Một thời 'Hát cho đồng bào tôi nghe'
Huế, 1965.
Gió từ mặt sông Hương thổi lên làm rối những lọn tóc cậu sinh viên đứng lặng bên thành cầu Tràng Tiền. Giai điệu ủ sâu bất chợt rung lên: "...Hát cho sông không sâu, cho tiếng kêu đò thật gần / Hát cho đêm qua lâu, cô lái đưa người vào bờ/ Hát sâu trong xa xưa, tiếng hát Trưng Vương hồng thơm/ Hát vang danh Lam Sơn, người cũng như mây lên non...". Ngừng hát, đôi mắt người thanh niên thả về phương Nam xa xôi... Guitar trên vai, anh dợm bước.
Cha của Tôn Thất Lập vốn là cán bộ Việt Minh, yêu đàn hát. Tý tuổi đầu Lập đã thuộc lòng rất nhiều bài kháng chiến. Sách gối đầu giường của Lập là các bộ văn học kinh điển Trung Quốc, Thơ Mới và văn chương Tự Lực Văn Đoàn. Ở đó có những anh hùng hành hiệp trượng nghĩa, hiểm nguy không ngại; có lý tưởng lãng mạn, hào sảng cùng nỗi buồn thời cuộc bàng bạc chất tiểu tư sản... Vậy nên vần nhạc đầu tiên của cậu học trò xứ Huế sớm phảng phất ưu tư, lãng đãng xa xăm như mây trời... với "Những con đường nhỏ", "Bằng tên một loài hoa"...
Chiến tranh lan rộng. Thỉnh thoảng đạp xe qua cầu Tràng Tiền, nhìn từng gã sĩ quan Mỹ to lớn, mặt mũi bặm trợn trêu ghẹo nữ sinh, Lập bậm môi đến ứa máu. Lòng kẻ sĩ bế tắc, tuyệt vọng giữa cảnh quê hương loạn lạc để rồi đau đớn mà viết: "Đêm đêm tiếng ca hao gầy đậu xuống môi em/ Trút hơi sau cùng giải thoát nhân gian" (Tiếng hát về khuya).
Chí khí của một tráng sĩ "Tống biệt hành" thôi thúc bước chân Tôn Thất Lập xuống đường, hòa cùng thác lũ sinh viên cuồn cuộn. "Ngày ấy, chúng tôi thường ví von rằng 20 năm trước, thế hệ đàn anh đấu tranh bằng cách xếp bút nghiên lên đường thì 20 năm sau, thế hệ chúng tôi tranh đấu bằng cách cầm bút nghiên ở lại nhà trường, ôm guitar xuống đường đấu tranh" - nhạc sĩ Tôn Thất Lập nhớ lại.
Phong trào "Hát cho dân tôi nghe" chỉ thực sự phổ biến khi Tôn Thất Lập hoạt động tại Sài Gòn. Ở đó, anh là Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh, Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác - Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Từ năm 1965 - 1966, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn có chương trình "Tiếng nói sinh viên" 45 phút trên Đài Phát thanh Sài Gòn vào khoảng 5 giờ chiều. Ca khúc "Hát cho dân tôi nghe" trở thành nhạc hiệu mở đầu. Nhưng chương trình nhanh chóng bị đóng cửa.
Đến trước thềm chiến dịch Tết Mậu Thân, ca khúc này mới thực sự gây dấu ấn khi trình diễn tại Đêm hội Tết Quang Trung do Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức. Từ sáng sớm, Học viện Quốc gia Hành chánh đã sôi nổi không khí chuẩn bị. Ai đi ngang qua trường cũng náo nức dừng trước lá cờ Quang Trung màu hồng có vòng tròn màu vàng ở giữa phần phật trong gió, nhìn xa không khác cờ đỏ sao vàng. Sinh viên Y khoa Thiên Lý cảm khái làm hai câu thơ: "Nhìn xa thấy vạn sao mừng/ Ước mơ mình cũng tưởng chừng cờ bay".
Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa tăng cường vây ráp, đe dọa. Nhưng hàng vạn khán giả vẫn vượt hàng rào phong tỏa, ùn kín sân trường. Mở đầu, khoảng 200 sinh viên cầm ngọn đuốc ca vang "Hát cho dân tôi nghe". Đến đoạn điệp khúc, hàng ngàn tiếng vỗ tay bên dưới cất theo dàn đại hợp xướng: "Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/ Ngày nào hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/ Giành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/ Giành lại thành phố đó bàn tay nâng cao hòa bình...". Bài "Thăng Long hành khúc", "Gò Đống Đa", "Hội nghị Diên Hồng" và các bài sử ca nối tiếp theo sau. Không khí càng lúc càng hùng hồn, sục sôi, nhất là khi sinh viên Tôn Thất Lập góp thêm bài hát "Người đợi người" như dự báo về một mùa xuân quật khởi.
Là cánh chim đầu đàn của phong trào, Tôn Thất Lập tập hợp các nhạc sĩ sinh viên, chính thức dùng âm nhạc như vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, hòa chung với phong trào xuống đường, tuyệt thực, đốt xe tăng Mỹ... đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam. Nhiều nhạc sĩ sinh viên của phong trào được biết đến như Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Trần Long Ẩn, La Hữu Vang, Miên Đức Thắng....
Đêm nhạc mừng Giáng sinh, vì hòa bình ngày 27/12/1969 tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, phong trào đấu tranh đòi hòa bình này ra mắt với cái tên chính thức "Hát cho đồng bào tôi nghe". Các nhạc sĩ sinh viên tham gia xuống đường, làm nên ca khúc mang hơi thở thời cuộc như: "Người mẹ Bàn Cờ", "Ngày lao động vùng lên", "Tự nguyện", "Tổ quốc ơi ta đã nghe", "Hát trong làn khói đạn", "Dậy mà đi"... Âm nhạc đa phần dồn dập như thúc gọi, giục giã thanh niên đứng lên.
Một đêm, khi Tôn Thất Lập cùng bạn đang tập văn nghệ thì cảnh sát ngụy ập vào. Xe dừng trước cổng Nha Cảnh sát đô thành. Tên cai "tặng" một tràng dùi cui ra oai rồi đưa đồ tù cho Lập: "Mày nhận bộ đồ này là ở đây suốt đời đó con". Mặt Lập hơi tái. Sẽ làm được gì khi bị bắt, vĩnh viễn chôn tuổi xuân nơi này? Mấy bữa đầu Lập bỏ cơm, nỗi buồn chán, sợ hãi thường trực. "Anh sinh viên ơi, cố gắng ăn đi, chúng ta còn chiến đấu lâu dài đấy". Giọng nói trầm ấm, dịu dàng của cô gái buồng giam bên cạnh làm anh vững dạ.
Sáng ngày 19/5, lại giọng nữ khác ở buồng giam vọng sang: "Các đồng chí, hôm nay chúng ta chuẩn bị để tối nay tổ chức văn nghệ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ". Bảy giờ tối, các phòng giam làm lễ rồi đồng loạt vang lên: "Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù...". Tôn Thất Lập sững sờ, mừng rỡ đến phát khóc.
"Tôi chỉ biết đứng im nghe mọi người hát. Đêm đó, tôi không ngủ được. Trong tù không có giấy bút nên tôi chỉ sáng tác năm câu cho dễ nhớ: "Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/ Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí/ Trái tim này là gang đập tan những người bán nước/ Thân xác này là đồng trong có dòng máu đỏ/ Máu có đổ ban mai sẽ ấm mặt trời". Chỉ vài ngày sau, các phòng giam khác đều hát vang bài ca mới" - nhạc sĩ kể. Bị bắt gần một tháng thì anh được thả ra vì sức ép của dư luận.
