Lướt sóng đảo Ngọc

Thứ Hai, 24/06/2019, 15:21
Tháng sáu. Đường biển từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc (còn gọi là đảo Ngọc) luôn có sóng to gió lớn. Từ Hà Tiên chỉ có mỗi đường tàu cánh ngầm ra đảo. Cánh buôn khẳng định tàu mới được cải tiến đi ngược sóng êm như ru. Nghe bùi tai mọi người quyết định mua vé. Khi lên tàu chúng tôi mới hay là mình... dại. Bởi mới rời bến vài hải lý, tàu đã vấp phải một đợt sóng giội làm mọi người xô cả vào nhau...


Chuyện chống say

Quả là các cụ nói "Tháng Ba bà già đi biển" cấm có sai. Chuyến đi của tôi đã chứng minh điều đó. Sóng cuồn cuộn chảy ngược vào bờ liên tiếp làm thân tàu như bị nhấc bổng lướt trên mặt sóng. Khách hàng ai nấy đều phải bám chặt vào thành ghế. Tôi cũng phải ôm lấy chiếc cột sắt kế bên cho người khỏi bị chao đảo bật ngửa.

Sóng mỗi lúc một dữ hơn. Tàu thỉnh thoảng lại bị giật mạnh ngỡ như dựng ngược cả thân tàu. Một bà đi buôn nhắm mắt lại, luôn miệng khấn ông trời tha cho kiếp nạn này. Anh bộ đội đứng trước mặt tôi thì cười nói cứ như không có chuyện gì. Thật kỳ lạ, tàu cứ dựng lên mà anh vẫn đứng vững không hề lay chuyển. Cũng may nhờ đó mà tôi quên đi hình ảnh cái túi nôn luôn thường trực trước miệng bà đi buôn.        

Mấy người đàn ông đón hàng từ chợ biên giới Hà Tiên về cũng vậy. Họ chuyện trò rôm rả. Một ông vỗ đùi kể, năm 2014 đảo Phú Quốc có điện, biết bao nhiêu là dự án dựng lên. Dân tình cứ ngỡ các đại gia vào cướp đảo đến nơi. Họ đồn thổi phen này dễ phải kéo lên núi ở. Đâu đâu các bãi biển cũng bị khoanh vùng đo đạc.

Bảo tàng Cội nguồn ở Phú Quốc.

Nhưng rồi không khí trở lại như xưa. Các đại gia lớt phớt chỉ trỏ mãi rồi cũng bỏ chạy. Họ lấy lý do đảo Phú Quốc sóng dữ lắm. Bó tay! Cả mấy ông cùng cười ha hả. Sau đó một ông hấp háy mắt nói, từ khi có sân bay quốc tế Phú Quốc, du khách Nga đến nườm nượp. Vợ con ông đi học mấy câu tiếng Nga về tập nói nhí nhố. Lúc nào gặp khách Nga mua hàng là hét toáng lên mấy tiếng "Khơ ra sô! Khơ ra sồ!". Hay vãi. Thế là mấy ông lại cười. Tôi cũng phì cười nhưng vẫn không quên ôm ghì lấy cột sắt.

Mấy người đang chuyện trò rôm rả thì đến lượt anh bộ đội góp mặt. Anh kể mấy năm nay dân đảo giàu hẳn lên vì làm du lịch. Ông lái buôn già nhất tặc lưỡi nói chỉ được nuôi trai lấy ngọc và nước mắm thôi chứ đâu có hơn. Nhưng anh bộ đội khẳng định giống hạt tiêu của đảo mình cũng ngon nhất nước.

Tôi cố hóng chuyện cho đỡ cơn say đã dồn tới cổ họng. Anh bộ đội bất chợt ngâm nga rõ to: "Nào nhất là giống hạt tiêu/ Nuôi trai lấy ngọc, lại nhiều mắm ngon". Anh ta còn thao thao kể, Phú Quốc có nhiều bãi tắm dài không đâu sánh nổi. Tôi góp chuyện: "Nghe đâu bãi Trường dài 30 cây số. Tôi nhớ có người nói cát ở đó mịn như kem". Đúng! Anh bộ đội trả lời câu hỏi của tôi và còn nhấn thêm rằng, cát vàng óng mịn không khác gì kem đậu xanh.

Chợt con tàu bật lên cao vì sóng lớn. Tiếng trẻ khóc thét vì giật mình. Tàu cao tốc chao đảo một hồi rồi băng băng hú còi. Mọi người lại rôm rả kể những câu chuyện lướt sóng. Cứ tự nhiên như không. Một ông còn khẳng định Phú Quốc có một cái nhất nữa là không hề có tệ nạn xã hội. Nhà ông để cả bốn chiếc xe máy ở vỉa hè ngay vệ đường, nhiều đêm quên cả khóa, mà trộm không thèm ngó. Họ tiếp tục thi nhau "nổ" chuyện.

Nào là đảo có khách sạn năm sao đầu tiên. Nào là đường cáp ngầm dưới biển dẫn điện lưới từ đất liền ra đảo dài nhất nước (60 cây số). Hoặc đảo còn có bảo tàng tư nhân lớn nhất cho đến hiện nay… Rồi cả hàng cà phê tiếng Anh khiến cánh trẻ mê tít. Họ ngồi tràn vỉa hè trò chuyện và hát bằng tiếng Anh. Chuyện chưa vãn thì tiếng còi tàu rúc một hồi dài chuẩn bị cập bến. Ai nấy đứng dậy thở phào chuẩn bị lên bờ.

