Lớn lên trong điệu đàn đất nước

Thứ Ba, 19/12/2017, 08:44
Yêu âm nhạc dân tộc từ thuở nằm nôi, thấm qua câu hát ầu ơ của mẹ, giấc mơ thành người của các em gắn với câu ca, tiếng đàn cha ông. Tình yêu đó lớn dần và trở thành máu thịt. Để rồi chính các em trở thành những sứ giả tuyệt vời đưa báu vật muôn đời ấy đến mọi người...


Âm nhạc dân tộc, từ lâu luôn lâm vào tình trạng đỏ mắt tìm "măng". Bọn trẻ bây giờ có đủ loại hình âm nhạc từ Đông sang Tây vây quanh. Đa phần chúng thích thú với những gì mới mẻ, sôi nổi của K-pop, nhạc Âu Mỹ xập xình EDM, R&B, rap… hơn là làn điệu mộc mạc của đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, tỳ bà… Những bài ca trong nước mà chúng thuộc thì chủ yếu là nhạc tình của Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi… Hỏi chúng về dân ca, ca trù, hát xẩm, đờn ca tài tử… hầu hết là cái lắc đầu. "Vàng mười" của cha ông trở nên xa lạ và cũ kỹ trong mắt thế hệ mầm non.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, bộc bạch: "Số lượng em thiếu nhi yêu thích nghệ thuật truyền thống khá khiêm tốn so với bộ môn nghệ thuật khác vì nó rất khó, đòi hỏi phải có năng khiếu và niềm đam mê, kiên trì. Để các em tiếp cận và tìm kiếm tài năng ở loại hình này, nhiều năm qua chúng tôi cố gắng triển khai đề án "Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường" và mở lớp truyền dạy. Thế nhưng hiệu quả không đáng là bao. Việc tìm kiếm tài năng nhí rất khó. Tìm được rồi thì không phải em nào có năng khiếu cũng chịu theo học lâu dài".

Bé Lê Minh Khôi biểu diễn đàn sến trong một chương trình giao lưu đờn ca tài tử.

TP Hồ Chí Minh có 200 đội nhóm với 3.000 người nhưng nghệ thuật đờn ca tài tử cũng chưa thu hút giới trẻ huồng hồ các loại hình âm nhạc truyền thống khác. Vậy nên những em bé say mê và theo đuổi bền bỉ âm nhạc cha ông trở thành của hiếm. Đó là cậu bé Thế Thanh ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.

Say mê đờn ca tài tử từ hồi 4 tuổi, Thế Thanh từng khiến mọi người ngạc nhiên khi thể hiện ngon ơ các bài bản khó. Ở Bến Tre lại nổi tiếng với cậu bé Dương Công Tuyễn. Mới 7 tuổi nhưng Tuyễn đã có vô số chuyến lưu diễn khắp các tỉnh thành Nam Bộ. Tuyễn ca rất mùi các bài bản thuộc hơi Bắc như "Tây Thi", "Phú Lục", "Xuân Tình"... 

So với tài tử ca thì tài tử đờn có số lượng vô cùng khiêm tốn. Học ca khó một thì học đờn khó mười. Tài tử đờn nhỏ tuổi gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay như Lê Minh Khôi (đờn sến), Trần Nhựt Đức (guitar phím lõm), Nguyễn Như Cường (đờn kìm), Nguyễn Nguyệt Thu (đờn bầu)… Trần Nhựt Đức năm nay 14 tuổi ngụ ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ba Đức kể: "Học tới lớp 2, nó đã ca được vọng cổ, "Tứ đại oán", "Lưu Thủy"...

Muốn cho con vô bài bản, tôi cho nó theo học nghệ nhân Tư Hồng. Ai dè từ khi theo thầy thì cu cậu thích học đờn hơn". Đức ôm cây đàn guitar phím lõm, cười tít mắt: "Con đã đờn được 6 câu vọng cổ, ba bài Nam, "Xuân Tình", "Phụng Hoàng"... Giờ con còn học thêm đờn sến, đờn cò để biểu diễn cho mọi người nghe" .

Cậu bé Lê Minh Khôi luôn là tâm điểm trong các buổi giao lưu, biểu diễn đờn ca tài tử ở các vùng miền. Hình ảnh cậu bé nhỏ thó mặc áo bà ba, đội khăn rằn lướt ngón "Lý con sáo"; "Lý kéo chài"; "Văn Thiên Tường"; "Phụng Hoàng"; "Long Hổ Hội"; "Sương Chiều Tú Anh"; "Khóc Hoàng Thiên", vọng cổ nhịp 16, nhịp 32... ngon lành trên cây đờn sến khiến người lớn trầm trồ thán phục. Mới dạy vài tháng, thầy Quốc Trung phải công nhận học trò Khôi bắt nhịp lẹ, cách giữ nhịp, chạy ngón, vuốt phím điêu luyện mà không phải ai mới học cũng làm được. Tại "Liên hoan đờn ca tài tử giải Bông sen vàng" của thành phố năm 2016, Lê Minh Khôi đoạt giải khuyến khích với tiết mục độc tấu đàn sến điệu "Đảo ngũ cung".

