Một tuần ở xứ Kim Chi
Nhà báo Mai Đức Lộc, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng làm Trưởng đoàn. 6 thành viên còn lại, ngoài tôi (Thường trực Hội Nhà báo Hải Phòng) là nữ nhà báo Hà Kim Chi, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kiểm tra - Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo Lê Thành Phương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kiên Giang, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang; nhà thơ - nhà báo Phạm Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND; nữ nhà báo Ninh Hồng Nga, Phó Tổng biên tập Báo Tin tức; nhà báo Phan Bang Sơn, Văn phòng Báo Nhân dân.
Đoàn nhà báo Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo, phóng viên Báo Nông dân (Hàn Quốc) tại trụ sở báo. |
Đúng 16h30’ (giờ Hàn Quốc) ngày 14/9, máy bay hạ cánh xuống sân bay Incheon, một sân bay nhân tạo được dựng lên từ vùng biển có một khoảng đất cận kề với đất liền. Trên đường từ sân bay Incheon về Seoul, tôi tin rằng mọi người đều choáng ngợp bởi cảnh quan hai bên đường. Các tòa nhà cao không dưới 20 tầng đan vào nhau tạo thành một không gian vuông vức. Vẻ đẹp của những tòa nhà với không gian ấy được tạo nên còn bởi sắc nắng của tiết thu, bầu trời trong vắt, khiến cho vùng đất đoàn chúng tôi đi qua trở lên mênh mang, cao vời vợi.
Xe chạy đều đều với tốc độ 100 km/giờ suốt quãng đường trên 40km từ sân bay về Thủ đô. Thật thú vị khi thông dịch viên Lee Jung - sook (người từng nhận bằng Tiến sĩ Ngữ văn sau 8 năm học, nghiên cứu và bảo vệ luận án tại Việt Nam) cho biết, sông Hàn bao quanh Thủ đô Seoul xanh trong và hấp dẫn có chiều dài hơn 21km, có 27 cây cầu với nhiều kiểu dáng khác nhau bắc qua nhằm tạo sự thông thương không chỉ của Thủ đô với bán đảo mà còn của nhiều địa phương khác đến với bán đảo.
Tối hôm đầu tiên đoàn đến Hàn Quốc, ông Prak Chong - ryul, Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc, Tổng biên tập Báo Dân tộc và Tôn giáo đón đoàn tại Hotel President. Sau nghi lễ ngoại giao, hai bên giới thiệu thành phần trong buổi giao lưu, ông Prak Chong - ryul bày tỏ: "Tôi yêu Việt Nam bởi cảnh trí và phong cách ứng xử của những người Việt Nam mà tôi đã gặp qua 4 lần được đến đất nước của các bạn".
Ông kể những nơi ông đã đến là Vịnh Hạ Long, Thành cổ Quảng Trị, Phố cổ Hội An, thành phố Hồ Chí Minh. Và ông đề nghị: "Chúng ta hãy đối đãi với nhau như bạn bè, như anh em, ai cao tuổi gọi là anh, ai ít tuổi là em".
Câu nói chân tình của ông đã xóa đi mọi nghi lễ ngoại giao và thực tế trong bảy ngày (từ tối 14 đến trưa 21/9/2015), đi đến đâu, giữa các thành viên của đoàn nhà báo Việt Nam với các bạn đồng nghiệp và các quan chức địa phương nơi đoàn đến ở Hàn Quốc đều ứng xử với nhau như những người bạn lâu ngày mới có dịp gặp lại. Trong không khí thân mật, sau khi giới thiệu các thành viên đại diện Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc tiếp các bạn đồng nghiệp Việt Nam, với thái độ cởi mở, cử chỉ thân tình cùng chất giọng pha nét hóm hỉnh, ông Prak Chong Ryul chỉ vào các đồng nghiệp trong Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc, trong đó có ông Lee Young - jae, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, nói: "Họ là những người giỏi hơn tôi. Không có họ tôi chả làm được điều gì".
Trưa 18/9, đoàn chúng tôi nhập vào dòng du khách thuộc nhiều quốc gia leo lên đỉnh cao nguyên Campus cao hơn 1.500m so với mặt biển. Trời khá lạnh với nền nhiệt là 12 độ. Mặc dù là buổi trưa mà trời vẫn nặng mây mù khiến ai nấy cùng ao ước mong nắng hửng lên. Thi thoảng có cơn gió đẩy sương mù tan loãng từng chặp, mọi du khách cùng anh em chúng tôi háo hức ghi lại hình ảnh những chiếc quạt gió khổng lồ nằm trên các ngọn núi của cao nguyên Campus.
Ông Giám đốc Nông trường kiêm hướng dẫn viên cho biết: Ở cao nguyên này có hơn 20 cây quạt gió là nguồn năng lượng chính phục vụ cho cả vùng. Nông trường chăn nuôi chủ yếu là cừu và bò. Hơn 500 công nhân vừa chăn nuôi cừu và bò vừa bảo vệ các cánh rừng nguyên sinh. Ngoài ra, họ còn phục vụ du khách xem tiết mục "chó chăn cừu" và dọn vệ sinh nơi du khách tới tham quan.
