Lễ hội Ná Nhèm
- Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2017 được tổ chức trong 3 ngày
- Đặc sắc lễ hội ăn "Tết Tây" trên thế giới
- Nhiều sự kiện lễ hội lớn vào năm 2017 ở Quảng Nam
- Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017
Tác phẩm được miêu tả chân thực đến từng chi tiết, tự nhiên như vốn có. Hơn nữa nó lại được bôi phẩm đỏ lòm. Thật kinh hãi! Bức tượng đang trong tư thế thượng phong hùng dũng. Nó cứ thế nghễu nghện đi giữa dòng người ồn ào tấp nập ngược xuôi. Bức tượng đi đến đâu lại được mọi người gái trai già trẻ hớn hở vui vẻ chào đón như một linh vật cầu phúc.
Điều này đã khiến cho chúng tôi dựng cả tóc gáy, nổi hết da gà. Chúng tôi lấy làm giật mình vì nó lạ lẫm quá, nhưng cũng có phần thích thú vì muốn tìm hiểu xem họ rước cái "của quý" kia nhằm mục đích gì. Nghe nói thì đã nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến bằng mắt.
Nghi lễ rước “Tàng thinh” ở lễ hội Ná Nhèm. |
Người Tày chúng tôi từ thuở khai thiên lập địa, chưa bao giờ thấy xuất hiện sự kiện như thế này. Từ già chí trẻ chúng tôi chưa bao giờ dám mở miệng nói thẳng, dám nghĩ thẳng về cái "của quý" người đàn ông và đàn bà.
Có lẽ, từ xa xưa, người Tày cũng như các dân tộc anh em khác, cha ông chúng tôi chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo một cách sâu sắc và toàn diện. Cả một đời người ai ai cũng phải sống theo khuôn thước lễ giáo như thế. Chưa kể đúng sai hay dở, nhưng xã hội người Tày xưa nay hầu như không có chuyện quan hệ ngoài luồng, ít phải đưa nhau ra tòa kiện cáo, đến chốn đông người không lo mất cắp, đàn bà con gái đi rừng một mình không lo cướp giật, hãm hiếp.
Trong chuyện tình cảm riêng tư giữa nam và nữ, thường được nghe câu cửa miệng mà các cụ dạy "Nam nữ thụ thụ bất tương thân". Hai chữ "thụ thụ" đồng âm nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau. Một chữ thụ có bộ thủ là trao cho, chuyển cho. Còn một chữ thụ là nhận lấy, cầm lấy, hấp thụ, hưởng thụ.
Và đặc biệt với pháp môn Đạo giáo, mức độ ảnh hưởng của nó còn sâu đậm hơn trong đời sống tinh thần xã hội người Tày. Ai cũng biết Lão Tử là cha đẻ của trước tác "Đạo đức kinh". Ông đã để lại trên cõi đời này một triết lý "vô vi" siêu phàm, hấp dẫn làm mê hoặc lòng người đến tận bây giờ.
Hễ động đến bất cứ việc gì lớn bé to nhỏ, các thầy mo thầy tào người Tày đều cung tỉnh Thái Thượng Lão Quân (tên tôn kính của Lão Tử) cấp cấp như luật lệnh, xuống trần chứng giám. Bất kể làm việc gì dù to nhỏ lớn bé đều bắt buộc thực hiện "Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo".
Có lẽ vì thế, quan niệm về tính dục càng phải thuận theo đạo. Đạo là đạo âm dương giao hòa sinh ra con người và vạn vật. Con người sinh ra là để nói lời chân, làm điều chân, cuối cùng làm chân nhân, nên càng phải khắt khe. Khắt khe đến mức biến nó trở thành tư tưởng cấm dục.
Xin hãy ngắm trang phục người phụ nữ Tày. Từ đầu đến chân chỉ một màu đen tím than, không có trang trí hoa văn. Người ta gọi là thuần màu chàm. Trang phục bằng vải bông tự dệt. Áo dài năm thân xẻ nách, có dải thắt lưng bằng vải chàm hay đũi buông chùng đằng sau, để mỗi khi bước đi tạo dáng được mềm mại. Khi chị em mặc bộ trang phục này, toàn thân "kín cổng cao tường".
Trang phục phụ nữ Tày không tạo đường cong như áo cóm người Thái. Không gợi phần ngực và eo thon như áo dài người Kinh. Nhìn thế cũng đủ biết, hoàn toàn không gợi dục trong con mắt người đời. Họ lấy trạng thái kín đáo làm an toàn đầu bảng cho cơ thể người phụ nữ.
Trong quan hệ trai gái, người Tày không thông thoáng như các dân tộc khác. Nhất là các tộc người ở bên châu Âu, châu Phi… người ta tự do trong quan hệ tình dục. Bình thường như trong cuộc sống, đói thì ăn, khát thì uống, thích thì yêu. Người anh em dân tộc Thái ở Tây Bắc còn có tục chọc sàn nhà nào có con gái. Tục ngủ thăm của người Dao, người Mường. Họ cũng cho rằng việc nam nữ chung đụng giường chiếu hết sức thoáng.
