Lựa lời mà nói

Thứ Ba, 12/03/2013, 08:00
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các tiến bộ về công nghệ truyền thông được áp dụng triệt để. Bất kỳ một cuộc nói chuyện tay đôi nào cũng có nguy cơ bị ghi âm, sau đó ít phút nội dung được phơi lên trên các trang web, trong các clip để đến với độc giả và khán giả khắp mọi miền. Đây là một thực tế dù không muốn, ta cũng khó mà ngăn cản được. Phải tập sống chung với nó. Bởi vậy, điều cần phải cảnh tỉnh trước nhất, là tùy vào vị trí của mình, khi phát ngôn, ta phải hết sức lựa lời...

Chúng ta đều biết, trong cuộc sống, không phải lúc nào giữa "nói" và "nghĩ" cũng đồng nhất. Lý do có thể do ai đó thiếu can đảm, nghĩ vậy song vì vị trí của mình, vì miếng cơm manh áo của mình mà không dám cất lên tiếng nói của sự thật. Lý do nữa, có thể do vấn đề phức tạp, cần phải có đầy đủ thông tin, dữ liệu, có đủ độ sắc bén trong mổ xẻ, phân tích mới có thể nhận xét được đúng bản chất vấn đề, thành thử ai đó có muốn nói cũng phải lựa lời, sao cho lời nói phát ra rồi không bị thiên hạ phản ứng. Bởi thế mới có chuyện, khi ngồi với nhau bên bàn trà, nơi chỉ có vài ba người đối ẩm với nhau, người ta có thể phát biểu suy nghĩ, nhận xét của mình về vấn đề này, vấn đề nọ một cách thoải mái, song khi lên phát biểu trên hội trường, giữa chốn đông người, người ta lại dè dặt. Không hiếm người phải chuẩn bị văn bản viết sẵn. Không chỉ để nói cho "có câu có cú" (nghĩa là suôn sẻ về mặt hành văn), mà cái chính là để tránh những sơ suất mà ta gọi nôm là "lỡ lời". Không, ở đây xin đừng ai vội qui kết rằng sở dĩ có cái "sợ" ấy là vì ở ta không có dân chủ trong phát ngôn. Chữ "lỡ lời" không có nghĩa đó là những phát biểu "phạm húy", "động chạm" tới ai đó có quyền có chức. "Lỡ lời" tức là phát biểu chưa thấu đáo, chưa nhìn toàn diện vấn đề, chưa tinh tế khi đặt nhận xét, ý kiến của mình vào bức tranh tổng thể của cuộc sống, từ đó dẫn tới việc gây phương hại cho uy tín, danh dự của người khác. Thế mới có chuyện, nhiều người khi ngồi tâm tình chuyện đời tư với các nhà báo, trong phút giây cởi lòng, họ đã tâm sự nhiều điều thuộc loại "tuyệt đối bí mật", nhưng khi nhà báo ra về, họ đều không quên lời dặn: "Viết gì thì nhớ cho mình xem lại nhé". Không, không phải họ tráo trở, thay lòng đổi dạ gì đâu, mà bởi khi nói chuyện hai người với nhau thì khác, khi bài báo được đưa lên cho hàng vạn người đọc thì lại cần phải cân nhắc hết sức thấu đáo: Cái gì đưa ra, cái gì chưa nên đưa ra và cái gì không được phép đưa ra.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các tiến bộ về công nghệ truyền thông được áp dụng triệt để. Bất kỳ một cuộc nói chuyện tay đôi nào cũng có nguy cơ bị ghi âm, sau đó ít phút nội dung được phơi lên trên các trang web, trong các clip để đến với độc giả và khán giả khắp mọi miền. Đây là một thực tế dù không muốn, ta cũng khó mà ngăn cản được. Phải tập sống chung với nó. Bởi vậy, điều cần phải cảnh tỉnh trước nhất, là tùy vào vị trí của mình, khi phát ngôn, ta phải hết sức lựa lời. Phải luôn hình dung ta tuy đang nói chuyện với một người, với một nhóm người, nhưng nhiều khả năng là ta đang nói chuyện trước cả đám đông. Một chiếc máy ghi âm đủ nối thông lời phát biểu của ta với cộng đồng rộng rãi. Bên cạnh đó, những người nghe  cũng cần phải tỉnh táo và nhân văn hơn. Nghe đấy nhưng không phải điều gì cũng ghi lại, cũng tung ra. Bạn mình tin mình thì mới nói, mới trải lòng thổ lộ nỗi niềm, dù những phát ngôn ấy chưa phải lúc nào cũng đúng. Vậy mà ta lại lợi dụng lúc bạn cởi mở tâm tình để ghi lại, rồi tung lên công luận để cộng đồng mạng… "ném đá". Chưa nói nội dung ta ghi âm lại ấy có thực đại diện cho suy nghĩ của người nói không, mà xét về mặt tình, cách hành xử ấy rõ ràng là không ổn!

Lê Huy Văn
.
.