Múa dân gian dân tộc đang ở đâu?

Thứ Tư, 15/01/2014, 08:00
Đêm chung kết "Vũ điệu đam mê" mùa đầu tiên diễn ra vào tối ngày 27/12 vừa qua đã đem đến cho người xem những màn trình diễn ấn tượng và đẹp mắt. Bốn đội thi đã vượt qua một chặng đường dài để có mặt ở vòng chung kết gồm: Nhóm S.I.N.E, "Những chú hề nổi loạn", "Trò chơi bắt đầu" và Tô Lâm. Mỗi đội biểu diễn hai tiết mục và phải công nhận rằng, tất cả các tiết mục đều được đầu tư dàn dựng công phu, không hổ danh là những nhóm nhảy tài năng nhất của cuộc thi. Duy chỉ có điều, có quá ít "chất liệu" múa dân gian dân tộc được các thí sinh sử dụng trong cuộc thi này...

Thí sinh Tô Lâm giành ngôi vị Á quân của cuộc thi "vớt vát" chút dân gian dân tộc qua điệu múa "Thị Màu lên chùa". Với kỹ thuật điêu luyện, diễn xuất tốt, âm nhạc hay, sân khấu hiện đại, tiết mục biểu diễn của Tô Lâm đã nhận được những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả. Giám khảo Trần Ly Ly cũng đã phải thốt lên rằng, lần đầu tiên được xem tiết mục "Thị Màu lên chùa" sáng tạo và ấn tượng như vậy.

Tôi thì cho rằng, "Thị Màu lên chùa" phiên bản Tô Lâm đã "phá nát" một tích truyện thông qua nghệ thuật múa dân gian đã bị "lai tạp". Súng sính trong bộ tứ thân, tay cầm quạt hồng, Tô Lâm đã có những màn nhảy kiểu hip hop đương đại xen kẽ những đoạn múa sử dụng chất liệu dân gian dân tộc Việt thực không phù hợp và "thuận mắt". Phần biểu diễn của các giám khảo cũng hoàn toàn nói "không" với múa dân gian dân tộc. Giám khảo Dumbo với bài nhảy hip hop trên nhạc bài hát "Con bướm xinh"; giám khảo Hồ Ngọc Hà với màn hát múa sôi động; giám khảo Trần Ly Ly thì say đắm trong một bài múa đương đại.

Những tiết mục kết hợp nhuần nhuyễn giữa múa dân gian và múa hiện đại như thế này rất "hiếm" trong những cuộc thi về nhảy múa trên truyền hình.

Không chỉ có "Vũ điệu đam mê", những chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa khác cũng "quên" mất nhiệm vụ quảng bá cho múa dân gian dân tộc. "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance" có lẽ là chương trình về nhảy múa "chất" nhất hiện nay. Sau hai mùa thi, sân chơi này đã tìm ra khá nhiều gương mặt diễn viên múa trẻ cho làng múa nước nhà. Khác với format của "Vũ điệu đam mê", "Thử thách cùng bước nhảy" tìm kiếm những vũ công xuất sắc nhất. Chính vì vậy, yếu tố kỹ thuật, kỹ năng, kỹ sảo của từng người được đặt lên hàng đầu.

Múa dân gian dân tộc Việt Nam yếu về kỹ thuật chân, thiếu những bước quay, nhảy lớn, chính vì thế, nó ít được sử dụng và khai thác trên sân khấu tìm kiếm tài năng này. Số lượng tiết mục dự thi sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc trong "Thử thách cùng bước nhảy" chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Sân chơi nhảy múa giành cho các ngôi sao - "Bước nhảy hoàn vũ" cũng không mấy xuất hiện múa dân gian trong những phần thi theo phong cách "free style". Ấn tượng nhất với tôi trong cuộc thi này là bài múa dân gian dân tộc H'Mông do ca sĩ Đoan Trang và bạn diễn của mình thể hiện trong mùa thi lần thứ nhất. Tuy nhiên, bài dự thi của Đoan Trang năm đó không được ban giám khảo cũng như khán giả đánh giá cao.