Yêu thích dòng nhạc dân ca, cổ nhạc Nam Bộ, cô bé 16 tuổi Lê Thùy Trang vừa cho ra mắt MV đầu tay mang tên "Canh ngoại nấu".  Trong MV, cô bé trổ tài chơi đàn bầu, đàn tranh và khoe giọng hát mượt mà. Em mê âm nhạc cổ truyền và những ca khúc mang màu sắc dân gian từ hồi lên 5 tuổi. Được mẹ cho nghe những bài tự tình quê hương, nên dù học piano nhưng em vẫn mê tít cây đàn bầu, đàn tranh, tỳ bà…

16 tuổi, Thùy Trang đã chơi khá tốt nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Em bảo rằng sắp tới sẽ học thêm sáo, đàn tam thập lục và một số các nhạc cụ cổ truyền khác để hiểu hơn cái đẹp mà người xưa sáng tạo, gìn giữ cho đời sau. Làm MV, mong muốn của Thùy Trang là đưa dòng nhạc này tiếp cận nhiều hơn với các bạn đồng trang lứa.

Hỏi vì sao yêu đờn ca tài tử, Trần Nhựt Đức hồn nhiên đáp: vì giai điệu của nó sâu lắng, mượt mà khiến em thấy thoải mái, thư giãn sau giờ học hành. "Sau này, ba mẹ cắt nghĩa, giải thích thêm thì con mới hiểu hơn ý nghĩa các bài bản, bài ca. Đó là tình yêu quê hương đất nước, lòng hiếu thảo với cha mẹ, biết ơn thầy cô, giúp đỡ bạn bè.... Bài vọng cổ mà con thích nhất là "Việt Nam quê hương dũng cảm" - Đức nói.

Năm 2013, ca khúc mang âm hưởng dân ca "Quê em mùa nước lũ" mà cô bé Phương Mỹ Chi cất lên trong vòng giấu mặt "Giọng hát Việt" nhanh chóng gây sốt. Cái mộc mạc Việt Nam trở nên khác biệt và nổi bần bật giữa một rừng ca khúc Tây ta hiện đại. Hiện tượng Phương Mỹ Chi nhanh chóng gây bão. Nó đánh thức công chúng quay về với những khúc hát gần gũi quê mình.

Trở thành nghệ sĩ thành công với dòng nhạc dân tộc là ước mơ của bé Lê Thùy Trang.

Hàng loạt tiết mục dự thi về sau của cô bé đều là bài hát mang âm hưởng dân ca như thế: "Áo mới Cà Mau", "Sa mưa giông", "Nhớ mẹ lý mồ côi", "Đất phương Nam"…  Dù chỉ đoạt vị trí á quân nhưng tên tuổi Phương Mỹ Chi vượt mặt cả quán quân Quang Anh để đến giờ vẫn chưa hề hạ nhiệt với danh xưng "cô bé dân ca".

Từ cơn sốt Phương Mỹ Chi, trào lưu khai thác dòng nhạc dân ca và nghệ thuật truyền thống ở những cuộc thi tài năng thiếu nhi về sau trở nên náo nhiệt. Tại chương trình "Giọng hát Việt", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Tìm kiếm tài năng Việt Nam", "Biệt tài tí hon"… các cậu bé, cô bé có năng khiếu về dân ca, âm nhạc dân tộc xuất hiện ngày càng nhiều. Tiết mục hát xẩm, ca trù, hát chầu văn, cải lương, đờn ca tài tử, chèo, tuồng… trở thành đặc sản lạ lẫm trong các gameshow. Chương trình vừa hút khách lại vừa được tiếng thơm là hết lòng bảo tồn văn hóa dân tộc, ươm mầm tài năng nhí cho loại hình này.

Thế nhưng  số lượng gameshow cho thiếu nhi không ngừng tăng vọt. Y như rằng hôm nay ra mắt chương trình cho người lớn thì ngày mai có ngay phiên bản trẻ con. Số lượng cuộc thi nở rộ khiến các tài năng dần trở nên khan hiếm, đương nhiên tài năng âm nhạc dân tộc lại càng hiếm hoi.

Nắm bắt xu hướng này nên dù có bé hát tốt các thể loại âm nhạc thịnh hành nhưng phụ huynh vẫn cố ép con em mình theo hướng phải chơi nhạc truyền thống để ghi điểm với ban giám khảo. Chuyện các lò luyện thi mọc lên để trang bị cho "gà chiến gameshow" nghe như đùa nhưng có thật trong thực tế. Có em lại do ban tổ chức hoặc huấn luyện viên gò theo hướng  này. Nó khiến khán giả cứ tưởng rằng có vô số em bé yêu văn hóa dân tộc thực sự và nuôi hy vọng rằng mai đây các em sẽ trở thành nghệ sĩ tài năng, đưa văn hóa đất nước đi xa. 

Thực tế, khi nhắc đến dòng nhạc này, người ta chỉ đếm trên đầu ngón tay vài bé có thực lực. Hát theo âm hưởng dân ca Nam Bộ thì có Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường, Thiện Nhân… Đờn ca tài tử có Thế Thanh, Dương Công Tuyễn… Chèo thì có cậu bé Đức Vĩnh, xẩm có Đặng Tú Thanh. Ca trù có ca nương Thanh Tân...

Phải thừa nhận rằng gameshow trên truyền hình góp phần tìm ra những tài năng nhí đam mê nghệ thuật truyền thống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân khiến các em trở thành một món hàng đặc biệt hoặc chạy theo hình thức mà bỏ quên chiều sâu. Anh Lê Minh Hùng, cha bé Lê Minh Khôi, vẫn mong mỏi cộng đồng xã hội, nhà trường tạo nhiều điều kiện hơn cho các bé gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt thường xuyên với nhau chứ không chỉ dừng lại ở cuộc thi nặng so kè hơn thua. Bởi để các em yêu thích và kế thừa di sản dân gian độc đáo này thì cần một quá trình bồi đắp lâu dài chứ không phải cứ hết cuộc thi là xong.

Phan Thi Uyên
.
.