Tản văn

Luỹ tre làng tôi

Thứ Tư, 12/03/2014, 08:00
Lũy tre vây bọc làng tôi, như một bức tường ngăn cách làng tôi với thế giới bên ngoài, duy trì trong lòng nó nào là phong tục tập quán, nào là "đất lề quê thói", kể cả giọng nói đậm chất Hạ Mỗ không đâu trộn lẫn. Trong lũy tre là một xã hội thu nhỏ với đủ sắc màu tối sáng. Lũy tre còn là một bức tường an ninh. Khi có trộm cướp hoặc hỏa hoạn, dân làng khua chiêng gõ mõ, hô hoán mọi người đến truy bắt hoặc ứng cứu kịp thời...

Thời đó, ra khỏi ngõ là cây cối um tùm, chủ yếu là tre. Tre vây bọc, chở che đời sống người dân quê. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao ngõ tre xanh ngút ngát, lối đi ra giếng ấy lại gọi là chổ (từ địa phương quê tôi). Có lẽ chỗ đó là một trong những cửa ngõ của lối xóm, từ trong xóm đi ra ngoài đồng ruộng, nên gọi là chổ chăng? Những hôm nóng nực, người xóm tôi đổ ra rặng tre này để hóng mát. Rặng tre ở hướng đông nam, hướng đón gió, nên lúc nào cũng tràn ngập gió, các cụ gọi là quạt giời. Gió trên rặng tre lúc nào cũng reo vi vút. Mấy con trâu khoan khoái nằm dưới bóng tre chậm rãi, thong thả nhai khan, khiến ta có cảm giác thời gian dường như chùng lại theo từng nhịp nhai uể oải của chúng. Người dân xóm tôi cười cười nói nói đủ thứ chuyện không đầu đề. Rặng tre ở chổ như một tụ điểm câu lạc bộ ngoài trời của người dân xóm tôi thời ấy.

Nhưng lũy tre để lại cho tôi ấn tượng về sự bề thế, ken dày vững chãi như những con người luôn kề vai sát cánh bên nhau, lại là lũy tre chạy dọc ao ông Cẩm, ông Dư và chạy mãi về phía ao ông ngoại tôi. Lũy tre này chủ yếu là tre đực lâu năm, thân rắn đanh, mốc mác. Đây mới thực sự là thành lũy, là bức tường thành thiên nhiên xanh ngắt và khó bề xuyên thủng. Lũy tre này đứng trên bờ của dãy ao làng ở hướng bắc nên về mùa đông, nó là tấm bình phong che chắn những cơn gió bấc cắt da cắt thịt thổi vào làng. Cạnh lũy tre là con ngòi, dấu tích của dòng sông Nhuệ xưa.

Lũy tre vây bọc làng tôi, như một bức tường ngăn cách làng tôi với thế giới bên ngoài, duy trì trong lòng nó nào là phong tục tập quán, nào là "đất lề quê thói", kể cả giọng nói đậm chất Hạ Mỗ không đâu trộn lẫn. Trong lũy tre là một xã hội thu nhỏ với đủ sắc màu tối sáng. Lũy tre còn là một bức tường an ninh. Khi có trộm cướp hoặc hỏa hoạn, dân làng khua chiêng gõ mõ, hô hoán mọi người đến truy bắt hoặc ứng cứu kịp thời. Chẳng thế mà thời kháng chiến 9 năm, bọn Tây và tề ngụy ở đồn Thượng Mỗ, bốt Bồng Lai mỗi lần vào làng càn quét cũng phải sợ mất vía.

Sở dĩ tre nhiều như thế vì tre luôn gắn liền với đời sống thường nhật của người nông dân. Hầu như mọi thứ trong nhà đều từ tre mà ra. Chỉ tính các dụng cụ gia đình cũng thật phong phú. Cái rá để vo gạo, đãi đỗ; cái rổ để đựng rau cỏ, hoa quả; cái sảo chứa cỏ cho trâu bò ăn, chứa phân trâu, phân bò đi thu gom được; cái nong cái nia để chứa thóc gạo; cái giần lỗ nhỏ, cái sàng lỗ to để sàng sảy; cái thúng cỡ to, cái mủng cỡ nhỏ để nhà nông chứa các nông sản như thóc, gạo, đỗ, lạc; đến cả cái thang, cái đòn gánh, đôi đũa…hết thảy đều được làm từ cây tre nguyên liệu.

Một trong những vật dụng chứa đựng hồn quê, gắn liền với đời sống sinh hoạt mộc mạc chân quê của nhà nông, đó là chiếc chõng tre. Chõng tre là một cái giường cơ động, tiện dụng, có thể kê ở đầu hè, ngoài vườn, dưới bóng mát của bốn bề cây lá xanh tươi. Mùa hè nằm chõng tre mát rời rợi, hơn cả giường cao chiếu rộng trong phòng máy lạnh ngộp thở sau này. Bên cạnh chõng tre, ở quê tôi, còn có giường tre. Đến cả cái giại - tấm bình phong bề thế vừa trang trí vừa để chắn gió kê ở ngoài hiên nhà, cũng làm bằng tre. Rồi các dụng cụ đánh bắt cá cũng có nguồn gốc từ tre, như cái nơm, cái đó, cái lờ, cái đăng, vó tôm, vó bè, cái giỏ đựng tôm cá, cái cần câu…

Các vật dụng làm từ cây tre ở làng quê thời xưa có thể nói, nhiều vô kể. Qua bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của người nông dân, cây tre bỗng hóa thân thành những đồ dùng gia đình vừa tiện dụng, vừa đẹp mắt. Tôi từng thích thú ngắm nhìn những cái rổ, cái rá, cái giần, cái sàng…với các nan tre được vót chuốt nuột nà cùng với kĩ thuật đan lát điêu luyện. Rõ ràng đó không chỉ là các đồ dùng, các vật dụng mà là các tác phẩm, thể hiện sự khéo tay, óc thẩm mĩ tinh tế và ẩn chứa cả tâm hồn, tính cách của người đã làm ra các đồ dùng mộc mạc ấy.

Tre không chỉ gắn với đời sống vật chất mà còn gắn với đời sống tinh thần của người dân quê tôi. Cánh diều bay cao bát ngát, tiếng sáo diều réo rắt vang xa…cũng đều có nguồn gốc từ cây tre thân thuộc. Khung diều được làm từ phần cật của những thân tre đực; sáo diều cũng là những ống tre được khoét gọt công phu. Chưa hết, ngày hội làng đầu xuân 12 tháng giêng ở quê tôi, thỉnh thoảng người ta vẫn trồng những cây đu, để trai thanh gái lịch thỏa sức đua tài. Cây đu gắn liền với những ngày hội xuân ấy cũng được làm từ những cây tre đại, rắn chắc, dẻo dai…

Tre, loài cây từng được coi là biểu trưng của làng quê đất Việt, ở quê tôi, nay không còn bóng dáng. Các vật dụng gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê đã kể ở trên nay được thay thế bằng các đồ dùng làm từ nhựa, sắt, inốc, từ đủ thứ nguyên liệu khác ngoài tre. Bây giờ, ở quê tôi, tre, lũy tre, rặng tre, bờ tre, khóm tre, bụi tre, đọt tre,…dường như chỉ còn tồn tại thấp thoáng trong kí ức của những người cao tuổi. Hồn tre còn bảng lảng đâu đây trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân quê tôi…

Lê Hữu Tỉnh
.
.