Một thực tế đáng buồn là, múa dân gian dân tộc đang bị mai một và dường như không thể cạnh tranh với các dòng múa nước ngoài đang du nhập vào nước ta. Múa hiện đại phương Tây, dancesport, hip hop… như một làn gió mới được giới trẻ nồng nhiệt đón nhận. Điều này có thể minh chứng qua xu thế chọn bài, cách thể hiện của các thí sinh trong những cuộc thi về nhảy múa. Thí sinh được khán giả yêu thích thường là những người có thể mạnh về hiphop (Lâm Vinh Hải, quán quân "Thử thách cùng bước nhảy" năm 2012; Ngọc Thịnh, quán quân năm 2013 hay nhóm S.I.NE - quán quân cùng 3 nhóm thi lọt vào chung kết "Vũ điệu đam mê" 2013).

Múa dân gian dân tộc đang ở đâu trong dòng chảy đương đại có lẽ vẫn là câu hỏi đau đáu với những người làm nghề. Trên sân khấu múa chuyên nghiệp đang thiếu vắng những tác phẩm múa dân gian dân tộc mới có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật. Điều này có thể thấy rõ, khi đi tham dự các liên hoan múa thế giới, chúng ta vẫn phải sử dụng đến những tác phẩm mà "tuổi đời" cũng đã 50, 60 tuổi như múa "Mùa ban nở" (Biên đạo: NSND Minh Tiến); múa Katu (Biên đạo: NSND Thái Ly - NSƯT Ngân Quý), "Tiếng gọi nơi hoang dã" (Biên đạo: NSND Công Nhạc)…

Những điệu múa cổ còn lưu truyền đến ngày nay như múa Chèo tầu (gắn với tục thờ tướng của hai bà Trưng); múa Xoan (gắn với tục thờ công chúa Xuân Dung); múa Dô (gắn với tục thờ thần Tản Viên); múa Xamơr (trong lễ mừng cốm mới người Banar); múa Xarikakeo (của dân tộc Khermer) cũng… không nhiều. Bên cạnh đó, hiện tượng dị bản đã làm cho những điệu múa dân gian không còn nguyên vẹn như trước kia.

Theo NSƯT Ngân Quý - người có công lớn trong việc sưu tầm, chỉnh lý, đưa vào giảng dạy hệ thống múa dân gian các dân tộc Tây Nguyên thì thời gian gần đây khi có dịp trở lại địa bàn Tây Nguyên mà trước kia chính bà đã đến sưu tầm múa dân gian thì nay nhiều điệu múa đã không thấy xuất hiện nữa, thay vào đó là những động tác múa rất lạ. Khi được hỏi thì những người múa nói rằng họ học điệu múa đó trên tivi hoặc do cán bộ phong trào dạy.

Phải đánh giá một cách khách quan rằng, truyền hình thực tế đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhất là về phương diện truyền thông. Với nghệ thuật múa, thông qua những cuộc thi đầy màu sắc, khoảng cách giữa khán giả và nghệ thuật múa đã được rút ngắn. Từ hiểu về múa, người ta sẽ yêu múa và đặt nghệ thuật múa ở vị trí xứng đáng của nó. Tuy nhiên, phải làm sao để những sân chơi nhảy múa phát đi trên sóng truyền hình quốc gia có sự dõi theo của hàng triệu người, trong đó có rất nhiều khán giả trẻ được lồng ghép với định hướng giáo dục về múa dân gian dân tộc.

Mới đây, "Vươn tới đỉnh cao", một gameshow nhằm quảng bá nghệ thuật hàn lâm opera được phát sóng trên VTV3. Chưa biết hiệu quả của gameshow sẽ đi đến đâu nhưng rõ ràng, mục đích và ý nghĩa của nó là rất đáng trân trọng. Có lẽ, múa dân gian cũng đã đến lúc cần những cú "hích" như thế…

Phạm Mạnh Tường
.
.