Làm phim hình sự là một thử thách
Sau seri phim Cảnh sát hình sự: "Bí mật những cuộc đời", "Chạy án" (phần I và II), "Kẻ giấu mặt"... đạo diễn Vũ Hồng Sơn không còn làm phim chính luận mà chuyển qua làm phim thị trường, một "món ăn" thông dụng hơn với đại đa số khán giả. Sau những bộ phim dài tập thu hút khán giả trước đó như: "Đội đặc nhiệm nhà C21", "Những ngọn nến trong đêm", "Làng Thanh mở phố", "Ngôi sao xanh nhấp nháy", "Người đàn bà thứ hai", "Tin vào điều không thể"... sắp tới đây đạo diễn Vũ Hồng Sơn sẽ cho ra mắt khán giả bộ phim truyền hình dài 80 tập "Cầu vồng tình yêu"- bộ phim anh dành hơn 1 năm trời hoàn thiện và hứa hẹn sẽ cống hiến cho khán giả những giây phút trải nghiệm có ý nghĩa.
- Thưa đạo diễn Vũ Hồng Sơn, đã khá lâu rồi, sau sự thành công của những tập phim Cảnh sát hình sự, anh không còn trở lại với đề tài phim chính luận nữa mà tập trung làm phim về giới trẻ và đời sống hiện đại. Điều này là vì anh khó có thể vượt qua được chính mình với hai phần phim "Chạy án", hay còn bởi những lý do nào khác, thưa đạo diễn?
+ Như bạn biết, sau "Chạy án" tôi đã làm "Kẻ giấu mặt" và từ đó tới nay, tôi chưa làm thêm bộ phim hình sự nào nữa. Thực ra, không phải mình "hết vốn", càng không phải mình hết đam mê mà là vì cần thiết phải dừng lại một thời gian để "lấy sức" và nhường "sân" cho anh em đạo diễn trẻ. Thực tình khi làm phim hình sự, nếu có một kịch bản hay và một ê kíp chuyên nghiệp thì việc thành công là trong tầm tay. Nhưng ngược lại, nó cũng dễ đi vào đường mòn (vì cùng một kiểu kết cấu phim), nếu không tạo được tình tiết gay cấn, không có những diễn viên giỏi thì sẽ khó giữ chân khán giả. Tôi vẫn đang chờ đợi một kịch bản hay và chắc chắn, tôi sẽ trở lại với đề tài mà tôi từng gắn bó này.
Một cảnh trong phim "Chạy án" (I). |
- Nhiều người xem phim Cảnh sát hình sự thường than vãn rằng, phim hình sự của chúng ta khá đơn điệu, thậm chí là thiếu tính chuyên nghiệp, các diễn viên trẻ có ngoại hình bắt mắt nhưng diễn lại không đủ sự mặn mà… Điều này khiến cho khán giả đang ngày càng rời xa nó. Anh nghĩ thế nào về điều này?
+ Tôi cũng có xem một vài seri phim hình sự của những đạo diễn trẻ làm trong thời gian qua. Không phải họ không có tài, càng không thiếu lòng nhiệt huyết vì hầu hết những êkip gần đây đều chuyên sâu vào đề tài của giới trẻ. Nhưng có nhiều lý do khiến phim hình sự nói riêng và hầu hết các phim dài tập của Việt Nam nói chung bị nhiều khán giả "kêu ca" là vì kết cấu phim khá rời rạc, chậm, ít tình huống gay cấn, những diễn viên trẻ nhập vai chưa thật sâu, nhân vật vào vai chiến sĩ Công an cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa thể hiện được cái khí chất của họ… Những chiến sĩ An ninh họ có sự thông minh, lạc quan nhưng bên cạnh đó, những gian khổ, hy sinh mà họ gặp phải để chiến đấu chống lại cái ác thì không phải ai cũng thấu hiểu. Người diễn viên "diễn" nhưng phải nhập cuộc thì "diễn" mới ra được. Bởi vậy, để xây dựng được hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân cần sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Bản thân tôi cho rằng, tìm được một kịch bản hay là điều quan trọng nhất. Từ kịch bản, đạo diễn sẽ biết cách phải làm thế nào để biến các nhân vật của mình, câu chuyện của mình trở thành những con người bằng xương bằng thịt đang đi lại, sống với chính câu chuyện mà kịch bản đưa ra… Một trong những lý do nữa là hiện nay, khán giả có quá nhiều lựa chọn để xem, thường thì những phim thị trường vẫn được chú ý hơn… Đấy là chưa kể, để có một bộ phim hay, cần đến sự chăm chút của người đạo diễn trong quá trình làm phim, nếu chạy theo tiến độ, diễn viên chưa kịp thuộc lời thoại thì làm sao người ta diễn có hồn được. Những điều đó dẫn đến nhiều… sạn trong phim truyền hình dài tập hiện nay là điều không thể tránh khỏi.
- Cũng đã khá lâu rồi, kể từ ngày "Chạy án" là tâm điểm của sự chú ý trên sóng truyền hình với các giải thưởng như Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Truyền hình, Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh, Giải đặc biệt Liên hoan phim quốc tế Tokyo (2008), nhưng dường như những dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong lòng khán giả. Bản thân anh, bây giờ nhìn lại những ngày "vang bóng" ấy, anh cảm thấy thế nào?