Giám đốc Nông trường cho biết, năm 2007, Nông trường chính thức khai trương Khu du lịch sinh thái, trong nhiều quy định có quy định xử phạt nghiêm (thậm chí bỏ tù) những người hút thuốc lá ở nơi rừng cấm và có hình thức khen thưởng cho những người phát giác. Tuy vậy, Nông trường vẫn bố trí trong Khu du lịch những căn nhà bằng kính cho người hút thuốc. Tôi đã đến xem nơi dành riêng cho du khách hút thuốc và thừa nhận ở đất nước Hàn Quốc, dường như nơi nào cũng có chỗ dành riêng cho người hút thuốc. Chỉ một chi tiết đó đủ cho thấy sự tôn trọng nhu cầu của mỗi cá nhân, nhưng cũng yêu cầu mỗi cá nhân phải biết tôn trọng cộng đồng trong giao tiếp công cộng.
Đoàn nhà báo Việt Nam nghe giới thiệu sơ đồ trước khi vào tham quan hệ thống các công trình xây dựng phục vụ Thế vận hội Mùa Đông 2018 tổ chức tại thành phố PyeongChang. |
Cảm nhận về mối liên kết giữa giao thông với môi trường khiến tôi không khỏi cảm phục khi nhớ lại hình ảnh ông Kim Sang-pyo, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thế vận hội mùa Đông ở thành phố PyeongChang (thuộc tỉnh Gangwon) nói về bốn mục tiêu đặt ra đối với Thế vận hội. Đồng thời với các mục tiêu Hòa bình, Văn hóa, Kinh tế là mục tiêu về Môi trường. Sau khi được Ủy Ban Thế vận hội thế giới đồng ý cho Hàn Quốc đăng cai (vào năm 2018), từ năm 2013, Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng 12 sân vận động cho 15 môn thi đấu. Mức đầu tư cho toàn bộ công trình Thế vận hội là 12,8 nghìn tỷ won, tương đương 12 tỷ USD.
Với hàng loạt công trình như vậy mà không thấy cảnh ngổn ngang, mọi vật liệu đều được sắp đặt gọn gàng, được phủ kín bằng những tấm lưới nilon màu xanh. Du khách đến tham quan công trình hoàn toàn mãn nguyện với cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Ngắm các công trình chợt nhớ tới các cánh đồng nơi chúng tôi đã đi qua. Nông sản đang được thu hoạch đều xếp gọn gàng trong các thùng nhựa hoặc thùng catton. Trung tâm lưu thông nông sản Anseong nổi tiếng nhất Hàn Quốc đứng ra thu mua tận vườn, tận ruộng. Sản phẩm không bảo đảm chất lượng bị hủy ngay tại vườn hoặc ruộng. Các sản phẩm được thu mua từ 14 giờ đến 17 giờ và chuyển về Trung tâm để chế biến ngay trong đêm. Sáng hôm sau mọi thành phẩm nông sản được chuyển đến 351 siêu thị phục vụ cho người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng tươi, sạch.
Với hệ thống môi trường đồng bộ nên đi khá nhiều nơi ở Hản Quốc mà chẳng nhìn thấy bụi và khói. Có lẽ nhờ môi trường trong lành nên ngắm những khách bộ hành trên các đường phố, hoặc thi thoảng gặp người đi xe máy hay xe đạp chả thấy ai phải đeo khẩu trang để chặn ô nhiễm. Môi trường thân thiện và cách ứng xử của các bạn Hàn Quốc đi cùng với đoàn hoặc những người mà chúng tôi gặp trên đường mới hiểu thêm sự thân thiện trong giao tiếp của bạn thấu đáo, chân tình thế nào.
Trưa hôm 18/9, trong bữa cơm thân mật do Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Gangwon mời, được biết hôm nay là ngày sinh lần thứ 58 của nhà báo Lê Thành Phương, ông cẩn trọng đặt lên bàn hộp bánh ngọt cùng những ngọn nến và nói lời chúc mừng nhà báo Lê Thành Phương. Tình tiết bất ngờ khiến không chỉ nhà báo Lê Thành Phương mà tất cả các thành viên trong đoàn nhà báo Việt Nam đều xúc động. Lại nhớ hôm được đoàn bạn đưa chúng tôi lên ngọn núi nổi tiếng Juwang của thành phố Cheongsong, nữ nhà báo Hà Kim Chi đi đôi dép hơi cao gót, ông cán bộ của chính quyền thành phố đi cùng đã lặng lẽ vào một nhà hàng mượn đôi giày và khi thấy Kim Chi loay hoay với đôi giày mới, ông đã cúi xuống tự tay xỏ giày cho Kim Chi.
Hoặc hình ảnh ông Thị trưởng thành phố Cheongsong cùng phu nhân mặc lễ phục của dân tộc Hàn Quốc đi dự Lễ hội đa văn hóa, một Lễ hội mới có trong những năm gần đây ở Hàn Quốc khi đất nước Hàn Quốc ngày càng có nhiều người ở các dân tộc trên thế giới đến làm ăn, sinh sống, ông cùng phu nhân chụp ảnh kỷ niệm với đoàn nhà báo Việt Nam trước Bảo tàng men sứ nổi tiếng của Hàn Quốc. Sau khi chụp xong tấm hình, ông xin phép sáng mai sẽ đến khách sạn tiếp chuyện anh em trong đoàn trước khi đoàn về lại Seoul.
Rồi dần dà tôi sẽ kể thêm những điều cảm nhận về Hàn Quốc trong chuyến đi này. Chỉ biết rằng, với mình ngày càng ngộ thêm cái ý sâu xa trong câu thành ngữ mà các cụ mình đã dạy "Đi một ngày đàng học một sàng khôn".