Một chuyện buồn cười…

Chủ Nhật, 13/11/2016, 08:02
Đầu hè năm 1968, Quân chủng Phòng không - Không quân mở trại viết. Ở nơi sơ tán. Lúc đầu ở xóm trại Chân Sông xã Sài Sơn. Hoá ra vẫn gần cầu Phùng bị máy bay địch bỏ bom dữ quá. Trại viết lại sơ tán về xã Thạch Tháu, cũng vẫn ở huyện Quốc Oai. Sau một tháng học lý thuyết do các nhà văn Hữu Mai, Đại Đồng giảng dạy, chúng tôi bắt đầu viết truyện kí. Viết xong được các thầy Hữu Mai, Đại Đồng, Vũ Sắc đọc luôn. 


Trại viết kết thúc tôi và Nguyễn Trí Huân được giữ lại sinh hoạt cùng với các anh Nguyễn Đình Ảnh, Đỗ Chu, Thế Kỷ là người của Cục Chính trị. Đỗ Chu đã là nhà văn danh tiếng với các truyện: Hương cỏ mật, Thung lũng cò, Chiến sĩ quân bưu, Mùa cá bột... Nguyễn Đình Ảnh đã có thơ đăng báo. Anh khoe thơ anh được đích danh chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội đọc và biên tập. Thế Kỷ ngước mắt nhìn.

Đỗ Chu bảo:

- Ảnh mới biết làm mấy câu ca dao thôi.

Nguyễn Đình Ảnh cự lại:

- Lục bát không phải thơ à. Truyện Kiều cũng toàn lục bát đấy thôi.

Tôi và Huân như học trò của các anh nên không tham gia bình luận. Huân được lưu lại để sửa truyện kí viết về anh hùng pháo cao xạ Bùi Xuân Chiến còn tôi chữa truyện kí về những kỉ niệm của lính pháo cao xạ chúng tôi với Bác Hồ, khi Bác đến thăm, thành ba truyện: Điếu thuốc lá của Bác Hồ, Khóm hoa hồng, Chiếc mũ sắt với người pháo thủ số 5.

Nhà văn Đỗ Chu với góc phố vỉa hè thường ngồi.

Viết xong lại đưa cho các thầy đọc và góp ý rồi viết lại. Chứ Nguyễn Đình Ảnh, Thế Kỷ, Đỗ Chu chả bao giờ đọc truyện của chúng tôi. Những câu chuyện của chúng tôi sau này đều được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Báo Quân đội nhân dân.

Nhóm chúng tôi không ở nơi sơ tán nữa mà chuyển về Học viện Thuỷ lợi, gần lăng Hoàng Cao Khải. Thầy trò của Học viện đi sơ tán hết. Nhà trường vắng ngắt. Chúng tôi ở một gian trên tầng 2, do anh Thế Kỷ phụ trách. Anh Thế Kỷ im lặng cả ngày.

Như để bù cho Thế Kỷ, Đỗ Chu nói tràng giang đại hải. Kiến văn sâu rộng. Chúng tôi học được ở Đỗ Chu nhiều lắm. Từ cách chọn tên truyện, cách đặt câu văn, cách dùng chi tiết. Có tác phẩm nào hay của ta của Tàu, của Nga... anh lại mang về cho tôi và Huân đọc.

Chúng tôi trưởng thành một phần nhờ Đỗ Chu. Anh Thế Kỷ thường im lặng. Anh bảo không chè, không nghiện thuốc. Rượu anh cũng dửng dưng. Còn Đỗ Chu thì luôn mang theo một cái điếu cày rõ dài và một bọc thuốc lào. Nguyễn Trí Huân cùng hút với Đỗ Chu và trở thành lính công vụ của anh.

