Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016: Thêm một góc nhìn

Thứ Năm, 17/11/2016, 08:35
Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ IV khép lại bằng một đêm trao giải được giới chuyên môn đánh giá là gọn gàng, ấn tượng và mang đậm sắc màu văn hóa Việt. Đây là liên hoan thành công nhất sau bốn mùa được tổ chức. HANIFF đã định hình và ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà làm phim trong nước và quốc tế cũng như khán giả yêu thích môn nghệ thuật thứ bảy. 


Để HANIFF thực sự là một thương hiệu điện ảnh Việt, "điểm hẹn" văn hóa của các nhà làm phim, vẫn còn nhiều điều phải làm ở phía trước.

Vẫn còn những băn khoăn

Theo dõi liên hoan phim từ mùa đầu tiên (ban đầu có tên gọi là Liên hoan phim quốc tế Việt Nam - VNIFF), thấy rất rõ sự "trưởng thành" về mọi mặt. Sự tham gia của các đoàn làm phim quốc tế với nhiều phim chất lượng tốt, trong đó có cả phim từng được vinh danh tại các liên hoan phim danh giá, uy tín trên thế giới đã khẳng định, HANIFF dần xác lập được vị thế và tạo được sức hút với những nhà sản xuất phim trong khu vực và trên thế giới.

Công tác tổ chức liên hoan ngày càng bài bản và chuyên nghiệp. Các sự kiện điện ảnh, hoạt động bên lề liên hoan như hội thảo, chiếu phim kết hợp trình diễn thời trang… đã tạo nên dấu ấn khó quên từ một liên hoan phim tại Việt Nam, dù còn rất non trẻ. Đánh giá một cách công tâm thì so với điểm xuất phát ban đầu, HANIFF đã có những bước tiến dài. Sự nỗ lực, cố gắng của Ban Tổ chức là điều rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn có những băn khoăn.

Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao giải thưởng “Phim truyện dài xuất sắc” tại HANIFF 2016 cho đại diện đoàn làm phim "Hồi ức" của Canada.

Không ít khán giả ngạc nhiên khi phần lớn người thắng cuộc ở các hạng mục trao giải không có mặt để nhận giải thưởng. Thay vào đó là đại diện của các đoàn làm phim và lời cám ơn của người chiến thắng thông qua… thư điện tử. Nói gì thì nói, điều này ít nhiều làm giảm tính hấp dẫn của liên hoan phim mang tầm quốc tế.

Thế mới có chuyện, sau lễ trao giải thưởng, có trang báo mạng giật title rằng, người trao giải nổi bật hơn người được trao giải. Điều này không phải không có lý bởi khá nhiều nghệ sỹ "gạo cội" của điện ảnh quốc tế và Việt Nam, dàn nhan sắc hàng đầu showbiz Việt như Mai Thu Huyền, Trương Ngọc Ánh, Nam Em, Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh… xuất hiện rạng rỡ trên sân khấu trong khi chủ nhân của các giải thưởng lại vắng mặt vì những lý do hết sức chính đáng.

Khi chứng kiến lễ trao giải HANIFF tôi có cảm giác hụt hẫng, thậm chí là chạnh lòng, không phải vì phim Việt "tuột" ngôi vị cao nhất mà là vì những hạng mục giải thưởng mà phim Việt được vinh danh có "chút gì đó sai sai" (nói như cách nói của thanh niên bây giờ). Phạm Ngọc Lân giành giải thưởng "Đạo diễn trẻ xuất sắc" với bộ phim ngắn "Một thành phố khác - Another city" không phải tranh luận nhiều nhưng các giải thưởng cho phim dài có lẽ phải phân tích để có cái nhìn toàn diện và thấu đáo về phim Việt.

Ba phim dài của Việt Nam giành được những hạng mục giải thưởng quan trọng của liên hoan là: "Taxi, em tên gì" (Đạo diễn Đức Thịnh và Đinh Tuấn Vũ) nhận giải thưởng "Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (Đạo diễn Victor Vũ) nhận "Giải biểu dương đặc biệt của Ban Giám khảo", "Trúng số" (Đạo diễn Dustin Nguyễn) với giải thưởng "Phim được khán giả yêu thích nhất".

Có lẽ, với mỗi ekip làm phim, ngoài sự đánh giá, ghi nhận về chuyên môn thì việc chinh phục khán giả là mục tiêu vô cùng quan trọng vì xét cho cùng, tác phẩm nghệ thuật có "đất sống" hay không phụ thuộc rất lớn và sự yêu thương của khán giả. Một số ý kiến cho rằng, các giải thưởng do khán giả bình chọn đều thuộc về phim Việt là một tín hiệu đáng mừng vì điều đó cho thấy, sự ủng hộ, tình yêu của khán giả Việt với phim Việt chưa bao giờ tắt.