Nhưng với người đàn ông Tày muốn trao gửi tình cảm cùng người đàn bà, họ không được phép tiếp xúc bằng tay, kể cả vợ chồng. Da thịt chạm da thịt là điều tối kị. Bởi theo các cụ, làm như thế ắt nó sẽ gợi dục. Hãy luôn nhớ câu cửa miệng người già treo lơ lửng trước mặt, làm phương châm ứng xử. Người cho và người nhận đều phải qua một khâu trung gian.
Ví dụ như đặt bông hoa lên khăn mùi soa đem tặng người yêu, đặt chùm quả trong lòng chiếc nón đem dâng người thương, bưng khay nước lên ngang trán mời chồng v.v…. ai muốn thì tự tay mình đón lấy những thứ trong khăn trong khay. Nghĩa là việc ngăn cấm tiếp xúc bằng da thịt giữa người nam và người nữ đã trở thành một thứ luật lệ không văn bản.
Rước thần linh ở lễ hội Ná Nhèm. |
Nhớ cái thời Mạnh Tử từng kể cho học trò rằng khi em chồng nhìn thấy chị dâu của mình sắp chìm nghỉm mà không dám kéo lên, sợ mang tiếng "thụ thụ". Ngay cả việc sinh hoạt vợ chồng cũng không tự nhiên thoải mái như các dân tộc khác.
Sau ngày cưới, đêm đêm chồng vẫn nằm một buồng; vợ nằm một buồng. Mỗi người mỗi giường chỉ cách nhau tấm liếp. Khi nào phát sinh có nhu cầu làm tình, cả anh lẫn ả cần phải nén lòng, chờ cho mọi người trong nhà ngủ say tít mít, rồi mới dùng ngón tay ám hiệu qua tấm liếp, rồi mới rón rén lẻn sang buồng vợ làm chuyện ấy.
Xong xuôi, vợ chồng nhà kia phải vội vàng xóa hết mọi dấu vết, làm như đêm qua không hề có chuyện ấy. Nếu cái điều sung sướng này mà vỡ lở, thì ngay trong hôm ý "cơm không ngọt canh không lành". Chuyện trong nhà cứ thế lừng lững toang hoác xuống cầu thang bước ra ngoài ngõ. Người làng người xã sẽ kháo nhau rằng vợ chồng nhà kia sao mà "máu" thế.
Mới cưới còn chưa hả hết rượu mà đã vồ vập. Chúng mày không nhịn được a. Đêm qua chúng mày nhảy chồm chồm như bò đực. Người mà nhảy như bò là sao... Mỗi người cho tý dấm tý mẻ trở thành câu chuyện đực cái rùm beng.
Ngày trước mẹ tôi còn tại thế, bà thường dạy con cái cháu chắt trong nhà rằng: "Bao giờ nhà người ta nộp đủ mười lợn chín thịt thì mới được đụng đến gấu áo nghe chưa". Nghĩa là dù rằng chúng mày đã tổ chức xong đám cưới; rằng vợ chồng chúng mày đã hợp thức hóa, được pháp luật thừa nhận, đã có con dấu Ủy ban đóng cộp lên tờ kết hôn; rằng chúng mày đã là "sổ đỏ" của nhau rồi… nhưng tay anh chồng chỉ mới được đụng đến vòng ngoài người vợ.
Còn xa xăm lăm lắm tay anh chồng mới được chạm đến thiên đường ân ái. Chuyện này còn kéo dài cho đến tận bây giờ, ở thế kỉ 21 này, ở những vùng xa vùng sâu, nơi cách phố huyện đến nửa ngày đường đi bộ, vẫn còn tiếp diễn cảnh bi ai khổ cực như thế này.
Nhìn sang anh em người Kinh dưới xuôi, họ có lễ hội Trò trám hay Tình phộc ở Phú Thọ. Đây là lễ hội phồn thực có từ xa xưa. Lễ hội Nõ nường ở Hà Tĩnh. Đặc biệt có hình nam nữ đang giao cấu trên thạp đồng Đào Thịnh.
Ngay cả những hình tượng tưởng chừng rất xa xôi như chùa Một Cột (dương) trong cái hồ vuông (âm), tháp Bút (dương) và đài Nghiên (âm) ở cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn (tượng trưng cho sao Khuê) soi mình xuống hồ vuông (âm) Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu v.v..., cũng đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực..
Người Chăm có tục thờ sinh thực khí nam và nữ. Đồng bào Tây Nguyên có tượng nhà mồ miêu tả trực diện các bộ phận sinh dục nam và nữ đang thực hiện hành vi giao cấu.
Nhưng ngày nay không ai bảo ai, vợ chồng nằm chung giường không còn là chuyện hiếm. Nhất là những cặp vợ chồng thoát ly sinh sống tại các thành phố, thị xã. Vậy cái chuyện rước "của quý" tại lễ hội Nà Nhèm là một việc làm bình thường, nhằm tôn vinh sinh trưởng con người trong cõi đời này.