Tôi không rõ Nguyễn Trí Huân nghiện thuốc lào từ trước hay khi ở gần Đỗ Chu anh mới hút. Nguyễn Đình Ảnh coi tôi và Nguyễn Trí Huân như học trò của anh. Về tầm văn hoá, anh là bậc thầy của chúng tôi. Anh tốt nghiệp Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cùng với những người bạn nổi tiếng Phạm Tiến Duật, Nguyễn  Khoa Điềm.

Còn tôi mới lớp 10/10, Huân mới lớp 7/10. Là bậc thầy nên giọng Nguyễn Đình Ảnh rất hách. Anh thường sai chúng tôi khi giặt quần áo, khi quét nhà, gập chăn màn, thậm chí cả canh cho anh đi chơi với bạn gái. Thời ấy cả năm anh em tôi đều chưa ai có vợ.

Một đêm mưa to như trút nước. Sân Học viện Thuỷ lợi nước ngập lênh láng. Chúng tôi ở Học viện Thuỷ lợi nhưng đi ăn cơm ở bếp của một đơn vị Không quân phía trong gò Đống Đa. Bữa sáng, tôi và Huân thay nhau đi lấy. Thường là một nắm mì không có bột nở quánh như đất thó. Không ăn thì đói. Đỗ Chu chỉ nhổm nhoảm mấy miếng. Còn chúng tôi đều ăn hết.

Bữa trưa ấy nước ngập, chúng tôi đều xắn quần tới gối lội lõm bõm. Nguyễn Đình Ảnh không ngờ nước ngập vẫn lộp cộp đôi giày da Coóc sơ ghin, không tất, nặng như cùm. Nhưng anh đi quen rồi. Anh lưỡng lự trước khoảng sân ngập nước rộng như ao hồ. Đỗ Chu bảo:

- Nguyễn Đình Ảnh vứt giày đi.

Nguyễn Đình Ảnh giọng rất hách:

- Thằng Ngữ, thằng Huân cõng tao.

Bấy giờ Thế Kỉ mới mở miệng:

- Vô lý! Không thể có chuyện đó.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân.

Nguyễn Đình Ảnh hạ giọng:

- Cóc đừng mở miệng hại mình. Mình nhờ Ngữ và Huân chứ có nhờ Thế Kỷ đâu. Mình đau chân không thể lội nước mà.

Đỗ Chu phán:

- Chúng mày kệ nó. Cái cậu này hay vờ vịt lắm.

Nguyễn Đình Ảnh vẫn hạ giọng:

- Tao xin mày. Tao van mày Bình ơi! (Đỗ Chu tên khai sinh là Chu Bá Bình).

Đỗ Chu lấp lánh nhìn Nguyễn Đình Ảnh qua đôi mắt kính cận. Ảnh tháo giày ra xem đã.

- Ối giời ơi, chân mình đau mà tháo giày dẫm xuống đây thì khác gì lội nước.

Đỗ Chu cười tủm tỉm:

- Cho Ảnh nhịn vậy.

Thế Kỷ hất hàm:

- Ngữ và Huân chịu khó cõng Ảnh đi.

Nguyễn Đình Ảnh sướng run vừa co chân, bấu vào vai tôi vừa nói:

- Kỷ thương mình nhất.

- Mày khen tao hoá thằng Bình nó ác à? Ngữ bỏ nó xuống đi.

Lúc ấy tôi đã cõng Nguyễn Đình Ảnh lõm bõm lội được mấy bước rồi. Nguyễn Đình Ảnh sợ tôi nghe Thế Kỷ, lắp bắp nói nhỏ vào tai tôi:

- Ngữ thương mình thì thương cho chót. Đừng như Thế Kỷ sợ thằng Bình.

Tôi cõng Ảnh được nửa quãng đường nước thì Huân thay. Không ngờ cái sân Học viện Thuỷ lợi úng ngập lâu quá. Những trận mưa rào liên tiếp đổ thêm nước vào. Chúng tôi cõng Nguyễn Đình Ảnh thì không mệt nhưng mệt nhất là cái đoạn đổi người sang vai cho nhau.

