Một đứa trẻ bụi đời trở thành nhà văn
Buôn Ma Thuột là nơi đứa bé bị “đánh rơi”, nên cứ xem nơi ấy như là quê quán. Còn đứa trẻ bơ vơ ngay từ khi lọt lòng, đỏ hỏn ấy không ai khác chính là thằng Xo, tức nhà văn Võ Phi Hùng sau này.
1- Nỗi ám ảnh khủng khiếp vì không có mẹ, cha; không biết cha, mẹ mình là ai đã theo Võ Phi Hùng suốt cuộc đời. Tuy nhiên, trong tâm hồn anh luôn có một bà mẹ chịu thương chịu khó, nhẫn nại trước bao biến động thăng trầm của cuộc sống. Bà mẹ ấy chính là người đàn bà đã cưu mang anh khi anh hãy còn là “thằng Xo” lang thang, bụi đời.
Khi từ Buôn Ma Thuột “trôi dạt” về Sài Gòn, Xo chỉ mới bảy tuổi. Để có miếng ăn sống qua ngày, nó đã phải làm đủ thứ việc: chạy bàn quán ăn, bán báo dạo, phụ hồ, giữ xe, gác rạp hát… Bầm lên, dập xuống chốn vỉa hè; lắm khi chén cơm chan nước mắt… Thế rồi, thằng Xo được một người phụ nữ tốt bụng mang về nuôi.
Thấy thằng nhỏ không có họ tên đàng hoàng, bà lấy họ và chữ lót của chồng mình là Võ Phi đặt cho nó. Còn cái tên Hùng là do bà nhìn mặt thằng bé thấy rất nam nhi, hùng dũng. Cái tên Võ Phi Hùng có từ đấy.
Có một cái tên đàng hoàng để gọi, có một mái nhà để nương thân, thằng Xo lại được cho đi học ở Trường La San nghĩa thục. Đấy là ngôi trường từ thiện do các sư huynh thành lập, nhằm dạy chữ cho trẻ em nghèo, lang thang cơ nhỡ. Trời thương, Xo là một đứa trẻ thông minh, học rất giỏi, nhất là môn Việt văn. Xo cũng là đứa rất mê đọc sách. Niềm đam mê đọc sách của Xo được người cha nuôi khuyến khích, bởi ông dù là một người nghiện rượu nhưng đồng thời cũng là một “con mọt sách”.
Một hôm, trong đống sách vứt bừa bãi của người cha nuôi, thằng Xo vô tình vớ được được cuốn “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng. Đọc xong cuốn sách, Xo ngồi khóc một mình, khóc như chưa bao giờ được khóc. Nếu nói sách vở có khả năng thay đổi số phận con người thì cuốn “Những ngày thơ ấu”đã thay đổi số phận thằng Xo, làm cho nó trở thành “một con người khác”.
Mấy ngày sau, thằng Xo lại đọc được cuốn “Kiếm sống” của đại văn hào Nga M.Goócki. Xo nhớ hoài câu nói của ông già với thằng bé ở cuối truyện: “Mày không phải là cái mề đay cứ lủng lẳng trên cổ tao mãi, mày phải ra đời mà kiếm sống”. Câu nói trong sách ấy thật sự đã làm “sống dậy” máu bụi đời vốn tiềm ẩn trong người thằng Xo. Từ đó, nó quyết thực hiện một cuộc sống tự lập…
Năm 1972, truyện ngắn đầu tay “Dưới cầu thang” của Võ Phi Hùng được đăng trên báo “Văn”. Văn đàn Sài Gòn bắt đầu xuất hiện một cái tên rất lạ, có một vài tác phẩm gây chú ý. Tuy xuất hiện trên văn đàn trước năm 1975, nhưng có thể nói Võ Phi Hùng là nhà văn được khẳng định tên tuổi sau ngày giải phóng miền
Sau năm 1975, anh là người tình nguyện đi dạy văn hóa cho trẻ em bụi đời sống vùng ven kênh rạch, rồi làm việc ở phòng văn hóa thông tin Quận 8, nơi anh có dịp sống gần gũi với những người dân nghèo. Liên tục các tác phẩm của Võ Phi Hùng được ra đời, từ: “Kẻ lang bạt trở về” (1987), đến “Đời có tên tụi mình” (1992), rồi “Đóng đinh vào khoảng không” (1993), “Bất trắc” (1996), “Trong cơn lốc” (1997) v.v… Không chỉ sáng tác văn học, Võ Phi Hùng còn là một nhà biên kịch khá nổi tiếng với các kịch bản phim: “Đời có tên tụi mình”, “Giã từ dĩ vãng”, “Chim phóng sinh”, “Cầu thang tối”, “Tên bắt cóc” v.v…
2- Sau khi đột ngột xin nghỉ “hưu non” ở Tuần báo Văn nghệ Tp. HCM, những tưởng nhà văn Võ Phi Hùng lui về “ở ẩn” hay lang thang giang hồ. Nhưng không, trong suốt hai năm trời nhà văn “đóng cửa” ngồi viết hơn 5.000 trang sách về thế giới vỉa hè của trẻ em bụi đời. “Sống sót vỉa hè” - bộ truyện thiếu nhi dài 37 tập của nhà văn Võ Phi Hùng ngay từ khi ra mắt đã thực sự gây “sốt” cho các độc giả nhí.
Đều đặn, mỗi tuần một tập, các bạn nhỏ không thể nào bỏ qua những: “Tứ hải giai huynh đệ”, “Chia tay”, “Tiểu San thủ lĩnh”, “Mất dấu ngựa hoang” v.v… (tên những tập sách của bộ “Sống sót vỉa hè”).