+ Tôi thấy mình may mắn vì tìm được kịch bản hay. Tác giả Nguyễn Như Phong là một nhà văn và là một người từng gắn bó với ngành Công an nên anh viết có nghề, hấp dẫn. Phim của tôi cũng may mắn ra đời đúng thời điểm chưa nhiều nhà làm phim nói về mô tuýp "chân dài - đại gia" nên khán giả khá tò mò, dù việc này trước đó đã được báo chí khai thác khá nhiều. Cộng với tất cả những gì chúng tôi có là sự hăng say, sự nhiệt tình giúp đỡ của nhiều Cảnh sát cơ động. Tôi còn nhớ, có những cảnh giữa tiết trời tháng năm nắng như đổ lửa, họ phải mặc quần áo dày mấy lớp, phải đu dây hàng chục mét từ trên cao, mà cảnh phải quay nhiều đúp, giữa mỗi chặng nghỉ, các chiến sĩ Công an cũng như chúng tôi phải cởi áo vắt bớt mồ hôi cho đỡ nặng rồi lại tiếp tục diễn… Không ít lần các anh còn lắc đầu bảo rằng: "Đóng phim còn khổ hơn là đi… phá án!".
- Đạo diễn Vũ Hồng Sơn nổi tiếng không chỉ với phim về đề tài hình sự mà anh còn làm nhiều phim cho giới trẻ cũng như thiếu nhi: "Những ngọn nến trong đêm", "Nhà có nhiều cửa sổ", "Người đàn bà thứ hai", "Tin vào điều không thể", "Ranh giới" "Đội đặc nhiệm nhà C21"… Trong danh sách ấy, anh tâm đắc với bộ phim nào?
+ Nói ra thì có người cho là tôi hơi… diễn, nhưng quả thật, có những bộ phim do chính mình làm đạo diễn mà thuộc cả lời thoại của từng nhân vật và đến khi xem lại vẫn có thể khóc cùng nhân vật hoặc cười lên khoái chí. Chẳng hạn phim về đề tài thiếu nhi như "Ranh giới" (phim đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2001 của Hội Điện ảnh Việt Nam), bộ phim tôi lấy từ câu chuyện có thật của bé gái học giỏi bị tai nạn ôtô trên đường Láng - Hòa Lạc đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới lúc bấy giờ vì chưa tìm ra thủ phạm. Tất nhiên, bộ phim của tôi không cố lý giải việc vì sao tai nạn hay đi tìm thủ phạm mà thông qua bộ phim, tôi muốn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với toàn xã hội trước những thảm họa có thể xảy đến với bất kỳ gia đình nào. Bộ phim "Đội đặc nhiệm nhà C21" cũng là một phim tôi tâm đắc và dù đã 15 năm qua rồi nhưng đến giờ phim thỉnh thoảng vẫn được phát sóng. Làm phim với trẻ con có cái khó là các em thích thì làm mà không thích thì thôi. Không ép được, càng ép chỉ càng hỏng việc, có lúc diễn căng quá phải dỗ dành, rủ các em đi ăn kem, rủ đi bơi, sau đó lại tiếp tục về… quay tiếp. Tôi thấy, điều đặc biệt khi làm cho trẻ em là các em có thể diễn hỏng nhưng quay phim không được phép quay hỏng, bởi vì các em chỉ có thể diễn tốt ở một thời điểm nào đó. Bởi thế mới có chuyện là người quay phim của "Đội đặc nhiệm nhà C21" đang bị ốm sốt 39-40 độ vẫn phải ra trường quay mà nhất định không để cho phụ quay cầm máy, bởi vì có thể chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ phim.
- Anh từng là một phóng viên chiến trường chuyển qua làm điện ảnh và thành công không phải là điều dễ dàng trong thời buổi cơ chế thị trường như hiện nay. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình về công việc làm phim?
- Tôi quê ở Đà Nẵng. Khi bố mẹ tôi tập kết ra Bắc rồi trở về quê nhưng tôi quyết định ở lại Hà Nội để lập nghiệp. Trước khi trở thành đạo diễn phim truyền hình, tôi là một phóng viên âm thanh ở chiến trường, rồi về làm việc tại Xưởng phim Quân đội. Một thời gian sau, tôi chuyển sang Trung tâm nghe nhìn Đài Truyền hình Việt Nam (nay là Hãng phim truyền hình Việt Nam). Tôi thuộc đội ngũ những người đầu tiên ở Hãng phim đi lên từ những phóng sự tài liệu. Năm 1995, tôi cùng nhà làm phim Lê Mạnh Thích đi làm một bộ phim tài liệu về "O du kích nhỏ" và năm đó, phóng sự “Những người đi tìm huyền thoại” của tôi đã được giải đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Brussels (Bỉ). Sau đó, tôi theo học chuyên ngành đạo diễn và chuyển sang làm phim truyện cho tới nay. Theo tôi nghĩ, làm phim cho hàng vạn người xem càng phải dành nhiều sự dụng công, kỹ lưỡng và tâm huyết của mình mới mong thành công được.
- Xin cảm ơn đạo diễn Vũ Hồng Sơn!