Hồi ức ngàn năm

Trời trong xanh. Mây trắng nõn sau cơn mưa. Đoàn chúng tôi rục rịch chuẩn bị đến thẳng Bảo tàng "Cội nguồn". Đây là địa chỉ đầu tiên được lời hẹn. Bảo tàng cũng là một trong những cái "nhất" mà mọi người kháo trên tàu. Thật bất ngờ khi chúng tôi gặp Giám đốc bảo tàng Huỳnh Phước Huệ. Trông anh trẻ hơn tuổi 45 của mình. Anh nhanh nhẹn dẫn chúng tôi tới phòng đầu tiên và kể lần lượt từng hiện vật trưng bày. Bảo tàng có gần 5.000 hiện vật bày tràn khắp 5 tầng. Diện tích trưng bày gần 2000 mét vuông. Ngay trên sảnh rộng có treo câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu: "Chắt lọc tinh hoa kim cổ lại. Nêu cao nguồn cội nước non này".

Cách đây 20 năm, Huỳnh Phước Huệ đã có ý tưởng lập một bảo tàng về đảo Phú Quốc, nơi anh cất tiếng khóc chào đời. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh trở về đảo bắt đầu cuộc tìm kiếm cổ vật và những di sản còn nằm rải rác đâu đó trong các gia đình, trên rừng núi và cả dưới biển. Anh mày mò tìm hiểu, học hỏi mọi người về khảo cổ và nghiên cứu về cổ vật suốt trong vòng 20 năm.

Có thời gian Huỳnh Phước Huệ làm hướng dẫn viên du lịch trên đảo cũng là một chặng đường sưu tầm và tìm hiểu cặn kẽ về văn hóa và lịch sử của đảo Phú Quốc. Những câu chuyện của anh luôn hấp dẫn mới lạ đối với du khách. Bởi đó là những kiến thức được khám phá rất độc đáo mà chỉ anh mới có.

Đài tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh trong nhà tù Phú Quốc.

Một bề dày lịch sử của hòn đảo đã được Huỳnh Phước Huệ trưng bày rất khoa học. Từ hiện vật đến tư liệu quý hiếm. Mỗi tầng là một lớp lang về văn hóa và lịch sử phát triển của đảo. Những di vật khảo cổ ta thấy có đồ đá, đồng, gốm, gỗ, lũa… Kể cả xương động vật được vớt từ dưới biển hay đào bới trên rừng núi đem về.

Đặc biệt, bảo tàng còn có những di vật gắn với cuộc chiến đấu giữa Nguyễn Ánh với quân Tây Sơn. Bảo tàng "Cội nguồn" hiện có hơn 1.000 di vật cổ còn nguyên vẹn đã được Nhà nước kiểm định và đóng dấu là tài sản quốc gia. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên được Nhà nước công nhận (2009) với quy mô có nhiều di sản cổ nhất hiện nay.

Giám đốc Huệ cho biết, đảo Phú Quốc còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá. Với sự hình thành 3500 năm qua, Phú Quốc như một kho báu. Đó là sự giàu có do thiên nhiên ban tặng đúng với nghĩa "Rừng vàng biển bạc". Bảo tàng "Cội nguồn" là những trang sách đầu tiên được đọc lên giữa chốn trùng khơi.

Những người vượt biển

Chuyến đi tàu ngược sóng quả là một trải nghiệm đối với tôi. Khi đến Di tích "Nhà tù Phú Quốc", mọi người được nghe chuyện hàng trăm chiến sĩ quân đội ta đã vượt ngục ra sao. "Mẹ đại dương" đã cứu sống họ. Chuyến vượt biển đầu tiên hơn 100 tù nhân trốn thoát năm 1956 quả là dũng cảm. Họ kết bè cứ thế để cho sóng biển đưa dạt vào bờ. Giặc Pháp rồi giặc Mỹ sau này tăng cường hàng ngàn quân lính canh gác nhà tù.

Vậy mà tới năm 1969, chiến sĩ ta vẫn tổ chức vượt biển thành công. Lần này số người vượt ngục còn lớn hơn. Họ kết thành nhiều bè cho nhỏ gọn, đợi đêm đến gió Nam nổi lên. Đúng lúc đó pháo sáng của những tên canh ngục bắn lên trời. Biết dễ bị lộ, một số người tình nguyện ở lại để đánh chặn cho đồng đội vượt biển. Qua một đêm vật lộn với sóng gió, các chiến sĩ đã cập bờ khi ánh bình minh lóe sáng.

Đến năm 1972, thời điểm cao trào của cuộc chiến đấu chống Mỹ, số tù nhân lên tới 40.000 người. Hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh vì bị chúng đánh đập tra tấn dã man. Đến năm 1973, giặc Mỹ thất bại và phải thực hiện hiệp ước trao trả tù binh. Tình cờ chúng tôi gặp được cựu chiến binh Nguyễn Tài Triệu ở Hà Nội trong chuyến trở về nguồn cùng đơn vị.

Ông bị giam tại nhà tù Phú Quốc từ năm 1968 cho đến ngày trao trả tù binh. Giọng ông sang sảng như ngày nào hô anh em ra chống đối những đòn khủng bố độc ác và âm mưu thủ tiêu cán bộ của giặc Mỹ. Đứng trước tượng đài kỷ niệm sự hy sinh của đồng đội, ông Triệu nói họ là những anh hùng của đất nước. Đúng như lời thơ của chiến sĩ đã được khắc ghi trên bia đá: "Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc. Hồn bay lên thành linh khí quốc gia".

Cảnh Linh
.
.