Làng Vũ Đại không còn Chí Phèo

Thứ Sáu, 08/01/2021, 11:12
Bộ phim “Cậu Vàng” công chiếu vào dịp đầu năm 2021, được xem như phần hai của bộ phim nổi tiếng một thời “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Thế nhưng, “Cậu Vàng” không còn nhân vật Chí Phèo uống rượu say chửi văng mạng nữa, mà tập trung vào lão Hạc nghèo khó tội nghiệp cùng con chó nhỏ thân thương hơn cả một người bạn tâm tình!


Bộ phim “Cậu Vàng” được thực hiện theo di nguyện của NSND Bùi Cường (1947-2018). Năm 1982, ở tuổi 35, diễn viên Bùi Cường đã có được vai Chí Phèo trong bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” và thành danh trong đời sống nghệ thuật. 

Đối với NSND Bùi Cường, đó không chỉ là món quà danh vọng mà là cái lộc nghề nghiệp, nên người được nhận không có động thái đáp đền cụ thể. Sau khi làm đạo diễn hơn 80 bộ phim truyền hình, NSND Bùi Cường quyết định quay lại với bối cảnh làng Đại Hoàng, nơi nhà văn Nam Cao (1915-1951) đã viết ra những tác phẩm lay động tâm can độc giả nhiều thế hệ. 

Đạo diễn Bùi Cường muốn kể tiếp câu chuyện của “Làng Vũ Đại ngày ấy” bằng suy tư của mình. Kịch bản được NSND Bùi Cường chăm chút khá kỹ lưỡng, có tên gọi “Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc”. Khi đã lên kế hoạch dàn dựng và tìm được đối tác đầu tư thì đạo diễn Bùi Cường đột ngột qua đời. “Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc” bỗng dưng trở thành ước mơ cuối cùng của người từng đóng vai Chí Phèo.

Nghệ sĩ Viết Liên và Cậu Vàng trong phim.

Cũng may, NSND Bùi Cường có một người con rể là đạo diễn Trần Vũ Thủy. Đã từng cùng nhạc phụ làm các bộ phim “Tổ ấm gió lùa”, “Gia tộc dậy sóng”, “Những đóa quân tử lan”, “Bản năng nguy hiểm”, “Khu vườn bí ẩn”, “Không thể gục ngã”, “Ý chí độc lập”… nên đạo diễn Trần Vũ Thủy không muốn dang dở “Bữa cơm cuối cùng của lão Hạc”. Chỉnh sửa kịch bản của cha vợ quá cố, đạo diễn Trần Vũ Thủy đổi tên bộ phim thành “Cậu Vàng” và khởi động bấm máy tại Ninh Bình vào cuối năm 2019.

Bộ phim “Cậu Vàng” dĩ nhiên dựa trên nền tảng truyện ngắn “Lão Hạc”, nhưng nhân vật chính không phải cụ ông được nhà văn Nam Cao ghi chú “một người đã khóc vì trót lừa một con chó” mà chính là đối tượng bị “lừa” kia. 

Ý nghĩa của “Cậu Vàng” được giải thích trong nguyên tác “lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự. Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm. Lão cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu. Lão ăn gì lão cũng chia cho nó cùng ăn”. Vì vậy, bộ phim “Cậu Vàng” là tác phẩm điện ảnh đầu tiên của Việt Nam lấy con chó làm đối tượng thẩm mỹ chủ chốt. 

Nhiều nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới đã làm phim về con chó như “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Cuộc đời phi thường của chú chó Enzo” hoặc “Đường về nhà của cún con”, nhưng ở nước ta thì đây vẫn là đề tài đầy thử thách.

Làm sao tìm được một con chó cho vai Cậu Vàng sinh động đủ sức thuyết phục công chúng? Đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết: “Ban đầu tôi và ê-kíp cũng quyết tâm chọn các giống chó thuần Việt để huấn luyện vào vai Cậu Vàng cho phù hợp với phim. Tuy nhiên, sau quá trình huấn luyện, tất cả các con chó ấy đều không đáp ứng được nhiều đòi hỏi diễn xuất khó của vai Cậu Vàng nên đành tìm theo hướng khác. 

May mắn, đoàn làm phim tìm được chú chó vàng dòng Shiba của Nhật có thể thỏa mãn các yêu cầu như chó đực, thông minh, phản ứng nhanh nhẹn, thân thiện... đồng thời vượt qua nhiều bài kiểm tra khắt khe cho thấy nó có khả năng đáp ứng rất tốt nhiệm vụ của vai diễn. Đặc biệt ánh mắt của chú chó như biết nói, nó thể hiện được cái tinh thần mà tôi muốn truyền tải. Khi lên màn ảnh, con vật được tạo hình để giống chó Việt hơn, mang lại cảm giác gần gũi hơn với khán giả Việt”.

