Làn sóng nhạc Hoa lời Việt “gây bão” trên mạng xã hội

Thứ Sáu, 11/06/2021, 14:27
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt xuất hiện và “gây bão” trong cộng đồng mạng. Nhiều người khẳng định rằng, trào lưu ca nhạc từng xuất hiện cách đây hai chục năm đã thực sự quay trở lại. Liệu đây có phải là tín hiệu vui với thị trường âm nhạc vốn đang khan hiếm những ca khúc hay và có sự bứt phá mạnh mẽ?


Hàng loạt ca khúc triệu view

Ca khúc nhạc Hoa lời Việt đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội thời điểm này phải nhắc đến “Chỉ là không cùng nhau” của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi. “Chỉ là không cùng nhau” được hai ca sĩ trẻ biểu diễn trong minishow “Mây In The Nest” của Tăng Phúc tổ chức vào cuối tháng 3-2021 tại Đà Lạt. Ca khúc gốc của tác phẩm này là “Thời không sai lệch” của Ngải Thần từng rất được yêu thích tại thị trường âm nhạc Hoa ngữ đầu năm nay.

Các ca sĩ trình bày ca khúc “Biệt khúc chờ nhau” trong chương trình “Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân”.

Hồi đầu tháng 4, ca khúc này đã leo lên vị trí số 1 tab trending YouTube, vượt qua cả những ca khúc rất được yêu thích vào thời điểm đó như “Cho mình em” của Đen Vâu – Binz hay “Sài gòn đau lòng quá” của Hứa Kim Tuyền và Hoàng Duyên. Hiện nay, trên YouTube phần trình diễn ca khúc “Chỉ là không cùng nhau” của Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi đã thu hút hơn 62 triệu lượt xem – một con số thực sự ấn tượng.

“Chỉ là không cùng nhau” cũng nằm trong top 10 ca khúc Vpop được nghe nhiều nhất trong quý I năm 2021 trên bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến Zing MP3. Đáng chú ý là trong danh sách top 10 này, ngoài “Chỉ là không cùng nhau” còn có “Cô độc vương” của Thiên Tú với 55 triệu lượt nghe sau một tháng phát hành trên Zing MP3 và “Chỉ muốn bên em lúc này” của Huy Vạc và JikiX thu hút 36 triệu lượt nghe sau hai tháng ra mắt.

Một trong những chương trình ca nhạc gây được tiếng vang trong giới trẻ thời gian gần đây là “Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân” (phát sóng đầu năm 2021 trên HTV7 – Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh). Trong tập 8 với chủ đề nhạc phim, dàn ca sĩ tài năng của chương trình gồm Văn Mai Hương, Hòa Minzy, Bùi Công Nam và Anh Tú đã gây ấn tượng mạnh với khán giả khi thể hiện thành công ca khúc nhạc Hoa lời Việt “Biệt khúc chờ nhau” (nhạc phim Tân dòng sông ly biệt). Các ca sĩ đã thể hiện ca khúc bằng tiếng Việt và tiếng Trung trong sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả có mặt tại sân khấu ngoài trời. Ngay sau khi phát sóng, tiết mục đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Hiện trên YouTube, phần trích đoạn trình diễn ca khúc này đã thu hút hơn 13 triệu lượt xem.

Một số ca sĩ trẻ như Juky San, Hương Ly, Quang Đăng… đã lựa chọn hát nhạc Hoa lời Việt như một cách để tiếp cận nhanh hơn với khán giả. Đáng chú ý như dự án “Thanh Xuân nhất tiếu” của Juky San ra mắt năm 2020, gồm những ca khúc cover nhạc phim Hoa ngữ với bản phối hoàn toàn mới. Dự án âm nhạc của Juky San nhận được sự ủng hộ của nhiều khán giả. Bản cover ca khúc “Thiên hạ hữu tình nhân” (nhạc phim Thần Điêu Đại Hiệp) của Juky San hiện có 21 triệu lượt xem trên YouTube, “Tình sâu đậm, mưa mịt mù” (nhạc phim Tân dòng sông ly biệt) với hơn 2 triệu lượt xem, “Tiêu dao tuyệt nhất” (nhạc phim Như ý cát tường) cũng thu hút hơn 2 triệu lượt xem.

Hãy học hỏi và suy ngẫm…

Câu hỏi đầu tiên cần phải lý giải là vì sao những ca khúc nhạc Hoa lời Việt lại có thể gây ấn tượng mạnh với khán giả như vậy. Có thể thấy rằng, hầu hết những tác phẩm được chọn để viết lời Việt là những bản hit triệu view đã “gây bão” tại Trung Quốc hoặc là nhạc phim. Nhạc phim cũng là thế mạnh, góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của các bộ phim dài tập Trung Quốc. Không ít khán giả Việt, nhất là khán giả trẻ mê đắm dòng phim cổ trang Trung Quốc. Họ theo dõi những bộ phim mới nhất được phát sóng trực tuyến trên mạng internet và luôn cập nhật những ca khúc, trào lưu hot trong phim Trung Quốc.