Với riêng tôi, khi đọc bộ truyện này chợt có cảm giác như nhà văn đang làm “bản tường trình” cuộc đời mình thông qua các nhân vật: Ớn, Tím, Lợt, Đẹt Ma Bùn, Tí Héo v.v… Cứ như thế, lật giở từng trang sách, bám theo chân các nhân vật của Võ Phi Hùng, chúng ta như được sống trong thế giới của những đứa trẻ không nhà. Những cái vỉa hè ấy, ngày nào chúng ta lại không đi qua. Thế mà, khi đọc “Sống sót vỉa hè”, chúng ta lại giật mình, chợt nhận ra có một thế giới thật “lạ lùng”, nó vừa dữ dội gây sợ hãi lại vừa mộc mạc, hồn nhiên đến đáng yêu, đến rơi nước mắt.--PageBreak--
Đấy là một thế giới chưa được xếp đặt. Nó sẽ mãi mãi là một thế giới mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy chứ không thể hiểu biết, nếu chúng ta cứ đứng bên lề. Tuy nhiên, hãy nhớ, để “sống sót” được ở vỉa hè là điều cực kỳ khó, nhất là đối với những đứa trẻ (!). Đôi khi giữa thiện và ác chỉ là một ranh giới mong manh.
Tôi nhớ, trong bộ truyện có một nhân vật tên là thằng Ớn, trong đêm giao thừa đã mơ tiếng “mạ” gọi. Tâm hồn nó đang hướng thiện, đang muốn thoát khỏi vỉa hè, muốn được trở về sum họp dưới mái nhà yên ấm.
Một nhân vật khác là Kha “bão biển”- một thằng bé có “máu lạnh” với những thủ đoạn ghê gớm, mà khi xây dựng nhân vật này, Võ Phi Hùng cho rằng đấy là những “ấu trùng của Năm Cam”. Nếu những “ấu trùng” ấy không được thanh tẩy thì xã hội sẽ nguy hại biết bao. Cố nhiên, điều ấy không chỉ có ở trang sách, bởi Võ Phi Hùng là người quá am tường thế giới vỉa hè để có thể đưa ra những nhận định như vậy(!).
3 - “Người viết tay cuối cùng”- tôi vẫn thường gọi đùa Võ Phi Hùng bằng một “biệt danh” như vậy, bởi từ trước đến nay anh luôn là người “viết tay” trung thành, trong khi các nhà văn bây giờ dù nghiệp dư mấy đi chăng nữa cũng gõ máy tính một cách ngon lành. Hoặc, nếu có người “hoài cổ” thì cũng lốc cốc máy đánh chữ, chứ không đến mức “thô sơ” như anh. Vậy mà, đơn giản lắm, chỉ cần vài cây bút bi, một tệp giấy trắng khổ A4 bỏ túi là nhà văn Võ Phi Hùng có thể “hành nghề” bất cứ nơi đâu.
Cũng không câu nệ cái chỗ ngồi; ngồi ngay tại cơ quan, ở quán cóc bên đường, trong công viên, hoặc quán trọ trên những bước đường lang thang… ở đâu Võ Phi Hùng cũng viết được. Có phải vì vậy mà những trang viết của anh luôn ngồn ngộn hơi thở cuộc sống?!
Có khi bạn đọc chợt đặt cho Võ Phi Hùng một câu hỏi như vậy, khiến anh ngồi thừ ra trong giây lát, rồi anh tủm tỉm cười trả lời theo cái cách của riêng anh: “Tôi là kẻ lang bạt thích viết lách, chọn viết lách làm nghề kiếm sống. Tôi không thích ngồi những chỗ sang trọng, mà thích ngồi ở một cái xó nào đó… Khi buồn, tôi… rờ đầu gối, viết văn chơi!”.
Nghe nói khi viết “Sống sót vỉa hè” là khoảng thời gian Võ Phi Hùng đã nghỉ hưu, từ chối khoản tiền “bồi dưỡng” của cơ quan, thật sự “cắt liên lạc” với mọi người. Thời gian này, Võ Phi Hùng về Long An vừa trông ao cá cho người con, vừa… rờ đầu gối viết văn. Cứ thế, anh cặm cụi “viết tay” trong suốt hai năm trời.
Bản thảo của bộ truyện được giao cho nhà thơ Cao Xuân Sơn, biên tập viên NXB Kim Đồng “xử lý”. Lâu nay, phần nhập liệu bản thảo, thỉnh thoảng nhà thơ Cao Xuân Sơn lại nhờ cậu con trai làm giúp, cũng là một cách “thẩm định” tác phẩm qua lăng kính của một độc giả nhí. Với “Sống sót vỉa hè”, cậu bé con trai nhà thơ Cao Xuân Sơn vừa nhập liệu vừa… “xuýt xoa” khen: “Hay quá!”, khiến nhà thơ Cao Xuân Sơn vui mừng bảo: “ổn rồi!”. Thế là sau khi đọc lại, cắt tỉa “gọn gàng”, ban biên tập đã quyết định phát hành mỗi tuần một tập.
Ban biên tập của NXB Kim Đồng đã lên kế hoạch tạm ứng nhuận bút để nhà văn Võ Phi Hùng viết tiếp. Nhưng, đúng lúc này thì nhà văn của chúng ta lại “bặt tăm chim cá”, không một dòng địa chỉ hay điện thoại để liên lạc. Mỗi ngày, mỗi khi nghe tiếng bước chân đi về phòng biên tập mọi người đều… vái trời là bước chân của Võ Phi Hùng. Mới đây, trên Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng có “nhắn tin” nhà văn Võ Phi Hùng đang ở đâu xin vui lòng cho địa chỉ liên lạc để giải đáp những thắc mắc, tâm tình của độc giả. Song, tin nhắn đã đăng mà hồi âm chưa thấy(!)