Một tiết mục văn nghệ của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". |
Năm 1971, Tổng hội Sinh viên tổ chức cuộc hội thảo và xuống đường tại Đại học Nông Lâm Súc nhằm chống lại trò bầu cử dân chủ trá hình của Nguyễn Văn Thiệu. Chính quyền Sài Gòn đàn áp dữ dội bằng phi tiễn và lựu đạn cay, 179 sinh viên bị bắt. Ở Ty Cảnh sát quận 1, ba ngày đầu, Lập và anh em tuyệt thực. Đến đêm thứ 4, một chương trình văn nghệ được tổ chức ngay trong nhà tù.
Dứt một bài hát hoặc một bài thơ, tiếng vỗ tay từ các phòng giam khác vọng lại dồn dập. Sáng hôm sau Trưởng Ty gọi những người cầm đầu lên, đập bàn: "Các anh làm gì thì làm nhưng cấm không được hát". Đánh đập, bắt bớ càng khiến sinh viên yêu nước "lớn" thêm. Phong trào ngày càng lan rộng đến các đô thị như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt... và gây tiếng vang đến các nước phía bên kia nửa bán cầu.
Năm 1973, Tôn Thất Lập được giao nhiệm vụ sang Pháp, đưa phong trào đi sâu vào cộng đồng sinh viên, bà con Việt kiều yêu nước và những người bạn quốc tế yêu hòa bình. Trong chuyến cùng anh Võ Như Lanh, Quyền Tổng hội Sinh viên Việt Nam nói chuyện ở một trường đại học ở Canada, anh ôm đàn hát bài "Tự nguyện" của Trương Quốc Khánh. Bài ca vừa dứt, một em bé Canada tầm 7 tuổi tặng bức tranh vẽ chim bồ câu tung cánh giữa những nốt nhạc, phía dưới là một biển lửa. Nhìn bức tranh, anh dự cảm về một lời chúc tốt lành cho dân tộc…
Sáng 30/4/1975 tại Pháp, Tôn Thất Lập đang ngủ thì điện thoại reo. Đầu dây bên kia, sơ Francoise Vandermeersh reo vui: "Lập ơi, hãy dậy uống một ly sâm banh mừng Việt Nam giải phóng". Anh tung chăn, nhảy cẫng như một đứa trẻ. Ở nhà sơ, rất đông cụ già và em bé đang đứng chờ anh. Mỗi em ôm một bó hoa muguet li ti còn đọng sương lạnh giá, trên gắn dòng chữ: "Một bông hoa cho Việt Nam chiến thắng". Họ bán hoa nhằm quyên tiền ủng hộ cho cuộc tranh đấu đòi thả tự do cho 200.000 tù nhân chính trị Việt Nam. Trưa hôm đó, anh cùng bà con trí thức Việt kiều và đồng bào người Pháp đi biểu tình cho việc tiếp quản các tòa đại sứ Sài Gòn cũ. Anh sung sướng hòa trong dòng người và hát vang "Giải phóng miền Nam", "Quốc tế ca" giữa trời Paris tuyệt đẹp. Buổi tối, anh Nguyễn Thiên Đạo sáng tác ngay bài: "Hướng về quê hương độc lập". Tôn Thất Lập ôm đàn, hai anh em song ca. Vừa hát, họ vừa mong lúc đó được mọc đôi cánh để bay ngay về quê hương hòa chung niềm vui đoàn tụ.
Một thời tuổi trẻ cùng cây đàn guitar rong ruổi đi tìm giấc mơ hòa bình trong những âm thanh đồng vọng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập nghiệm ra một điều: "Chiến tranh khốc liệt chừng nào thì bà con đất Việt dù sống ở đâu, ở hoàn cảnh nào, càng gắn bó với quê hương chừng đó. Âm nhạc thức tỉnh, kết nối lòng người, dù khác tiếng nói màu da, và nói hộ ước vọng của những người yêu tự do, hòa bình".