi thành trầm tích trong hồn thi sĩ...

So với các mùa khác trong năm khi đi vào thi ca Việt, mùa hè có vẻ thiệt thòi hơn bởi dường như kém phần gợi cảm. Không có cái mát mẻ và những thảm lá rụng vàng của mùa thu, không có cái sinh sôi ấm áp nảy lộc đâm chồi của mùa xuân, không có cái buốt giá tê tái đến hắt hiu của mùa đông, mùa hè nổi lên cái nóng nhiều lúc như thiêu đốt, nắng nóng đến sạm tóc sạm da, cơm thấy khó ăn, rượu không muốn uống. Thế nhưng đối với người nghệ sĩ thì không bao giờ có một vùng cấm hay ranh giới nào của thi ca khi lòng mình đã ngân lên. Vì thế, mùa hè, dù có thể ít hơn các mùa khác nhưng vẫn đi vào nhiều tác phẩm với những ấn tượng khó phai, làm nên một nỗi nồng nàn riêng biệt.

1.Tôi muốn bắt đầu với những bài thơ tả mùa hè ở nông thôn nửa đầu thế kỷ trước. Phong trào Thơ Mới đã hình thành nên nhiều trường phái, nhiều khuynh hướng và bút pháp, nhưng trong đó có một dòng thơ thiên về tả chân với những khung cảnh nông thôn - làng quê gồm bốn đại diện tiêu biểu: Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ và Nam Trân. Cả bốn nhà thơ này đều có những thi phẩm về mùa hè được giới thiệu trong tuyển tập “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân. Đoàn Văn Cừ có bài “Trăng hè”, Bàng Bá Lân và Anh Thơ đều có một bài thơ với nhan đề “Trưa hè”, Nam Trân có các bài “Huế, ngày hè” và “Huế, đêm hè”.

Nắng mùa hè - ảnh minh họa.

Khung cảnh nông thôn Bắc Bộ vào mùa hè hiện lên với những nét thật đặc trưng: thời tiết oi bức, không gian yên tĩnh, vắng lặng, sự có mặt của con người chỉ mang tính điểm xuyết, thay vào đó là sự xuất hiện của những sinh vật như: chó, mèo, trâu, gà, ve, bướm...: “Tiếng võng trong nhà kẽo kẹt đưa/ Đầu thềm con chó ngủ lơ mơ/ Bóng cây lơi lả bên hàng dậu/ Đêm vắng, người im, cảnh lặng tờ (...) Thằng cu đứng vịn bên thành chõng/ Ngắm bóng con mèo quyện dưới chân” (“Trăng hè” – Đoàn Văn Cừ), “Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng/ Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua/ Trong thôn vắng tiếng gà xao xác gáy/ Các bà già đưa võng hát thiu thiu” (“Trưa hè” - Anh Thơ), “Ve ve rung cánh ruồi say nắng/ Gà gáy trong thôn những tiếng dài (...) Quán cũ nằm lười trong sóng nắng/ Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu/ Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm.../ Đứng lặng trong mây một cánh diều”. (“Trưa hè” - Bàng Bá Lân).

Sự nóng bức của mùa hè đôi khi trở thành những bức bối và ngột ngạt khi con người bị mất tự do, vì thế, tất cả những biểu hiện của thiên nhiên sẽ chỉ mang đến cảm giác muốn phá tung tất cả: “Ta nghe hè dậy bên lòng/ Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi/ Ngột làm sao, chết uất thôi/ Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu” (“Khi con tu hú” - Tố Hữu). Mùa hè trong thơ Việt trước 1945 theo cảm quan chung của chúng tôi gợi lên sự ngưng đọng, quanh quẩn và khá mệt mỏi, chưa thấy được những phóng khoáng và rộng mở, chưa thực sự xuất hiện một mỹ cảm say đắm với mùa hè. Tất cả những thiếu hụt này dường như được bù đắp trong bài thơ của Xuân Quỳnh ra đời sau đó gần nửa thế kỷ.

Với tôi, đây mới là một mùa hè rực rỡ và đẹp chưa từng có bởi một tâm hồn lạc quan với những khát khao yêu thương vô tận với cuộc đời, với con người: “Đó là mùa của những tiếng chim reo/ Trời xanh biếc nắng tràn trên khắp ngả/ Đất thành cây, mật trào lên vị quả/ Bước chân người bỗng mở những đường đi/ Đó là mùa không thể giấu che/ Cả vạn vật đều phơi trần dưới nắng/ Biển xanh thẳm, cánh buồm lồng lộng trắng/ Từ những miền cay đắng hóa thành thơ (...) Mùa hạ của tôi, mùa hạ đã đi chưa/ Ôi tuổi trẻ bao khát khao còn, hết?/ Mà mặt đất màu xanh là vẫn biển/ Quả ngọt ngào thắm thiết vẫn màu hoa” (“Mùa hạ”).