HANIFF là liên hoan phim của Việt Nam, được tổ chức tại Hà Nội nên phim Việt có lợi thế hơn hẳn so với những bộ phim nước ngoài khác khi tranh giải ở hạng mục bình chọn của khán giả. Trong khi những bộ phim Việt tham dự HANIFF năm nay đều đã ra rạp, ít nhiều được khán giả biết đến và đạt được thành công nhất định thì những bộ phim nước ngoài lần đầu được được trình chiếu tại Việt Nam.

Có thể nói rằng, chính lá phiếu bình chọn của khán giả đã "cứu" phim Việt trong cuộc cạnh tranh mà nhìn ở góc độ nào đó chưa thực sự công bằng cho tất cả các bên tham gia. Tôi băn khoăn tự hỏi, giữa một liên hoan phim mang tầm quốc tế thì việc có thêm giải thưởng "Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất" liệu có phù hợp khi đã có giải thưởng "Phim được yêu thích nhất"?

Phim Việt cần được khuyến khích, tạo động lực phát triển nhưng giải thưởng dành riêng cho phim Việt sẽ phù hợp hơn nếu đó là liên hoan phim thuần túy trong nước.

Cốt lõi phải có phim Việt hay

Một thực tế không thể phủ nhận là trong các kỳ tổ chức HANIFF, phim Việt bao giờ cũng "có cửa" giải thưởng (thường là giải thưởng của Ban Giám khảo), cho dù chưa thực sự xuất sắc so với phim nước ngoài khác. "Trúng số" và "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"(phim đạt giải thưởng "Bông sen vàng" 2015) là hai phim Việt được lựa chọn để tranh giải tại HANIFF 2016.

HANIFF 2016 khép lại bằng một đêm trao giải ấn tượng và nhiều màu sắc.

Trong bối cảnh "so bó đũa, chọn cột cờ" hiện nay thì việc lựa chọn "Trúng số" và "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là hoàn toàn xứng đáng. Tuy nhiên, nếu đặt lên "bàn cân" để "đong đếm" với một số phim khác như "Remember - Hồi ức" (Đạo diễn Atom Egoyan, Canada), "Ordinary People - Gia đình" (Đạo diễn Eduardo Roy. Jr, Philippines), "One way trip - Ngày tươi đẹp" (Đạo diễn Yeong - yeol, Hàn Quốc) thì còn nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Nội dung mà phim nước ngoài khai thác là những vấn đề "nóng", mang tính thời đại và gây ám ảnh cho khán giả.

Ngay từ đầu, "Hồi ức" đã được đánh giá là một đối thủ "nặng ký" với đề tài "gai góc". Bộ phim kể về một nạn nhân sống sót sau chiến tranh thế giới thứ hai phát hiện ra tên lính Đức quốc xã đã giết chết toàn bộ gia đình cách đây 70 năm. Bất chấp những thử thách, nhân vật chính Zev quyết tâm tìm ra kẻ thù và tự mình đòi lại công lý.

"Gia đình" được đánh giá là phim "đậm đặc hơi thở cuộc sống" của những con người lang bạc ở Philippines. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của cặp vợ chồng vị thành niên trên đường phố, rơi vào vòng xoáy của bi kịch khi đứa con mới sinh bị đánh cắp.

"Ngày tươi đẹp" kể về câu chuyện bốn chàng trai trẻ khi trên đường chia tay cậu bạn sắp nhập ngũ, gặp phải biến cố trở thành nghi phạm trong vụ án. "Ngày tươi đẹp" đề cập đến "góc tối" trong mỗi con người, sự tham lam, ích kỷ và hiện thực xã hội có thể xô đẩy con người lương thiện tới sự dối trá, tội lỗi.

Đề tài mới lạ, cách tìm tòi thể hiện sáng tạo đã giúp ba bộ phim "nặng ký" trên gần như "phủ sóng" toàn bộ giải thưởng dành cho phim dài. "Hồi ức" với giải thưởng "Phim truyện dài xuất sắc" và "Nam diễn viên xuất sắc". "Gia đình" đạt giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc" và "Nữ diễn viên xuất sắc". "One way trip" được trao giải thưởng của Ban Giám khảo.

Vẫn biết, Liên hoan thì phải vui nhưng rõ ràng, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nếu như sự đánh giá, tôn vinh phim một cách chính xác, phải "chọn đúng mặt để gửi vàng". Chất lượng phim được vinh danh sẽ tạo nên uy tín, vị thế, danh tiếng cho liên hoan phim.

Một vấn đề hết sức quan trọng khác để tạo nên thương hiệu của HANIFF là phải có những bộ phim Việt hay, sâu sắc về nội dung tư tưởng, thông điệp nghệ thuật để "so găng" với các anh tài trong khu vực và trên thế giới. Điện ảnh Việt đang phát triển nóng, tăng nhanh về chất lượng nhưng lại thiếu phim có "tầm". Đây mới là cái gốc cần phải quan tâm của điện ảnh Việt và liên hoan phim cũng phải góp phần tìm đáp án cho bài toán "hóc búa" này.

Tường Phạm
.
.