Bộ phim “Cậu Vàng” kể tiếp “Chuyện làng Vũ Đại ngày ấy”.

Bộ phim “Cậu Vàng” khởi chiếu ngày 8/1/2021. Ngoài chú chó Shiba xuất hiện trong những cảnh quay rất đẹp, bộ phim “Cậu Vàng” còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ quen thuộc như Hữu Châu (vai Bá Kiến), Chiều Xuân (vai vợ cả của Bá Kiến), Khánh Huyền (vai vợ hai của Bá Kiến), Băng Di (vai vợ ba của Bá Kiến), Will (vai Lý Cường, con trai của Bá Kiến), Trần Lê Nam (vai ông giáo Thứ), Thanh Bình (vai Lê Văn)... 

Diễn viên Viết Liên, người vào vai lão Hạc, tâm sự: “Vì làm quen thân với chú chó trước đó nên khi bước vào trường quay chính thức, tôi không hề bị Cậu Vàng làm phân tâm và lo lắng nữa. Chúng tôi diễn mà như không diễn, bởi chúng tôi đã quen thân với nhau. Chú chó dễ dàng làm theo ý tôi, và chú ấy thoải mái khi diễn cùng với tôi. Tôi nghĩ khi lên phim, chú chó chắc chắn sẽ khiến khán giả thích thú bởi khả năng diễn xuất và sự đáng yêu, dễ thương của nó. 

Khi tôi cầm kịch bản “Cậu Vàng”, tôi thấy diễn biến tâm lý và mối quan hệ của lão Hạc trong phiên bản này đa chiều hơn, tương tác mạnh hơn với các nhân vật khác để tạo hiệu ứng. Nói thật, tôi chỉ biết làm hết sức mình để có thể khắc họa một Lão Hạc để khán giả thấy đây là một đại diện cho tầng lớp nông dân. Ngoài ra, điều tôi rất thích trong kịch bản này là những nhân vật đều không bị bi kịch hoá, họ biết phản kháng để đấu tranh giành cuộc sống tươi đẹp”.

Bộ phim “Cậu Vàng” được xem như phần hai của bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” nên áp lực lớn nhất chính là sự so sánh của công chúng. Bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” được nhà văn Đoàn Lê (1943-2017) xử lý kịch bản bằng cách kết hợp 3 tác phẩm tiêu biểu “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc”, và đạo diễn Phạm Văn Khoa (1914-1992) đã xây dựng một không gian điện ảnh đậm đặc phong vị nông thôn Bắc bộ. 

Ngoài vai Chí Phèo do NSND Bùi Cường thể hiện thì bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” cũng có được những nhân vật ấn tượng như vai Thị Nở do Đức Lưu đóng, vai lão Hạc do nhà văn Kim Lân đóng, vai ông giáo Thứ do Hữu Mười đóng…

Xin được nhắc thêm, năm 1982 bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” ra đời là năm bội thu trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Năm ấy, có hàng loạt bộ phim xuất sắc như “Về nơi gió cát” của đạo diễn Huy Thành, “Vùng gió xoáy” của đạo diễn Hồng Sến, “Đứa con nuôi vị giám mục” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, “Thị xã trong tầm tay” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, “Vụ án viên đạn lạc” của đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc, “Pho tượng” của đạo diễn Lê Dân, “Miền đất không cô đơn” của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi… Thế nhưng, bộ phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” vẫn bật lên như một hiện tượng và để lại dấu ấn đến tận hôm nay. 

Khoảng cách 40 năm giữa hai bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" và "Cậu Vàng" cũng là một sự đối chiếu góc nhìn nhân gian thú vị cho vùng đất đã sinh ra nhà văn Nam Cao và cho dòng chảy nghệ thuật thứ bảy nước ta. 

Đạo diễn Trần Vũ Thuỷ thẳng thắn: “Tôi mong bộ phim không chỉ truyền tải được màu sắc và không khí của tác phẩm “Lão Hạc” của cố nhà văn Nam Cao, nêu bật được kịch bản tâm huyết của cha mình, mà còn có thêm những yếu tố hiện đại tiếp cận được xu hướng của giới trẻ. Tôi không đòi hỏi quá cao siêu, tôi chỉ mong được góp sức lan truyền những điều tốt đẹp, những giá trị văn học đến nhiều đối tượng khán giả hơn. Thế nên, tôi tin cách kể truyện mới sẽ phần nào tạo ra hương vị lạ nhưng vừa miệng của đại đa số người xem”.

Gia Quan
.
.