Gần đây nhất, tôi lại bắt gặp một mùa hè thật đẹp trong thơ một cây bút nữ thuộc thế hệ 8X, mùa hè trong thơ chị vừa trong trẻo, vừa sâu lắng, mang theo nó biểu tượng về hành trình của một đời người: “Có cô bé ngồi bên cửa sổ/ Ngắm sáng mùa hè đi qua/ Mùa hè xanh thẳm trên tầng lá/ Ve kêu ran cây ổi trước hiên nhà/ Có thiếu nữ ngồi bên cửa sổ/ Ngắm trưa mùa hè đi qua/ Mùa hè đỏ rực như màu lửa/ Biết bao nhiêu lời say đắm thật thà/ Có thiếu phụ ngồi bên cửa sổ /Ngắm chiều mùa hè đi qua/ Mùa hè vàng úa như xác rạ/ Biết bao nhiêu trang nhật ký đã nhòa/ Có bà lão ngồi bên cửa sổ/ Ngắm tối mùa hè đi qua/ Mùa hè ngọn gió màu rất lạ/ Biết bao người yêu dấu đã rời xa” (“Mùa hè” - Tạ Anh Thư, 2017).

2. Nói đến mùa hè, không thể không nhắc tới hai loài hoa: hoa sen và hoa phượng. Nếu như hoa phượng mang trong nó cái nồng nàn, mãnh liệt của lửa thì hoa sen lại mang trong mình vẻ đẹp thanh cao, tinh khiết. Hai loài hoa gợi lên những sắc thái tương phản, trái ngược hẳn nhau nhưng cùng tồn tại song song, cùng đua nở trong những tháng ngày của mùa hạ.

Hoa phượng còn được xem là loài hoa biểu trưng cho thành phố Hải Phòng, có lẽ một phần bởi ca khúc của hai nhạc sĩ An Chung - Lương Vĩnh phổ thơ Hải Như đã trở nên quá nổi tiếng trong cả nước: “Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ/ Ôi Hải Phòng thành phố quê hương/ Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thân yêu nhất (...) Ơi thành phố tháng Năm hoa phượng đỏ/ Ta mang người trong giữa trái tim ta”.

Hoa phượng gắn với một ký ức học trò biết bao buồn vui, gắn với khoảnh khắc nói lời tạm biệt một thời cắp sách, gắn với cả những mối tình ấu thơ không nói được thành lời: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám. Thuở chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu (...) Cánh phượng hồng ngẩn ngơ, mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây” (“Phượng hồng” - Nhạc: Vũ Hoàng, thơ: Đỗ Trung Quân)

Còn với hoa sen, những trắng trong tinh khiết của loài hoa thủy chung ấy đã đi vào một trong những thi phẩm để đời của cố thi sĩ Trần Hòa Bình, để mỗi lần đọc lại, lòng tôi lúc nào cũng thấy rưng rưng: “Ôi những đóa sen dè dặt cánh hồng/ Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng/ Ta ru hoa một đêm dài đơn độc/ Và em nữa, đã bao giờ em khóc/ Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền/ Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền (...) Ta yêu em mà không sao nói được/  Sen ngủ trong bình, em thức trong ta” (“Bài hát ru hoa sen”).

Hoa sen cũng từng được thi sĩ của Tống biệt hành so sánh với hai người chị muốn níu giữ em trai mình ở lại mà không thể: “Ta biết người buồn chiều hôm trước/ Bây giờ mùa hạ sen nở nốt/ Một chị hai chị cũng như sen/ Khuyên nốt em trai dòng lệ sót”. Còn với Nguyễn Bính, sen gắn với mối tình học trò thuở thiếu thời: “Những buổi học về không có nón/ Đội đầu chung một lá sen tơ/ Lá sen vương vấn hương sen ngát/ Ấp ủ đôi ta chút nhụy hờ” (“Trường huyện”).

3. Một thi sĩ thời hiện đại có rất nhiều bài thơ về mùa hè là Thanh Tùng. Tuyển tập thơ Thời hoa đỏ (NXB Hội nhà văn, 2016) gồm 142 bài thơ có tới 5 bài gắn với mùa hè một cách chính danh ngay từ tên tác phẩm: “Thời hoa đỏ”, “Mùa hè cuối cùng”, “Hạ khóc”, “Mùa hè năm nay” và “Hè ở Hòn Gai”.

Cả 5 tác phẩm đều là những bài thơ tình. Cũng nồng nàn, cũng đắm đuối nhưng những bài thơ mùa hạ của Thanh Tùng còn gắn với nhiều xót xa đến độ cay đắng, chua chát đến độ bi kịch như thiêu đốt cả quá khứ, hiện tại và tương lai của con người: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ” (“Thời hoa đỏ”), “Con dâng lời khóc lên đầu/ Xót xa một màu phượng vĩ/ Ôi nhưng trái tim nho nhỏ/ Đang cháy buốt dưới trời xanh (...) Mẹ ơi mùa hè rồi đấy/ Con đi điên dại dưới trời/ Chắp tay con cầu mùa hạ/ Mưa về rửa tội đường xa” (“Hạ khóc”)

Mùa hè đi vào thi ca Việt còn gắn với những ngày tháng thật cụ thể như những lát cắt đặc biệt đi qua trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng niềm vui thì mau quên mà nỗi buồn đau xót xa thì cứ lắng sâu mãi thành trầm tích trong hồn thi sĩ.

“Mười hai tháng sáu” của Vũ Hoàng Chương là một nỗi niềm như thế mà tôi muốn trích ra đây ít câu để khép lại bài viết này: “Men khói đêm nay sầu dựng mộ/ Bia đề tháng sáu ghi mười hai/ Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng nay Tố của ai?/ Tay gõ vào bia mười ngón rập/ Mười năm theo máu hận trào rơi/ Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp/ Khúc cổ bồn ca gõ hát chơi...”. 
Đỗ Anh Vũ
.
.