Lúc đi còn đỡ. Lúc trở về bụng anh nào cũng no. Nguyễn Đình Ảnh hay kêu tức bụng. Nhất là lúc sang vai cho nhau, Nguyễn Đình Ảnh thường lúng túng, rón rén, sợ chân chạm nước, sợ ngã. Và quả thực đã có vài lần Nguyễn Đình Ảnh suýt ngã khiến cả ba chao đảo.

Tôi và Huân bảo nhau nhặt gạch xếp thành một cái bệ vuông vắn cao hơn mặt nước độ ba hòn gạch. Khi đổi cõng, để Nguyễn Đình Ảnh đứng xuống cái bệ gạch ấy. Như vậy vừa nhàn thân vừa chắc chắn, không lo Nguyễn Đình Ảnh sợ ngã mà xô cả ba ùm xuống nước.

Trời mùa hè nắng gắt, mưa nhiều. Cái sân chẳng bao giờ hết nước. Trưa hôm ấy trên đường về, tôi đặt Nguyễn Đình Ảnh đứng lên đống gạch cho Huân thay. Ngâm nước lâu, mấy viên gạch non  bị mục. Giày da  Coóc sơ ghin thì cứng.

Nhà văn Dương Duy Ngữ.

Nguyễn Đình Ảnh quay quả thế nào mà đứng ra tận mép đống gạch khiến những viên gạch non vỡ ra làm anh ngã chỏng gọng. Thế là anh bị tắm nước bẩn từ đầu đến chân. Tôi và Huân vội đỡ anh đứng dậy, dìu anh đi về. Từ hôm ấy anh vứt bỏ đôi giày lộp cộp, đi dép rọ cho dễ lội nước. Da anh đã trắng, đẹp, đôi chân xỏ giày da lâu ngày, trông trắng nõn ra, chả có vết xây vết xước. Nguyễn Đình Ảnh bảo tôi với Huân:

- Hai thằng chơi khăm tao.

Thế Kỷ chữa:

- Cậu vờ vịt nên trời mới chơi khăm.

Đỗ Chu cười tủm tỉm:

- Mừng cho hai thằng đỡ vất vả.

Chúng tôi sơ tán ở Học viện Thuỷ lợi đến hơn một tháng trời.

Khi sắp kết thúc, với giọng rất hách, Nguyễn Đình Ảnh bảo tôi với Nguyễn Trí Huân:

- Văn chương gì chúng mày. Kiếm việc khác mà làm kẻo sau này hối không kịp.

Tôi thực thà hỏi lại:

- Chúng em không biết viết văn à?

- Ừ. Văn mày thì... văn Huân thì...

Anh nhận xét một tràng dài. Chúng tôi hoang mang suy sụp.

May sao, sau đó Nguyễn Đình Ảnh đưa truyện kí của anh cho chúng tôi đọc.

Đọc xong, tôi và Huân hỏi nhau: “Viết thế này mới là văn là truyện ư?”.

Thật tiếc, truyện kí về bộ đội tên lửa lần đầu ra trận của Nguyễn Đình Ảnh không được các thầy chọn in vào tập truyện kí của quân chủng. Còn truyện của tôi và Huân được coi là tốt. Ở các trại viết, cụ nhà văn Vũ Sắc vẫn đem làm mẫu cho anh em mới nhập cuộc văn chương.

Mấy chục năm sau, năm 2005, gặp Nguyễn Đình Ảnh và chị Thanh vợ anh đi trại viết của Hội Nhà văn ở Vũng Tàu, vui chuyện tôi nhắc lại chuyện cũ. Nguyễn Đình Ảnh khoái lắm. Anh bảo:

- Mày viết đi nhưng phải thêm câu này: “Nếu tao không bảo hai thằng chúng mày chọn nghề khác thì chưa chắc chúng mày đã trở thành nhà văn tên tuổi”.

 26-10-2016

Dương Duy Ngữ
.
.