Thế mạnh của những ca khúc nhạc Hoa là giai điệu trầm bổng, du dương, lời ca khúc sâu sắc. Khi nghe nhạc Trung, ngay cả khi không hiểu phần lời, khán giả vẫn cảm nhận được vẻ đẹp từ giai điệu của ca khúc. Chính vì vậy, tâm lý của khán giả là rất muốn được lắng nghe ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Bên cạnh đó, sự “hậu thuẫn” của internet, đặc biệt là mạng xã hội đã giúp những bản nhạc Hoa lời Việt có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Nhìn lại dòng chảy âm nhạc Việt, có thể thấy rằng, đây không phải lần đầu tiên, ca khúc nhạc Hoa lời Việt “gây bão” thị trường âm nhạc. Những năm 90 của thế kỷ trước, trào lưu ca khúc nhạc Hoa lời Việt ra đời, gắn liều với tên tuổi của rất nhiều ca sĩ. Giờ đây, trong tiềm thức của nhiều bạn trẻ thế hệ 7X, 8X, những ca khúc đó được coi là “ca khúc thanh xuân”. Theo thời gian, ca khúc nhạc Hoa lời Việt không còn thịnh nữa mà thay vào đó là nhiều xu hướng âm nhạc mới. Tuy nhiên, dòng chảy ca khúc này vẫn âm ỉ, len lỏi đâu đó trong thị trường âm nhạc chứ không hoàn toàn “biến mất”.

Câu hỏi thứ hai đặt ra là sự trở lại của làn sóng ca khúc nhạc Hoa lời Việt cho thấy điều gì? Nhiều người cho rằng, điều này cho thấy sự “thất thế” của nhạc Việt, sự hạn chế trong sáng tạo của nhạc sĩ Việt nên phải “vay mượn” âm nhạc của người khác. Nhạc Việt đang rơi vào vòng luẩn quẩn của chính mình khi trở lại xu hướng âm nhạc của vài chục năm trước… Nhận định này có lẽ là phiến diện bởi trào lưu âm nhạc nhất thời không thể đại diện cho một thị trường âm nhạc đang phát triển.

 Tôi cho rằng, nhiều ca khúc nhạc Hoa, lời Việt được khán giả đón nhận cho thấy, có “sợi dây” gắn kết chung giữa nhiều thế hệ khán giả Việt. Những ca khúc có giai điệu đẹp, đi vào lòng người, ca từ sâu sắc sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng khán giả. Đây cũng là “công thức kinh điển” tạo nên sức sống lâu bền cho ca khúc. Không phải vô tình mà “Biệt khúc chờ nhau” – ca khúc của bộ phim “Tân dòng sông ly biệt” ra đời cách đây rất lâu mà vẫn được khán giả trẻ yêu mến.

Tăng Phúc và Trương Thảo Nhi trình diễn ca khúc “Chỉ là không cùng nhau” trong minishow “Mây In The Nest” cuối tháng 3/2021.

Câu hỏi thứ ba cũng cần phải lý giải là sự trở lại của làn sóng nhạc Hoa lời Việt có nên hay không?. Một số nhạc sĩ đã lên tiếng lo ngại rằng, nhạc Việt sẽ mất dần đi tính sáng tạo và nhạc Việt sẽ không còn là nhạc Việt nữa. Với nhạc sĩ, tình trạng “vay mượn” ca khúc nước ngoài sẽ khiến chính bản thân họ trở nên “nghèo nàn” hơn.

Tôi cho rằng, âm nhạc, cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội luôn vận động, biến đổi không ngừng. Sự trở lại của những ca khúc nhạc Hoa, lời Việt là xu thế tất yếu khi cái mới, cái cũ luôn đan xen, song hành tồn tại. Sự trở lại một trào lưu, xu hướng nào đó trong quá khứ cũng nằm trong sự vận động, phát triển chung của các sự vật, hiện tượng.

Trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay, âm nhạc Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu âm nhạc từ nước ngoài và ngược lại. Thực tế cho thấy, không ít ca sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc hay các ca sĩ trong khu vực Đông Nam Á cover ca khúc của ca sĩ Việt và trở nên nổi tiếng hơn. Việc ca sĩ Việt cover ca khúc nước ngoài hay viết lời Việt cho ca khúc nước ngoài cũng là hiện tượng hết sức bình thường trong bối cảnh giao lưu văn hóa, khi internet và mạng xã hội đang tạo ra một thế giới phẳng, ngay cả trong âm nhạc.

Bên cạnh đó, sự biến chuyển nhanh của đời sống xã hội cũng như thị trường âm nhạc không dễ để tạo ra điều gì đó mang tính cố định hay có sự ảnh hưởng lâu dài. Tôi cho rằng, sự xuất hiện của các ca khúc nhạc Hoa, lời Việt chỉ là trào lưu nhất thời như nhiều trào lưu âm nhạc khác đã xuất hiện. Trào lưu này rồi sẽ lắng xuống và tồn tại song hành với những trào lưu khác. Thay vì lo ngại và chỉ trích, hãy học hỏi và suy ngẫm để lý giải, tại sao những ca khúc ấy lại có sức sống lâu bền và có sức hút qua nhiều thế hệ như vậy?

Tường Phạm
.
.